Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Kiến tạo không gian đô thị trong quá trình chuyển đổi: Các khu đô thị mới ở Hà Nội

Kiến tạo không gian đô thị trong quá trình chuyển đổi: Các khu đô thị mới ở Hà Nội

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Kiến tạo không gian đô thị trong quá trình chuyển đổi: Các khu đô thị mới ở Hà Nội
3. Xây dựng không gian đô thị tại bốn khu đô thị mới
4. Thảo luận
Tất cả các trang

Trong những thập kỷ gần đây, hàng trăm khu đô thị mới đã được xây dựng tại ngoại ô các thành phố đang mở rộng ở Việt Nam. Khu đô thị mới được quảng bá như một mô hình mới về quy hoạch đô thị ở Việt Nam trong thời kỳ sau đổi mới. 

Bài viết này đề cập đến các khái niệm quy hoạch đô thị mới dựa trên các nghiên cứu định tính ở bốn khu đô thị mới tại Hà Nội và nghiên cứu các chính sách đô thị giai đoạn 1990-2000. Bài viết sẽ đóng góp cho việc hiểu rõ hơn quá trình quy hoạch và phát triển không gian đô thị ở Việt Nam đồng thời thảo luận về chất lượng đô thị trong bối cảnh một nước đô thị hóa nhanh ở châu Á.

Theo bài viết này, các khu đô thị mới là sản phẩm của thời kỳ chuyển giao trong đó vai trò chủ đạo của nhà nước trong xây dựng không gian đô thị đang thay đổi, và vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng lên. Các khu đô thị mới là sản phẩm lai tạo của hệ thống quy hoạch do nhà nước chỉ đạo, doanh nghiệp thực hiện song song với hoạt động xây dựng tự phát của người dân. Hoạt động xây dựng tự phát đóng góp vào chất lượng đô thị của các không gian đô thị mới, trong khi việc xây dựng các không gian tư hữu phục vụ mục đích kinh doanh của các doanh nghiệp là một mối đe dọa đến đời sống cộng đồng. 
 

1. Giới thiệu: Đô thị hóa và các khu đô thị mới 

Trong những thập kỷ gần đây, các thành phố Việt Nam đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, trong đó có phát triển đô thị quy mô lớn ở vùng ngoại vi các thành phố. Đây là mô hình phát triển đô thịdưới hình thức các khu đô thị mới, phát triển đồng bộ về nhà ở, hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở ngoại vi thành phố. Đa số các khu đô thị mới có diện tích lớn đến vài trăm héc ta được quy hoạch phát triển theo hướng độc lập, khép kín. Trong chiến lược phát triển quốc gia, khu đô thị mới được coi là mô hình phát triển đô thị thích hợp cho phát triển đô thị tại Việt Nam (UBND TP Hà Nội, 2001; Chính phủ Việt Nam, 2006)... 

Với vị trí là Thủ đô của cả nước, Hà Nội đứng hàng đầu về đô thị hóa và là một ví dụ điển hình về các yếu tố chính trị xã hội điển hình trong cả nước. Quá trình đô thị hóa tại Hà Nội tăng cường đáng kể từ năm 2008, khi thành phố sát nhập với một số vùng nông thôn lân cận và tăng diện tích lên gấp 3. Cho đến nay, hơn 150 khu đô thị mới đã được quy hoạch, 50 được triển khai và số còn lại đang trong giai đoạn thiết kế, giải phóng mặt bằng và xây dựng. Hầu hết các dự án nằm cách trung tâm thành phố 7-12 km.

Việc phát triển đô thị ven đô với quy mô lớn đã xuất hiện ở nhiều thành phố Châu Á. Trong bối cảnh các nước Đông Nam Á, giới khoa học có những quan điểm khác nhau về hiện tượng này. Nhiều người cho là phát triển đô thị phản ánh sự tăng trưởng của việc kiến tạo không gian đô thị theo ý tưởng tự do mới (Pow, 2009), tư hữu hóa quy hoạch (Shatkin, 2008), và phát triển đô thị dưới sự chỉ đạo của khu vực kinh tế tư nhân dẫn đến các hiện tượng tư hữu hóa và thương mại hóa không gian đô thị (Douglas & Huang, 2007).

Nhiều nhà nghiên cứu đã liên hệ sự phát triển đô thị ven đô quy mô lớn ở các thành phố Châu Á với sự phát triển của các cộng đồng khép kín và/hoặc "thành phố vành đai” từng xuất hiện ở nhiều nước phương Tây – dẫn đến sự giảm không gian công cộng, và việc phân mảnh đô thị và xã hội (Douglas & Huang, 2007). Một số khác cho rằng phát triển đô thị ở Việt Nam (và Trung Quốc) cần phải được xem xét trong bối cảnh đổi mới về kinh tế và chính trị theo hướng xã hội chủ nghĩa kết hợp với kinhtế thị trường (McGee, 2009).

Bài viết này sẽ phân tích mô hình phát triển đô thị nói trên qua các nghiên cứu điển hình về bốn khu đô thị mới tại Hà Nội. Các nghiên cứu này nhằm hiểu rõ hơn mô hình phát triển khu đô thị mới về mặt chính sách đô thị và chất lượng không gian đô thị. Những cơ chế gì có tác động đến phát triển không gian đô thị được triển khai tại các khu đô thị mới là gì? Các loại không gian đô thị nào đang được xây dựng? Đây sẽ là cơ sở để thảo luận về tương lai đô thị của Hà Nội: Chúng ta đang kiến tạo ra các dạng môi trường đô thị nào và đang nuôi dưỡng đời sống đô thị kiểu nào? 
 

2. Khung lý thuyết

Nghiên cứu được trình bày trong bài viết này được thực hiện tại bốn khu đô thị mới tại Hà Nội nhằm mục đích hiểu rõ hơn sự phát triển đô thị về mặt phát triển không gian đô thị trong bối cảnh xã hội chuyển đổi theo như lập luận của McGee (2009) và về chất lượng không gian đô thị dựa theo các lập luận của Madanipour (2003), Jacobs (1961), và Gehl (2012).

2.1 Xây dựng không gian đô thị trong thời kỳ đổi mới

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Bài viết này nghiên cứu các khu đô thị mới theo quan điểm sản xuất không gian đô thị của McGee (2009), một quan điểm nhấn mạnh về các thay đổi về kinh tế và chính trị ở một xã hội trong thời kỳ chuyển đổi. 

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tại Việt Nam diễn ra dần dần, khác với quá trình tương tự tại Liên Xô và các nước Đông Âu cũ (Tran & Yip, 2008; McGee 2009). McGee (2009) cho rằng đô thị hóa ở Việt Nam (và Trung Quốc) nên được nhìn nhận là các quá trình kiến tạo không gian lai hợp, là kết quả của sự kết hợp các yếu tố xã hội chủ nghĩa với cơ chế thị trường. Đây là các quá trình trong đó thành phần kinh tế tư nhân đang có ảnh hưởng ngày càng lớn hơn trong khi nhà nước vẫn giữ vai trò chính trong việc lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các chiến lược phát triển quốc gia và địa phương (Ngân hàng Thế giới, 2011).

Đặc điểm chính của quá trình kiến tạo không gian chuyển tiếp này là yếu tố linh hoạt và hiệp thương trong mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội (Koh, 2004; McGee, 2009). Quá trình đô thị hóa vừa do nhà nước chỉ đạo vừa do nhân dân dẫn đầu. Một mặt, nó là dự án dựa theo quy hoạch và tầm nhìn cấp nhà nước nhằm mục đích đạt được các mục tiêu chính trị, xã hội và sự phát triển tổng thể (McGee, 2009, p. 232). Mặt khác, đô thị hóa được tạo nên bởi các hoạt động mưu sinh và sử dụng không gian hàng ngày của các cá nhân, hộ gia đình và các nhóm kinh tế. Quá trình xây dựng không gian đô thị chịu tác động của các động lực từ phía chính quyền, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân. Các động lực của chính gồm có các nhân tác cấp địa phương và cấp trung ương, nước ngoài và các điều lệ nghị quyết, chính sách của nhà nước. Doanh nghiệp tác động thông qua các hoạt động xây dựng đô thị cua cac thành phần kinh tế khối nhà nước và tư nhân. Tác động của quần chúng thể hiện qua các hoạt động xây dựng không gian đô thị của các hộ gia đình và các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đô thị hóa là các quá trình kiến tạo không gian phức tạp và bao gồm nhiều bước thương lượng, đối kháng và thỏa hiệp giữa ba khối động lực chính nói trên (McGee, 2009, p.235).

Trong những năm đầu đổi mới, mặc dù các chính sách của nhà nước đóng vai trò định hướng cho quá trình đô thị hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, chính “thành phần kinh tế đại chúng” mới là động lực chủ đạo thúc đẩy quá trình đô thị hóa nói trên. Việc các hộ gia đình tự xây dựng nhà ở – được Geertman gọi là hoạt động “tự quản” (2007) - là ví dụ nổi bật về vai trò chủ đạo của thành phần đại chúng. Vào cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000, chiến lược phát triển đô thị có thay đổi đáng kể theo hướng khuyến khích thành phần kinh tế doanh nghiệp phát triển theo quy mô lớn (Trần & Yip, 2008). Sự phát triển các khu đô thị mới là một phần của chiến lược đô thị mới này.

Vai trò của ba tác động này trong việc kiến tạo không gian đô thị là gì và chúng thể hiện trong các khu đô thị mới như thế nào? Có phải chúng ta đang chứng kiến sự bành trướng của khối doanh nghiệp trong xây dựng không gian đô thị và việc rút lui của thành phần kinh tế nhà nước và đại chúng? Đồng quan điểm với McGee và dựa trên nghiên cứu tại một khu đô thị mới tại ở Hà Nội, Labbé và Boudreau (2007) cho rằng mô hình khu đô thị mới có thể được xem là kết quả của hệ thống lai tạo trong việc kiến tạo không gian đô thị qua việc kết hợp những ý tưởng quy hoạch hiện hành bắt nguồn từ hệ thống xã hội chủ nghĩa với yêu cầu mới của thị trường. Giả thuyết này sẽ được làm rõ trong bài viết này. Bài viết này sẽ tập trung minh họa vai trò của các thành phần kinh tế nhà nước, doanh nghiệp và đại chúng trong việc kiến tạo không gian đô thị tại các khu đô thị mới đồng thời phân tích chất lượng và các thể loại không gian đô thị đang được tạo ra trong các khu này.

2.2. Quá trình kiến tạo không gian đô thị và chất lượng đô thị 

Ý tưởng về chất lượng đô thị liên quan đến các hoạt động kiến tạo không gian của người dân được Jacobs khởi xướng (1961) nhằm phản đối quy hoạch theo trào lưu hiện đại ở Mỹ trong những năm 1950. Quy hoạch theo trào lưu hiện đại tập trung vào phân khu chức năng và tạo ra không gian đô thị vô hồn khi người dân không có mặt trên đường phố. Jacobs cho rằng thành phố có sức sống là nhờ có các hoạt động tự quản do người dân khởi xướng và nhằm phục vụ người dân. Theo Jacobs, sự đa dạng chức năng, giao lưu trên vỉa hè, sự đa dạng các nhóm xã hội, văn hóa và sự phong phú của thức kiến trúc các công trình là các yếu tố tạo nên không gian đô thị sống động. Đường phố nội thành Hà Nội thể hiện rõ nét khía cạnh này với sự đa dạng và đầy màu sắc cuộc sống, với các hoạt động sử dụng không gian linh hoạt trên vỉa hè và đường phố của người dân qua các hoạt động điều đình và chiếm hữu sử dụngkhông gian do thi trong đời sống hàng ngày (Drummond, 2000). 

Quan điểm này cũng được Schumacher đồng tình (1986). Schumacher cho rằng các hoạt động sử dụng không gian của quần chúng ở khu vực công cộng là cực kỳ cần thiết cho đời sống đô thị vì thếmục tiêu quan trọng của thiết kế đô thị là làm thế nào để lôi kéo mọi người ra đường phố. Thiết kế công trình, đặc biệt là cách công trình tiếp cận với đường phố và vỉa hè có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến việc sử dụng chúng. Gehl (2012) đưa ra quan điểm tương tự về một số điểm cần để ý khi thiết kế công trình để có thể khuyến khích việc sử dụng không gian của người dân và tương tác xã hội. Gehl xem tầng trệt của tòa nhà là điểm tiếp xúc giữa tòa nhà và thành phố; thiết kế của các mặt giao tiếp này - Gehl gọi là “các cạnh”- có ảnh hưởng đến việc sử dụng vỉa hè và mức độ sống động của thành phố. Các tòa nhà với các “cạnh mềm”, ví dụ như mặt tiền tầng trệt mở ra mặt phố và mặt tiền chia thành nhiều đơn vị hẹp với nhiều cửa ra vào góp phần tạo ra sự sinh động của thành phố. Các tòa nhà với “cạnh cứng” như các tầng trệt đóng kín và mặt tiền đơn điệu không không có tác dụng tiêu cực với các hoạt động trên vỉa hè.

Uy thế ngày càng tăng của nguồn vốn doanh nghiệp trong xây dựng không gian đô thị ở các nước châu Âu cũng như châu Á là một vấn đề đang được quan tâm trong các tài liệu nghiên cứu đô thị gần đây. Các hoạt động xây dựng không gian đô thị do doanh nghiệp đầu tư thường chạy theolợi nhuận và thường hướng tới việc phát triển không gian riêng biệt với các chức năng đặc biệtvà nhóm người dùng đặc cách. Các không gian đô thị do doanh nghiệp xây dựng là không gian trật tự và có kiểm soát, và đồng nhất về thẩm mỹ. Chúng tạo thành các khu vực giống nhau dễ nhận biếtvà dùng làm nơi ẩn dật của giới thượng lưu để né tránh giao tiếp với mọi sự khác biệt (Dowling và cộng sự, 2012; Flusty, 2001; MacLeod & Ward, 2002). Sự phát triển này, được định nghĩa là "thành phố doanh nghiệp", thường gắn liền với sự tư nhân hóa và thương mại hóa không gian đô thị, sự suy thiếu không gian công cộng và phân biệt xã hội (Douglas & Huang, 2007; MacLeod & Ward, 2002). Không gian và dịch vụ công cộng bị lãng quên hoặc bị thay thế bởi các không gian tư nhân hoá và đặc cách (như là các trung tâm thương mại, cửa hàng và siêu thị).

Những đặc tính đô thị do Jacobs (1961) và Gehl (2012) khuyến cách - sự đa dạng, đa chức năng thành phần dân cư, văn hóa, và hình thức công trình và việc coi vỉa hè là diễn trường của các tương tác xã hội - không hề có tại các thành phố tư nhân. Theo Madanipour (2003), việc suy thiếu không gian công cộng và sự suy yếu của tính gắn kết xã hội trong phát triển đô thị là mối đe dọa đối với các thành phố đương đại.

Bài viết này sẽ phân tích không gian đô thị tại các khu đô thị mới tại Hà Nội, chú trọng về lối sống đô thị đang được tạo nên ở các khu này và tìm hiểu xem các khu đô thị mới này có hỗ trợ gì cho cuộc sống đường phố, sự đa dạng và tương tác xã hội hay không và hỗ trợ nhe thế nào. Bài viết cũng sẽ xem xét phân tích các động lực kiến tạo không gian đô thị của chính phủ, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân tại các khu đô thị này. Bài viết sẽ tập trung đặc biệt đến các giải pháp quy hoạch và thiết kế không gian công cộng và xem xét liệu các không gian này có tính khép kín hay mở rộng, và cho những đối tượng nào. 




Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo