Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch và quản lý vườn hoa, sân chơi tại khu dân cư khu vực nội thành Hà Nội

Quy hoạch và quản lý vườn hoa, sân chơi tại khu dân cư khu vực nội thành Hà Nội

Viết email In

Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng cần đảm bảo sự bền vững. Năm 2008, Thành phố Hà Nội đã được mở rộng lãnh thổ để trở thành rộng hơn trước khoảng ba lần, đòi hỏi thành phố phải sử dụng đất hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bao gồm cả những người sống trong các quận nội đô lịch sử, nơi có mật độ dân số và mật độ xây dựng cao.  

Vườn hoa/ sân chơi khu dân cư là môi trường vật thể, và cũng là không gian xã hội, để mọi người đến thư giãn, tập thể dục và tương tác với nhau. Chúng có lợi thế trong việc thu hút mọi người đến thường xuyên hơn so với các công viên lớn, do nằm gần các nhà ở. Chúng đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của trẻ em và người già, những đối tượng thường gặp khó khăn khi phải đi lại quang đường dài. 

Vườn hoa/sân chơi khu dân cư tại Hà Nội đang rất thiếu. Trong khu vực nội thành, các công viên và vườn hoa chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất. Suy ra từ các con số hiện trạng công viên/vườn hoa của Báo cáo thuyết minh cho Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch cây xanh Hà Nội) với diện tích bình quân 2,43m2/người cho dân số 1,8 triệu của năm 2030, thì diện tích công viên/vườn hoa trung bình cho dân số 2,1 triệu hiện nay trong các quận nội thành chỉ là 2.08m2/người. Đặc biệt, Quận Thanh Xuân được coi là không có công viên/vườn hoa. Mặt khác, theo nguồn số liệu của Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP) còn cho thấy diện tích công viên/vườn hoa bình quân chỉ là 0,9m2/người.

Vườn hoa/sân chơi khu dân cư không được quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý tốt. Diện tích đất công còn lại của Hà Nội đang phải đối mặt với 1) cạnh tranh giữa việc sử dụng đất cho các tiện ích công và chính sách bán đấu giá các lô đất công cho tư nhân, và 2) cạnh tranh trong sử dụng đất giữa các tiện ích công với nhau. Thành phố đang thiếu thông tin hiện trạng đáng tin cậy về hệ thống vườn hoa/sân chơi khu dân cư và về đất công cho mục đích quy hoạch. 


Tại khu tập thể Ngọc Khánh  

Khung chính sách cho quy hoạch và quản lý cây xanh/công viên đã hình thành rõ rệt. Đặc biệt, thành phố đã có quy hoạch cây xanh Hà Nội. Quy hoạch này có mục đích phát triển Hà Nội thành một thành phố xanh, sạch, giảm mức độ ô nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Đối với khu vực nội thành, quy hoạch này có mục tiêu nhằm tạo ra các công viên đô thị đạt diện tích trung bình 3,92m2/người; và các vườn hoa ở cấp đơn vị ở đạt 1m2/người. Tuy nhiên để đạt được đến mục tiêu này, sẽ còn cần rất nhiều nỗ lực từ phía chính quyền, cộng đồng và chúng tôi thấy có một số vấn đề sau đây cần được xem xét và giải quyết: 

Các vấn đề

Các vấn đề về chính sách: 

Hiện tại, thành phố Hà Nội đã có một số chính sách liên quan tới việc phát triển công viên, sân chơi, sân thể thao.Tuy nhiên, có các kẽ hở, cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các chính sách đó. Ví dụ, không có chính sách nào xác định rõ yêu cầu về diện tích đất và tiện ích tối thiểu dành cho sân chơi. Nhu cầu sử dụng đất của nhiều chính sách công tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt vì quỹ đất công vốn đã khan hiếm. Bên cạnh đó, nhu cầu về quỹ đất công dành cho các tiện ích công cộng mâu thuẫn với chính sách cho phép bán đấu giá các lô đất công còn lại cho các nhà đầu tư.

Có thể nói, thành phố Hà Nội hiện chưa có những biện pháp chính sách phù hợp để đạt được các mục tiêu đặt ra cho việc phát triển công viên/sân chơi khu dân cư. Để đáp ứng mục tiêu về diện tích đất dành cho phát triển vườn hoa mới ở cấp đơn vị nhà ở, quy hoạch cây xanh Hà Nội đã đề xuất 1) di dời các cơ sở công nghiệp, và 2) nâng cấp các khu nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên nếu thành công, hai biện pháp trên cũng chỉ có thể mang lại vườn hoa/sân chơi khu dân cư cho những người sống gần những vườn hoa mới được xây dựng đó, trong khi vẫn chưa có biện pháp làm tăng thêm diện tích vườn hoa sân chơi ở những khu vực khác của Hà Nội. Bên cạnh đó, việc triển khai hai đề xuất trên đã và đang phải đối mặt với các trở ngại về chi phí, tái định cư cũng như sự chậm trễ của các cơ quan phải di dời. Hơn thế nữa, quy hoạch cây xanh Hà Nội cũng không phân bổ ngân sách dành cho việc phát triển các vườn hoa/sân chơi khu dân cư.

Thành phố Hà Nội đang thiếu một Chương trình Nâng cấp đô thị toàn diện, trong đó một hệ thống công viên, vườn hoa được phân tầng là không thể tách rời. Thiếu nó, chính quyền cấp phường có thể không nhận thức được rằng một phần nào đó trên lãnh thổ phường mình có thể được quy hoạch làm diện tích cây xanh sử dụng không chỉ ở cấp phường, mà còn ở cấp quận hay cấp thành phố. Do đó, họ có thể muốn bán đấu giá các lô đất công còn lại nếu họ cho rằng nhu cầu sử dụng đất công cho các công trình công cộng ở cấp quản lý của họ đã được đáp ứng đủ; trong khi chính quyền thành phố không có đủ công cụ để giám sát quá trình này. 


Trẻ em chơi tại phố đi bộ Đào Duy Từ vào buổi tối thứ bảy hàng tuần 

Các vấn đề về quy định luật pháp: 

Khung pháp lý về quy hoạch và quản lý đô thị đã hướng dẫn việc lập quy hoạch cây xanh đô thị. Tuy nhiên, hướng dẫn quy hoạch vườn hoa/sân chơi, hiện nay chưa đủ và thiếu thực tế. Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Nhà ở và Luật Thủ đô đều không đề cập đầy đủ đến 1) quy hoạch cơ sở hạ tầng xã hội, trong đó có vườn hoa/sân chơi, và 2) quy hoạch nâng cấp đô thị là loại quy hoạch cần thiết cho các quận nội thành Hà Nội, nơi các khu dân cư được hình thành và tồn tại qua nhiều thế hệ. Quy chuẩn quy hoạch đặt ra yêu cầu về diện tích bình quân cao một cách thiếu thực tế cho vườn hoa khu dân cư trong các khu ở cũ. Cụ thể là quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng, QCXDVN 01: 2008/BXD, quy định 2m2/người ở cấp đơn vị ở, trong khi quy hoạch cây xanh Hà Nội năm 2014 chỉ có thể đạt được 1m2/người; trong khi quy địnhcụ thể về diện tích và tiện ích tối thiểu cho sân chơi lại chưa có.

Thiếu sự nhất quán trong việc định nghĩa cây xanh sử dụng công cộng, vườn hoa, vườn dạo, sân chơi, sân thể thao v.v. trong các văn bản quy phạm pháp luật (TCXDVN 362: 2005 và QCXDVN 01: 2008/BXD v.v.), tạo ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến thông tin không chính xác và không đồng bộ cho mục đích quy hoạch và quản lý.

Quy định về quy trình tham gia của người dân trong quy hoạch đô thị còn thiếu hiệu quả. Thông tin không được công khai đầy đủ, giới hạn hẹp của các bên liên quan được mời đóng góp ý kiến, các bước lấy ý kiến thiếu hợp lý, và việc thiếu cơ chế phản hồi là những ví dụ về các trở ngại để người dân tham gia.

Công tác quản lý đất công còn thiếu hiệu quả. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất có tỉ lệ nhỏ (1:1.000 hay nhỏ hơn), trong đó những ngôi nhà, đường đi, cây xanh, vườn hoa/sân chơi v.v.được thể hiện bằng cùng một màu sắc dưới hạng mục đất ở đô thị mà không có sự phân biệt, gây khó khăn cho việc cập nhật những thay đổi trong sử dụng đất. Cấp chính quyền cao hơn thường chỉ dựa trên các thông tin về sử dụng đất được cung cấp bởi các cấp thấp hơn cho việc ra quyết định, mà thiếu công cụ thích hợp để kiểm tra chéo. Đất công có thể được đấu giá bán cho tư nhân trong khi chưa đáp ứng đủ các nhu cầu công ích.

Các vấn đề trong bộ máy quản lý: 

Quy chế Quản lý cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú Hà Nội theo Quyết định số 19/2010 của UBND TP Hà Nội ngày 14/5/2010 chỉ quy định nhiệm vụ cho chính quyền thành phố và UBND các quận để quản lý các công viên, vườn hoa “nằm trong danh mục chính thức”, trong khi bỏ qua chính quyền phường là cơ quan đang quản lý phần lớn các vườn hoa và sân chơi khu dân cư hiện hữu, theo cơ chế quản lý đất công, trong sự điều phối với chính quyền quận.

Có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa một số ban ngành của thành phố chịu trách nhiệm về quy hoạch có liên quan tới sử dụng đất (quy hoạch đô thị, xây dựng và quản lý đất đai) và các cấp chính quyền, trong khi sự phối hợp và hợp tác giữa các ngành còn yếu. Ngoài ra còn có sự không thống nhất về lãnh thổ giữa hai nhiệm vụ 1) quy hoạch đô thị và 2) thực hiện quy hoạch đô thị, trong đó lãnh thổ của nhiệm vụ đầu tiên thường được giới hạn bởi những con đường và có thể bao phủ nhiều hơn một lãnh thổ hành chính, trong khi đó nhiệm vụ thứ hai được thực hiện trong một địa giới hành chính.

Nhận thức của chính quyền về tầm quan trọng của vườn hoa/sân chơi khu dân cư còn thấp. Quy hoạch cây xanh Hà Nội dành ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển các công viên lớn, chứ không phải là vườn hoa cấp đơn vị ở. Chính quyền cấp phường cũng có những ưu tiên khác cao hơn so với việc đảm bảo có vườn hoa/sân chơi cho người dân. Một số chính quyền phường vẫn cho tư nhân thuê đất công cho các hoạt động thương mại trong khi nhu cầu về vườn hoa/sân chơi của người dân vẫn chưa được đáp ứng.

Thành phố chưa có một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hệ thống thông tin tích hợp dùng chung để thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin đa ngành một cách thống nhất, trong đó có các thông tin về quản lý đất công và vườn hoa/sân chơi. Thiếu một cơ quan như vậy, quy hoạch và quản lý cây xanh sẽ phải đối mặt với 1) thiếu thông tin, 2) thông tin không đáng tin cậy, và 3) việc chia sẻ thông tin không hiệu quả.

Các vấn đề về sự tham gia của các bên liên quan: 

Người dân hiểu rõ giá trị của vườn hoa/sân chơi khu dân cư và mong muốn tham gia tạo lập và quản lý các không gian này. Họ biết rõ đất công đang được sử dụng như thế nào và làm thế nào để nó có thể được sử dụng theo cách tốt nhất. Tuy nhiên, họ không có đủ cơ hội để tham gia, đặc biệt là những người di cư có thu nhập thấp do họ ít được mời đi họp.

Các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi chính phủ và các hội nghề nghiệp có ảnh hưởng hạn chế đến các quyết định chính sách về cây xanh công viên. Vấn đề này không nằm trong chức năng nhiệm vụ của một số tổ chức nói trên. Nhiều tổ chức phải đối mặt với sự non yếu trong công tác phối hợp, cũng như thiếu ngân sách hoạt động. Các tổ chức này được mời bình luận về các chính sách chỉ khi tài liệu chính sách đã được soạn thảo xong, chứ không phải trong giai đoạn thu thập thực tế; và một số người cho rằng quan điểm của họ không phải lúc nào cũng được chính quyền xem xét một cách nghiêm túc.

Các Viện nghiên cứu của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong đề xuất các chính sách mới trong quy hoạch đô thị, trong khi chưa có Viện nghiên cứu độc lập về vấn đề này. Các cơ sở đào tạo cung cấp kiến thức hạn chế về quy hoạch và quản lý cây xanh. Các phương tiện truyền thông tham gia vào việc bảo vệ và phát triển các không gian công cộng nói chung và vườn hoa sân chơi khu dân cư nói riêng một cách chưa bền vững và thiếu hệ thống. Có ít các cơ quan quốc tế quan tâm đến vườn hoa/sân chơi khu dân cư. Các doanh nghiệp được coi là chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nhưng họ cũng có thể tham gia đóng góp xã hội. 


Trẻ em chơi tại phố đi bộ Đào Duy Từ vào buổi tối thứ bảy hàng tuần 

Kết luận và kiến nghị

Chính quyền trung ương: 

Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia đã được phê duyệt từ năm 2009 cần được xem xét lại, trong đó chú ý đảm bảo có đủ hạ tầng cơ sở xã hội thiết yếu cho các khu dân cư, bao gồm vườn hoa và sân chơi. Bộ Xây dựng cần chỉ đạo chính quyền các tỉnh, thành phố rà soát đánh giá hiện trạng các khu dân cư hiện hữu và lập Chương trình nâng cấp đô thị cho từng thành phố có nhu cầu nâng cấp.

Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thủ đô cần đề cập thích đáng hơn về hạ tầng xã hội, trong đó bao gồm nội dung về vườn hoa/sân chơi khu dân cư. Cần một cơ chế tham gia của công dân hiệu quả hơn trong quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, trong đó việc xác định mục đích sử dụng đất được tách ra thành bước đầu tiên để người dân tham gia đóng góp trước khi các bước tiếp theo về xây dựng nhiệm vụ quy hoạch và thiết kế quy hoạch được thực hiện.

Công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất trong lãnh thổ các đô thị cần được quy về một mối, tránh sự chồng chéo trách nhiệm giữa Bộ Xây dựng và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.

Các quy chuẩn/tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch cần được tạo ra 1) cho sân chơi ở cấp khu dân cư, trong đó quy định diện tích tối thiểu và danh sách các tiện ích tối thiểu; và 2) cho công tác nâng cấp đô thị, trong đó có bao gồm nội dung liên quan tới vườn hoa/sân chơi khu dân cư. Có thể cần một bộ quy chuẩn quy hoạch đặc biệt để áp dụng cho khu vực nội thành của Hà Nội, do tính chất đặc thù về vị trí chiến lược, cư dân, kiến trúc, lịch sử và văn hóa của nó.

Các thuật ngữ về cây xanh sử dụng công cộng nên được thống nhất hóa để đảm bảo các thông tin thu thập được là đồng bộ. Các thông số kỹ thuật cần được xây dựng nhằm tách riêng diện tích sân chơi, công viên/vườn hoa, cây xanh đường phố, sân thể thao v.v. để sử dụng trong các bản đồ địa chính và trong kiểm kê hay lập số liệu thống kê về sử dụng đất công.

Các cấp chính quyền thành phố Hà Nội: 

Một Chương trình Nâng cấp đô thị cho Hà Nội trong khuôn khổ của Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia cần được xây dựng, trong đó mạng lưới các vườn hoa/sân chơi khu dân cư là một phần không thể tách rời. Quy hoạch cây xanh Hà Nội cần được bổ sung nội dung liên quan đến vườn hoa, sân chơi ở cấp đơn vị ở.

Cần tránh chồng chéo trong chức năng lập quy hoạch sử dụng đất của Sở Tài Nguyên & Môi trường và chức năng lập quy hoạch cây xanh của Sở Xây dựng, nên xem xét việc quy về một mối do Sở Quy hoạch- Kiến trúc điều phối. Ngoài ra, cơ chế quản lý công viên đô thị cần được cải thiện, nhất là về sự phối hợp, hợp tác và báo cáo giữa các ngành và các cấp chính quyền.

Công tác quy hoạch và quản lý sử dụng đất cần được cải thiện để đảm bảo có đất công dành cho vườn hoa/sân chơi khu dân cư. Kết quả của việc kiểm kê đất công nên được công bố công khai cho người dân đóng góp ý kiến.

Một hệ thống quản lý thông tin dùng chung cho nhu cầu quy hoạch và quản lý đô thị cần được thành lập ở cấp thành phố để chứa các dữ liệu và thông tin đa ngành trong đó có cả về quy hoạch và quản lý cây xanh, công viên, vườn hoa và sân chơi. Hệ thống này nên được giao cho Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội quản lý. Thông tin có thể được cấp hoặc bán cho các bên liên quan như một dịch vụ công.

Trước mắt, Thành phố Hà Nội có thể thực hiện ngay các hành động sau:

- Kiểm kê, đánh giá hiện trạng và tình hình sử dụng các vườn hoa sân chơi hiện hữu trong các khu dân cư, tập hợp thông tin hiện trạng và quy hoạch sân chơi, công viên trên nền bản đồ - thể hiện chi tiết từng phường;

- Ngừng thực hiện chính sách hiện hành cho phép đấu giá đất công trong khu vực nội thành cho đến khi thành phố đã giao đất đủ đất công cho các tiện ích xã hội ở tất cả các cấp phường, quận và thành phố. Các nhu cầu sử dụng đất công khác nhau nên được xem xét tổng hợp trong sự điều phối tốt;

- Trong khi quy hoạch chi tiết chưa được thực hiện, nên huy động đất công sử dụng chưa hiệu quả và dành bất kỳ khoảng đất công còn lại nào trong khu dân cư để làm vườn hoa và sân chơi cho người dân;

- Khẩn trương phục hồi, tôn tạo, nâng cấp các vườn hoa sân chơi hiện hữu trong các khu dân cư, đồng thời tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ những lấn chiếm, sai phạm, sử dụng sai mục đích các không gian này. Chính quyền cần thảo luận với cộng đồng về việc làm thế nào để chúng có thể được quản lý tốt hơn. Cán bộ phường phụ trách các vấn đề xã hội và văn hoá cũng cần tổ chức các hoạt động chơi cho trẻ em;

- Các nguồn lực khác nhau cần được huy động để xây dựng/cải thiện vườn hoa/sân chơi khu dân cư. Các phương tiện chơi có thể được tạo ra với chi phí thấp, bằng cách tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng và công lao động tình nguyện. 


Sân chơi Tổ 3 Trung Tự 

Các bên liên quan khác: 

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần làm việc nhiều hơn với cộng đồng để hiểu về nhu cầu của họ và dẫn dắt việc đối thoại với chính quyền nhằm giữ gìn đất công và huy động các nguồn lực để xây dựng, cải thiện, duy trì vườn hoa/sân chơi khu dân cư.

Các chuyên gia và các hội nghề nghiệp cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của vườn hoa/sân chơi khu dân cư trong quy hoạch đô thị. Họ cũng cần cải thiện công tác điều phối nhằm đóng góp hiệu quả hơn cho chính sách. Các chương trình đào tạo về quy hoạch đô thị nên đề cập đến quy hoạch vườn hoa/sân chơi trong đơn vị ở, và đào tạo cho các nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc sư tương lai hướng nhiều hơn tới người sử dụng.

Các tổ chức phi chính phủ có thể thực hiện các chiến dịch vận động nhằm: 1) nâng cao nhận thức về vườn hoa/sân chơi khu dân cư, 2) đánh giá về hiện trạng của các không gian này, ví dụ như một nghiên cứu sâu hơn về các vườn hoa/sân chơi khu dân cư trong các khu nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, 3) kiến nghị có thể làm gì để cải thiện tình hình, và 4) cung cấp cho các bên liên quan khác nhau các kinh nghiệm tốt có thể áp dụng. Ví dụ, các tổ chức phi chính phủ có thể tiến hành một dự án thí điểm kiểm kê đất công ở cấp phường có sự tham gia của người dân, nhằm cung cấp một mô hình mới về quản lý đất minh bạch cho các nhà hoạch định chính sách xem xét.

Các phương tiện truyền thông đại chúng cần giúp nâng cao nhận thức về vườn hoa/sân chơi khu dân cư, và có các dẫn chứng chắc chắn khi định hướng dư luận gây ảnh hưởng đến các chính sách trong tương lai.

Khu vực tư nhân có thể cung cấp nguyên vật liệu đã sử dụng để làm sân chơi, và cũng có thể trực tiếp đầu tư cho không gian công cộng và hưởng lợi gián tiếp từ việc quảng cáo tên tuổi.Tuy nhiên cần xây dựng một quy chế rõ ràng về sự tham gia của các doanh nghiệp, tránh làm ảnh hưởng, hoặc thay đổi tính chất công cộng của vườn hoa sân chơi./. 

Nguyễn Thị Hiền
Chuyên gia độc lập, Nghiên cứu viên chính trong dự án nghiên cứu “Quản trị đô thị trong bảo vệ, quản lý và phát triển vườn hoa/ sân chơi khu dân cư trong các quận nội thành Hà Nội” – HealthBridge và Quỹ Châu Á thực hiện 

-Ảnh do nhóm ThinkPlaygrounds cung cấp. 

(Bài viết đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 21


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo