Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mê Kông

Chủ nhật, 30 Tháng 10 2011 03:49 Nhịp cầu đầu tư
In

Con sông Mê Kông đang trở nên bất bình yên hơn lúc nào hết bởi sự kiện một đập thủy điện ở Lào, cũng là con đập đầu tiên trong chuỗi 12 dự án đập thủy điện dự kiến triển khai tại Lào và Campuchia, đã được lên kế hoạch xây dựng. Vấn đề ở chỗ khi cánh cửa của đập thủy điện này, cũng như hàng loạt con đập còn lại mở ra, thì một vùng sinh thái, kinh tế nông nghiệp của Mê Kông, trong đó có Việt Nam, có thể bị đe dọa nghiêm trọng. 

Đầu tư thủy điện đã sớm thể hiện những mặt hạn chế của nó. Điển hình là câu chuyện con đập Tam Hiệp lớn nhất châu Á, được Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Dương Tử. Con đập này từng một thời kiêu hãnh với giá trị đầu tư lên đến 24 tỉ USD và công suất gấp 9 lần thủy điện Hòa Bình của Việt Nam nay đã làm ngập hơn 600 km2 đất phì nhiêu, chôn vùi 13 thành phố, 140 huyện, 1.350 làng mạc, khiến 1,4 triệu người phải di dân, tác động không nhỏ đến kinh tế nông, ngư nghiệp. Đó là chưa kể sau 3 năm vận hành, đập Tam Hiệp đã góp phần gây ra nạn lở đất khiến Trung Quốc phải chi 9 tỉ USD để gia cố chống sạt lở, cũng như tạo nên tình trạng hạn hán và địa chấn ở đồng bằng sông Dương Tử.

 

Việt Nam mất nhiều 

Câu chuyện đập Tam Hiệp cho thấy sự đau đớn mà khu vực hạ nguồn phải gánh chịu khi các thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn. Nói như Tiến sĩ Lê Văn Cương, Viện Chiến lược và Khoa học Công an: “Các quốc gia ở hạ nguồn luôn chịu thua thiệt, yếu thế so với các quốc gia thượng nguồn”.

Sông Mê Kông bắt nguồn từ Tây Tạng (sông Lan Thương), chảy qua 6 quốc gia gồm Trung Quốc (thuộc thượng nguồn) và Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam (thuộc hạ nguồn). Nằm ở cuối sông Mê Kông, Việt Nam liệu sẽ thiệt hại thế nào nếu hàng chục đập thủy điện trên dòng chính con sông này được xây dựng?

Báo cáo mang tên Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) của Ủy hội sông Mê Kông, một tổ chức liên chính phủ để thực thi Hiệp định Mê Kông cho thấy rằng, Việt Nam sắp tới sẽ phải đối mặt với 3 vấn đề sau đây.

Về dòng chảy, kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập mặn gia tăng.

Về phù sa, 26 triệu tấn phù sa/năm hiện nay sẽ chỉ còn lại 7 triệu tấn/năm, dẫn đến suy giảm năng suất nông nghiệp, gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông và mất cơ hội mở rộng lãnh thổ đồng bằng Sông Cửu Long.

Về thủy sản, đồng bằng này sẽ thiệt hại 1 tỉ USD/năm do tổn thất các loài cá trắng, vốn chiếm đến 65% lượng cá ở sông Mê Kông. Trong khi đó, cá trắng lại là thức ăn của cá đen, chiếm 35% lượng cá còn lại, nên sự biến mất của cá trắng có nghĩa cá đen cũng biến mất theo.

Về mặt xã hội, khoảng 14 triệu nông, ngư dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng.



Vấn đề đáng nói ở đây là trong 12 thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (không tính dòng nhánh) sắp được xây dựng thì lại không có thủy điện nào ở Việt Nam, trong khi tổn thất mà quốc gia nằm cuối hạ nguồn như Việt Nam phải gánh chịu là không nhỏ. Xin nói thêm là nguồn năng lượng tạo ra từ các đập thủy điện này cũng chỉ cung ứng khoảng 5% tổng lượng điện tiêu thụ hằng năm của Việt Nam. 

Vậy quốc gia nào sẽ hưởng lợi lớn nhất từ công cuộc “chia năm xẻ bảy” trên dòng chính sông Mê Kông?

SEA đánh giá Lào có lợi ích lớn nhất với khả năng thu được 70% lợi nhuận (2,6 tỉ USD/năm) khi các con đập hoàn tất. Campuchia có thể khai thác thủy điện dòng chính để xuất khẩu với giá trị lên đến 1,2 tỉ USD/năm. Thái Lan thì tận dụng mực nước dâng cao để thực hiện các dự án chuyển nước từ Mê Kông đến vùng Đông Bắc Thái Lan. Đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia đã hoàn tất 4 đập thủy điện trên dòng chính, cộng thêm 4 đập đang xây dựng trên khu vực giáp ranh giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên và 4 đập nữa trong thời gian tới thì sức mạnh “kiểm soát khu vực sông Mê Kông” là điều dễ dàng thấy được.

SEA còn ước tính, nếu 12 dự án trên dòng chính Mê Kông được triển khai thì sẽ tiêu tốn khoảng 25 tỉ USD nhưng lại tạo ra một lượng việc làm lớn cho các nước Lào, Campuchia, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Nhưng bên cạnh những lợi ích đạt được, các quốc gia này cũng không thoát khỏi những hệ lụy tiêu cực. SEA cho rằng, toàn khu vực sẽ bị mất đến 42% lượng cá (tương đương 500 triệu USD/năm), hơn 100 loài sinh vật sẽ bị đặt trong tình trạng nguy hiểm hoặc tuyệt chủng. Thiệt hại nông nghiệp do lũ từ hồ chứa nước ước tính sẽ vào khoảng 5 triệu USD/năm. Lượng phù sa giảm hơn 50%. 30 triệu dân ở khu vực này sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn, dẫn đến mất an ninh xã hội.

Nhưng dường như các quốc gia vẫn đang đặt lợi ích kinh tế lên trên hết!

 

Việt Nam trong “bàn cờ” Mê Kông 

Trong “bàn cờ” sông Mê Kông, Trung Quốc đang thắng thế. Ông Cương phân tích: “Sức mạnh của quốc gia này thể hiện ở 3 điểm. Thứ nhất, tiềm lực kinh tế và quân sự vượt xa 5 quốc gia ở hạ nguồn. Thứ hai, Trung Quốc ở thượng nguồn. Và thứ ba, Trung Quốc có ý chí, quyết tâm và đủ thực lực để khai thác các nguồn lợi từ Mê Kông, có thể bất chấp sự phản kháng của các nước ở hạ nguồn”.

Sâu xa hơn, việc khai thác thủy điện ở dòng chính Mê Kông có thể còn dấy lên quan ngại về tình trạng căng thẳng ở tầm khu vực. Khu vực các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm có ASEAN lục địa (với các nước Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào) và ASEAN đảo (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Brunei). Ông Cương đặt giả thiết, nếu các quốc gia ASEAN lục địa không giải quyết ổn thỏa việc khai thác các nguồn lợi từ Mê Kông mà xảy ra tranh chấp, thậm chí xung đột, lẽ nào các quốc gia còn lại đứng ngoài cuộc?! 

Hoặc giả như Trung Quốc không đạt được thỏa thuận về khai thác nguồn lợi từ Mê Kông với các quốc gia khác dẫn đến tình trạng căng thẳng ở khu vực thì các quốc gia ngoài khu vực và Liên Hiệp Quốc chẳng lẽ không can thiệp? Trên thực tế, Mỹ đã đặt chân vào Mê Kông qua chương trình “Sáng kiến hạ nguồn Mê Kông - LMI” năm 2009 với mục đích kêu gọi các quốc gia tham gia giải quyết bệnh truyền nhiễm, tăng cường đối thoại khoa học, môi trường. Ông Timothy Hamlin thuộc Trung tâm Stimson, một tổ chức phi chính phủ độc lập chuyên nghiên cứu về các vấn đề an ninh thế giới, có trụ sở tại Washington cho biết: “Dù LMI mới chỉ ở giai đoạn khởi thảo nhưng một số cơ quan Mỹ đã tiến hành nghiên cứu những vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến tương lai của hạ nguồn sông Mê Kông”.

Trong khi các quốc gia hạ nguồn đều “ngó trước ngó sau” đối với các vấn đề liên quan đến dòng Mê Kông thì Trung Quốc lại muốn “tự cô lập”. Trên thực tế, 4 quốc gia là Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia đã ký kết thỏa thuận “Hiệp định Mê Kông 1995” với nhiều điều khoản về đối thoại, các thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính và chất lượng nước. Riêng Myanmar và Trung Quốc chỉ tham gia đối thoại mà không ký kết gì.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, cho rằng: “Lý do là Trung Quốc muốn được phát triển tài nguyên này một cách tự do, tránh sự nhòm ngó và can thiệp của các nước hạ nguồn”. Và trong khi việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông của Trung Quốc gây sự lo ngại sâu sắc cho các quốc gia hạ nguồn thì theo ông Tứ, quốc gia này luôn đưa ra thông điệp trấn an rằng “các đập thủy điện Trung Quốc là những hồ chứa điều tiết nước, tích nước mùa lũ và xả nước mùa khô kiệt, điều tiết lượng nước cho hạ nguồn”.

Các thủy điện ở Trung Quốc đang làm thay đổi dòng chảy từ Tây Tạng đổ vào Đông Nam Á. Do đó, việc họ không là thành viên của Ủy hội sông Mê Kông, cũng như không ký kết Hiệp định Mê Kông, sẽ càng gây khó khăn cho nỗ lực tăng cường hợp tác phát triển nguồn nước xuyên biên giới.

Nhưng Việt Nam rõ ràng cũng “tiến thoái lưỡng nan” trong vấn đề xây các con đập thủy điện. Bởi vì, theo phân tích của ông Nguyễn Võ Dân Sinh, Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson, khu vực Tây Nguyên của Việt Nam cũng nằm ở thượng nguồn một số dòng nhánh của sông Mê Kông.

Ông nói: “Khi Việt Nam có mối quan ngại chính đáng về sự đe dọa từ các dự án thủy điện trên thượng nguồn đối với đồng bằng sông Cửu Long thì các đập thủy điện ở Tây Nguyên cũng gây ra những tác động xuyên biên giới”. Ông Sinh lấy dẫn chứng từ một nghiên cứu công bố tại Diễn đàn các Tổ chức Phi Chính phủ Campuchia cho thấy, các con đập thủy điện trên sông Sê San ở Tây Nguyên, đặc biệt là thủy điện Yaly, đã tác động không tốt đến cộng đồng hạ nguồn Campuchia. Sau đó, Việt Nam đã tham vấn Chính phủ Campuchia để đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động cho vùng hạ nguồn, đặc biệt là quy trình xả lũ.

Tuy nhiên, dường như Việt Nam vẫn ưu tiên phát triển thủy điện hơn các nguồn năng lượng khác là nhiệt điện, điện hạt nhân, nhập khẩu điện hay các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này hợp với quy luật kinh tế, bởi việc phát triển các dạng năng lượng khác còn gặp trở ngại về tài chính (chi phí cao) và kỹ thuật. 

 

Luật chơi công bằng và lợi ích kinh tế - môi trường 

Sông Mê Kông đang được nhìn nhận với 2 luồng quan điểm khác nhau về lợi ích kinh tế và môi trường.

Một là vẫn giữ nguyên quan điểm “lợi ích kinh tế ưu tiên” như với con đập thủy điện ở Thượng Lào nói trên, mà theo Daniel King, Giám đốc Chính sách châu Á, tổ chức nhân quyền quốc tế EarthRights International là có thể “đe dọa đến sự bình ổn của khu vực Mê Kông”. Hai là quan điểm thận trọng trong đầu tư thủy điện, đặc biệt là khi hợp tác với Trung Quốc. Đơn cử như trường hợp của Myanmar gần đây.

“Trung Quốc quan tâm đến vấn đề năng lượng và chủ trương gia tăng đầu tư tại những nơi bị Mỹ cô lập như Sudan, Iran và Myanmar”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), cho biết. Theo bà, Trung Quốc là 1 trong 5 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Myanmar (sau Thái Lan), chủ yếu tập trung vào các ngành điện năng, dầu lửa, khí đốt và khai khoáng. Xét về diện tích ở lưu vực sông thì Myanmar chỉ chiếm 2%, sau Lào (35%), Campuchia (18%), Thái Lan (18%), Trung Quốc (16%), Việt Nam (11%).

Tuy nhiên, việc Tổng thống Thein Sein của Myanmar đình chỉ dự án thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ đã cho thấy mức độ quan tâm đến môi trường của nước này. Không thể không quan ngại khi con đập này có thể khiến vùng hạ nguồn rộng lớn của Myanmar, tương đương diện tích Singapore, chìm trong biển nước. Bên cạnh đó, việc bất đồng quan điểm với Trung Quốc về con đập này của nhà lãnh đạo Myanmar cho thấy, “ông đã biết quan tâm đến nguyện vọng của người dân” (theo lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland) và đang tách dần khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Các định chế tài chính nước ngoài như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đã tuyên bố không cung cấp tài chính cho các dự án thủy điện trên dòng chính Mê Kông sau hàng chục năm đổ vốn cho các dự án thủy điện ở dòng nhánh.

Thái độ của Việt Nam đối với vấn đề thủy điện dòng chính Mê Kông vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, SEA đã gợi ý một hướng đi. SEA phân tích như sau: “Thủy điện dòng chính không quá quan trọng đối với ngành năng lượng của Thái Lan và Việt Nam. Những dự án thủy điện dòng chính chỉ tác động không đáng kể đến giá điện (chưa đến 1,5%) và có ảnh hưởng rất hạn chế đến các chiến lược cung cấp năng lượng so với quy mô của ngành năng lượng ở 2 nước này. Hai nước này có khả năng tiêu thụ đến 90% lượng điện sản xuất ra từ các dự án trên dòng chính. Và nếu Thái Lan, Việt Nam quyết định không mua lượng điện sản xuất từ dòng chính thì tất cả các dự án này sẽ không thể triển khai”. 

Nhưng cũng nói thêm, trong 12 dự án phát triển thủy điện trên dòng chính, chỉ có 1 dự án tại Lào mang tên Luang Prabang do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đầu tư. Trong khi đó, 11 dự án còn lại nằm trên lãnh thổ Lào và Campuchia là do Trung Quốc đầu tư 4 dự án, Thái Lan đầu tư 5 dự án, Pháp đầu tư 1 dự án và Campuchia đầu tư 1 dự án.

Đối với Việt Nam và cả các quốc gia thuộc khu vực Mê Kông, quyết định nào nên được đưa ra lúc này về vấn đề thủy điện dòng chính? Ông Cường dẫn lời một chuyên gia Canada, quốc gia thành công trong xây dựng thủy điện (hiệu quả kinh tế cao, hạn chế thấp nhất hậu quả sinh thái) rằng: “Kinh nghiệm của con người trong lĩnh vực này còn ít ỏi, nhất là ở các vùng nhiệt đới. Vì vậy, phải tuyệt đối thận trọng đối với những loại dự án này”. Trong khi đó, báo cáo SEA đưa ra 4 lựa chọn chiến lược cho các quốc gia ở hạ nguồn: 1-không xây dựng thủy điện dòng chính; 2-hoãn tất cả các dự án thủy điện dòng chính trong một thời gian nhất định (để nghiên cứu kỹ hơn), 3-phát triển năng lượng dòng chính dần dần; 4-phát triển các dự án dòng chính theo xu thế và đòi hỏi của thị trường điện.

Thực chất, câu chuyện thủy điện ở dòng chính chỉ là bề nổi của bức tranh thủy điện khu vực Mê Kông. Vì ở các dòng nhánh, các đập thủy điện vẫn cứ hình thành, hiện nay đã lên đến 94 đập. Theo thống kê của Ủy hội Mê Kông, đến năm 2015 sẽ có 36 đập thủy điện ở dòng nhánh được đưa vào vận hành, đến năm 2030 có thêm 30 đập nữa được triển khai trên các dòng nhánh. Và câu chuyện buồn về hàng chục triệu người nghèo sống nhờ vào dòng Mê Kông dài đến 4.800 km chỉ mới bắt đầu... 

Trần Trọng Tú 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: