Môi trường làng nghề suy thoái trầm trọng

Thứ ba, 21 Tháng 4 2009 06:49 Người Lao Động
In

Ngày 20-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2008, tập trung vào vấn đề môi trường làng nghề.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, do ô nhiễm môi trường, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc.


Không xử lý chất thải

Kết quả khảo sát của Bộ TN-MT tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy 46% số làng nghề được khảo sát có môi trường ô nhiễm nặng (đối với không khí, đất, nước hoặc cả ba dạng). Ô nhiễm vừa và nhẹ chiếm 27%. Kết quả quan trắc thời gian gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm của các làng nghề có xu hướng tăng. Trong đó phải kể đến các làng nghề sơn mài và mây tre đan như làng nghề sơn mài Hạ Thá (Thường Tín, Hà Nội), cơ sở nhuộm 1 và 2 thôn Phù Yên (Chương Mỹ, Hà Nội); cơ sở sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương)... có lượng nước thải không lớn, chỉ khoảng 2 m³ - 5 m³/ngày/cơ sở nhưng nước thải chứa hàm lượng chất ô nhiễm rất cao. Nước thải sản xuất sơn mài chứa bụi mài nhỏ mịn làm tăng hàm lượng cặn. Nước thải từ quá trình nhuộm và nhúng bóng sản phẩm mây tre đan chứa nhiều chất gây ô nhiễm như dung môi, dầu bóng... Hàm lượng COD và BOD5 trong nước thải của các làng nghề này thường vượt tiêu chuẩn từ 2 đến 8,5 lần.

Đáng lo ngại là ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, tái chế giấy... Trong khi đó, ô nhiễm không khí diễn ra nặng nề tại các làng nghề gốm sứ, vật liệu xây dựng... Tình trạng chung đối với các làng nghề là phần lớn chất thải rắn không được thu gom, xử lý mà xả thẳng vào môi trường. Theo dự báo, ô nhiễm không khí, nước và đất ở các làng nghề sẽ còn gia tăng nếu không kịp thời áp dụng triệt để các giải pháp.


Tỉ lệ người mắc bệnh cao


Báo cáo của Bộ TN-MT nêu rõ: Thời gian gần đây, tại nhiều làng nghề, tỉ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng gia tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc.

Đáng lo ngại nhất là tỉ lệ người mắc bệnh ung thư, thần kinh lại rất phổ biến ở các làng tái chế kim loại. Theo Bộ TN-MT, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự phát thải khí độc, nhiệt cao và bụi kim loại từ các cơ sở sản xuất. Thống kê cho thấy tại các làng sản xuất kim loại, tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Đối với các làng tái chế giấy, cho thấy 16% đến 53,7% dân số bị mắc bệnh phổi, ngoài da, thần kinh do chịu sức ép từ khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hóa chất và các khí độc như Cl2, H2S... Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tỉ lệ người mắc các bệnh về đường ruột rất cao, với 58,8% dân số, đường hô hấp là 44,4%, phụ khoa chiếm 35%...

Chưa phân rõ trách nhiệm quản lý

Bộ TN-MT thừa nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do quá nhiều tồn tại chưa được khắc phục trong suốt thời gian qua. Nổi bật trong số các tồn tại là vấn đề chức năng nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường làng nghề chưa rõ ràng; thiếu các quy định pháp luật đặc thù cho bảo vệ môi trường làng nghề; quy hoạch không gắn với bảo vệ  môi trường làng nghề, dẫn đến tình trạng ô nhiễm lan rộng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tỏ ra bất lực trong công tác thu các loại phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, xử phạt hành chính chưa được thực hiện nghiêm. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra, quan trắc tỏ ra yếu kém. Việc huy động nguồn nhân lực, tài chính trong bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu và chưa phát huy được các nguồn lực xã hội. 

Thế Dũng 

[ FORUM > Bảo vệ môi trường làng nghề


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: