Nước thải sinh hoạt: Hiểm hoạ môi trường hàng đầu VN

Chủ nhật, 15 Tháng 8 2010 10:36 Lao Động
In
Ông Yutaka Matsuzawa - Chuyên gia môi trường của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN - khuyến cáo nước thải sinh hoạt (domesitc waste water) chính là tác nhân đáng sợ nhất gây ô nhiễm nguồn nước.

Không những thế, ông Matsuzawa cho rằng nước thải sinh hoạt là hiểm hoạ môi trường hàng đầu tại VN hiện nay.

Chiếm 80% nước thải đô thị

Quá trình đô thị hoá tại VN diễn ra rất nhanh. Những đô thị lớn tại VN như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng bị ô nhiễm nước rất nặng nề. Đô thị ngày càng phình ra tại VN, nhưng cơ sở hạ tầng lại phát triển không cân xứng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại VN vô cùng thô sơ. Có thể nói rằng, người Việt Nam đang làm ô nhiễm nguồn nước uống chính bằng nước sinh hoạt thải ra hàng ngày”, ông Matsuzawa nhận định.

Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là một nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước và vấn đề này có xu hướng càng ngày càng xấu đi. Ước tính, hiện chỉ có khoảng 6% lượng nước thải đô thị được xử lý.

Chuyên gia Matsuzawa cho rằng, quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá khiến luồng di cư đổ về đô thị. Song việc thu gom, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt lại không được để ý. “Tôi chắc chắn rằng, VN trong vòng ít nhất là 10-15 năm nữa sẽ còn phải hứng chịu các tác động nặng nề do nước thải sinh hoạt không được xử lý. Đây là lý do vì sao tôi nói rằng, ô nhiễm nước thải sinh hoạt đang là vấn đề nghiêm trọng nhất mà VN đang đối mặt”, ông khẳng định.

Một báo cáo toàn cầu mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hồi đầu năm 2010 cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 20.000 người tử vong do điều kiện nước sạch và vệ sinh nghèo nàn và thấp kém. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 80% các bệnh truyền nhiễm ở nước ta liên quan đến nguồn nước. Người dân ở cả nông thôn và thành thị đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh do môi trường nước đang ngày một ô nhiễm trầm trọng.

Giải pháp: Kiên trì và thời gian


Theo ông Matsuzawa, nước thải sinh hoạt là vấn đề nghiêm trọng với tất cả các quốc gia. “Tại Nhật, chúng tôi đã mất đến 40 năm để có thể phát triển một hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và rác thải hợp lý. Tại VN, cơ quan chức năng thường muốn xử lý nhiều thứ trong cùng một thời điểm và muốn có hiệu quả nhanh. Nhưng để xử lý hữu hiệu vấn đề rác thải,  nước thải lại rất cần sự kiên trì. Tôi cho rằng, riêng Hà Nội cần phải mất ít nhất 10 năm để có thể làm giảm dần ô nhiễm nước sông”, chuyên gia JICA nhìn nhận.

Sau ba năm làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, chuyên gia Matsuzawa cho rằng giải pháp cho vấn đề nước thải sinh hoạt không phải nằm ở việc nâng cao nhận thức người dân, mà là vấn đề về quản lý đô thị của các cấp chính quyền.

Cá nhân tôi thấy rằng ai cũng hiểu vấn đề ô nhiễm này nghiêm trọng đến thế nào. Song có thể vào thời điểm này, các cấp chính quyền VN chưa sẵn sàng, hay nói đúng hơn là chưa đủ tiềm lực để xử lý nó. Thực chất, VN mới đang cố gắng xử lý chất thải công nghiệp từ các nhà máy. Nhưng từ quan điểm của chuyên gia môi trường tôi thấy rằng: Các bạn có thể đếm được số nhà máy thải ô nhiễm ra môi trường và có thể xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh. Nhưng nếu thờ ơ và để nước thải sinh hoạt từ hơn 83 triệu người làm ô nhiễm môi trường thì vấn đề sẽ là rất lớn, nhất là với môi trường cho thế hệ tương lai”, ông khuyến cáo.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Vào thập kỷ 50, 60 của thế kỷ 20, Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước tương tự như tại VN hiện nay, do quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa gây ra. Tuy nhiên, hiện nay các nguồn gây ô nhiễm nước thải sinh hoạt gần như được kiểm soát hoàn toàn nhờ “Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn”, theo tiếng Nhật gọi là Johkasou, và xử lý nước thải tập trung. Theo thống kê của Bộ Môi trường Nhật Bản, hiện nay 70% người dân Nhật có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, 23% (tức 28 triệu người) sử dụng hệ thống Johkasou, còn lại 7% dùng bể phốt. Hệ thống Johkasou chủ yếu được áp dụng cho những nơi không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt và các khu vực mật độ dân số cao sử dụng hệ thống xử lý nước thải tại nguồn để tái sử dụng lại nước thải cho nhà vệ sinh, tưới cây cảnh trong vườn, cứu hoả, rửa xe... 

Mỹ Anh

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: