TPHCM dẫn đầu cả nước về thúc đẩy phát triển bền vững

Thứ hai, 19 Tháng 8 2013 09:39 SGGP
In

Tiêu dùng bền vững được xem như đối trọng của sản xuất bền vững hướng đến mô hình phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần thiết phải nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT) của cộng đồng. Từ đó, dẫn đến những thay đổi của cộng đồng trong việc thực hiện các giải pháp BVMT ngày càng tăng. TPHCM là một trong những địa phương đã và đang thực hiện rất tốt các giải pháp phát triển bền vững trên.  
 

Khởi nguồn từ những dự án thực tế 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang phải trả giá cho những vấn đề môi trường bởi sản xuất và tiêu dùng quá mức. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã thúc đẩy tiêu dùng trong sản xuất và tiêu dùng cá nhân. Ở các thành phố, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là sự phát triển sản xuất, gia tăng tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân cùng với gia tăng lượng chất thải (rắn, lỏng, khí, nguy hại). 

Tiêu dùng bền vững chính là cách phòng ngừa tốt nhất, đảm bảo lợi ích cho hiện tại và tương lai. Tiêu dùng thế nào để các tài nguyên tái tạo có thể tái tạo được và giảm thiểu sự lãng phí các nguồn tài nguyên không tái tạo. Do vậy, tìm kiếm, áp dụng và nhân rộng các mô hình tiêu dùng bền vững trong điều kiện Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ cần thiết và ưu tiên của các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và của cả cộng đồng. 

Tại TPHCM trong những năm gần đây, một số chương trình và hoạt động môi trường của cộng đồng liên quan đến chủ đề tiêu dùng bền vững đã dần xuất hiện liên tục và được duy trì thường niên như: Ngày hội Tái chế chất thải, Tháng hành động không sử dụng túi nhựa, Chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh, ngày chủ nhật xanh, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... Những sự kiện này, ít nhiều đã tạo những dấu ấn nhất định, thu hút sự quan tâm và tham gia ngày càng nhiều của cộng đồng.

Đồng thời, thông qua việc phát huy cộng đồng thực thi quyền được sử dụng thân thiện môi trường sẽ góp phần tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với cộng đồng và môi trường sống. Từ đó, các doanh nghiệp xanh cũng phải tìm cách giảm giá thành ở mức cạnh tranh để duy trì bền vững việc tiêu dùng sản phẩm của cộng đồng… 
 

Phát huy kết quả đạt được 

Kết quả đạt được từ hàng loạt chương trình trên là rất đáng khích lệ. Thế nhưng, để giảm thiểu lượng chất thải phát sinh, tránh những tổn thất môi trường và nâng cao hiệu suất sử dụng các nguồn tài nguyên hướng đến một nền sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP), việc xây dựng và thực hiện Chiến lược SCP tại Việt Nam cần dựa trên phương pháp luận vòng đời sản phẩm. Quan điểm này vượt qua sự tập trung truyền thống lên nơi sản xuất và các quá trình sản xuất mà hướng đến những tác động kinh tế, xã hội và môi trường của sản phẩm và dịch vụ trên toàn bộ vòng đời sản phẩm.

Từ đó, trong suốt vòng đời sản phẩm (quá trình thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ) càng ít phát sinh chất thải thì càng ít chi phí xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên. Có thể thấy rằng, tại Việt Nam, áp dụng cách tiếp cận 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải) trong các hoạt động sản xuất và tiêu dùng là cần thiết trong quá trình phát triển hướng đến SCP. Trước mắt, cần tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên chính và sẽ mở rộng dần các mục tiêu SCP trong tương lai.

Việc chọn các công cụ chính sách cho chương trình SCP phụ thuộc lớn vào các mục tiêu và các ưu tiên chính. Một số quốc gia thiên về các công cụ tự nguyện hơn là cưỡng chế. Một số nước khác dựa vào cả công cụ tự nguyện và truyền thống. Các công cụ tự nguyện có thể kể như nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái và các hệ thống quản lý môi trường (EMS). Các công cụ truyền thống như các tiêu chuẩn, quy định cưỡng chế, giáo dục và tập huấn cũng như các sắp xếp thể chế như mua sắm công bền vững cũng thường được sử dụng. Công cụ kinh tế như thuế và trợ cấp cũng cần thiết (tại Việt Nam, Luật Thuế môi trường đã có hiệu lực từ đầu năm 2012).

Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang và sẽ phải trả giá cho những vấn đề môi trường bởi sự tiêu dùng (sản xuất và cá nhân) quá mức. Để hạn chế nguy cơ này, sản xuất và tiêu dùng phải hài hòa với BVMT, nhằm hướng đến việc giảm phát thải. 

Tại TPHCM, trong thời gian qua, một số chương trình đã thu hút sự chú ý, quan tâm và tham gia của cộng đồng, có thể xem là các biểu hiện ban đầu rất đáng khích lệ của tiêu dùng bền vững. Các chương trình này phải được duy trì và nhân rộng thông qua các chính sách và thể chế hỗ trợ phù hợp. Phương pháp tiếp cận đúng và hiểu biết chính xác về các nguyên tắc tiêu dùng bền vững, nguyên tắc BVMT dựa vào cộng đồng,... cùng với sự gắn kết chặt chẽ và tạo cơ hội cho những nhóm liên quan (người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà đầu tư, người tái chế và xử lý rác, các tổ chức xã hội, báo đài và chính quyền) tham gia, sẽ giúp chúng ta lựa chọn và phát triển thành công các mô hình tiêu dùng bền vững thích hợp cho Việt Nam./. 

TS Lê Văn KhoaTrường Đại học Bách khoa TPHCM 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: