Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt: Giữ nguyên màu xanh của rừng

Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt: Giữ nguyên màu xanh của rừng

Viết email In

Trong quá trình hình thành Đà Lạt được giới kiến trúc sư và chuyên gia quy hoạch thừa nhận rằng, đó là đô thị duy nhất ở Việt Nam có ngày sinh tháng đẻ. Bởi lẽ, khi hình thành đô thị Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên, vùng đất bình sơn nguyên dạng thung lũng cổ khi ấy còn rất hoang sơ và chỉ được quyết định xây dựng thành phố du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên ở xứ Đông Dương vào năm 1893. 

Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt có thêm cơ hội lớn lao “định khung” tầm vóc đô thị cho trăm năm tới qua lần thứ 6 mở rộng quy hoạch với tính chất đô thị cốt lõi: Du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nông nghiệp công nghệ cao.  

Nhiều ưu đãi

Theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm: Thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha. Trong đó, thành phố Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.440 ha. 

Theo đó, sẽ có hàng loạt ưu đãi khi đầu tư vào đây. UBND tỉnh Lâm Đồng được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) trong phạm vi thành phố Đà Lạt sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng được chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung và dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia và khu du lịch trọng điểm của thành phố Đà Lạt; nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 5 năm đầu thực hiện Quyết định này.

Tỉnh Lâm Đồng được thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong nước và nước ngoài (cụ thể là tư vấn Pháp) lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng cùng với kết nối giao thông công cộng của thành phố Đà Lạt theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

Tỉnh Lâm Đồng được ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, trái phiếu Chính phủ, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, tín dụng ưu đãi Chính phủ), bổ sung cho ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phát triển thành phố Đà Lạt; Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất cơ chế đầu tư để sớm triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng có tính chất thông thương, đối ngoại, liên kết vùng và liên kết với các vùng khác, cụ thể: nâng cấp Quốc lộ 27; Đường tỉnh 723; xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương…

Theo cơ chế mới, tỉnh Lâm Đồng được vận động và thu hút vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội về giao thông, xử lý rác thải, các công trình dịch vụ tiện ích, công trình công cộng cần thiết của thành phố Đà Lạt; được huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các doanh nghiệp có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố Đà Lạt, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công; khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT, BTO, PPP, BT,... đối với các công trình hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách nhà nước; tỉnh Lâm Đồng cũng được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố Đà Lạt thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách địa phương. Việc cho vay lại, quản lý và sử dụng nguồn vay lại, hoàn trả vốn vay thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Bảo tồn và phát triển đô thị vệ tinh với màu xanh và con người làm trọng tâm

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng thì điều chỉnh quy hoạch lần này cũng hướng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa - lịch sử.

Trong đó, cấu trúc không gian: Cấu trúc khung lưu thông bao gồm tuyến vành đai vùng đô thị, các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung bộ (Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, Phan Thiết) và Tây Nguyên (thành phố Buôn Mê Thuột). Cấu trúc các vùng đô thị bao gồm: Đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt; vùng đô thị chia sẻ chức năng gồm đô thị Liên Khương - Liên Nghĩa, Finôm - Thạnh Mỹ và các đô thị vệ tinh Lạc Dương, Nam Ban, Đ’ran, Đại Ninh. Cấu trúc các vùng du lịch sinh thái rừng bao gồm vùng du lịch sinh thái rừng Đankia - Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm - hồ Prenn, hồ Đại Ninh. Cấu trúc vùng cảnh quan và không gian mở bao gồm vùng cảnh quan rừng Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng, vùng cảnh quan nông nghiệp Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, vùng cảnh quan hồ Đại Ninh, hồ Đa Nhim, hệ thống sông, suối, hồ Cam Ly và sông Đa Nhim. Vùng phát triển đô thị có tổng diện tích khoảng 11.600 ha bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích khoảng 5.900 ha; vùng đô thị chia sẻ chức năng bao gồm đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương (huyện Đức Trọng) có diện tích khoảng 2.600 ha và đô thị Finôm - Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) có diện tích khoảng 1.700 ha; các đô thị vệ tinh gồm đô thị Lạc Dương (huyện Lạc Dương) có diện tích khoảng 300 ha, đô thị Đ’ran là trung tâm kinh tế phía Đông (huyện Đơn Dương) có diện tích khoảng 350 ha, đô thị Nam Ban (huyện Lâm Hà) là trung tâm kinh tế phía Tây có diện tích khoảng 500 ha, đô thị Đại Ninh (huyện Đức Trọng) có diện tích khoảng 350 ha.

Vùng phát triển nông nghiệp và nông thôn có tổng diện tích khoảng 73.000 ha. Trong đó, vùng nông nghiệp (khoảng 70.400 ha) tập trung tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương. Các điểm dân cư nông thôn tập trung có tổng diện tích khoảng 2.600 ha.

Vùng bảo tồn phát triển rừng có tổng diện tích khoảng 232.000 ha nằm tại vùng rừng phía Bắc (tại huyện Lạc Dương), xung quanh và phía Nam thành phố Đà Lạt (tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng).

Vùng phát triển du lịch sinh thái rừng có diện tích khoảng 6.500 ha bao gồm 04 khu du lịch chính là khu du lịch hồ Đankia - Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch hồ Prenn, khu du lịch hồ Đại Ninh và các khu du lịch khác nằm phân tán trên toàn vùng. 

Mạng lưới cây xanh cảnh quan và không gian mở là không gian đa chức năng bao gồm: Công trình kết hợp hài hòa với không gian xanh, nguồn nước và nơi xử lý nước, trung tâm của cuộc sống đô thị như nơi gặp gỡ trao đổi, nơi vui chơi cho trẻ em, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư sẽ được phát triển như hình hoa hướng tâm đó là đô thị lõi và các đô thị vệ tinh. Cũng theo ông Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng thì việc quy hoạch và thiết kế Trung tâm Hòa Bình và chợ Đà Lạt là một đề tài rất khó, không giống với bất cứ việc quy hoạch và thiết kế ở các thành phố khác. Nhất là mối thống nhất, hài hòa về địa hình, không gian, cảnh quan của thành phố cũng như hệ thống giao thông đô thị. Bên cạnh đó phải giữ nguyên bản sắc màu xanh của rừng và trọng tâm là con người. 

Thanh Huyền 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo