Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Năng lượng và môi trường sống

Năng lượng và môi trường sống

Viết email In

Thủy điện lâu nay được xem là một dạng năng lượng sạch, rẻ tiền và có tiềm năng rất lớn ở các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, để giải quyết hài hòa vấn đề năng lượng quốc gia và môi trường sống, cần đặt trên bàn cân tất cả hệ lụy cũng như đánh giá đúng “giá phải trả” giữa mục tiêu năng lượng và môi trường sống bền vững để không còn kiểu quy hoạch “đánh đổi” như hiện nay.

Đến thời điểm này, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có gần 200 dự án thủy điện lớn nhỏ, trong đó riêng tỉnh Quảng Nam đã có đến trên 50 dự án. Cứ mỗi một dự án, bình quân “đổi” 2.000ha rừng tự nhiên. Nếu tính tổng tất cả các dự án được triển khai thì một diện tích rừng khổng lồ đã biến mất trên bản đồ! Rừng bị “cạo trọc” nên mất khả năng giữ nước, hệ sinh thái bị phá vỡ, thảm thực vật bị tận diệt, sông khô kiệt, nhiều loài sinh vật quý hiếm đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Mất rừng, con người bị đe dọa bởi hạn hán vào mùa khô, lũ lụt khủng khiếp vào mùa mưa.

Người dân miền Trung so sánh ví von việc quy hoạch thủy điện hiện nay ở miền Trung như là trận chiến giữa thủy điện và con người, mà phần thua tất yếu thuộc về con người. Một khi xây dựng thủy điện một cách ồ ạt đến mức mất kiểm soát thì thảm họa môi trường xảy ra đe dọa đến sinh mệnh người dân từ miền núi, trung du cho đến đồng bằng sẽ không có gì là khó hiểu. Điển hình như đợt lũ gây hậu quả khủng khiếp năm 2009 ở Phú Yên và Quảng Nam. Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, mới vừa đầu năm 2010 mà các dòng sông ở miền Trung đã bị khô cạn khiến nước biển xâm nhập sâu vào đất liền.

Khi cho rằng thủy điện là “năng lượng sạch” tức là mới hiểu một cách cơ học rằng do vốn đầu tư thấp, tận dụng lợi thế tự nhiên tạo ra năng lượng mà không mất 1kg nhiên liệu nào. Tuy nhiên, với cách quy hoạch thủy điện bậc thang trên hầu hết các dòng sông miền Trung như hiện nay, đặt lên bàn cân “được – mất” khi cộng tất cả các khoản từ vốn đầu tư cho đến những tác động vào tự nhiên, vào con người, vấn đề hậu tái định cư do thủy điện gây ra, kể cả bản sắc văn hóa dân tộc bản địa bị tác động... có thể khẳng định thủy điện không “sạch” và không “rẻ” như cách hiểu lâu nay.

Nói như vậy không phải là bác bỏ hết những tiềm năng, lợi ích kinh tế của thủy điện mang lại cho nền kinh tế quốc gia mà để thấy được rằng, việc quy hoạch thủy điện cần phải có một chiến lược dài hơi, ở một mức độ vừa phải chứ không phải quy hoạch theo kiểu “nhà nhà làm thủy điện” như hiện nay để rồi gánh bao hậu quả đáng tiếc. 

Trong khi đó, chính cái “sạch” và “rẻ” lâu nay của thủy điện đã làm mờ đi những tiềm năng to lớn của các dạng năng lượng tái tạo khác vốn rất dồi dào ở các tỉnh miền Trung như phong điện, điện mặt trời. Miền Trung không chỉ “giàu có” về thủy điện mà còn giàu có về các dạng năng lượng khác khi sở hữu một bờ biển dài với tốc độ gió trung bình lớn, lượng bức xạ mặt trời cao… hoàn toàn có thể sản xuất phong điện và điện mặt trời với công suất lớn. Vậy tại sao một nguồn năng lượng dồi dào đến thế lại bị “bỏ rơi”, trong khi đổ xô đi đầu tư thủy điện gây bao hậu quả cho con người? Phải chăng lợi ích kinh tế mà thủy điện mang lại cho nhà đầu tư quá lớn?

Qua đó có thể thấy rằng, việc quy hoạch thủy điện một cách ồ ạt ở miền Trung và Tây Nguyên hiện nay là việc làm mạo hiểm, mang tính ăn xổi nên người dân gánh chịu hậu quả của nó gây ra như một lẽ đương nhiên. Vì vậy, cần ngừng ngay việc xâm hại đến rừng để làm thủy điện và tập trung đầu tư vào các dạng năng lượng thực sự sạch trước khi quá muộn.

Nguyên Khôi

>> Cảnh báo làn sóng đầu tư thủy điện vừa và nhỏ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo