Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030: Ưu tiên chống úng ngập và xử lý nước thải

Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030: Ưu tiên chống úng ngập và xử lý nước thải

Viết email In

Theo quy hoạch thoát nước đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội cần tới 116.417 tỷ đồng để đầu tư chống và xóa úng ngập trong vòng 20 năm tới.

Trong đó, tập trung thoát nước đô thị với việc ưu tiên xây dựng các vùng tiêu thoát lũ; tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn…

Tập trung thoát nước đô thị

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (tư vấn lập quy hoạch) cho biết, hệ thống thoát nước của Hà Nội là thoát nước chung (cho cả nước thải và nước mưa), quy hoạch thoát nước (QHTN) đến năm 2030 sẽ đáp ứng nhu cầu khoảng 10,8 triệu người trên tổng diện tích khoảng 334.470ha, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 70 - 80%.

QHTN Hà Nội đến năm 2030 sẽ tập trung vào các lưu vực sông Tô Lịch (diện tích 7.750ha); lưu vực Đông Mỹ (2.037ha); lưu vực Tả Nhuệ (5.750ha); lưu vực Hữu Nhuệ (khoảng 21.000ha); lưu vực Phú Xuyên (4.728ha); lưu vực Long Biên - Gia Lâm (6.911ha); lưu vực Mê Linh - Đông Anh (18.298ha); lưu vực đô thị Đông Anh (15.054ha); lưu vực Sơn Tây (6.404ha); lưu vực Hòa Lạc (13.560ha); lưu vực Xuân Mai (5.958ha); lưu vực Quốc Oai (1.685ha). Trong các khu vực trên, TP sẽ tập trung vào các dự án tăng công suất tiêu như: xây dựng mở rộng trạm bơm Yên Sở; cải tạo và xây dựng tuyến kênh hạ lưu sông Tô Lịch hiện trạng nối từ hạ lưu sông Kim Ngưu và tuyến kênh dẫn đến trạm bơm Đông Mỹ qua cửa xả Văn Điển và Đồng Trì; đầu tư nâng công suất các trạm bơm Đông Mỹ, Nam Thăng Long, Cổ Nhuế, Đồng Bông, Liên Mạc… đồng thời cải tạo loạt cụm công trình đầu mối khác.

Tổng mức chi phí đầu tư hệ thống thoát nước theo quy hoạch đến năm 2030, là 116.417 tỷ đồng, sử dụng tối đa các loại nguồn vốn: ODA, BT, PPP, ngân sách TP, xã hội hoá. Bản quy hoạch cũng đề xuất lộ trình tăng phí nước thải (hiện nay mới chỉ thu phí môi trường qua hoá đơn nước sạch). Dự kiến đến 2015, sẽ thu phí nước thải 1.501đồng/m3, đến năm 2020 là 12.200đồng/m3 và đến năm 2050: 52.500đồng/m3.

Cần làm rõ tính ổn định bền vững

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt, QHTN cần làm rõ nếu thực hiện quy hoạch đến 2030 - 2050, khi mưa to với tần suất bao nhiêu, Hà Nội sẽ ngập? Đơn vị lập quy hoạch cần nêu rõ lộ trình xử lý các điểm ngập của TP một cách cụ thể. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, hiện nước thải sinh hoạt và nước mưa vẫn thoát chung một hệ thống, vấn đề này không được xử lý ngay là rất bất ổn. Do đó, bản quy hoạch phải có giải pháp tiến tới tách nước thải và nước mưa. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện tiêu thoát nước, cần quan tâm đến hệ thống thu gom nước thải trên địa bàn là hệ thống sông hồ. Nếu vẫn để tình trạng xây dựng lấp hết sông, hồ tái diễn, sẽ khiến lượng nước bị ứ đọng không thể tiêu thoát, thì không tránh khỏi tình trạng úng ngập. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị cần đưa quy định bắt buộc tăng diện tích mặt nước tại các khu đô thị, cụ thể đối với các khu đô thị mới xây có diện tích trên 20ha phải có hồ để điều hòa chứa nước mưa.

Đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, QHTN đã tính toán lượng mưa lặp lại chu kỳ 10 năm, cũng như kịch bản biến đổi khí hậu và dự kiến lượng mưa tăng 5%. QHTN cũng đã tính đến việc tách hệ thống thoát nước mưa và nước thải, xây dựng hệ thống thu gom nước thải sông, hồ, cống bao quanh hồ để hồ chỉ tiếp nhận nước mưa... Ngoài ra, quy hoạch còn đề xuất giải pháp thoát nước bền vững, thân thiện với môi trường, áp dụng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng cho các đô thị xây dựng mới.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo mục tiêu của quy hoạch là từng bước xoá bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm. Đây là đề án quy hoạch công phu, khoa học, bám sát quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành. Tuy nhiên, bản quy hoạch cần nêu rõ quan điểm, mục tiêu, phát triển ổn định bền vững từ các khâu thoát nước mưa, nước thải, đến thu gom, xử lý. Nếu không tính toán và dự báo tốt, thì bản quy hoạch chỉ mang tính tạm thời, không sát thực tiễn và không thể chống ngập. Chủ tịch UBND TP yêu cầu cần xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước từ nước mưa đến nước thải cũng như hệ thống thu gom nước thải, từng bước xoá bỏ tình trạng úng ngập ở Thủ đô.

Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực đô thị trung tâm (thuộc lưu vực sông Tô Lịch) về cơ bản vẫn giữ nguyên, trong đó tập trung xây dựng Trạm xử lý hồ Bảy Mẫu công suất 13.300m3/ngày và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày. Khu vực đô thị từ Vành đai 2 đến sông Nhuệ và một phần đô thị lõi (thuộc lưu vực Tô Lịch và Tả Nhuệ) tập trung thực hiện các dự án Trạm xử lý Yên Xá, Trạm xử lý Phú Đô. Khu vực Phú Thượng xây dựng Trạm xử lý Phú Thượng (10.000m3/ngày). Khu vực từ sông Nhuệ đến Vành đai 4 đầu tư Trạm xử lý Tân Hội (41.600 - 62.700m3/ngày), trạm xử lý Đức Thượng (29.000 -46.000m3/ngày)…

Trần Quý

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo