Ngành xi măng giải quyết tận gốc tiết giảm năng lượng

Thứ ba, 05 Tháng 10 2010 09:32 Bee.net.vn
In
Bộ Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị không cấp phép dự án đầu tư mới nhằm hạn chế tình trạng ngành xi măng phát triển quá nóng, gây áp lực cho hạ tầng, đặc biệt là ngành điện. 

Ông Võ Quang Diệm, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng tiêu thụ điện nhiều nhất. Cứ mỗi triệu tấn xi măng tăng thêm, ngành điện phải cung cấp cho ngành xi măng 90 - 95 triệu kWh điện. 

Dùng công cụ quy hoạch để siết chặt quản lý 

Bộ Xây dựng đang tính đến phương án hình thành tập đoàn xi măng để các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước có điều kiện đổi mới công nghệ và thiết bị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. 

Tuy nhiên, đứng trên phương diện quản lý Nhà nước, ông Võ Quang Diệm, cho rằng, điều đáng lo nhất là số lượng các dự án xi măng mới, trong đó có nhiều dự án kém hiệu quả với công nghệ lạc hậu không chỉ tiêu tốn điện năng lớn mà còn tác động xấu đến môi trường, sẽ tăng lên nhanh chóng nếu không siết chặt quản lý. 

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đang lên phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. 

Trước mắt, Bộ Xây dựng kiến nghị hoãn đầu tư ngay 13 dự án có trong quy hoạch nhưng thực tế chưa triển khai hoặc hoặc triển khai ít, không có khả năng triển khai tiếp hoặc không nên triển khai do nằm trong các vùng hạn chế đầu tư, vùng khó khăn về nguyên liệu. 

Các dự án xi măng được nêu trong các quy hoạch khác phải phù hợp với quy hoạch xi măng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới được triển khai. Trong trường hợp có dự án đặc biệt hiệu quả về kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến chỉ đạo và quyết định. 

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, tinh thần của bản quy hoạch mới là sẽ siết chặt quản lý tiến độ dự án đầu tư theo quy hoạch, có biện pháp xử lý ngay đối với dự án không thực hiện theo đúng tiến độ. Những dự án nằm ngoài quy hoạch kiên quyết không cấp mỏ, cấp vốn vì sẽ gây sức nặng cho ngân sách.

Cần cơ chế vốn để doanh nghiệp cải tiến công nghệ 

Theo Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam, một tấn xi măng được sản xuất sẽ phát thải một tấn CO2. Nếu được thay đổi hoặc cải tiến dây chuyền công nghệ sẽ giảm một nửa lượng CO2 thải ra môi trường và cũng giúp tiêu tốn ít năng lượng. 

Thực tế, doanh nghiệp sản xuất xi măng đều có nguyện vọng cải tiến dây chuyền công nghệ vừa không ảnh hưởng đến môi trường vừa tiêu tốn ít năng lượng, lại tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Hoà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, thật khó để doanh nghiệp tự bỏ ra hàng trăm triệu USD để đổi mới dây chuyền công nghệ của mình. Vì vậy cần có cơ chế ưu đãi về vốn vay để doanh nghiệp cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng.

Hiện có một số loại quỹ với số vốn khá lớn có mục đích hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ như quỹ môi trường, quỹ khoa học công nghệ quốc gia. Nhưng theo ông Hoà, chính cơ chế thẩm định vay vốn phức tạp, thủ tục còn rườm rà đang cản trở nhiều doanh nghiệp xi măng muốn đổi mới công nghệ của mình. 

Ông Hoà cho rằng việc không cho phép đầu tư mới các nhà máy xi măng để tránh gây áp lực cho các ngành khác gồm ngành điện chỉ là biện pháp ngắn hạn. Điều cần thiết hơn là về lâu dài ngành xi măng phải áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng. 

Công nghệ nghiền bi tiêu tốn nhiều năng lượng trước đây cần được thay thế bằng các công nghệ nghiền tiết kiệm năng lượng như nghiền đứng, nghiền Horomill. 

Phải có chính sách bắt buộc sử dụng nhiệt khí thải để phát điện ở các nhà máy xi măng. Đặc biệt, tại các nhà máy xi măng lò quay, nhiệt độ khí thải thoát ra khỏi máy làm nguội clinke là 260 - 270 độ C, thoát khỏi tháp trao đổi nhiệt là 350 - 370 độ C. Nếu tận dụng tốt nhiệt thải này để phát điện có thể tiết kiệm đến 30% lượng điện tiêu thụ ở một nhà máy xi măng. 

Tuy chủ trương này đã có trong Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nhưng hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với chủ trương đúng đắn trên. 

Ông Võ Quang Diệm đề xuất, đã đến lúc cần có cơ chế bắt buộc và chỉ cấp phép các dự án mới khi trong dự án có đầu tư hạng mục trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải./. 

Trong dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng tôi có kiến nghị là doanh nghiệp phải trích từ 10 – 20% lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhưng khi được Quốc hội thông qua thì lại biến thành doanh nghiệp được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, như thế là không có sàn, sàn là 0% và trần là chỉ có 10% thôi. Và từ “phải” chuyển sang   “được” nó là giữa bắt buộc với tự nguyện rồi. Có một thực tế khó chấp nhận là doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước ít đầu tư quan tâm phát triển khoa học công nghệ hơn các doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp tư nhân.

Thứ trưởng Bộ KH&CN: Nguyễn Quân 

TH (tổng hợp)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: