Ba trụ cột của mô hình quản trị môi trường

Thứ tư, 14 Tháng 9 2011 09:47 SGTT
In

LTS: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang tiến hành rà soát luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách liên quan đến doanh nghiệp.

Một dự thảo báo cáo rà soát đã và đang được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp ngày càng bị xem nhẹ, một mô hình quản trị môi trường mới nhằm nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm này là vấn đề được đặt ra. Xin giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Văn Cương, viện Khoa học pháp lý – bộ Tư pháp, về nội dung này.


Một số kênh rạch tại quận Thủ Đức, TP.HCM cùng lúc phải tiếp nhận nguồn nước thải từ khu dân cư và chất thải từ khu công nghiệp phía Bình Dương. (Ảnh: Lê Quỳnh)

Dự thảo báo cáo rà soát luật Bảo vệ môi trường 2005 hoàn toàn có lý khi nhận xét rằng luật này quy định quá nhiều bộ chủ quản, chuyên ngành thực hiện, phối hợp thực hiện hay hướng dẫn việc thực hiện, dẫn tới tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng “tranh công, đổ lỗi” trong việc đưa pháp luật bảo vệ môi trường vào đời sống.

Mô hình truyền thống và sự yếu kém

Tuy lĩnh vực pháp luật bảo vệ môi trường được hình thành cùng quá trình đổi mới ở nước ta, nhưng nhiều điểm trong mô hình quản lý này chưa tiệm cận được với mô hình quản trị môi trường tiên tiến. Thực tế, đây vẫn là mô hình quản lý nhà nước truyền thống mà gánh nặng về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường đặt nặng lên vai Nhà nước, trên cơ sở hệ thống bộ máy hành chính quan liêu.

Theo mô hình quản lý nhà nước truyền thống của ta, một bộ có vai trò chủ chốt trong việc quản lý lĩnh vực chuyên môn, đồng thời có sự chia mảnh, phối hợp với các bộ, ngành quản lý khác. Sự mâu thuẫn, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, cộng với sự thiếu phối hợp luôn là thách thức. Tính thống nhất trong áp dụng pháp luật bảo vệ môi trường giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương cũng là thách thức không dễ khắc phục. Thêm vào đó, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của dân chúng vào hoạt động của các cơ quan này còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện thêm. Vai trò của các yếu tố tự quản và của khu vực tổ chức xã hội trong việc bảo đảm mục tiêu quản trị chung còn khá mờ nhạt.

Dự thảo báo cáo cho rằng sự phân mảnh trong quản lý môi trường là nguyên nhân dẫn tới tình trạng các ngành thường ban hành hoặc tham mưu ban hành những văn bản “đá” nhau; đôi khi, giữa các văn bản của cùng một bộ, ngành cũng có thể “đá” nhau. Khi áp dụng vào thực tiễn, sự mâu thuẫn và chồng chéo này sẽ gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp bị áp dụng. 

Ba trụ cột chính: Nhà nước, thị trường, tổ chức xã hội

Sáu nhóm vấn đề còn bất cập

Việc rà soát luật Bảo vệ môi trường 2005 được tiến hành theo bốn tiêu chí: tính minh bạch, thống nhất, hợp lý, khả thi. Dự thảo báo cáo rà soát đã nêu những hạn chế cơ bản của luật này cùng 17 bất cập cụ thể, chia thành sáu nhóm vấn đề:

1. Về quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Đánh giá tác động môi trường.

4. Thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước.

5. Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất và quản lý chất thải.

6. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong hầu hết các vấn đề này, các tác giả chỉ ra những điểm chưa rõ ràng của các quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường hiện hành (chẳng hạn các quy định về quy chuẩn môi trường), các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo (các quy định về lập, thẩm định và thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường), và các quy định chưa thực sự hợp lý (các quy định về quy trình đánh giá tác động môi trường, các quy định về buộc lao động môi trường tại nơi công cộng…) 

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, muốn giải quyết tốt các vấn đề môi trường, chỉ sức mạnh của Nhà nước thôi là không đủ mà phải dựa vào sức mạnh tổng thể của cả xã hội, đặc biệt là ba trụ cột chính: Nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội (bao gồm các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư). Để phát huy được sức mạnh tổng hợp của ba trụ cột này, nhiều vấn đề về pháp luật và biện pháp thực thi cần tiếp tục hoàn thiện. Chẳng hạn như phải thay đổi cơ chế để cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội có thể giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp tốt hơn, có thể tiến hành khởi kiện buộc doanh nghiệp vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường các thiệt hại đã gây ra. Cơ chế để các thông tin về tình hình chấp hành pháp luật (nhất là tình hình vi phạm pháp luật môi trường của doanh nghiệp) cũng cần được thay đổi để minh bạch hơn. Giải pháp hợp lý ở đây có thể là ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị hữu quan xây dựng được cơ sở dữ liệu về tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, công bố công khai cơ sở dữ liệu ấy, và có sự kết nối trong toàn quốc để công chúng dễ dàng cập nhật, theo dõi, đánh giá.

Gần đây, rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề ra đời, nhưng phần lớn chỉ tập trung vào bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp thành viên theo nghĩa hẹp của từ này. Trong khi đó, mức độ quan tâm, đầu tư để khuếch trương các giá trị cao hơn, chẳng hạn như uy tín nghề kinh doanh, tính văn minh trong hoạt động kinh doanh lại chưa được nhấn mạnh hợp lý. Trách nhiệm bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng trong đạo đức kinh doanh cũng như trong khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nên các hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề nên đưa vấn đề này thành một trong những nội dung hoạt động của mình.

Về phía cơ quan nhà nước, đã tới lúc tính đến việc thực thi luật Bảo vệ môi trường bằng những chương trình cụ thể, đi từ cơ sở, thay cho chỉ tiếp cận theo chiều từ trên xuống. Nói cách khác, cơ chế thực thi pháp luật bảo vệ môi trường nên dựa nhiều hơn vào sự cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, với điều kiện các cam kết đó phải được công bố công khai để cơ quan nhà nước, cộng đồng và công luận cùng giám sát.

Muốn giải quyết tốt các vấn đề môi trường, chỉ sức mạnh của Nhà nước thôi là không đủ mà phải dựa vào sức mạnh tổng thể của cả xã hội, đặc biệt là ba trụ cột chính: Nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội. 

Vẫn còn nhiều khoảng trống trong lĩnh vực pháp luật bảo vệ môi trường cần hoàn thiện, trong đó, chỉ các sáng kiến từ phía Nhà nước thôi là không đủ mà cần sự nỗ lực, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp và sự thức tỉnh trong ý thức công dân của dân chúng. Hướng tới mô hình quản trị môi trường tốt (good environmental governance), trong đó, lợi ích của các bộ phận dân chúng trong các quyết định có liên quan tới môi trường cần được tôn trọng và bảo đảm có lẽ là hướng đi đúng.

TS. Nguyễn Văn Cương - Viện Khoa học pháp lý – bộ Tư pháp


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: