Những bài học từ thông điệp thành phố vị nhân sinh của giáo sư Jan Gehl

Chủ nhật, 02 Tháng 6 2019 13:17 Ashui.com
In

Đô thị hậu hiện đại đang tìm trở về với những giá trị cơ bản của con người và xã hội sau một thời gian chạy theo dòng xoáy của cuộc cách mạng về đại quy mô công nghiệp với xe hơi, nhà chọc trời, và phân cực về cuộc sống đô thị. Chúng ta có thể học gì để các đô thị biến đổi theo hướng lành mạnh, bền vững, và thịnh vượng hơn?

Đô thị vị nhân sinh

Xây dựng thành phố cho "loài" người. Thông điệp đầu tiên và mạnh mẽ nhất của Giáo sư Jan Gehl về xây dựng thành phố cho con người là xây thành phố phù hợp với "loài" người. Loài người có những điểm chung về điều kiện thể chất như chiều cao, tầm mắt, khả năng di chuyển, nhu cầu về chỗ ở, đặc điểm sinh lý, tình cảm… Môi trường sống ở đô thị chỉ bền vững khi được tổ chức phù hợp với đặc điểm của loài như khả năng quan sát ở cự ly gần, khả năng đi lại vận tốc vừa phải, và khả năng giao tiếp ở khoảng cách phù hợp. Bên cạnh đó, loài người cần phải vận động thể chất để đảm bảo sức khỏe, cần không gian nghỉ ngơi riêng tư nhưng cũng cần giao tiếp cộng đồng… Dù có sự khác biệt về văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật, hay khí hậu thì thành phố chỉ sống tốt khi được xây dựng theo khả năng thể chất, đặc điểm tâm lý, nhu cầu mang tính tự nhiên của ‘loài’ người.

Trào lưu hiện đại hóa và lạm dụng xe hơi làm "hỏng" các thành phố. Việc cư dân trẻ đang có xu hướng từ bỏ xe hơi ở Châu Âu và gần đây và Hoa Kỳ cho thấy những bất cập của xây dựng đô thị trên nền tảng xe hơi. Nền đại công nghiệp cơ khí thổi bùng kỷ nguyên xe hơi trong suốt thế kỷ XX là quá đủ để phương Tây nhận ra họ mất những gì khi ‘xe hơi’ trở thành ‘chủ nhân’ của nhiều thành phố. Không gian bị thu hẹp để đậu xe và mở thêm làn đường; người dân co lại trong giao tiếp vì phải di chuyển xa hơn, thậm chí phải cố thủ trong các ốc đảo biệt lập. Nhà phải xây cao tầng hơn để dành nhiều đường hơn và ‘siêu xe’ chạy nhanh hơn để lại di chứng về suy giảm sức khỏe cộng đồng do lười vận động thể chất, làm hỏng sự gắn kết xã hội do chủ nghĩa biệt lập về nơi ở người giàu và nghèo, và làm hỏng sự bền vững vì tiêu tốn nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường.

Thành phố vì con người trước hết là duy trì sức sống của không gian giữa các tòa nhà. Chất lượng cuộc sống ở đô thị định hình qua cách chúng ta xây dựng và đi lại và xe hơi và nhà cao tầng đã thúc đẩy cuộc sống theo cách biệt lập hơn. Những nỗ lực hạn chế xe hơi chịu phản ứng dữ dội bởi lý do kinh tế đã được chứng minh kết quả ngược lại: tắc đường giảm, doanh số cửa hàng tăng lên, và sức khỏe cải thiện. Đồng thời, thành phố này giữ được xếp hạng hàng đầu về tầm ảnh hưởng, sức cạnh tranh kinh tế. Sự an toàn, sức sống, và sức khỏe của cư dân được tạo dựng và cải thiện từ chất lượng không gian công cộng, điều kiện để họ đến nơi làm việc, điều kiện để họ giao tiếp xã hội, và tiếp cận với môi trường tự nhiên.

Xây dựng thành phố vì con người bắt đầu bằng thay đổi thứ tự ưu tiên. Mục tiêu của các ưu tiên trong kiểm soát phát triển và thiết kế đô thị để hướng đến sự an toàn, thoải mái, và thú vị. Con người cần di chuyển theo năng lực thể chất là đi bộ và xe đạp với yêu cầu về an toàn trước phương tiện đi lại, an toàn khi sử dụng không gian công cộng. Người làm giao thông và đô thị phải phối hợp với nhau để không phải để người dân phải đi xa với vận tốc nhanh hơn, mà là đến đích nhanh hơn trong hiệu quả tổng thể một cách thuận tiện, kết hợp được kinh doanh và giải trí. Việc thiết kế phải xuất phát từ nhãn quan và tâm lý con người, hướng đến sự thú vị và yêu thích, để cư dân thực sự gắn bó với nơi chốn có bản sắc cộng đồng ở đô thị.

Bài học cho Việt Nam

Những khuyến nghị của Jan Gehl làm cho chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua. Ba mươi năm trước, chúng ta di chuyển chủ yếu bằng xe đạp, giao tiếp cởi mở trên phố. Đa phần nơi ở và làm việc gần nhau, đô thị có mật độ vừa phải, chi phí đi lại thấp, gần gũi với thiên nhiên với cây xanh và mặt nước. Ba mươi năm qua các thành phố mở rộng dàn trải, đất phân lô rồi bỏ trống chờ tăng giá, thiếu kết nối với giao thông công cộng. Những năm gần đây thành phố thay đổi để đáp ứng sự bùng nổ xe hơi. Trong khi phương Tây mở rộng vỉa hè và thu hẹp làn xe hơi, chúng ta xén vỉa hè để mở rộng làn xe hơi và xe máy. Trẻ em của họ học cách tự đi bộ và lên xe buýt từ cấp mẫu giáo, còn trẻ em của chúng ta được đưa thẳng từ nhà đến trường ban ngày rồi đến nơi học thêm buổi đêm đằng sau lớp khẩu trang dán kín hoặc xe hơi cá nhân. Trẻ em ngày nay phải giam mình sau các bức tường và chơi game vì thiếu không gian sinh hoạt ngoài trời và vận động thể chất. Không an toàn để đi bộ bởi xe đỗ kín vỉa hè và mật độ xe quá đông, đường quá rộng. Có lẽ các em nhỏ không muốn ra phố bởi ngoài đó đầy ắp cửa hàng, tiếng ồn, và khói bụi.

Chúng ta cần những chính sách làm rõ thứ tự ưu tiên trong phát triển phương tiện. Việc thực thi ưu tiên cần thể hiện qua nhiều cơ chế và chính sách đồng bộ. Rõ ràng cần hạn chế ô tô trước tiên nhưng thông điệp hiện nay lại tập trung vào cấm xe máy. Các bài học quốc tế cần tham khảo là hạn chế xe hơi bằng giám sát và mức phí đỗ xe cao, bằng đấu giá quota để mua xe mới, và thuế tắc nghẽn khi vào thành phố cần được song hành với các nỗ lực hạn chế xe máy cũng như thúc đẩy người dân sử dụng xe máy sạch hơn, thân thiện hơn cho cuộc sống đô thị. Có thể thời tiết ở Việt Nam là rào cản cho đi bộ và xe đạp, xong nếu người đi làm và đi học trước 8h sáng và sau 5h chiều thì vẫn chấp nhận được. Nhìn rộng hơn, xe đạp có ắc quy và động cơ điện loại nhỏ có nhiều lợi thế để vừa thúc đẩy vận động thể chất và giải quyết bài toán thời tiết nắng nóng.

Chúng ta cần sự phối hợp để văn hóa "xây" song hành với văn hóa "đi". Việc xây nhà cao và siêu cao nén đô thị tới mức rất cao đã đi trước hạ tầng giao thông hàng thập kỷ. Cần kiểm soát chặt chẽ để xây dựng đi đôi với phát triển giao thông công cộng. Đảm bảo tích hợp giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông, quản lý phát triển và thiết kế xây dựng đồng bộ để giảm cự ly di chuyển và nâng cao khả năng tiếp cận.. là những việc khó; nhưng chắc sẽ ít tốn kém hơn so với việc tiếp tục đầu tư mở rộng làn đường và xây cầu vượt cho xe hơi. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và nhu cầu cao, đây là lựa chọn phù hợp vởi cần ít kinh phí. Tuy nhiên, để thực hiện đươc cần nhiều quyết tâm chính trị và năng lực thực thi để vượt những rào cản từ bên trong.

Đô thị vị nhân sinh là lựa chọn bởi đây là cách thức đảm bảo sự cạnh tranh và phát triển bền vững. Thế kỷ XXI các nền kinh tế cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực sẽ di chuyển tới nơi đảm bảo an toàn, sức khỏe cho họ và đây là đầu bài để các thành phố xây dựng tính cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Ở Việt Nam, đô thị vị nhân sinh có lẽ xuất phát từ việc chung tay giúp trẻ em có cơ hội được phát triển an toàn hơn và lành mạnh hơn trong tương lai. Muốn làm được điều đó, hãy bắt đầu từ ngày hôm nay!

TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Đại học Việt Đức


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: