Giảm thải để có kinh tế xanh

Thứ hai, 26 Tháng 11 2012 15:28 SGGP
In

Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) của thế giới. Chính vì thế, việc thực hiện “nền kinh tế xanh” - sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng ít chất thải gây hiệu ứng nhà kính trong phát triển kinh tế nhằm bảo vệ môi trường - chính là giải pháp tối ưu nhằm thích ứng với BĐKH, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của quốc gia.  

Chìa khóa phát triển bền vững 

Kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải Carbon, giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn năng lượng và tài nguyên. Hiện nay, các nước phát triển như Mỹ, Đức, Hàn Quốc… đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho chính sách “kinh tế xanh” và coi đó là chiếc chìa khóa phát triển bền vững của quốc gia. Còn đối với những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, kinh tế xanh vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. 

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nêu rõ đến năm 2020, các cơ sở sản xuất - kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, gây tổn thất hệ sinh thái, suy thoái môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu… Đó là những thách thức lớn nước ta đang phải đối mặt trong xây dựng nền kinh tế xanh. Để có thể xanh hóa nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện BĐKH, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần tiếp cận với các dịch vụ năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn năng lượng này. Một trong những trụ cột ứng phó với BĐKH mà cộng đồng quốc tế đưa ra là giảm phát thải khí nhà kính, chuyển giao công nghệ thích ứng với BĐKH, hướng tới nền kinh tế ít Carbon, kinh tế xanh.

220 tỷ đồng 

Xác định mô hình kinh tế xanh là xu hướng phát triển nhằm ngăn chặn những thách thức của BĐKH, bên cạnh những chính sách ứng phó với BĐKH hướng tới tăng trưởng xanh như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; chiến lược quốc gia về BĐKH; các hoạt động ứng phó với BĐKH… Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ Carbon ra thị trường thế giới. Mục tiêu chung quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (UNFCCC) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển nền kinh tế Carbon thấp, tăng trưởng xanh và cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước. 

Một trong các nội dung quản lý phát thải khí nhà kính là xây dựng hệ thống kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia với sự tham gia của các địa phương có liên quan; xây dựng, rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế tài chính, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, quy định về kiểm kê khí nhà kính phù hợp với hướng dẫn của Ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) về kiểm kê quốc gia khí nhà kính. Đề án cũng sẽ thực hiện một số mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính so với năm 2005 là 8% bằng các biện pháp phát triển năng lượng tái tạo, phát triển giao thông công cộng. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mục tiêu này là giảm 20% thông qua các biện pháp giảm phát thải như: ứng dụng biện pháp canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước và giảm chi phí đầu vào; thu gom tái chế, tái sử dụng các sản phẩm phụ nông nghiệp. Đối với lĩnh vực chất thải, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính so với năm 2005 là 5% thông qua các giải pháp thu hồi và sử dụng khí Methane (CH4) từ các bãi chôn lấp rác và xử lý nước thải công nghiệp. Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp, mục tiêu tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính so với năm 2005 là 20% thông qua các biện pháp như bảo vệ rừng; trồng rừng; đẩy mạnh phục hồi rừng, tái sinh rừng tự nhiên... 

Đề án được thực hiện từ nay đến năm 2020. Các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án được xác định tập trung ưu tiên cho giai đoạn từ nay đến năm 2015. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết những kết quả đã làm được, đề xuất điều chỉnh về mục tiêu, yêu cầu và nội dung cho giai đoạn sau. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến khoảng 220 tỷ đồng. 

Phạm vi thực hiện của Đề án là quản lý phát thải 6 loại khí nhà kính theo quy định của Nghị định thư Kyoto: Carbon dioxide (CO2), Methane (CH4), Nitrous oxide (N2O), Hydrofluorocarbons (HFCs), Perfuorocarbons (PFCs), Sulfur hexafluoride (SF6); tập trung thực hiện tại các nguồn phát thải và bể hấp thụ khí nhà kính chính, trọng điểm trong nước thuộc các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp và chất thải theo hướng dẫn của IPCC. 

Minh Huy 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: