Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường TPHCM - Nhiều hệ lụy từ nước biển dâng

TPHCM - Nhiều hệ lụy từ nước biển dâng

Viết email In

61% diện tích đất ở TPHCM sẽ bị ngập trong vòng 30 năm tới. Đó là kết quả khảo sát mới nhất mà Văn phòng biến đổi khí hậu (BĐKH) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa công bố. Con số này đã và đang dấy lên quan ngại về những thiệt hại kinh tế có thể xảy ra cho thành phố cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Vậy cách nào để có thể giảm thiểu những thiệt hại cũng như tác động ít nhất đến chất lượng đời sống của người dân?

Nhiều hiểm họa…

  • Ảnh bên: Một đoạn đường ở quận Phú Nhuận ngập trong một đợt triều cường (Ảnh: Phạm Kim Ngân)

Theo ông Nguyễn Trung Việt, Văn phòng BĐKH TPHCM, BĐKH và gia tăng nhiệt có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô trong khu vực, thiếu nước cho tưới tiêu, sản xuất và sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước sạch, kiệt nước trong mùa khô tiếp tục diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều khu dân cư quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè. Xâm nhập mặn tác động tiêu cực đến chất lượng nước mặt và nước ngầm, gây ô nhiễm cho nguồn nước cấp. Nước sông Sài Gòn có khả năng nhiễm mặn vào mùa khô, tăng khả năng thiếu nước sạch trên diện rộng. Nếu độ mặn nước sông Sài Gòn, Đồng Nai tăng cao hơn thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và chất lượng nước mà nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức sản xuất, thậm chí buộc phải tăng giá thành xử lý nước. Nước mặn xâm nhập vào các con sông, kênh rạch của huyện Nhà Bè, Cần Giờ làm cho đời sống người dân càng khó khăn do thiếu nước sạch, sinh hoạt và sản xuất.

Ông Lê Phúc Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOO Thủ Đức, cho biết thêm, nguồn nước sông Đồng Nai không chỉ phải lo nước mặn mà còn lo nước thải ô nhiễm thải ra từ khu chế xuất, khu công nghiệp và các khu dân cư dọc theo hệ thống sông. Hiện công nghệ xử lý nước phục vụ sinh hoạt rất thô sơ, chủ yếu là lắng lọc. Do vậy, tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm nước thải như hiện tại nếu không được sớm cải thiện thì rất khó đảm bảo an toàn cho nguồn nước sạch.

Nguy hại hơn nữa, BĐKH đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thành phố như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và thậm chí cả sản xuất công nghiệp. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TPHCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH. Tác động của BĐKH, nhất là nước biển dâng, sẽ làm mất đi một phần diện tích ở của cư dân và phần đất màu mỡ nhất cho sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, trong 6 năm qua (2005 - 2010), trên địa bàn thành phố, diện tích đất gieo trồng bị ảnh hưởng do ngập úng là 1.520 ha lúa, 2.970 ha mía, một số diện tích trồng rau màu. Tổng thiệt hại ước tính 1,176 tỷ đồng.

BĐKH cũng đã và đang tác động nhiều đến vấn đề ngập lụt ở đô thị. Những tính toán từ các chuyên gia môi trường đã khẳng định, đến năm 2050, số lượng các phường, xã, quận, huyện ở TPHCM trực tiếp bị ảnh hưởng bởi ngập úng sẽ tăng lên, ngay cả khi đã triển khai dự án kiểm soát ngập úng.

Tìm giải pháp để thích ứng

Sau hơn 2 năm thành lập, Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH bao gồm hầu hết các sở ngành thành phố đã triển khai đặt hàng các hoạt động nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH lên các mặt đời sống, kinh tế xã hội, triển khai bước đầu một số hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng thời đã tăng cường mạnh mẽ các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước, đặc biệt là các thành viên C40 nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực và sự hỗ trợ về công nghệ và nguồn tài chính tài trợ quốc tế cho việc xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của thành phố.

Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động trên cũng đang vấp phải rất nhiều rào cản. Trong đó tập trung vào những nguyên do như chương trình mới, phức tạp nên chưa đánh giá chi tiết được các tác động của BĐKH và có kế hoạch ứng phó cho từng ngành, lĩnh vực. Hơn nữa, nhận thức về BĐKH của cộng đồng còn nhiều hạn chế và phiến diện, mới chỉ quan tâm nhiều đến các tác động tiêu cực mà BĐKH gây ra mà chưa quan tâm đúng mức tới việc chuyển đổi lối sống, mô hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng cacbon thấp, tăng trưởng xanh.

Lý giải về những hạn chế này, theo ông Nguyễn Trung Việt, nguyên nhân chủ quan ở đây là hệ thống quản lý nhà nước chỉ dựa vào nguồn lực chủ yếu từ con người và chính sách mà chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Có thể khẳng định là trong điều kiện hiện nay, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ quản lý tiên tiến với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, công tác quản lý đô thị và quản lý môi trường nói riêng sẽ có hiệu quả rất thấp. Sự hạn chế về thẩm quyền của thành phố trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về quản lý môi trường cũng là một bất cập trong tình hình hiện nay. Việc thiếu phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, cũng như lực lượng cán bộ quản lý còn mỏng cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến việc triển khai kế hoạch hành động còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để ứng phó với BĐKH phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, ngoài việc nhanh chóng khắc phục những hạn chế trên, thành phố cần tập trung vào các giải pháp như xây dựng, phát triển hạ tầng môi trường hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gắn kết giữa thành phố với các vùng và các địa phương trong cả nước. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, huy động mạnh mẽ hơn mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và hướng đến quản lý xanh, tăng trưởng xanh, phát thải cacbon thấp.

Minh Xuân - Minh Hải


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo