TPHCM: chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp giảm, đất đô thị tăng

Chủ nhật, 12 Tháng 8 2018 07:49 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

UBND TPHCM ngày 11/8 đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQQ-CP ngày 19/6/2018 (gọi tắt là Nghị quyết 80) của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tại TPHCM. Theo đó, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp của thành phố đến năm 2020 giảm 25% so với năm 2010; đất phi nông nghiệp vào năm 2020 tăng hơn 30% so với năm 2010; đất đô thị vào năm 2020 tăng hơn 16% so với năm 2010.

Cụ thể, theo Nghị quyết 80 của Chính phủ, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp của thành phố năm 2010 là 118.052 ha, đến năm 2020 giảm xuống 88.005 ha (giảm 25%); đất phi nông nghiệp tăng từ 90.868 ha vào năm 2010 lên 118.890 ha vào năm 2020 (tăng hơn 30%), đất đô thị tăng từ 53.841 ha vào năm 2010 lên 62.704 ha vào năm 2020 (tăng 16,4%). Đất chưa sử dụng năm 2010 là 635 ha, đến năm 2020 giảm xuống còn 309 ha, nghĩa là giảm 51,3%. 


TPHCM sẽ công khai rộng rãi Nghị quyết 80 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cũng như kế hoạch sử dụng đất hằng năm và các dự án cụ thể để nhân dân giám sát việc thực hiện.
Ảnh: TH. 

Nhiệm vụ quan trọng là sử dụng đất đúng quy hoạch

Một trong những chỉ đạo nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ tại Nghị quyết 80 đối với TPHCM là quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích. 

Theo TTXVN, đánh giá ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết 80, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lần này đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng như nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và hạ tầng đô thị.

Với thành phố, đất đai không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực, nguồn ngân sách, vì thế thành phố sẽ phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả diện tích đất canh tác, trong đó có việc nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện điều chỉnh quy hoạch này, TPHCM đã đề ra 5 nhóm giải pháp chính như: nhóm giải pháp về đầu tư phát triển, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp có tính đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu và giải pháp bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, giải pháp tổ chức thực hiện cho từng mục tiêu cụ thể, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh thành phố.

Cụ thể, theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các nhóm giải pháp, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm; hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm; quy hoạch sử dụng đất không gian ngầm theo các tuyến metro để tăng quỹ đất. Ngoài ra, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện di dời 474 chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975… Đặc biệt, để góp phần tình trạng ngập úng, TPHCM sẽ triển khai các hồ điều tiết chống ngập; ở các khu đô thị bắt buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hồ điều tiết nước…

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tại thành phố đã đạt được kết quả nhất định nhưng một số chỉ tiêu về sử dụng đất không thực hiện được theo quy hoạch được duyệt, làm hạn chế đến hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ tài nguyên môi trường. 

Quy hoạch sử dụng đất làm nền tảng để quy hoạch phát triển ngành nghề

Theo ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, TPHCM là một trong những địa phương tiên phong trong việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, vốn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, không phải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là có thể thực hiện được ngay.

Thành phố cần lấy quy hoạch sử dụng đất làm nền tảng để quy hoạch phát triển các ngành nghề khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Cùng với đó, chỉ đạo các quận huyện lập quy hoạch điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho từng địa bàn theo từng năm, đồng thời huy động nguồn lực thực hiện đảm bảo quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đi vào thực tiễn gắn với công tác thanh tra, kiểm tra.

Đề cập đến trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu công khai rộng rãi Nghị quyết 80 của Chính phủ cũng như kế hoạch sử dụng đất hằng năm và các dự án cụ thể để nhân dân giám sát việc thực hiện.

Công khai minh bạch các dự án có sử dụng đất trong giai đoạn 2016-2020 cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án có bồi thường đất tại trụ sở UBND cấp phường xã, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Đối với doanh nghiệp, ông Phong khẳng định việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án, đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất cũng như giúp cơ quan quản lý theo theo dõi, ngăn chặn các sai phạm như chuyển quyền sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích.

Thực tế thời gian qua, tại thành phố có rất nhiều trường hợp vi phạm, trong đó có một số trường khi giao đất cho dự án lại được chuyển nhượng qua nhiều người để ăn tiền chênh lệch. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý và đã chuyển qua Cơ quan Cảnh sát điều tra một số trường hợp vi phạm.

Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, dự án được giao đất mà sử dụng không đúng mục đích thì căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất thực hiện thu hồi, đấu giá công khai minh bạch.

Ngoài ra, căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm, thành phố giao Công ty Đầu tư Tài chính thành phố và Trung tâm phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn để tổ chức bồi thường, tạo quỹ đất sạch, trên cơ sở đó tổ chức bán đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. 

Nếu thực hiện đấu giá tốt thì sẽ thu về cho ngân sách thành phố nguồn tiền rất lớn và sẽ không làm thất thoát tài sản Nhà nước (đất công). 

An Yên

(TBKTSG /Theo TTXVN, dangcongsan.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: