Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Cách tiếp cận mới trong phát triển đô thị

Cách tiếp cận mới trong phát triển đô thị

Viết email In

Phát triển đô thị hiện nay đã có những bước tiến tích cực, dần đi vào quy củ, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những hệ lụy từ việc phát triển tự phát, không theo kế hoạch, quy hoạch trước đây, đã và đang tác động, làm chậm quá trình phát triển đô thị (PTĐT) chung. Vì vậy, việc tìm kiếm hướng phát triển mới, hiệu quả đang được các bộ, ngành xúc tiến, trong đó Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) giới thiệu bộ Chỉ số đô thị thịnh vượng (CPI) rất đáng được quan tâm.


Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội.

Áp dụng phù hợp thực tiễn Việt Nam

Trong PTĐT, khái niệm chỉ số CPI (khác với chỉ số giá tiêu dùng cũng là CPI) là chỉ số tổng hợp đa chiều, đo lường sự thịnh vượng của một thành phố thông qua các khía cạnh khác nhau như: năng lực sản xuất, chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng, môi trường bền vững, công bằng - hòa nhập xã hội trong mối tương quan với lĩnh vực quản trị đô thị. Hệ thống CPI cung cấp những thước đo và phân tích tổng hợp, toàn diện về một thành phố được xem xét trong mối tương quan với các chính sách, chiến lược PTĐT. Đây sẽ là một công cụ quan trọng và cần thiết trong xây dựng và vận động chính sách đối với các bên liên quan. Chính những chỉ số đó có thể đặt các đô thị lên "bàn cân" để so sánh, nhất là sự phát triển không đồng đều như ở nước ta khi có hai đô thị loại đặc biệt và quá nhiều đô thị loại V. Đồng thời cho biết, các đô thị cần hoàn thiện và đầu tư vào những lĩnh vực nào để phát triển, xác định các vấn đề đặc trưng và thiết lập những mục tiêu, giám sát việc thực hiện những mục tiêu đó trong tương lai, từng bước xóa bỏ tính "cục bộ" trong PTĐT.

Trên thế giới hiện đã có 320 thành phố đang thử nghiệm CPI. Chỉ số CPI đang dần trở thành công cụ đánh giá chuẩn cho phạm vi toàn cầu với vai trò chính là thước đo so sánh giữa các đô thị trên toàn thế giới. Việt Nam hiện nay có 780 đô thị, trải dài từ bắc đến nam, được xếp làm sáu loại, từ đô thị đặc biệt xuống tới đô thị loại V.

Việc xây dựng và áp dụng một hệ thống chỉ số riêng làm thước đo đánh giá chất lượng phát triển cho các đô thị là điều cần thiết. Hệ thống CPI nên được xem xét tham khảo và thử nghiệm. UN-Habitat đã thiết lập ba cấp độ chỉ số của CPI. Cấp độ đầu tiên là các chỉ số CPI cơ bản. Số lượng các chỉ số này khá hạn chế, chủ yếu cung cấp những thông tin cơ bản ở các thành phố. Cấp độ tiếp theo là những chỉ số CPI mở rộng, nghĩa là có nhiều chỉ số hơn, khả năng thu thập thông tin cao hơn, gắn với từng bối cảnh cụ thể của thành phố. Chẳng hạn như thành phố di sản sẽ có những chỉ số khác với thành phố du lịch, thành phố công nghệ thông tin.

Cuối cùng là những chỉ số CPI thực tiễn, nghĩa là không đơn thuần chỉ là những con số, mà còn là những phân tích chuyên sâu, cụ thể về một thành phố... Ứng với mỗi cấp độ chỉ số này là những quy định và quy trình riêng trong việc thu thập thông tin. Nếu như các thành phố muốn thử nghiệm việc áp dụng chỉ số CPI, thì nên bắt đầu với các chỉ số cơ bản, tiếp đó nâng dần lên các chỉ số mở rộng và sau đó là các chỉ số chuyên sâu. Và việc áp dụng cấp độ chỉ số sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thông tin sẵn có của từng đô thị.

Đầu tư mạnh mẽ nguồn lực con người

Việt Nam là một nước có tốc độ đô thị hóa tương đối cao, khoảng 3,5% hằng năm. Đô thị hóa có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, cộng với những bất cập về quy hoạch và quản lý đô thị (QLĐT) trong cơ chế thị trường, các thành phố ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cung cấp việc làm, nhà ở, các dịch vụ và hạ tầng đô thị cơ bản, cũng như vấn đề suy thoái môi trường. Để vượt qua những thách thức đó, vai trò lãnh đạo tổ chức quy hoạch và QLĐT là yếu tố vô cùng quan trọng. Nguồn lực con người được xem là lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia trong quá trình đô thị hóa, trong đó, năng lực lãnh đạo có vai trò quyết định.

Những nhà lãnh đạo và QLĐT cần có những hiểu biết kỹ thuật về các hoạt động di cư, kinh tế, dịch vụ hạ tầng, giao thông, nhà ở và mô hình quy hoạch QLĐT hiệu quả. Đây là những kiến thức cần thiết để hiểu được gốc rễ, nội tại của những thách thức, khó khăn và đưa ra những chính sách phù hợp trong quá trình đô thị hóa. Ngoài ra, họ cần cập nhật những kiến thức và những bài học kinh nghiệm đô thị hóa trên thế giới để có sự chuẩn bị, cũng như dự đoán những thách thức và cơ hội sẽ xảy ra trong tương lai.

Trong năm vừa qua, UN-Habitat đã phối hợp Hội Quy hoạch Phát triển Việt Nam (VUPDA) và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hai khóa học về "Quy hoạch đô thị cho lãnh đạo thành phố". Nhiều chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm và các tác giả có tài liệu được xuất bản trên toàn cầu về "Quy hoạch đô thị cho lãnh đạo thành phố" đã được mời đến chia sẻ kiến thức và sáng kiến trong quy hoạch và QLĐT cho các cán bộ quản lý, quy hoạch, các nhà nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực này. Các khóa học này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ những người tham gia, cho thấy nhu cầu nâng cao năng lực trong tầng lớp cán bộ lãnh đạo quản lý là cần thiết và không ngừng gia tăng, đặc biệt trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay. Nhà QLĐT cần không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi thì mới có thể làm tốt công việc của mình, chia sẻ tầm nhìn và giá trị, tạo động lực cho những người khác cùng tham gia, thực hiện chương trình hành động, hướng tới mục tiêu xây dựng và PTĐT bền vững.

Vừa qua, Đại hội đồng LHQ đã quyết định tổ chức Hội nghị LHQ lần thứ ba về Nhà ở và PTĐT bền vững (Habitat III) vào năm 2016 với mục tiêu tăng cường những cam kết chính trị về mục tiêu đô thị hóa bền vững thông qua một "Chương trình nghị sự đô thị mới". Mặc dù còn hơn một năm nữa mới diễn ra, nhưng Đại hội đồng LHQ đã quyết định quá trình chuẩn bị cho Habitat III cần có sự đóng góp của các quốc gia thành viên thông qua tiến trình rà soát và đánh giá lĩnh vực đô thị của từng quốc gia với sự tham gia của các bên liên quan. Việc Việt Nam tham gia vào tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị Habitat III là một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm trong xây dựng và PTĐT, đồng thời chung tay cùng với các quốc gia trên thế giới xây dựng một Chương trình Nghị sự Đô thị mới.

Văn phòng UN-Habitat Việt Nam hiện đang tích cực làm việc với Cục PTĐT (Bộ Xây dựng) xây dựng kế hoạch thực hiện Báo cáo đánh giá lĩnh vực đô thị và lồng ghép chương trình tham vấn chính sách này vào trong các hoạt động của Diễn đàn Đô thị. Đồng thời phối hợp với Tổ chức Liên minh các Đô thị và các đối tác phát triển khác hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Xây dựng trong việc xây dựng Chiến lược PTĐT quốc gia - NUDS hướng tới tăng trưởng xanh.

TS Nguyễn Quang - Giám đốc UN-Habitat tại Việt Nam


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo