Ashui.com

Tuesday
Oct 08th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Kiểm kê khí nhà kính ngành Xây dựng

Kiểm kê khí nhà kính ngành Xây dựng

Viết email In

Hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất công nghiệp, vận hành thương mại tòa nhà, ngành Xây dựng đang đóng góp một lượng lớn khí nhà kính thải ra khí quyển Trái đất.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc (United Nations - UN) và các tổ chức nghiên cứu khí hậu, ngành Xây dựng là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn với tổng lượng khí thải chiếm tới 39% toàn cầu trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2018 tới 2023. Trong đó, 28% lượng khí thải đến từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và 11% đến từ sử dụng năng lượng trong các tòa nhà. Vì thế, nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính của ngành xây dựng là ngày càng cấp thiết để mau tiến tới mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.


Ngành xây dựng cũng đóng góp một lượng lớn khí thải cho cả nước (Ảnh minh họa)

Vì sao cần phải kiểm kê khí nhà kính ngành Xây dựng

Là đất nước đang trên đà phát triển mạnh, Việt Nam cũng không nằm ngoài trong xu thế phát triển chung của ngành xây dựng trên thế giới. Theo báo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, ngành Xây dựng đóng góp khoảng 24% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2014, ngành Xây dựng ước tính đã phát thải 59,91 triệu tấn carbon và tăng lên con số 101,89 triệu tấn carbon vào năm 2022 đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong ngành xây dựng, lĩnh vực phát thải nhiều nhất phải kể tới hoạt động sản xuất vật bao gồm: sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, thép, bê tông, gỗ, nhựa… và hoạt động thi công, vận chuyển. Cũng theo số liệu năm 2022 của Bộ Xây dựng, lĩnh vực sản xuất xi măng phát thải nhiều nhất với 91,93 triệu tấn carbon, sản xuất gạch xây 4,22 triệu tấn carbon, sản xuất vôi công nghiệp 2,9 triệu tấn carbon.

Kể từ thời điểm đo đạc đến nay, lượng khí nhà kính ngành xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu giảm đáng kể. Trong khi đó, vào năm 2022, Việt Nam đã đặt mục tiêu cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 9% nâng lên 15,8%, tương đương 146,3 triệu tấn carbon với thế giới. Theo nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon đến năm 2030, ngành xây dựng có nhiệm vụ phải giảm 74,3 triệu tấn carbon, tương đương 13% tổng lượng giảm phát thải toàn quốc.


Xi măng là ngành phát thải lớn nhất của lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. (Ảnh minh họa)


Các nhà máy xi măng sẽ là những đơn vị phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đầu tiên của ngành.

Chi tiết các hạng mục, chỉ số trong kiểm kê khí nhà kính ngành Xây dựng

Như đã biết, nguồn chính phát thải trực tiếp của ngành Xây dựng là từ quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng. Lĩnh vực này sẽ được liệt kê vào nhóm công nghiệp và sử dụng sản phẩm. Song song với đó, nguồn phát thải khí nhà kính gián tiếp của ngành xây dựng được xác định là do quá trình sử dụng điện cho quá trình sản xuất, thương mại tòa nhà, thuộc nhóm năng lượng. Ngoài ra, ngành Xây dựng còn có nguồn phát thải khi sử dụng vật liệu xây dựng trong công trình, tòa nhà; phát thải rò rỉ của máy điều hòa; phát thải khi vận chuyển vật liệu… Vì thế, kiểm kê khí nhà kính ngành Xây dựng sẽ được phân loại theo những lĩnh vực này.

Theo Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT công bố ngày 10/10/2022 của Bộ Tài Nguyên & Môi trường, quá trình sản xuất công nghiệp và sử dụng sản phẩm sẽ được phân chia ra ngành công nghiệp khoáng sản bao gồm xi măng, vôi, thủy tinh và luyện kim. Tùy theo mức độ phát thải, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hệ số tính toán phát thải khí nhà kính tương ứng.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, sản xuất xi măng là lĩnh vực có lượng khí thải carbon nhiều nhất ngành sản xuất vật liệu xây dựng với tỷ trọng 90% trong năm 2022. Ngoài ra, sản xuất gạch ốp lát, vôi, kính xây dựng tuy có lượng phát thải không lớn nhưng cường độ phát thải lại tương đối cao.

Hiện nay, trên cả nước có 50 nhà máy sản xuất xi măng sẽ là những công ty đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính. Đến năm 2025, các cơ chế hỗ trợ giảm phát thải, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon sẽ đi vào thử nghiệm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh và hướng tới sản xuất bền vững.

Gia Tuệ (tổng hợp)

(Tạp chí Kinh tế Môi trường)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo