Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Môi trường thế giới đón chào 2010

Môi trường thế giới đón chào 2010

Viết email In

2010 là một con số thật đẹp cho những sự kiện trọng đại. Đối với giới môi trường và bảo tồn thiên nhiên, 2010 cũng là năm của những sự kiện rất đáng chú ý: năm quốc tế về đa dạng sinh học, năm bảo tồn hổ, năm của một World Cup xanh… Hãy cùng lướt qua một vài sự kiện 2010 như một cách để đón mừng năm mới với hy vọng vào một tương lai bền vững cho toàn nhân loại!

Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố chọn 2010 là Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học.



Đây là dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự sống của toàn nhân loại, là dịp để tăng cường nhận thức của mọi người về đa dạng sinh học, là dịp để thế giới cùng nhìn lại những kết quả đạt được trong sự nghiệp bảo vệ đa dạng sinh học và cũng là dịp để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực toàn cầu trong mục tiêu giảm mất mát đa dạng sinh học.

Được thiết lập từ Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro năm 1992, Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) là một hiệp ước quốc tế về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và chia sẻ công bằng lợi ích từ đa dạng sinh học. Với 191 bên tham gia, CBD đã trở thành một hiệp ước toàn cầu.

Để thực hiện tốt nội dung của Công ước Đa dạng Sinh học, Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học 2010 đặt ra các mục tiêu: Nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của bảo vệ đa dạng sinh học và những mối đe dọa tiềm ẩn đến đa dạng sinh học; Nâng cao nhận thức về các thành tựu bảo vệ đa dạng sinh học mà các cộng đồng và chính phủ đã đạt được; Khuyến khích các cá nhân, tổ chức và các chính phủ tiến hành các bước đi nhanh chóng, cần thiết nhằm ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học; Đẩy mạnh các giải pháp sáng tạo nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học; Khởi động các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan để định hình các bước tiếp theo cho giai đoạn sau 2010. 

Năm nhìn lại các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ


"Thời gian còn rất ít. Chúng ta phải nắm bắt thời điểm lịch sử này để hành động một cách có trách nhiệm và kiên định vì lợi ích chung." - Đó là lời phát biểu của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nhằm kêu gọi chính phủ các nước tích cực chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao vào tháng 9 năm 2010, nơi thế giới cùng nhìn lại những gì đã đạt được trên con đường thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và các mục tiêu phát triển quốc tế khác.

  • Ảnh bên : Triệt để xóa bỏ tình trạng bần cùng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Ảnh: Soarage.org)

Thật vậy, thời gian không còn nhiều, chỉ sáu năm nữa thôi thế giới sẽ đón năm 2015 – cái mốc đã định để đạt được 8 mục tiêu mà 189 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đã nhất trí phấn đấu: Triệt để xóa bỏ tình trạng bần cùng và thiếu ăn; Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Cải thiện sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; Đảm bảo sự bền vững của môi trường; Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển.

Trong Báo cáo Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 2009, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã lưu ý: "Chúng ta có đã có những tiến bộ quan trọng trong nỗ lực đạt được MDG. Tuy nhiên, chúng ta còn di chuyển quá chậm trên con đường vươn tới mục tiêu."

Ông hy vọng cuộc họp cấp cao năm 2010 không chỉ giúp làm mới lại các cam kết hiện tại mà còn thúc đẩy các hành động phối hợp giữa tất cả các bên liên quan, đồng thời quyên góp được kinh phí cần thiết để đảm bảo đạt được các mục tiêu vào năm 2015.

Năm bảo tồn hổ

Khi một số nước châu Á đón năm con hổ - Canh Dần 2010 cũng là lúc các nhà bảo tồn, các nhà sinh học và giới môi trường lo lắng hơn bao giờ hết cho số phận của loài này.

  • Ảnh bên : Animals.nationalgeographic.com

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia hàng đầu về hổ, các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã và đại diện của chính phủ các nước có hổ đã gặp mặt trong một hội thảo toàn cầu tại Kathmandu, Nepal cuối tháng 10 vừa qua để khởi động cuộc đối thoại toàn cầu về mối đe dọa mà loài hổ sẽ phải đối mặt khi thế giới đón năm mới.

Diện tích phân bố của loài hổ đã bị thu hẹp nghiêm trọng, chỉ còn 7% so với trước kia. Trong vòng một thế kỷ, số lượng cá thể hổ trong tự nhiên đã giảm mạnh từ hơn 100.000 xuống chỉ còn 4.000 con, từ vùng Trung Á đến các đảo Java, Bali của Indonesia và đặc biệt là ở Trung Quốc.

Trong khi giới bảo tồn toàn cầu đã đạt được một số thành tựu bảo tồn quan trọng thì loài hổ vẫn không ngừng suy giảm. Quỹ Quốc tế về Bảo về Thiên nhiên (WWF) cho biết loài hổ đang bị đe dọa tuyệt chủng. Có ý kiến còn bi quan cho rằng loài hổ có thể sẽ tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm con hổ tiếp theo – năm 2022.

WWF và các tổ chức bảo tồn khác đang hy vọng sẽ củng cố lại các cam kết chính trị về bảo tồn hổ thông qua hàng loạt các cuộc đàm phán diễn ra trong suốt năm con hổ, hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ diễn ra vào tháng 9 năm 2010.

Mặc dù không đón tết Canh Dần như Trung Quốc hay Việt Nam, chính phủ Ấn Độ cũng quyết định chọn 2010 là năm bảo tồn hổ và cũng là năm để thu hút sự chú ý của quốc tế tới vấn đề bảo tồn hổ. Bộ trưởng Rừng và Môi trường của Ấn Độ, Jairam Ramesh, cho biết một chiến dịch cứu loài hổ sẽ được khởi động tại Vườn Quốc gia nổi tiếng Jim Corbett của Ấn Độ tại Uttarakhand vào ngày lễ Valentine 14/2/2010. 

Năm bảo tồn bò biển

Liên minh Bảo tồn Thế giới đã ban hành một nghị quyết kêu gọi bảo vệ đặc biệt đối với loài bò biển hay còn gọi là cá cúi (Dugong dugon) - một loài động vật biển có vú, trông giống lợn biển - trong năm 2010.

  • Ảnh bên : Animals.nationalgeographic.com

Trong khi đó, quân đội Mỹ đang xem xét mở rộng căn cứ tại khu vực sinh sống của loài bò biển ở Okinawa, Nhật Bản, một kế hoạch góp phần đẩy loài này vào sự tuyệt chủng.

Trung tâm Đa dạng Sinh học dẫn đầu một liên minh các nhóm đại diện cho hàng triệu người Mỹ đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng yêu cầu tạm dừng việc mở rộng căn cứ quân sự để bảo vệ loài bò biển và các loài động vật hoang dã quý hiếm khác của Okinawa.

Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ cũng có bức thư gửi tới Cục Quản Lý Cá và Sinh Vật Hoang Dã Liên Bang Mỹ phản đối kế hoạch tăng cường bảo vệ môi trường sống cho người anh em họ gần nhất của loài bò biển này - những chú lợn biển vùng Florida, nơi tiến hành hoạt động huấn luyện.

Trung tâm Đa dạng Sinh học cho biết sẽ bảo vệ môi trường sống của các loài sinh vật biển này tới cùng và không cho phép chúng bị biến thành vật hy sinh chỉ vì sự thuận tiện của quân đội.

Năm của World Cup “xanh”

2010 là năm Nam Phi đăng cai World Cup – một sự kiện thể thao được cả thế giới mong đợi. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, Nam Phi đã đặt mục tiêu tổ chức một World Cup thực sự “xanh” thông qua chương trình “Bàn thắng xanh” mới được công bố.

  • Ảnh bên : Futbolwallpapers.com

Do vị trí địa lý của mình, lượng khí phát thải từ World Cup ở Nam Phi được xem là cao hơn nhiều so với World Cup tại Đức năm 2006, vì các cổ động viên phải di chuyển xa hơn.“Dấu chân carbon” của Wolrd Cup 2010 được ước tính vào khoảng 2.753.250 tấn CO2, bao gồm cả di chuyển quốc tế (chiếm 67%).

Chương trình “Bàn thắng xanh” đã lên kế hoạch “xanh hóa” World Cup bằng các dự án môi trường liên quan tới rác thải, năng lượng, giao thông, nước, đa dạng sinh học, du lịch sinh thái… với tiêu chí xuyên suốt là hạn chế khí thải vì mục tiêu bền vững.

Một năm mới đang đến mang theo nhiều hy vọng và thách thức mới với toàn nhân loại. Thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt, không chỉ trong năm 2010 mà còn trong tương lai rất dài mai sau, ấy là sự biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu. Bằng những việc làm thiết thực bảo vệ môi trường sống, mỗi công dân toàn cầu có thể góp phần nhỏ bé của mình vào việc ngăn chặn thảm họa ấy, để các thế hệ tương lai vẫn còn cơ hội đón những năm mới an lành!

Hằng Anh (tổng hợp)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo