Hình nào khí ấy

Thứ bảy, 08 Tháng 5 2010 13:51 Thanh Niên, Archi
In

Trên thực tế có rất nhiều ngôi nhà tuy diện tích nhỏ nhưng đã tạo lập không khí thân mật và hài hòa về nội khí mà có khi những ngôi nhà sang trọng hay bề thế chưa chắc đã làm được.

Điều này thể hiện thông qua mối quan hệ về âm dương - ngũ hành được phối kết hài hòa, cụ thể là các giải pháp định lượng và định tính về bố trí nội thất; phối hợp nội thất với phần khung xương và ngoại cảnh xung quanh ngôi nhà.


 
Định lượng để tận dụng không gian

Đối với nhà nhỏ hay nhà chật thì không gian cần tỷ lệ nhỏ tương ứng theo và kiêm thêm các chức năng mà khi nhà rộng có thể được tách biệt. Ví dụ, thay vì có phòng sinh hoạt, phòng khách, phòng ăn độc lập, thì trong ngôi nhà nhỏ chỉ với một không gian giếng trời có thể kiêm luôn chỗ tiếp khách, sinh hoạt gia đình hoặc thậm chí chỗ ăn cơm hàng ngày.
 
Vì vậy, việc tính toán đồ đạc dùng trong trang trí nội thất theo hướng đa năng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn là dùng đồ nội thất quá chuyên biệt. Điều này trong phong thủy gọi là hình nào thì khí ấy, khí nào thì lý ấy. Tức là hình thể vật dụng quyết định đến tính chất sử dụng và nội dung hoạt động không gian đem lại hiệu quả nội khí tác động lên người cư ngụ, chứ không hề có những vật dụng đem lại may mắn như nhiều người lầm tưởng. Các vật dụng thuần túy trang trí chỉ bổ sung thêm tính năng phong thủy chứ không quyết định được nội khí của không gian đó.

Yếu tố tận dụng nên được hiểu là tận dụng trong giới hạn sử dụng, chứ không phải là nhồi nhét nhiều chức năng vì sẽ gây nên tình trạng rối loạn về trường khí nội thất. Ví dụ như cầu thang là không gian giao thông thì chỉ nên làm chỗ đi lại, treo tranh hoặc đặt cây cối. Không nên bố trí vật dụng nhiều ở khu vực này.



Định tính để nhà nhỏ mà vẫn đẹp

Do quy mô không gian nhỏ dẫn đến khối lượng vật dụng giảm thiểu, để tăng không gian hữu ích, phong thủy xác định các tính chất âm dương của nội thất. Cụ thể là mỗi vật dụng đều có phần âm là những mặt khuất, mặt tối, mặt bên dưới… so với phần dương là mặt trên, mặt nổi, mặt trước. Để âm dương cân bằng trong vật dụng nội thất thì phần âm đóng vai trò là nền tảng, làm khung xương, phần dương là bề mặt, là lớp hoàn thiện.

Cũng từ tính chất vật liệu (gỗ thuộc mộc, gốm thuộc thổ, sắt thép thuộc kim…) mà phần trang trí nội thất sẽ quyết định đến không gian nhỏ hay rộng, chứ về kích thước thì không thay đổi. Do mộc sinh hỏa, nên nhà nhỏ cần ít dùng gỗ hoặc đồ gỗ sậm màu vì dễ gây cảm giác nóng nực. Hành kim khắc mộc) và hành thủy với xanh biển giúp không gian nhà nhỏ rộng ra hơn là những màu nóng thuộc thổ và hỏa. Thổ và hỏa chỉ nên làm vừa đủ, điểm xuyết, nhấn nhá nhẹ nhàng.

Việc dùng thêm kính thủy (gương soi) tại những chỗ hẹp và đối ngoại vừa có thể giúp ngăn chặn luồng hung khí từ ngoài vào, đồng thời tạo cảm giác không gian rộng ra.
 
Nên chú ý tạo sự mở rộng không gian không chỉ là đặt vật dụng hay màu sắc mà còn phải lưu ý đến điểm nhìn. Nhiều khi cũng vẫn một không gian nhưng nếu khéo khống chế điểm nhìn ra những góc đẹp, thoáng rộng và có thể thay đổi đồ đạc một cách linh hoạt thì cảm giác gò bó tù túng sẽ bị loại bỏ.

KTS Hà Anh Tuấn 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: