Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Phát triển kinh tế xanh và lối sống xanh: Một cuộc cách mạng về phương thức sản xuất

Phát triển kinh tế xanh và lối sống xanh: Một cuộc cách mạng về phương thức sản xuất

Viết email In

Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đó là mục tiêu tích cực, mang tính cách mạng. Nhưng bằng cách nào để thực hiện mục tiêu đó là vấn đề cần suy nghĩ.

Tôi xin mạnh dạn nêu lên những vấn đề và giải pháp để tìm kiếm những cách mà chúng ta cần suy nghĩ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Mục tiêu không đổi, con đường không đổi, nhưng cần phải thay đổi phương tiện. Đó là đột phá “đổi mới tư duy” về phương thức sản xuất và lối sống, nhằm mục tiêu:

– Thay đổi triệt để phương thức sản xuất dựa vào năng lượng hóa thạch và khai thác không hiệu quả, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, làm cạn kiệt thiên nhiên và không tái tạo thiên nhiên, bằng phương thức sản xuất xanh, tuần hoàn, bảo vệ và tái tạo thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và bằng phương thức sản xuất theo yêu cầu kinh tế tri thức, kinh tế số dựa vào trí tuệ con người và phát huy năng lực con người.

– Xây dựng ý thức xã hội và lối sống xanh, thân thiện thiên nhiên, đạo đức, nhân ái, văn minh, lành mạnh, bình yên, đề cao chân thiện mỹ, đề cao quan hệ xã hội bình đẳng, vì mọi người và quan tâm các thế hệ tương lai, cân bằng đời sống vật chất và đời sống văn hóa, tinh thần.

Chiến lược Kinh tế xanh

Nền kinh tế Việt nam hiện nay, trên mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, vẫn phổ biến là dựa trên nền tảng năng lượng hóa thạch và sử dụng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu và dân dụng, đều dựa vào khai thác thiên nhiên (đất đai, quặng mỏ, rừng, biển, nước ngọt…), đồng thời nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo Viện Năng lượng Bộ Công Thương, năm 2010 cơ cấu nhiên liệu để sản xuất năng lượng là: than đá 35%, dầu hỏa 23%, thủy điện 9%, năng lượng phi thương mại (củi, chất đốt khác…) 21%.

Về phát thải khí nhà kính năm 2010, dự kiến 2020 và 2030, từ sản xuất điện và sử dụng năng lượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông báo quốc gia lần 2 và kiểm kê khí nhà kính, có số liệu:

Sản xuất điện phát thải (đv: triệu tấn CO2 tương đương): 31,8 (2010), 110,9 (2020), 238,0 (2030).

Sử dụng năng lượng phát thải (đv: triệu tấn CO2 tương đương): 81,3 (2010), 140,1 (2020), 232,7 (2030).

Tổng phát thải khí nhà kính: 131,1 (2010), 251,0 (2020), 470,8 (2030) triệu tấn CO2 tương đương. Tốc độ tăng 2010-2030 là 7,39%.

Ước tính thải lượng một số thông số ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp trong cả nước năm 2009, theo Ngân hàng thế giới 2010, như sau: NO2 : 655.899 tấn/năm, tỷ lệ 18,52%; SO2 1.117.757 tấn/năm, 31,56%; VOC 267.706 tấn/năm, 7,56%; TSP (bụi tổng số) 673.842 tấn/năm, 19,02%; các hóa chất 143.569, 4,05%; các kim loại 960 tấn/năm, 0,03%.

Tính chất nền kinh tế nước ta chủ yếu là gia công, trừ hàng nông sản, đồng thời sản xuất từ doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất công nghiệp công nghệ cao (72% kim ngạch xuất khẩu nước ta là từ FDI). Doanh nghiệp trong nước chưa tạo thành lực lượng kinh tế độc lập và chưa có doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn; chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin viễn thông, và nhiều hơn là doanh nghiệp lớn về kinh doanh địa ốc và ngân hàng.

Riêng nền sản xuất nông nghiệp có tiềm năng lớn: 40% lao động trong tổng số lao động cả nước, năng suất bằng 38% năng suất lao động cả nước (với trang bị kỹ thuật kém, ứng dụng công nghệ còn ít, trong khi sản xuất cá thể, riêng lẻ, hộ nông dân là phổ biến: do đó còn nhiều dư địa để gia tăng).

Tăng trưởng GDP phải dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiều nhất so các nước như bảng dưới đây:

Tỷ lệ một số tài nguyên thiên nhiên đóng góp vào tăng trưởng GDP của một số nước năm 2010. (Đơn vị tính: % GDP)

 Nước Tổng đóng góp từ tài nguyên Dầu khí Ga thiên nhiên  Than Khoáng sản khác  Rừng
 Việt Nam   10,4    8,0    1,3    3,1    0,3    0,7
Trung Quốc    4,0    1,5    0,1    3,8    2,2    0,2
Indonesia    6,0    2,4    0,9    3,4    1,9    0,7
Thái Lan    2,7    1,1    1,2    0,1    0,1    0,3
Nhật Bản    0,0    0,0    0,0    0,0    0,0    0,0
Hàn Quốc    0,0    0,0    0,0    0,0    0,0    0,0
Hoa Kỳ    1,0    0,7    0,1    0,4    0,1    0,1

Chiến lược kinh tế xanh cần được xác định mục tiêu, nhiệm vụ là:

– Tiến tới nền kinh tế ít carbon, carbon bằng không, nền kinh tế xanh, tuần hoàn và nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo đến mức hoàn toàn thay thế năng lượng hóa thạch.

– Giành lại không khí sạch, góp phần bảo vệ bầu khí quyển cho loài người.

– Đảm bảo lương thực thực phẩm sạch, chất lượng ngày càng tốt, hướng đến lương thực thực phẩm hữu cơ, dinh dưỡng.

– Chuyển nền công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch sang nền công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.

– Xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái.

– Giao thông vận tải xanh.

– Xử lý chất thải các loại, xây dựng ngành công nghiệp tái chế.


Cần tạo điều kiện phát triển công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong ảnh, người lao động đang làm việc tại một doanh nghiệp ở khu công nghệ cao TPHCM. (Ảnh minh họa: TL)

Một số biện pháp cần thiết nhằm thực hiện chiến lược kinh tế xanh, xin đề xuất như sau:

– Phát triển khoa học công nghệ, tìm ra nhiều công nghệ tiên tiến và đặc thù của thế giới và trong nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm và phát triển công nghệ xanh. Một số công nghệ cần triển khai để có thể sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả, qua đó vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, giữ hàm lượng CO2 không tăng cao.

– Giảm lượng điện tiêu thụ trong các hộ gia đình, cơ quan, văn phòng, cửa hàng, giảm lượng phát thải cac bon.

– Ở TPHCM (và các đô thị), cần tổ chức lại giao thông đô thị, hạn chế dần xe gắn máy, phát triển nhanh các phương tiện vận tải công cộng sử dụng năng lượng sạch, điện mặt trời.

– Phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện gió; tạo cơ sở hình thành một ngành kinh tế đầy đủ (sản xuất năng lượng tái tạo, truyền tải, phân phối, sản xuất các loại công nghiệp phụ trợ ngành điện tái tạo, các dịch vụ v.v…), khuyến khích nhân dân tham gia và hạn chế độc quyền doanh nghiệp nhà nước về năng lượng. Chính phủ chủ trương giá ưu đãi năng lượng tái tạo (FIT) như ở các nước tiên tiến. Điện mặt trời là loại năng lượng duy nhất mà toàn dân có thể sản xuất. Đó là thuận lợi cho nước ta, một nước nhiệt đới có ánh sáng mặt trời dồi dào. Sản xuất điện mặt trời áp mái phổ biến ở các khu dân cư cả đô thị và nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, cần được khuyến khích cao. Các công sở, trường học, bệnh viện cần được đầu tư sớm để nêu gương.

– Đặc biệt, việc kết hợp IT (Internet) với ET (Ecotech) thành “Internet năng lượng” hay “Lưới điện thông minh” bằng cách: một mặt tích hợp tất cả các thiết bị dùng điện, kể cả thiết bị trong nhà và ô tô điện, trong một chiếc hộp nối mạng với chủ nhân và công ty điện lực nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng điện tái tạo và tối thiểu hóa chi phí sử dụng điện năng, mặt khác “Lưới điện thông minh” biết khi nào cần và cần bao nhiêu công suất điện, giá mỗi kW/giờ điện năng tại thời điểm đó là bao nhiêu, rồi tự động “bật” hay “tắt” nguồn điện. Nếu được chủ nhân lập trình mua điện lúc giờ thấp điểm (giá điện rẻ), giảm sử dụng thiết bị cụ thể nào lúc giờ cao điểm (giá điện cao), thậm chí có thể bán điện lại cho công ty điện lực, thì lưới điện sẽ đáp ứng đúng mức. Nhờ vậy các công ty điện lực cũng điều hành thuận lợi, chủ động và mạng lưới thông minh lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng điện sạch cho khách hàng cả ngày lẫn đêm. (Tham khảo “Nóng, Phẳng, Chật”, trang 293 “Internet năng lượng: Khi IT gặp ET”).

Thế mạnh cơ bản của nước ta là nông nghiệp cần được quan tâm đặc biệt.

– Trước tiên, cần tái cấu trúc nền nông nghiệp chuyển sang nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Giảm dần đến không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa chất độc hại; thay thế bằng phân bón hữu cơ, sinh học, các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng vật nuôi, không để đất nông nghiệp bị sa mạc hóa.

– Xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp tạo cầu cho sản xuất nông sản: thủy lợi đồng ruộng, kho tàng cho nông sản, thủy hải sản, xi lô dự trữ lúa gạo, bắp, đậu…

– Tổ chức lại nông nghiệp, đưa nông dân phổ biến vào hợp tác xã nông nghiệp là giải quyết mâu thuẫn lớn nhất hiện nay: lực lượng sản xuất phát triển nhanh nhưng quan hệ sản xuất chậm phát triển, làm ăn riêng lẻ, manh mún, ứng dụng khoa học công nghệ khó khăn, không đồng bộ, năng suất kém. Từ đó sản xuất sẽ bung ra mạnh mẽ. Quy hoạch vùng chuyên canh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nông trại, nông trang lớn.

– Trồng rừng cho ngành chế biến gỗ và ngành địa ốc.

– Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái (cả nông, lâm, thủy hải sản) là lực lượng chủ lực của nền kinh tế xanh.

Trong công nghiệp và công nghệ cao, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhân dân tham gia tích cực phát triển công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đó là:

Xây dựng nhiều khu công nghiệp công nghệ cao, một số khu công nghệ cao chuyên ngành (khu phần mềm CNTT, khu công nghệ cao sinh học, khu công nghệ năng lượng tái tạo, khu nghiên cứu công nghệ xanh, vật liệu xanh, các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp v.v…).

Chọn lọc một số ngành nghề sản phẩm công nghệ 4.0 có thị trường, có tương lai để xây dựng một số nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị cho ngành nghề hay sản phẩm đã chọn phù hợp yêu cầu nền kinh tế xanh.

Những ngành, lĩnh vực kinh tế xanh tiên phong khác cần sớm triển khai thực hiện, có thể kể ra:

– Các ngành công nghệ cao sử dụng ít vật chất, ít năng lượng, có năng suất lao động cao và hoạt động theo yêu cầu nền kinh tế tuần hoàn sẽ giảm thiểu lãng phí tài nguyên, đất đai, nước, thời gian, nguồn lực con người, đồng thời phát huy trí tuệ con người, đem lại giá trị gia tăng cao.

– Ngành giao thông công cộng như xe bus sử dụng năng lượng sinh học, xe điện, xe bánh sắt, metro, tàu hỏa chạy bằng điện sạch.

– Ngành công nghệ sinh học áp dụng cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường và tái tạo thiên nhiên.

– Ngành y tế, dược với ứng dụng công nghệ xanh, kết hợp đông tây y.

– Ngành tái chế công nghiệp, tái chế rác thải.

– Hạn chế đô thị hóa tự phát. Xây dựng đô thị vệ tinh. Xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái là nhân tố quan trọng của kinh tế xanh.

– Nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông thật mạnh, đảm bảo đáp ứng nền kinh tế tri thức, kinh tế số và xã hội số.

– Xây dựng khu logistics hiện đại, quy mô lớn không sử dụng năng lượng hóa thạch, nhất là hệ thống phương tiện giao thông vận tải.


Nền nông nghiệp còn nhiều dư địa để gia tăng năng suất khi hiện nay trang bị kỹ thuật kém, ứng dụng công nghệ còn ít, trong khi sản xuất cá thể, riêng lẻ, hộ nông dân là phổ biến. (Ảnh: NK)

Chiến lược xây dựng xã hội xanh

Những vấn đề xã hội của nước ta trước hết là giải quyết những nhu cầu bức thiết tối thiểu cho đời sống nhân dân, tạo công ăn việc làm, giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Do đó việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay của chiến lược cần bám sát thực tiễn xã hội nước ta:

– Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành;

– Đảm bảo ai cũng có nhà để ở.

– Đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

– Đảm bảo nền giáo dục phổ thông bình đẳng cho mọi người, từng bước miễn học phí cho học sinh phổ thông. Nâng cao dân trí, đào tạo nghề phù hợp sự thay đổi công nghệ, kỹ thuật của cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế xanh, xã hội xanh.

– Mục tiêu giáo dục đào tạo trong thời đại cách mạng 4.0 và cách mạng xanh là dạy và học làm người, làm nghề và biết tư duy sáng tạo.

– Cộng đồng xã hội xanh ở cơ sở là nền tảng của xã hội xanh. Xây dựng cộng đồng xã hội xanh, trước hết là tại cơ sở, an toàn, lành mạnh, công bằng, dân chủ, đoàn kết, hòa hợp, mọi người có việc làm, đấu tranh chống tệ nạn xã hội và bảo vệ môi trường tốt.

Chiến lược văn hóa, lối sống xanh

Nhiệm vụ chiến lược xây dựng nền văn hóa và lối sống cho nhân dân ta rất nặng nề với những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn hiện nay. Đó là:

– Khơi dậy, phát huy và đề cao hệ giá trị đạo đức và văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc phù hợp văn minh thời đại.

– Giáo dục lối sống vị tha, nhân ái, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “tình làng nghĩa xóm”, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, hòa hợp trong một cộng đồng xã hội ở cơ sở văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáng sống.

– Xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường, bảo vệ thiên nhiên đa dạng sinh học.

Khoa học công nghệ và văn học nghệ thuật là hai nhân tố ảnh hưởng quyết định tư duy, ý thức và tâm hồn, tình cảm con người, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Văn hóa tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển bền vững theo yêu cầu cân bằng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần.

Phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu văn hóa thế giới, đề cao tư tưởng tiên tiến của thời đại, mở rộng sự nhất trí tinh thần trong nhân dân là yêu cầu chiến lược.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế xã hội, là chỗ dựa vững chắc khi hội nhập toàn cầu. Mặt khác, trong điều kiện Đảng lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội, sự thay đổi ý thức tư tưởng con người không thể là một quá trình tự phát. Vì vậy cần tiến hành đổi mới tư tưởng và văn hóa nhằm thay đổi căn bản đời sống tinh thần, tư tưởng và văn hóa của nhân dân, của toàn xã hội.

Trong tình hình đó, nước ta đang có lợi thế là thừa hưởng tài sản vô giá của nền văn hiến mấy ngàn năm, của cuộc cách mạng giải phóng đất nước và kháng chiến cứu nước mới vừa trải nghiệm, là “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Đảng ta đang kiên định và kiên trì bảo vệ trong cương lĩnh và đường lối xây dựng phát triển đất nước, đó chính là cơ sở để nước ta tiến hành xây dựng tư tưởng, ý thức xã hội theo yêu cầu cách mạng xanh và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổ chức các hoạt động cổ vũ lối sống xanh như đi lại bằng xe đạp, ô tô điện, xe buýt điện, tiêu dùng xanh, sử dụng thực phẩm sạch, hữu cơ, trồng cây gây rừng, xây dựng nhà ở xanh sử dụng điện mặt trời, hạn chế rác thải nhựa… Tổ chức các cuộc thi, các giải thưởng đề cao lối sống xanh.

Khuyến khích xây dựng những mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, vừa hiện đại, vừa gần gũi thiên nhiên, bảo vệ và tôn tạo môi trường sống của cộng đồng.

Cuối cùng, nguy cơ biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên đòi hỏi nước ta khẩn trương xây dựng chiến lược môi trường xanh, bảo vệ thiên nhiên đa dạng sinh học.

Phạm Chánh Trực - Nguyên Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương; Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo