Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Hà Nội: Khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ xe cá nhân đi đường sắt đô thị

Hà Nội: Khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ xe cá nhân đi đường sắt đô thị

Viết email In

Lượng xe buýt, Taxi và Grab sẽ sụt giảm số lượng khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đưa vào vận hành thương mại. Từ đó, giảm người dân sử dụng xe cá nhân và gia tăng vận tải khách công cộng.

Sau khi tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông) đưa vào khai thác vận hành, Sở Giao thông Vận tải dự báo khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị 2A, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.


Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác vận hành thương mại.
(Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ba kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt

Sở Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phương án kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông) trong đó phương án lần này Sở đưa ra 3 kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị này.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất (15 ngày đầu chạy miễn phí): sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí hệ thống đường sắt đô thị trong thời gian đầu vận hành thương mại.

Kịch bản thứ 2: sau thời gian đường sắt đô thị chạy miễn phí sẽ điều chỉnh có lộ trình đối với 4 tuyển buýt (tuyến sổ 02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông); điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình trùng với tuyến đường sắt đô thị 2A.

Đáng lưu ý, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội còn đưa ra kịch bản thứ ba khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng trong 3 tháng đầu khi đưa vào vận hành khai thác thương mại. Theo kịch bản này, Hà Nội sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong 3 tháng đầu từ khi đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2; đồng thời tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga.

Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong thời gian sau 3 tháng trở đi khi đưa vào vận hành khai thác thương mại, Hà Nội sẽ điều chỉnh một phần tuyến buýt số 02, 21, 27 đang chạy theo tuyến ngang trở lại lộ trình ban đầu (chạy dọc trục Nguyễn Trãi từ Ngã tư Sở về đến Yên Nghĩa) trên nguyên tắc 3 lượt xe chạy lại lộ trình cũ (tuyến dọc) và 1 lượt xe chạy theo lộ trình điều chỉnh (tuyến ngang) để tăng cường giải tỏa hành khách cho đến khi đoàn tàu hoạt động trở lại bình thường.

Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải cũng thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m, số lượng tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt 2A tăng lên 50 tuyến (tăng 7 tuyến).

Xe buýt, taxi, Grab sẽ sụt giảm

Với việc điều chỉnh mạng lưới kết nối, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đánh giá năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải khách công cộng tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ Bến xe Yên Nghĩa-Ngã tư Sở) tăng từ 3-4 lần so với hiện nay đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.

Đặc biệt, năng lực trung chuyển của hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A đảm bảo cung ứng, giải tỏa khách tối ưu nhất cho tuyến đường sắt đô thị 2A với năng lực trung chuyển từ 313.000-344.000 khách/ngày (kết nối tại các ga đầu cuối khoảng 140.000 khách/ngày; kết nối ngang khoảng 203.000 khách/ngày).

“Xe buýt được điều chỉnh giảm lượt xe hoạt động, hành khách đang sử dụng xe buýt hiện nay sẽ trung chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị 2A. Đặc biệt với trục đường Nguyễn Trãi, Quang Trung-Trần Phú (Hà Đông) lưu lượng xe buýt sẽ giảm từ 30-45%,” lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho hay.


Các tuyến xe buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngoài ra, phía Sở Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh mức độ tiếp cận của người dân đối với vận tải hành khách công cộng được thuận tiện hơn khi hạn chế về việc trễ giờ cũng như bỏ lượt do tốc độ vận hành được cải thiện, những rủi ro về ùn tắc giảm đi.

Dẫn chứng một trong những hạn chế của xe buýt hiện nay là tốc độ khai thác phương tiện thấp do phải hoạt động trong dòng giao thông hỗn hợp dẫn tới thời gian chuyến đi của hành khách lớn, tuy nhiên, khi tuyến đường sắt đô thị 2A đi vào hoạt động, với hệ thống đường riêng biệt, tốc độ khai thác cao, thời gian chuyến đi của hành khách giảm xuống.

“Trường hợp hành khách đi bằng đường sắt đô thị 2A (không chuyển tuyến), thời gian chuyến đi giảm khoảng 50%; trường hợp hành khách đi đường sắt đô thị và chuyển tuyến đi xe buýt, thời gian chuyến đi dự kiến giảm từ 30-40%,” lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đưa ra thông số.

Trong thời gian đầu, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự báo khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.

Cá biệt, lưu lượng xe Taxi, Grab,... hoạt động dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị 2A cũng sẽ giảm do khi đó người dân sẽ có xu hướng sử dụng xe buýt đến các nhà ga đường sắt đô thị 2A để trung chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị do có chi phí đi lại thấp, giảm thời gian đi lại và không bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc giao thông...

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vẫn lỗi hẹn đưa vào khai thác, vận hành vào cuối tháng Tư vừa qua như lời chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể do chưa được cấp chứng nhận an toàn hệ thống và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu.

Đây không phải là lần đầu tiên dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông lỗi hẹn đưa vào khai thác, vận hành. Dự án dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến hết quý 1/2019 mới khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã công bố giá vé tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng.

Việt Hùng

(Vietnam+)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo