Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Văn hóa truyền thống trong Kiến trúc và Qui hoạch đô thị đương đại

Văn hóa truyền thống trong Kiến trúc và Qui hoạch đô thị đương đại

Viết email In

Trong một cuộc hội thảo quốc tế, một kiến trúc sư người Trung Quốc nói rằng muốn quan sát một cộng đồng thuần Hoa, Ấn Độ, Mexico hay Việt Nam thì hãy… đến Mỹ (?!)

Chuyện nghe có vẻ khôi hài, nhưng phần nào phản ánh một sự thật là các nước chậm phát triển, do nôn nóng đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá, đã làm cho các đô thị của mình mang nặng phong cách Tây phương và cái “hồn bản địa” với những nét văn hoá truyền thống bị mai một đi. Rất nhiều thành phố của châu Á như Bangalore (Ấn Độ), Thâm Quyến (Trung Quốc), Makati (Philippines), Pusan (Hàn Quốc) nếu không có những bảng quảng cáo viết bằng chữ bản ngữ thì thật dễ lầm đấy là một thành phố của Mỹ, Canada, Pháp hay Đức, bởi đâu đâu cũng thấy đường cao tốc, những khối nhà cao tầng hình hộp, cầu vượt chằng chịt như bát mì ống spaghetti, trạm xe bus, siêu thị và điểm thêm là những thương hiệu quốc tế như Honda, Coca-Cola, Mc Donald, Marlboro, Nokia,… Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn đầu của thời kỳ “quá độ đô thị” ở bất cứ đô thị nào trong tiến trình chuyển từ xã hội tiền công nghiệp sang xã hội công nghiệp - dịch vụ - thương mại. Chúng ta có thể bắt gặp những khu vực như thế ở bất cứ thành phố nào của châu Á như Manila, Bangkok, Singapore, Seoul.


TP Bangalore - Ấn Độ (ảnh : The New York Times)


Manila - Philippines (ảnh: skydoor.net) 

KTS Christopher Haffner có nhận định về Hongkong như sau: “Kiểu tổ chức đô thị du nhập từ Mỹ tạo ra những cái hộp giống hệt nhau … chính nó phá vỡ sự liên kết vốn có giữa con người với thiên nhiên và con người với con người”[1], còn các KTS của Malaysia cũng tự phê phán: “Tất cả đã quá nhàm chán, những thành phố đáng sợ bởi các tòa nhà được ngụy trang bằng ảo ảnh của một thứ “chủ nghĩa kiến trúc quốc tế” hoàn toàn không phù hợp về cả khí hậu lẫn văn hoá”[2]. TP.HCM cũng không phải là ngoại lệ, thật không quá đáng khi  KTS. Christian Pedelahore có nhận xét: “Tình trạng sao chép nguyên xi những mô hình kiến trúc của các nước lân cận, chủ yếu là Thái Lan và Hongkong được thực hiện ở TP.HCM. Những hình thức kiến trúc tầm thường và quá quen thuộc đã dễ dàng được coi là ”hiện đại” và kéo theo là sự đoạn tuyệt với các giá trị truyền thống là vấn đề cần phải đặt ra trước việc mở cửa cho một nền kinh tế thị trường”[3]. Như thế hiện tượng nhất thể hoá trong qui hoạch và kiến trúc theo kiểu Tây phương là một hiện tượng khá phổ biến.


TP.HCM - Công trường dự án Vincom về đêm (ảnh : Bachy-Soletanche)

Trước điều này có một vài cách lý giải sau đây :

- Chúng ta đang sống trong thời kỳ toàn cầu hoá, các quốc gia đều thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập. Do vậy việc du nhập những trường phái, phong cách, đường nét trong qui hoạch và kiến trúc và điều khó tránh khỏi. Sự du nhập này có thể qua các KTS được đào tạo, tham quan, làm việc ở nước ngoài trở về, qua các chuyến đi du lịch của người dân hay đơn giản hơn là qua truyền hình, phim ảnh, sách báo, internet, catalogue. Một trong những lý do chính để thành phố Seoul hay Pusan của Hàn Quốc mang phong cách Mỹ bởi vì hầu hết các KTS của Hàn Quốc được đào tạo từ các trường đại học của Mỹ.

  • Ảnh bên : TP Seoul - Hàn Quốc (ảnh : izrailit.blogspot.com)

- Do yêu cầu của chính bản thân sự phát triển. Bất cứ một điểm dân cư nào, từ nông nghiệp, tiền công nghiệp chuyển sang xã hội công nghiệp - thương mại - dịch vụ thì tất yếu sẽ diễn ra những thay đổi trong kết cấu cơ sở hạ tầng, trong tổ chức xã hội. Nếu sử dụng xe hơi thì đương nhiên phải chấp nhận đường cao tốc, xuất hiện các công ty thì sẽ ra đời kiến trúc kiểu công sở, có thương mại - dịch vụ thì tất sẽ có kiểu nhà mặt phố, có siêu thị. Thực tế là đời sống công nghiệp - dịch vụ cần có sự tương thích của kiểu nhà ở, qui hoạch và kiến trúc phù hợp với nó. Không phải cái gì của xã hội nông nghiệp cũng có thể tương hợp được với lối sống công nghiệp. Ai cũng biết ở nhà gỗ tận hưởng không khí tự nhiên là sướng hơn, nhưng trong cảnh “đất chật, người đông”, “tấc đất tấc vàng” thì việc phải tăng hệ số sử dụng đất đô thị lên là tất nhiên, bởi thế nên phải chấp nhận ở nhà chung cư với các khối hộp chồng lên nhau như các bao diêm. Đời sống của con người trong xã hội hiện đại xuất hiện rất nhiều nhu cầu cá nhân khác nhau do vậy nhà ở cũng phải thay đổi cấu trúc để thoả mãn những chức năng mới xuất hiện. Sức ép của cuộc sống đôi khi lôi con người đi quá nhanh, khi tỉnh trí thì chỉ còn biết ân hận. Còn nhớ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, sự bức bách về nhà ở khiến cho Liên Xô phải xây dựng trong tình thế “không kịp suy nghĩ” hàng nghìn các thành phố nhỏ giống y hệt nhau về cấu trúc với hàng triệu triệu toà nhà ra đời trên kỹ thuật lắp ghép, mà sau này các nhà phê bình gọi đó là kiểu nhà “vô hồn” dẫn đến cảnh đi nhầm nhà nhau trong đêm giao thừa mà hãng Mosfilm đã dựng thành một bộ phim khá hấp dẫn.

- Một yếu tố nữa phải tính đến đó là sự ra đời của các kỹ thuật xây dựng mới và vật liệu mới. Rõ ràng là những vật liệu mới có độ bền cao, chịu được tải trọng lớn, chiụ nhiệt, giảm tiếng ồn, chống bụi, chống tia cực tím như kính, sắt thép, bêtông, nhôm, inox không hợp với các kiểu nhà hay các công trình văn hoá công cộng truyền thống (nhà dài, nhà rông, nhà rường, đình, chùa) mà chỉ phù hợp với các công trình kiến trúc hiện đại. KTS Hoàng Đạo Kính có lý khi nói rằng: “không thể tạo ra kiến trúc hiện đại nếu chỉ dùng các vật liệu, phương tiện cũ. Cũng không thể đem vật liệu và phương tiện hiện đại để mô phỏng kiến trúc cũ” [4]

- Một ý kiến khác nữa đáng lưu ý là kiến trúc gắn với một tôn giáo mạnh thường có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ. Thế giới ghi nhận những nền kiến trúc lớn dựa trên nền tảng của Hồi giáo, Thiên Chuá giáo, Phật giáo ngày một phát triển mạnh mẽ ở Malaysia, Iran, Iraq, Ấn Độ, Thái Lan, Lào.


Quảng trường Chiến Thắng và Khải hoàn môn - TP Vientian, Lào (ảnh : picasaweb.google.com)

- Kinh tế thị trường cũng chi phối mạnh sự lựa chọn của nhà qui hoạch và kiến trúc. Rõ ràng lối qui hoạch phân lô tạo ra hàng triệu căn nhà hình ống chính là do sức ép của thị trướng nhà đất. Các KTS không có được nhiều sự sáng tạo trước đòi hỏi của chủ nhà lắm tiền nhiều của, dẫu rằng sản phẩm tạo ra kệch cỡm và lố lăng.

Như thế việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá truyền thống trong phát triển đô thị hiện đại là điều thật khó khăn, có quá nhiều trở ngại và thách thức. Trong các văn bản chính thức chúng ta thường ghi rằng phấn đấu xây dựng TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là phương châm, nhưng thực sự nội hàm của nó ra sao thì vẫn còn là ẩn số. Thời gian qua giới kiến trúc, qui hoạch, xây dựng đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề “Kiến trúc Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”. Nhưng dường như một câu trả lời thoả đáng vẫn còn ở phía trước, các nhà lý luận, các KTS vẫn tiếp tục tranh luận. Các công trình như đài tưởng niệm Bến Dược, Nhà hát chèo Trung ương, đền thờ Bác Tôn ở An Giang vẫn nhận được những nhận xét khen chê trái ngược nhau. Thậm chí có KTS còn cho rằng Việt Nam không có một phong cách kiến trúc riêng, các di sản văn hoá kiến trúc nhỏ bé và ít ỏi đến mức chẳng có gì để bảo tồn và trao lại cho thế hệ sau để mà phát huy nữa. TP. Sài Gòn là một ví dụ điển hình của sự pha tạp các trường phái kiến trúc như của Hoa, Pháp, Ý, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Nga vì bản thân thành phố này là nơi tiếp nhận rất nhiều sự can dự của người nước ngoài trong các thời điểm lịch sử khác nhau.

Theo tôi, trong qui hoạch, kiến trúc chúng ta có thể chuyển tải được những giá trị văn hoá truyền thống theo những cách thức sau đây:

1. Tạo dựng các không gian văn hoá cộng đồng (còn gọi là đơn vị ở hay tiểu khu ở) để cho kiến trúc truyền thống tồn tại và ý đồ qui hoạch được thực hiện trong đó.


Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn, 1955 (ảnh : nguyentl.free.fr)

Vào trước những năm 1950, ở Mỹ tồn tại chủ nghĩa vị chủng (hay còn gọi là kỳ thị văn hoá) cho rằng các thành phố lớn chỉ dành cho người da trắng, còn người da màu (công dân hạng hai) thì chỉ có quyền ở các vùng sâu vùng xa, tương tự như thế Nhật Bản, Đức cũng tồn tại chủ thuyết tầng lớp thượng đẳng, các quốc gia này không chấp nhận người nước ngoài đến cư trú để duy trì sự thuần chủng. Nhưng những quan điểm này về sau bị phá sản vì làn sóng di cư quốc tế trong bối cảnh thiếu nhân công trầm trọng của các nước này, và do vậy họ phải chấp nhận “đa dạng văn hoá quốc tế” trong đời sống đô thị. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của thành phố nhân văn được nêu trong tuyên ngôn “Đô thị thế kỷ XXI” của các nhà đô thị học châu Á tổ chức tại Thái Lan năm 2002 coi “sự đa dạng văn hoá như là tất yếu và là niềm tự hào, vẻ đẹp của đô thị hiện đại”.

Lâu nay khi chúng ta nói đến bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và tính dân tộc trong kiến trúc nói riêng thì có một sự thật là chủ yếu bàn về văn hoá của người Việt, nhưng trên thực tế thì di sản văn hoá kiến trúc ở trên đất nước này còn có của 54 dân tộc khác nữa. Trong bài viết “Kiến trúc Việt Nam có bản sắc hay không?”, tác giả Nguyễn Khắc Tụng có khẳng định: “nói đến kiến trúc Việt Nam thì phải hiểu đó là kiến trúc của tất cả các dân tộc có mặt trên đất nước này chứ không thể chỉ là kiến trúc của người Việt - dân tộc Việt được” [5]


Khu vực Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn - TPHCM ngày nay (ảnh : imageshack.us)

Từ khi còn là phủ Gia Định với khoảng 5.000 dân vào năm 1698 cho đến nay, trải qua hơn 300 năm đã hình thành nên một thành phố bề thế với diện tích 2.000 km2 và gần 6 triệu dân. Là một thành phố trẻ và mở cho nên Sài Gòn – TP. HCM đã tiếp nhận hàng triệu người từ các miền khác nhau của đất nước, kể cả những người nước ngoài. Họ đã để lại những dấu ấn đáng kể trong văn hoá vật thể và phi vật thể. Vì nhiều lý do khác nhau mà trong những năm qua văn hoá truyền thống trong kiến trúc của các tộc người khác không phải người Việt ít được chú ý hay bị bỏ quên trong tiến trình đô thị hoá. Ở thành phố này ngoài người Việt ra còn có một số dân tộc khác có một số lượng khá đông như người Hoa, Chăm, Khmer, Ấn Độ. Trước năm 1975, những cộng đồng này sống quần tụ với nhau, nhưng đến nay vì những lý do kinh tế họ buộc phải phân tán, mức độ tập trung giảm và kéo theo đó là bản sắc văn hoá riêng của họ đang bị mai một đi khi có sự đan xen giữa những nhóm người có nguồn gốc nhập cư khác nhau, nhất là khi mở cửa hội nhập trở nên thông thoáng hơn.

Một nguyên lý của văn hoá là muốn duy trì một phong tục, tập quán hay một nét văn hoá truyền thống thì phải có được không gian lãnh thổ - văn hoá đủ để duy trì và nuôi dưỡng nó. Điều này hoàn toàn đúng trong kiến trúc, bởi nếu muốn duy trì được những văn hoá truyền thống trong kiến trúc như nhà ở, cảnh quan cộng đồng (cổng, tường rào, tượng đài, vườn cây), các không gian chuyển tiếp, các công trình cộng đồng (chùa, thánh đường, nhà thờ) thì phải tạo ra một tiểu môi trường trong đó có sự tồn tại của chủ thể cùng các thiết chế văn hoá của họ trong một thể thống nhất con người - môi trường và kiến trúc. Ở TP.HCM chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này nếu tạo điều kiện về vật chất, chính sách thích hợp cũng như  khuyến khích các cộng đồng duy trì và phát triển văn hoá của riêng mình với một diện mạo kiến trúc riêng. Trong không gian văn hoá đó các KTS, các nhà qui hoạch, các kỹ sư sẽ giúp họ chọn lựa và chuyển tải những yếu tố của văn hoá truyền thống sang “ngôn ngữ kiến trúc” (không gian, đường nét, màu sắc, họa tiết) thông qua việc thiết kế những kiểu nhà ở, các biểu trưng, các đường nét thể hiện được dấu ấn văn hoá của họ.

  • Ảnh bên : Chinatown - North Beach, San Francisco (ảnh : iguide.travel)

Đến một số thành phố của Mỹ, Canada, Singapore, Pháp chúng ta dễ dàng nhận thấy đâu là cộng đồng của người Hoa (Chinatown), người Ấn Độ (Indiatown), người Mexico, người  Malaysia. Ở ngay giữa thành phố Sydney của Australia có khá nhiều tiểu khu của người da đỏ với văn hoá gần nguyên dạng của họ. Theo tôi chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này với cộng đồng người Hoa ở quận 5, quận 6, người Chăm ở quận 8, quận 3 hay người Khmer ở quận 11. Bên cạnh đó việc duy trì có cân nhắc những chợ nhỏ, những quán xá vỉa hè, những khu phố cổ, những không gian văn hoá của nhóm dân cư có nguồn gốc xuất cư khác nhau như quán ăn Quảng Nam, nhà vườn kiểu Huế tại TP.HCM hay Hà Nội cũng chính là tạo điều kiện cho các tiểu văn hoá tồn tại và phát triển. Những không gian kiến trúc của các tộc người này sẽ làm phong phú hơn bức tranh văn hoá của thành phố chúng ta, cho dù sự đa dạng của các thành phố Việt Nam chủ yếu là “đa dạng văn hoá nội địa”. Việc hình thành nên các tiểu khu ở của các tộc người này trước hết là nhu cầu xuất phát từ chính cộng đồng và sau nữa là của ngành du lịch.

2. Chuyển tải những nét văn hoá tuyền thống quan trọng và có ý nghĩa vào trong ngôn ngữ kiến trúc.

Nếu như xu thế hiện đại hoá là không thể cưỡng lại được và trong bối cảnh đó việc giữ gìn toàn bộ một nền tảng văn hoá mang truyền thống là khó khăn thì chúng ta chỉ nên giữ gìn những nét văn hoá tuyền thống quan trọng và có ý nghĩa nhất trong kiến trúc mà thôi. Tôi chia sẻ với KTS Lưu Trọng Hải quan điểm: “Đô thị là một cơ thể sống, luôn luôn có những tế bào thoái hoá chết đi và những tế bào mới sinh sôi nảy nở!. Đô thị không phái là món đồ cổ, cũng không phải là một bảo tàng. Đô thị chỉ giữ lại những gì tinh túy nhất của quá khứ và những dấu ấn tiêu biểu của lịch sử” [6]. Quả thực Sài Gòn không phải là Huế hay Hội An, sức sống năng động và trẻ trung của Sài Gòn buộc người ta phải mở cửa để đón cái mới, để hộ nhập do vậy việc bảo tồn nguyên trạng và toàn bộ là điều không thể. Khá nhiều KTS Việt Nam đang cố gắng đưa những đầu đao, con rồng, mái dốc hay bố cục theo phong thủy vào trong các công trình của mình và coi đó là bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc. Mặc dù trong khá nhiều trường hợp không thành công do áp đặt khiên cưỡng và không phả vào chúng được cái hồn nhưng cũng ghi nhận đó là một sự cố gắng. KTS danh tiếng người Nhật Kenzo Tange có viết “không ai ấu trĩ đến độ đem một mái nhà kiểu cổ úp lên  một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là sự kết hợp dân tộc - hiện đại”. Chính vì thế ở các đô thị lớn người ta cần phải chọn cái gì trong văn hoá truyền thống để đưa vào kiến trúc nhưng vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ, sự  hài hòa và không làm giảm đi các công năng cần có. Những chi tiết này có thể ở trong trang trí nội thất, những đường nét bên ngoài mặt tiền và cũng có khi ở các sắp đặt cảnh quan ngoại thất như tượng, phù điêu, cây cảnh, bậc thang,tường bao che, v.v... về điều này KTS Đặng Thái Hoàng có nói: "truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, chúng ta (kiến trúc sư) phải phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới những dạng mới” [7]

  • Cổng Tori ở Miyajima - Nhật Bản (ảnh : backpackers-miyajima.com)

Người Nhật đã lấy diện tích của tatami (chiếu) làm đơn vị để phân chia không gian trong một căn hộ (một phòng 12 m2 bằng 6 tatami), dù diện tích lớn hay nhỏ, người Nhật bao giờ cũng dành một khoảng không gian làm một vườn đá nho nhỏ, thậm chí chỉ là một bụi cỏ và một vài viên đá. Trong căn hộ chung cư hiện đại, họ thường dành một căn phòng gọi là phòng truyền thống. Ở đó có trang thờ, tatami, gia huy để thực hiện các nghi lễ truyền thống như trà đạo, tưởng nhớ người mất. Ở dọc các đại lộ náo nhiệt của Tokyo hay Osaka chúng ta thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những cổng đền (Tori) bằng đá để gợi nhớ về một ngôi đền thờ thần đạo xa xưa không còn nữa do chiến tranh tàn phá hay là do qui hoạch lại, khắp các thành phố hiện đại của Nhật Bản ở đâu chúng ta cũng gặp những cây đèn đường bằng đá có từ thời lập quốc và là sản phẩm riêng của người Nhật.

Khác với người châu Âu, hệ thống sưởi ấm mùa đông của các nhà chung cư cao tầng của người Hàn Quốc không để ở dọc tường mà lại đặt ở dưới sàn nhà. Hệ thống này gọi là Ondon có từ thới rất xa xưa, bằng cách này họ vẫn duy trì được kiểu tiếp khách, ăn, ngủ trên sàn nhà truyền thống. Những biểu tượng văn hoá truyền thống dân tộc mang mầu sắc Phật giáo có thể bắt gặp khá nhiều ở Bangkok (Thái Lan), Đài Bắc (Đài Loan).

Quay về TP. HCM, chúng ta nhận thấy những biểu tuợng văn hoá truyền thống Việt không nhiều, những toà nhà được coi là cổ hầu hết mang phong cách Pháp, Hoa (Minh Hương) “diện mạo kiến trúc của một đô thị Việt cổ nay gần như không còn dấu vết, hoặc chỉ tồn tại trong thư tịch” [8]. Lẽ nào những dãy nhà ống nối tiếp vô tận, sự nhếch nhác và hình ảnh lam lũ của con người lại là dấu ấn văn hoá đô thị của chúng ta?

3. Bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc trong việc lựa chọn các phương án qui hoạch, thiết kế kiến trúc và xây dựng.

Một vấn đề rất quan trọng nữa mà chúng ta cần phải đề cập đến. Đó là việc bảo tồn các giá trị xã hội trong quá trình thiết kế, qui hoạch và xây dựng. Các KTS thường hay định nghĩa qui hoạch là: “nghệ thuật tổ chức không gian”, “Nghệ thuật xắp xếp và bố cục không gian” (Le Corbusier). Từ định nghĩa này chúng ta có thể hiểu chính các nhà qui hoạch, các KTS chính là tác giả của những vách ngăn tạo ra những cái hộp, những ô, những ống mà trong không gian bốn chiều đó con người và những linh hồn của họ tồn tại và vận động. Chính họ góp phần có thể làm cho con người gần gũi nhau hơn hay xa lánh nhau, làm cho cuộc sống dễ chiụ hơn hay mệt mỏi hơn. KTS Ngô Huy Giao viết thật chí lý: "Kiến trúc đâu chỉ là phép cộng, phép nhân của những sắt, đá, kính, vật liệu rời rạc, mà trước hết là văn hoá, mà văn hoá thì bao giờ cũng thấm đậm bản sắc văn hoá dân tộc sâu sắc, cho nên sức mạnh là vô cùng... Những viên gạch, mảng kính không chỉ chất chồng thành khối xây dựng đơn côi, mà khăng khít với nhau bằng chất keo tâm hồn, để mỗi góc nhà, mỗi góc phố mang tiếng nói thân thương như câu chuyện mẹ con, như tâm tình đôi lứa, như gạch nối con người với thiên nhiên”[9]. Từ cách tiếp cận văn hoá này tôi cho rằng qui hoạch và kiến trúc có một vai trò quan trọng việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống trong xã hội hiện đại. Qui hoạch và kiến trúc như thế nào mà làm suy giảm hay mất đi các gía trị văn hoá truyền thống của dân tộc thì coi như lối qui hoạch và kiểu kiến trúc đó không thỏa mãn cái gọi là “dân tộc tính”. Ai cũng biết những gía trị văn hoá nổi trội của chúng ta là: liên kết cộng đồng, đề cao gia đình, kính trọng người già, tôn trọng trật tự xã hội, thân thiện với thiên nhiên. Người Việt Nam vốn dĩ đề cao cộng đồng, “bán anh em xa, mua làng giềng gần”, “tối lửa, tắt đèn có nhau” là cách ứng xử truyền thống của người Việt Nam, nhưng trong xu thế kiến trúc nhà ở hiện nay đã làm giảm sút và mất đi giá trị này.


Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (ảnh : Ashui.com)

Thay cho những hàng rào gỗ, dâm bụt có tính ước lệ mang ý nghĩa trang trí hơn là bảo vệ bằng những bức tường dày, cao có cắm mảnh chai hay dây kẽm gai bên dưới là cổng sắt dày luôn đóng chặt, cố nhiên đi kèm với kiểu nhà này là sự thờ ơ lãnh đạm, đôi khi là kênh kiệu. Lối qui hoạch triệt tiêu các không gian giao tiếp như công viên, vườn dạo, đường đi bộ, hành lang, tiền sảnh chung cư, thậm chí là không có câu lạc bộ, nơi hội họp, nhà tang lễ như ở hầu hết các chung cư ở TP. HCM hiện nay đúng là mẫu hình của kiểu kiến trúc phi văn hoá. Quả không ngoa khi có KTS gọi đây là kiểu kiến trúc làm tan rã cộng đồng. Cách đây hơn mười năm, chính phủ Singapore đã đề nghị các nhà kiến trúc thiết kế một kiểu nhà sao cho có thể dung nạp được ba, bốn thế hệ cùng chung sống thoải mái với nhau. Trong kiểu nhà đó mọi người vừa đảm bảo được sự tự do cá nhân nhưng lại không cách biệt về tình cảm. Kiểu cấu trúc thường thấy ở những ngôi nhà cao tầng hình ống ở TP. HCM khiến cho người già cảm thấy bơ vơ và trống vắng hơn, trong nhiều trường hợp cha mẹ già trở thành người coi nhà, trông xe. Đối với người Việt Nam không gì quan trọng hơn là gia đình, thực tế cho thấy có những kiểu thiết kế nhà ở làm cho các thành viên trong gia đình gắn bó, chia sẻ với nhau, cũng có những kiểu kiến trúc tạo ra kiểu “mạnh ai nấy sống” cho dù họ có cùng huyết thống và sống chung trong một mái nhà.

Để kết thúc bài viết này tôi muốn dẫn ra đây ý kiến của KTS Trịnh Cao Tường: “Trên các trang giấy của KTS qui hoạch cần phải hiện lên những vùng đất mà ở đó có cả bề dày lịch sử, có các giá trị văn hoá vật chất và tinh thần mà những thế hệ trước đã đổ bao mồ hôi vun đắp, để cho những giá trị đó mãi mãi được tôn vinh và thực sự trở thành chất keo dính quá khứ với hiện tại. Hay nói một cách khác, KTS qui hoạch không nên xóa sạch các giá trị đó, biến nó trở thành tờ giấy trắng. Việc làm tuỳ tiện đó chắc chắn lịch sử và các thế hệ tương lai sẽ không bao giờ tha thứ”. [10]

CHÚ THÍCH

[1] Tạp chí Kiến trúc số 4, 1996 trang 30
[2] Nguyễn Hồng Thục. Một số giải pháp kiến trúc gắn bó với khí hậu châu Á.Tạp chí Kiến trúc số 4, 1996
[3] Tạp chí Kiến trúc số 4, 1995, trang 27
[4] Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam. NXB xây dựng, 1999, trang 124.
[5] Viện nghiên cứu kiến trúc. Bàn về vấn đề Dân tộc và Hiện đại trong kiến trúc Việt Nam. NXB Xây dựng. 1999,trang 188
[6] Lưu Trọng Hải. Kiến trúc với văn hoá và xã hội. NXB Xây dựng, 2002, trang 125
[7] Đặng Thái Hoàng. Lược khảo nghệ thuật kiến trúc thế giới. NXB Văn hoá, 1978
[8] Nguyễn Trọng Huấn. Kiến trúc Việt  Nam số 6/99, trang 23.
[9] Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 1/1999 trang 22.
[10] Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 2/ 99, trang 19.a

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Nguyễn Hữu Thái, 2002, Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam, Nhà xuất bản Xây dựng.
- Lưu Trọng Hải, 2002, Kiến trúc với văn hoá và xã hội, Nhà xuất bản Xây dựng.
- Viện nghiên cứu kiến trúc, 1999, Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam, Nhà xuất bản Xây dựng.
- Trương Quang Thao, 2001, Đô thị học nhập môn. Nhà xuất bản Xây dựng.
- Jonathan Barnett, The Fractured Metropolis.
- J.John Palen, 1987, The Urban World. Virginia University.
 

TS. Nguyễn Minh Hoa (TT Nghiên cứu Phát triển Đô thị và Cộng đồng, Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG TP.HCM) 
(Nguồn : Bộ môn Quy hoạch - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch - Đại học Xây dựng)

>> Cứu vãn cảnh quan đô thị bằng nét văn hoá đặc sắc 

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo