Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Chuyên mục Nội - ngoại thất Không gian thuần Việt ở Phnom Penh

Không gian thuần Việt ở Phnom Penh

Viết email In

Giữa đại lộ Preah Sihanouk thênh thang, quận Chamkarmon, thủ đô Phnom Penh, Campuchia, nhà hàng Ngon xuất hiện một cách khác biệt nhưng đằm thắm, dịu dàng với lối kiến trúc hoàn toàn thuần Việt không lẫn vào đâu được.

Địa chỉ: Ngon restaurant, 60 Preah Sihanouk, Phnom Penh, Campuchia  

Sảnh giữa nhà hàng với cách bài trí thoáng

Trên diện tích khoảng 1.500m2, có hai dãy nhà dọc đối xứng, một dãy nhà ngang và tất cả đều lợp ngói liệt, mái ngói cổ kính, thấp thoáng dưới những tàn cây sứ cổ thụ trông thật ấm áp. Một khoảng sân lớn ở giữa được bày biện bởi những bộ bàn lớn hình vuông cứng cáp và những chiếc ghế dài mộc mạc. Xen vào đó là những chiếc vại lớn rộng miệng dùng trang trí, cái thì trồng sen, nuôi cá, cái thì đậy nắp kín như những vại cà, vại dưa đang muối để chờ phục vụ mọi người.

Điều khó là đối với kiến trúc Việt Nam, xác định thế nào là thuần Việt không phải đơn giản. Người ta có thể nhìn vào một không gian kiến trúc nào đó để xác định ngay đây là kiến trúc Pháp, đây là kiến trúc châu Âu, Thái Lan, Trung Hoa, hay pha trộn giữa một số lối kiến trúc nào đó. Thế nhưng, với kiến trúc thuần Việt thì chưa mấy ai, nhà nghiên cứu nào chỉ ra một cách rạch ròi, cụ thể.

Những quầy hàng bán thức ăn được bày biện ngay bên cạnh chỗ ngồi của khách.

Vì thế, để xây dựng nên một không gian thuần Việt ở đây, ông Dương Tấn Hoài, người đầu tư xây dựng nhà hàng Ngon ở Campuchia đã chọn một cách làm khá đơn giản nhưng hợp lý. Đó là dùng phương pháp loại trừ. Từ những không gian kiến trúc quen thuộc ở Việt Nam, ông và đội ngũ những người thiết kế xác định ra những nét kiến trúc mang dấu ấn, đặc trưng của những quốc gia khác để loại trừ ra. Và cuối cũng, đa phần cái lõi còn lại, không pha, không lai tạp được xác định là kiến trúc thuần Việt và áp dụng vào thiết kế cho không gian của Ngon ở Campuchia. Dĩ nhiên, cũng có những vật liệu, như gạch tàu, dùng lót cho toàn bộ không gian nhà hàng thì khó xác định là thuần Việt, nhưng dù sao đây cũng là hình ảnh quen thuộc trong những ngôi nhà Việt từ bao đời nay. Bên trong nhà hàng thiết kế theo lối mở mà đóng. Bởi có tới hàng trăm cánh cửa bằng gỗ, phần dưới ván và trên trang trí bằng những song tiện đứng dùng làm vách ngăn mở để chia không gian bên trong nhà hàng khiến cho không gian càng thêm ấm cúng và thân thuộc. Loại cửa thuần Việt này, nguyên mẫu không dùng bản lề, chỉ dùng chốt bên dưới có ngạch cửa và được gọi là cửa bàng khoa. Để đồng bộ, tất cả những bàn ghế bằng gỗ đều được đóng theo đúng kiểu Việt Nam và toàn bộ đều mang từ Việt Nam sang.

Và cũng từ đó, nhiều quầy hàng bán thức ăn được bố trí ngay bên cạnh chỗ ngồi của khách, để người ăn có thể vừa gọi món vừa quan sát những thao tác chế biến của đội ngũ phục vụ, đầu bếp nhà hàng đối với những món ăn thuần Việt.

Không gian Việt, dĩ nhiên, món ăn cũng phải Việt, trong số 200 món ăn có trong thực đơn của nhà hàng có hơn 70% là món Việt. Những món ăn quen thuộc, gần gũi, thậm chí có món quê mùa của người Việt Nam lại được người dân Campuchia đón nhận nồng nhiệt. Nhà hàng có sức chứa tối đa hơn 450 khách với khoảng 130 nhân viên. Trong những ngày lưu lại đây, chúng tôi quan sát thấy khách luôn đông, không lúc nào ngớt từ sáng đến tối dù nhà hàng đã hoạt động được đúng hai năm.


Một không gian ẩm thực thuần Việt tới từng chi tiết.

    

ảnh trái: Những cánh cửa bàng khoa được đóng và mang từ Việt Nam sang / ảnh phải: Mái nhà lợp ngói liệt, thiết kế cầu thang đơn giản, bậc cầu thang, nền nhà sử dụng gạch tàu.


Nhập gia tùy tục. Có một phòng được bố trí bàn thấp phù hợp với cách ăn của người bản địa gọi là phòng Khmer, nhưng vẫn giữ nét duyên của nội thất Việt.

Phương Nghi - ảnh: Thu Nguyễn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo