Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Lợi bất cập hại

Chủ nhật, 18 Tháng 11 2012 06:27 TBKTSG Online
In

Chính quyền tỉnh Đồng Nai kiên quyết phản đối việc triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A dù hai dự án này không thuộc địa phận tỉnh nhưng tỉnh lo ngại những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội từ hai dự án này là rất lớn và chưa thể lường trước được. Một số nhà khoa học trong nước cũng nhận định việc xây dựng hai dự án thủy điện này là lợi bất cập hại. 

Thông tin trên được ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 16/11.  


Sơ đồ vị trí dự kiến xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên sông Đồng Nai được đồ họa phỏng theo sơ đồ hai dự án của Nhóm Yêu quý và Bảo vệ rừng Cát Tiên.
(Đồ họa: Lê Trang) 

Tỉnh ủy Đồng Nai đã có báo cáo gởi Bộ Chính trị nhận định việc xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6, 6A có những tác động tích cực nhất định, nhưng hệ lụy tiêu cực là rất lớn và chưa thể lường trước được. 

Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai 

Cũng theo ông Trí, vào ngày 12/11 vừa qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có báo cáo gởi Bộ Chính trị nhận định việc xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6, 6A có những tác động tích cực nhất định, nhưng hệ lụy tiêu cực là rất lớn và chưa thể lường trước được. 

Chính quyền tỉnh Đồng Nai cho rằng nếu triển khai hai dự án này thì hệ sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ bị tác động nặng nề, thảm thực vật đặc trưng sẽ bị ngập nước, diện tích rừng quý bị mất làm thay đổi tiểu vùng khí hậu.

Hiện Vườn Quốc gia Cát Tiên (được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích đặc biệt) đang trong giai đoạn được UNESCO thẩm định di sản thiên nhiên thế giới.

Vào những ngày đầu tháng 11/2012, các nhà khoa học thuộc nhóm Yêu quý và Bảo vệ rừng Cát Tiên tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc triển khai hai dự án thủy điện này. 

Trên trang web của nhóm (http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/), các nhà khoa học cho rằng xây thêm hai đập thủy điện trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Cát Tiên là vi phạm Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam và vi phạm sự cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ vùng ngập nước Ramsar cho khu phức hợp Bàu Sấu và khu dự trữ sinh quyển. Chưa nói đến việc hủy hoại môi trường Vườn Quốc gia Cát Tiên có thể là nguyên nhân khiến UNESCO không công nhận vườn quốc gia này là di sản thế giới. 

Các nhà khoa học nhận định lợi ích kinh tế từ thủy điện không tương xứng với thiệt hại và tai hại có thể xảy ra. Phá rừng là đi ngược lại với trào lưu thế giới vì mất đi lợi nhuận rừng có thể đem lại từ cơ chế REDD (Reduced Emission from Deforestation and Degradation). 

Dự kiến, tổng số diện tích rừng mất vĩnh viễn dành cho hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là 3,2 triệu m2. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện này, với tổng số ngân quỹ dành ra để trồng lại rừng và nuôi thú vật trong mười năm là 95 tỉ đồng, tương đương 1% vốn đầu tư, quy ra có vỏn vẹn 14 xu Mỹ cho mỗi m2 mỗi năm. Tài nguyên và di sản quốc gia sẽ bị đánh mất trong cuộc trao đổi hoàn toàn không tương xứng so với các lợi ích đầu tư thủy điện. 

Các nhà khoa học bày tỏ lo ngại khi mà các nhà máy thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5 ở trên và Trị An cuối nguồn sông Đồng Nai đã tận dụng 90% tiềm năng thủy điện của con sông này. Vườn quốc gia Cát Tiên hiện còn tồn tại được là nhờ vào khúc sông còn sót lại nằm giữa các nhà máy thủy điện. 

Dự án Đồng Nai 6 và 6A sẽ chiếm lấy thượng nguồn Cát Tiên và thay đổi chế độ thủy văn, chu trình ngập lụt, hủy diệt môi trường sống còn lại trong lưu vực. Các con đường mới sẽ làm đi vào đập sẽ khiến nạn phá rừng tăng lên và việc đánh bắt thú hoang tàn khốc hơn. 

Dự án thủy điện Đồng Nai 6A có công suất thiết kế 135 MW, bờ trái thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và bờ phải thuộc Đắk Rlap, tỉnh Đắk Nông có phạm vi chiếm đất lâm nghiệp gần 200 héc ta. 

Còn thủy điện Đồng Nai 6A có công suất thiết kế 106 MW, lấn chiếm đất lâm nghiệp khoảng 175 héc ta. Trong đó, nhiều diện tích nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. 

Các mốc sự kiện liên quan đến thủy điện Đồng Nai 6, 6A:

- Tháng 9/2009, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025).

- Tháng 7/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lại hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, đề nghị đưa 2 dự án này ra lấy ý kiến về chủ trương của Quốc hội.

- Tháng 9/2011: UNESCO đã công nhận "Khu dự trữ sinh quyền Đồng Nai" là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới", trong đó Vườn Quốc gia Cát Tiên là vùng lõi. Theo đó, Vườn Quốc gia Cát Tiên phải được quản lý theo Công ước quốc tế 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới.

- Tháng 10/2011: UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo lấy ý kiến về tác động môi trường 2 dự án này. Tại đây, các nhà khoa học và nhà quản lý có nhiều ý kiến trái chiều về việc triển khai 2 dự án này.

- Cũng trong tháng 10/2011, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư) thể hiện quyết tâm theo đuổi dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A bằng cách thuê những đơn vị tư vấn, làm lại đánh giá tác động môi trường theo hướng giảm thiểu việc xâm hại diện tích rừng Vườn quốc gia Cát Tiên.

- Ngày 24/9/2012: Đoàn chuyên gia của UNESCO đã thẩm định hồ sơ, chuẩn bị trình UNESCO đề cử Vườn Quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 6-2013.

- Ngày 12/11/2012: Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vấn đề vì sao thủy điện Đồng Nai 6, 6A lại bị quên rà soát, loại trừ, có phải đây là sự lãng quên vô tình? Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang thẩm định đánh giá báo cáo tác động môi trường, nếu thấy dự án gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái sẽ kiến nghị dừng.

- Hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc liệu xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A có vi phạm Luật Di sản văn hóa hay không. Dự kiến kết quả sẽ được bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ quyết định trong tháng 12/2012. 

Văn Nam 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: