Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường TPHCM: Cấp thiết bảo vệ nguồn nước sạch

TPHCM: Cấp thiết bảo vệ nguồn nước sạch

Viết email In

Việc đưa quy định phân vùng xả thải vào thực tế sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động thu hút và kêu gọi đầu tư đối với những doanh nghiệp mới. Với những doanh nghiệp đã tồn tại và đang hoạt động cũng gây ra không ít xáo trộn. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, đây là sự thay đổi cần thiết để góp phần quản lý và bảo vệ nguồn nước ngọt, sạch hiện tại.  

Nước ô nhiễm bao vây 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường - Tài nguyên cho biết, kết quả nghiên cứu từ năm 2009 đến nay cho thấy, toàn TPHCM không còn khu vực nào có nước ngọt sạch. Tất cả hệ thống kênh rạch nội thành chỉ còn có tác dụng tiêu thoát nước. Nồng độ các chất COD, BOD5, DO, kim loại… luôn ở mức vượt tiêu chuẩn loại B từ vài lần đến vài chục lần, thậm chí có những kênh rạch chất lượng nước còn rơi vào loại C. Đặc biệt, nồng độ vi sinh trong nước của hệ thống kênh rạch nội thành luôn ở mức chết. Nồng độ các chất ô nhiễm vào mùa khô cao hơn mùa mưa, ngoại trừ hai con kênh vừa được cải tạo là kênh Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm đã ít nhiều được phục hồi. 

  • Ảnh bên: Đầu nguồn nước sông Sài Gòn qua huyện Củ Chi bị ô nhiễm do lục bình tấn công (Ảnh: Phạm Kim Ngân) 

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là chất lượng nước tại tuyến sông Sài Gòn - một trong những tuyến sông cung cấp nước chính phục vụ cấp nước sinh hoạt và hoạt động kinh tế của TP và tỉnh Bình Dương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.  

Hiện đoạn từ cửa Rạch Tra trở lên thượng nguồn, nước sông được sử dụng để cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp với công suất 300.000m3/ngày và Nhà máy nước Thủ Dầu Một với công suất 30.000m3/ngày đều không đạt quy chuẩn cột A. Vào một số thời điểm, chất lượng nguồn nước còn ô nhiễm mức loại B. Không chỉ vậy, nguồn nước còn bị đe dọa nhiễm mặn vào mùa khô. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm lại đây, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã nhiều lần cảnh báo nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh, nếu áp theo tiêu chí nghiêm ngặt của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì không một đoạn sông, kênh rạch nào trên địa bàn TP đạt chuẩn nước sạch. Tuy nhiên, vì nhu cầu bức thiết phải khai thác nước sông cho mục đích cấp nước, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, các nhà máy nước hiện đang hoạt động trong tình trạng chất lượng nước thô đầu vào không đảm bảo đầy đủ quy định và những thông số vượt chuẩn thì cố gắng xử lý bằng công nghệ.

Phân vùng xả thải 

"Việc phân vùng xả thải tuy ít nhiều tạo ra sự xáo trộn trong hoạt động đầu tư, sản xuất của TP, song đây là giải pháp cần thiết để tạo cơ sở rõ ràng hơn cho các cơ quan chức năng quản lý xả thải trên địa bàn TPHCM. Quan trọng hơn, hiện TPHCM đã không còn vùng nước sạch nào. Nếu tình trạng trên không được khắc phục bằng cách quy định rõ loại nguồn thải được phép xả thải ở các vùng khác nhau thì đến bao giờ chúng ta mới có thể cải thiện và duy trì bảo vệ nguồn nước sạch?" - Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM 

Nguy hại nhất là lượng nước thải từ các bãi rác, khu công nghiệp, giao thông thủy và sự gia tăng lan truyền ô nhiễm liên tỉnh. Đại diện Sở TN-MT TPHCM khẳng định, để có thể cải thiện cũng như bảo vệ nguồn nước cho tương lai, ngoài việc gia tăng thanh kiểm tra, xử phạt những đơn vị đang gây ô nhiễm cho môi trường, nhất thiết phải có quy hoạch vùng xả thải.

Việc quy hoạch vùng cũng giúp các doanh nghiệp mới đầu tư có sự tính toán hợp lý hơn giữa vị trí xây dựng nhà máy đầu tư, công nghệ và loại hình sản xuất cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu mức độ xả thải của các cơ quan quản lý. Mặt khác, với những doanh nghiệp đang tồn tại hiện hữu cũng có sự cải thiện cho phù hợp với quy định mới.

TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết thêm, qua kết quả nghiên cứu chất lượng nước cũng như nhu cầu sử dụng nguồn nước trên hệ thống kênh rạch và sông thuộc địa bàn TP cho thấy, cần thiết phải xác lập vùng tiếp nhận nước thải là loại A nếu nguồn nước đó hiện đang khai thác và sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bất chấp quy mô khai thác mang tính tập trung hay phục vụ đơn lẻ cho từng hộ gia đình.

Ngoài ra, do đặc thù chế độ thủy văn trên sông, kênh rạch ở TP là chế độ bán nhật triều, mỗi ngày có 2 lần triều lên và xuống, để đảm bảo an toàn cho vùng nước loại A cần tính đến thêm vùng đệm dài khoảng 10 - 15km tính từ điểm tiếp giáp với vùng nước cấp phục vụ sinh hoạt trở xuống phía hạ lưu. Theo đó, nguồn nước thải ra vùng đệm này cũng phải loại A để tránh tình trạng thủy triều đẩy nước kém chất lượng lên vùng nước cấp phục vụ sinh hoạt. 

Minh Xuân 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo