Cấp thiết trong đổi mới quy hoạch xây dựng đô thị

Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 00:06 Báo Xây dựng
In

Đổi mới quy hoạch xây dựng đô thị về tầm nhìn dài hạn sẽ từng bước hạn chế tình trạng phát triển theo xu hướng dàn trải, khai thác quỹ đất không có định hướng rõ ràng dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ phát triển, đặc biệt quỹ đất dành cho các lĩnh vực giáo dục, cây xanh, thể thao, vui chơi giải trí và các phúc lợi xã hội. 

KTS. Trần Thị Lan Anh (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) chỉ ra kinh nghiệm quy hoạch đô thị tại Australia là quá trình từ dưới lên trên, quy hoạch bắt đầu từ cấp chính quyền địa phương, có sự tham gia, tham vấn của chính quyền cấp cao đảm bảo sự phối hợp cần thiết giữa các cơ quan có liên quan tại địa phương.  


(Ảnh minh họa) 

Để kiểm soát phát triển, sau bản quy hoạch chiến lược, thực hiện lập quy hoạch cấu trúc chỉ ra các yêu cầu quản lý sự thay đổi về sử dụng đất. Các địa phương dựa trên kinh nghiệm của mình để tổ chức lập quy hoạch chiến lược cho toàn bộ đô thị và lập quy hoạch cấu trúc cho từng phần khu vực, sự can thiệp của Chính phủ vào quy trình quy hoạch ở Australia là không đáng kể. 

Đồ án quy hoạch tại địa phương được lập làm cơ sở để cấp phép quy hoạch, các khu thực sự có nhu cầu đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang, xây dựng mới tổ chức lập quy hoạch cấu trúc làm cơ sở cấp phép quy hoạch và lập hồ sơ dự án phát triển đô thị. Đơn xin cấp phép được xem xét khi thỏa mãn các điều kiện về quy hoạch chiến lược, quy hoạch cấu trúc và không làm ảnh hưởng đến xung quanh.

Đồ án quy hoạch đô thị được duyệt là công cụ pháp luật để phổ biến rộng rãi cho công chúng, cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan thực hiện. Việc cấp phép quy hoạch là một quy trình mở tạo tính linh hoạt tối đa cho nhà đầu tư cũng là công cụ hữu hiệu để tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.

Còn ở Nhật Bản, quy hoạch đô thị là 1 bản quy hoạch chiến lược phát triển hay cải tạo nâng cấp chung cho đô thị, rất nhiều dự án mấu chốt được xác định tại bước quy hoạch chung đô thị. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị thường chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi quy hoạch giao thông, đặc biệt tuyến đường sắt cao tốc và sự gắn kết các loại hình giao thông thủy bộ, hàng không.

Quan điểm phát triển bền vững quy hoạch các thành phố của Nhật Bản thường được xem xét cả quy hoạch cứng và quy hoạch mềm. Phần cứng là xây dựng hạ tầng cả kỹ thuật và xã hội cho đô thị, phần mềm là chuẩn bị chất lượng dân cư, môi trường sống cho người dân đô thị.

Quy hoạch vùng là quy hoạch chung được xem là công cụ pháp luật quan trọng, đươc chuyển thành các chương trình dự án cụ thể, quảng bá xúc tiến đầu tư nên sau khi hoàn chỉnh sẽ được công bố rộng rãi, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất đô thị và quy hoạch hạ tầng cơ sở, các chương trình, chính sách và những nguyên tắc phát triển để các nhà đầu tư và nhân dân tham gia thực hiện.

Tại Việt Nam, thực tế cho thấy các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh có tính hiệu lực không cao, hệ thống đô thị hình thành và phát triển theo hướng dàn hàng ngang, tăng về số lượng đô thị, trong khi chất lượng chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế, dự báo trong của các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thường không chính xác, dễ bị phá hỏng, phải điều chỉnh.

Về nguyên tắc quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung đô thị đã được lập trên cơ sở tiếp cận đa ngành và quy hoạch chung đô thị có ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình phát triển của từng đô thị nhưng còn thiếu hiệu quả, chưa phù hợp thực tế phát triển tại địa phương.

Để các quy hoạch có hiệu quả hơn, quy hoạch cần có tính chiến lược, ít cứng nhắc và quan trọng cần dựa trên nguồn lực thực tế của địa phương và phải tính tới các rủi ro, thách thức phải chống chịu để có tính khả thi cao hơn.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, sự phát triển quá nhanh có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu vực trước đó được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt nay cũng bi bao vây bởi các khu vực phát triển đô thị mới.

Đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở. Việc khai thác quỹ đất không có định hướng rõ ràng dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ phát triển, đặc biệt quỹ đất dành cho các lĩnh vực giáo dục, cây xanh, thể thao, vui chơi giải trí và các phúc lợi xã hội.

Vì vậy, quy trình và nội dung quy hoạch cần đổi mới theo hướng lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị xanh. Đồng thời phải nâng cao năng lực lập và thực hiện các quy hoạch cho các đơn vị quy hoạch để các cơ sở này có thể lập các phương án quy hoạch có nội dung khả thi, tầm nhìn dài hạn, đáp ứng nhanh kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển đô thị.

Hà Đào 

(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: