Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Xây dựng và quản lý không gian cao tầng khu vực nội đô Hà Nội

Xây dựng và quản lý không gian cao tầng khu vực nội đô Hà Nội

Viết email In

Với các đô thị lớn mà đặc trưng nhất là TP Hà Nội, không gian cao tầng không chỉ mang ý nghĩa về mặt cảnh quan kiến trúc mà còn tăng tính tiện ích, hiệu quả sử dụng đất trong điều kiện diện tích đất nội đô còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, xây dựng một chiến lược và quản lý không gian cao tầng nội đô hợp lý là điều kiện cần làm lúc này để giải quyết hài hòa bài toán phát triển bền vững, có bản sắc cho đô thị nghìn năm tuổi.  

Mâu thuẫn của sự phát triển đô thị khiến cho không gian cao tầng của Hà Nội vẫn chỉ được tạo bởi các điểm cao tầng xen kẽ, riêng lẻ, chưa hình thành một hệ thống hoàn chỉnh. Vấn đề hiện nay là cần có một định hướng tổ chức quy hoạch không gian về cao tầng, bổ sung nhằm hoàn chỉnh hệ thống vốn đang dang dở của các công trình cao tầng hiện hữu. 

Khu vực nội đô lịch sử 

Nội đô lịch sử là tên gọi trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2050, khẳng định yếu tố lịch sử - hạt nhân đô thị của một khu vực được xác định từ đường vành đai 2 đến bờ nam sông Hồng. Khu vực này bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, một phần quận Hai Bà Trưng và quận Tây Hồ. 

Đúng với tên gọi của nó, hầu hết các yếu tố di sản đô thị của Hà Nội đều hội tụ ở đây: Khu phố Cổ, khu phố Cũ và khu vực hồ Gươm được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cùng những di tích lịch sử vô cùng giá trị như Hoàng thành Thăng Long… đã tạo dựng nên đặc trưng, sắc thái riêng cho đô thị Hà Nội. 

Khu phố Cổ hình thành từ thế kỷ XVI-XVII liền kề với hồ Gươm cùng các tuyến phố thương mại Hàng Khay, Tràng Tiền xây dựng từ giai đoạn đô thị hóa đầu tiên của Hà Nội (1875 - 1888). Chúng được ngăn cách và chuyển tiếp nhẹ nhàng với khu phố Cũ hình thành trong những năm 1888 - 1920, giai đoạn đô thị hóa thứ hai của Hà Nội.

Sự kiện mở rộng địa giới hành chính năm 2008 là một dấu ấn quan trọng. Tuy diện tích tăng hơn ba lần, nhưng hạt nhân của đô thị vẫn là Nội đô lịch sử, chứa trong mình cả quá trình lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội. Từ phố Cổ: đường phố với loại hình sinh hoạt kết hợp sản xuất, các ngõ nhỏ phố nhỏ, mái dốc lợp ngói; phố Cũ: phố Tây với mạng lưới đường đan vuông vức, không gian thành phố vườn, đến những khu tập thể xây dựng thời kỳ công nghiệp hóa: thiết kế điển hình, tổ chức, bố cục ngay ngắn, hình thức đơn giản. Thêm vào đó là hàng trăm di tích tín ngưỡng tôn giáo, dòng sông Hồng, hệ thống hồ ao mà tiêu biểu là hồ Gươm, hồ Tây, Thiền Quang... đã tạo nên hình ảnh kiến trúc - cảnh quan đặc trưng. 

Với diện tích khoảng 3.800ha, dân số trên 1 triệu người, đây là khu vực tập trung dân cư với mật độ cao nhất toàn thành phố, đặc biệt là ở phố cổ. Trải qua quá trình phát triển, hạ tầng kỹ thuật khu Nội đô lịch sử đã được nâng cấp, bổ sung nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu của dân cư trong khu vực. Tuy nhiên, với tốc độ tăng dân số, thêm vào đó là sự tập trung nhiều cơ sở hành chính, y tế, giáo dục cùng các trung tâm thương mại, văn phòng đã tạo nên sự quá tải về giao thông, dân số, việc làm và gây áp lực về hạ tầng xã hội: y tế, giáo dục. 

Công trình cao tầng trong đô thị 

Công trình cao tầng là sản phẩm của đô thị hóa, nó giải quyết được những vấn đề về khoảng cách đi lại, sử dụng ít tài nguyên đất mà vẫn đạt hiệu quả sử dụng, kinh tế. Đối với những thành phố lớn, sự cảm nhận về không gian trở nên khó khăn, đặc biệt khi tầm vóc của đô thị phát triển nhiều chiều và nhịp sống trở nên gấp gáp, các chiều hướng đô thị càng trở nên khó diễn tả khi không gian không có các dấu hiệu đặc thù.

Việc tổ chức không gian cao tầng một cách thích hợp sẽ phần nào giải quyết được các vấn đề này. Những công trình cao tầng tạo ra dấu hiệu mạnh về thị giác, có thể nhận biết từ xa như là những mốc định hướng trong đô thị. 

Ngoài việc tạo các điểm nhấn, cột mốc trong đô thị, công trình cao tầng có thể tạo ra một chuỗi mang tính dẫn hướng, hay tạo ra những khu vực tổ hợp làm thay đổi về hình thái không gian, tránh sự đơn điệu nhàm chán… Trong tổ chức không gian, các công trình cao tầng tổ hợp thành một khu vực thường gắn với cây xanh, hồ nước, không gian mở có diện tích lớn. Việc kết hợp này ngoài việc làm cân bằng mật độ, còn nhằm nhấn mạnh vào sự khác biệt về không gian, tạo sự phong phú … Rất nhiều thành phố, hình ảnh của nó được gắn với một diện những công trình cao tầng. 

Về mặt kinh tế, khu vực Nội đô lịch sử, vốn thuận lợi về kinh doanh thương mại, với mật độ dân cư cao, tập trung nhiều cơ quan hành chính, dịnh vụ đô thị khá đầy đủ lại càng thu hút nhiều đầu tư, làm cho giá đất luôn đắt hơn các khu vực khác. Công trình cao tầng là giải pháp tốt để tiết kiệm đất và tăng hiệu quả đầu tư. 

Tuy nhiên, nếu các công trình cao tầng xây dựng tràn lan và thiếu tính toán sẽ phá vỡ không gian của khu vực Nội đô lịch sử vốn cổ kính với những công trình kiến trúc nhỏ, thấp tầng. Mâu thuẫn của sự phát triển đô thị khiến cho không gian cao tầng của Hà Nội vẫn chỉ được tạo bởi các điểm cao tầng xen kẽ, riêng lẻ, chưa hình thành một hệ thống hoàn chỉnh.

Vấn đề hiện nay là cần có một định hướng tổ chức quy hoạch không gian về cao tầng, bổ sung nhằm hoàn chỉnh hệ thống vốn đang dang dở của các công trình cao tầng hiện hữu. 

Nghiên cứu tổ chức quy hoạch không gian - kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử 

Tổ chức quy hoạch không gian - kiến trúc công trình cao tầng trong thành phố cần dựa trên những nguyên tắc và tiêu chí như: 

Bảo vệ không gian hiện hữu: Đảm bảo giữ gìn, bảo vệ hình thái các không gian đặc thù như các hồ nước, cảnh quan có giá trị; các khu vực bảo tồn, tôn tạo, đặc biệt là các khu vực di tích lịch sử, cách mạng…(khu trung tâm chính trị Ba Đình, khu Hoàng thành Thăng Long, khu phố Cổ, khu phố Cũ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu vực Văn Miếu và các di tích tôn giáo tín ngưỡng khác…); không ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến không gian đặc trưng của các làng xóm trong đô thị. 

Quản lý chiều cao: Chiều cao của công trình cao tầng được xác định theo định hướng chung thấp dần từ phía vành đai 2 vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, chiều cao cụ thể được xác định phụ thuộc vào các góc nhìn, vị trí công trình, ảnh hưởng của công trình đến khu vực xung quanh… 

Khống chế về quy mô: Khu vực nội đô lịch sử có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã ổn định, việc nâng cấp gặp rất nhiều khó khăn và phải phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Chính vì vậy mà với mỗi khu vực, quy mô công trình cần được xác định phù hợp với khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng khu vực đó, trên cơ sở các lô đất cụ thể để đảm bảo tính khả thi. 

Kiểm soát chức năng: Các công trình cao tầng đi vào sử dụng sẽ dẫn đến tập trung đông người. Với mục tiêu hướng tới giảm mật độ dân cư khu vực nội đô lịch sử nên chức năng công trình cao tầng tại khu vực này cần phải được quản lý chặt chẽ, có thể định hướng không nhà ở. 

Hoàn chỉnh hệ thống cao tầng hiện có: Trong quá trình phát triển trước đây, khu vực nội đô lịch sử đã hiện hữu một số lượng không nhỏ các công trình cao tầng. Với việc xem xét một cách tổng thể, tổ chức không gian cao tầng cần đạt được sự thống nhất với hệ thống các công trình cao tầng hiện hữu, nhằm bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống này. 


(nguồn: Ashui.com) 

Ngoài các nguyên tắc trên, việc tổ chức không gian cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử cần phải thỏa mãn các yêu cầu về nghệ thuật. Các nghiên cứu cần được mở rộng không chỉ ở phạm vi khu vực, mà ở phạm vi không gian toàn thành phố. Qua nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một số giải pháp sau: 

Tổ chức không gian cao tầng theo tuyến: Việc tổ chức không gian cao tầng theo tuyến được nghiên cứu trên cơ sở các cấu trúc chính của thành phố, mối liên hệ giữa khu vực nội đô lịch sử với khu vực nội đô mở rộng, khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng; nghiên cứu trong sự kết nối tổng thể giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái… Chính vì vậy tổ chức không gian cao tầng được xác định theo các tuyến nhằm tạo sự dẫn hướng, khẳng định các trục - khung cấu trúc chính của thành phố, khẳng định mối liên hệ, kết nối giữa khu vực nội đô lịch sử với các khu vực khác.

Tổ chức không gian cao tầng theo khu vực (tổ hợp): Giải pháp này nhằm tạo ra các khu vực riêng biệt, đặc thù, có sự thay đổi về không gian, không chỉ về chiều cao mà cả về hình thức kiến trúc, mật độ, hình khối… 

Tổ chức không gian cao tầng theo điểm: Tổ chức không gian cao tầng theo tuyến tạo nên sự dẫn hướng, khẳng định các trục khung - cấu trúc của không gian thành phố, tuy nhiên chúng vẫn đơn điệu và khó phân biệt nếu không có các dấu hiệu mạnh hay điểm nhấn. 

Điều này không có nghĩa là việc tổ chức công trình cao tầng theo điểm luôn phải gắn với tuyến, chúng (các điểm nhấn) có thể được bố trí trên tuyến, kết thúc của tuyến hoặc có thể không gắn với tuyến trong trường hợp có những điểm nhìn thuận lợi (tại một không gian mở hay điểm kết cho một tuyến nhìn…). 

Tổ chức không gian cao tầng theo diện: Là giải pháp tổ chức không gian cao tầng theo tuyến nhưng có “bề dày” nhằm tạo diện cao tầng theo mặt đứng, góp phần tạo hình ảnh của thành phố. Và cũng vì vậy, chúng cần được tạo lập tại các vị trí có thể nhìn, ngắm tốt. Trong khu vực nội đô lịch sử, có thể thấy những vị trí như vậy tại tuyến dọc đê sông Hồng, có tầm nhìn tốt từ phía bên kia sông… 

Việc tổ chức không gian cao tầng theo diện cần quan tâm đặc biệt đến việc hình thành đường Xi-lu-et (Silhouette), những khoảng trũng cần thiết cho sự lưu thông không khí, những khoảng nhấn về chiều cao, về hình thức kiến trúc, nhịp điệu. 

Kết luận 

Trước thực tế phát triển của Hà Nội hiện nay, việc xây dựng công trình cao tầng trong khu vực Nội đô lịch sử là thực sự cần thiết, bổ sung nhằm hoàn chỉnh hệ thống công trình cao tầng vốn còn đang dang dở, hướng tới một Hà Nội phát triển bền vững theo mục tiêu “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. 

Để tổ chức quy hoạch không gian đô thị có bản sắc, khai thác các giá trị đất đai, thương mại, hài hòa giữa bảo tồn các giá trị cũ và vốn có về kiến trúc cũng như về cảnh quan thiên nhiên với phát triển cần có những cơ sở khoa học chắc chắn, đưa ra định hướng, nguyên tắc và giải pháp cụ thể trong việc xây dựng các công trình cao tầng. 

TS.KTS Tạ Nam Chiến - Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 4/2014) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo