Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Mỹ đề xuất huy động mọi nguồn lực để đầu tư 562 tỉ đô la cho điện mặt trời

Mỹ đề xuất huy động mọi nguồn lực để đầu tư 562 tỉ đô la cho điện mặt trời

Viết email In

Để mục tiêu sản xuất 44% tổng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời vào năm 2050, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết cần huy động nguồn lực công tư với tổng ngân sách 562 tỉ đô la để đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch này trong 30 năm tới.

Lợi ích vượt trội so với chi phí đầu tư

Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), công bố hôm 8/9, cho biết Mỹ có thể sản xuất 37% tổng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời vào năm 2035 và tỉ lệ này có thể lên 44% vào năm 2050 nếu Mỹ theo đuổi một chương trình làm việc đầy tham vọng để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các báo cáo của DOE là nền tảng để định hướng chính sách liên bang đối với ngành điện mặt trời.


Một trang trại điện mặt trời khổng lồ ở El Centro, bang California, Mỹ.
(Ảnh: Reuters)

Theo DOE, điện mặt trời mới chỉ chiếm 3% trong cơ cấu sản lượng điện của Mỹ, do vậy cần phải được đầu tư mạnh mẽ nếu Mỹ muốn loại bỏ khí nhà kính từ ngành công nghiệp sản xuất điện. Để tỉ lệ này lên mức 44% vào năm 2050, báo cáo của DOE cho rằng cần phải huy động nguồn lực nhà nước và khu vực tư nhân để đầu tư tổng công 562 tỉ đô la cho điện mặt trời trong giai đoạn 2020-2050.

Bộ trưởng DOE, Jennifer Granholm nhấn mạnh lợi ích của sự chuyển đổi sang năng lượng sạch vượt trội so với chi phí.

Bà nói: “Các nghiên cứu cho thấy thực tế rằng điện mặt trời, nguồn năng lượng rẻ nhất và tăng trưởng nhanh nhất của chúng ta, có thể sản xuất đủ lượng điện để phục vụ nhu cầu của tất cả hộ gia đình ở Mỹ vào năm 2035 và giúp tạo 1,5 triệu việc làm trong quá trình phát triển nguồn năng lượng này”.

Báo cáo của DOE chỉ ra rằng đầu tư cho điện mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác với quy mô ngân sách như trên có thể mang lại lợi ích kinh tế 1.700 tỉ đô la, một phần là nhờ giảm chi phí y tế để điều trị các bệnh do môi trường ô nhiễm gây ra.

Tăng tốc phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời là một trọng tâm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden. Trong quá trình vận động tranh cử tổng thống, ông cam kết tái định hình ngành điện để chấm dứt hẳn sử dụng các nhiên liệu phát thải khí nhà kính trong ngành này vào năm 2035. Ông cũng xem việc phát triển điện mặt trời và điện gió sẽ là nguồn quan trọng tạo ra việc làm mới.

Tiềm năng lớn, rào cản cũng lớn

Trong một báo cáo khác, Ngân hàng đầu tư Evercore ISI gọi cuộc chuyển đổi sang năng lượng mặt trời là một nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi trong 4 năm tới, Mỹ phải tăng gấp đôi công suất lắp đặt điện mặt trời mỗi năm sao với năm 2020.

Các nhà phân tích của ngân hàng này cho rằng lưu ý rằng bất kỳ kế hoạch chi tiêu ngân sách nào để phát triển điện mặt trời cũng đối mặt với tiến trình đàm phán chông gai tại Quốc hội Mỹ.

Tiềm năng của điện mặt trời là rất lớn nhưng các rào cản cũng lớn không kém. Ngành điện mặt trời phụ thuộc lớn và các nguyên vật liệu và tấm quang năng từ Trung Quốc, nước bị Mỹ cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng điện mặt trời.

Chính phủ của ông Biden đã cấm nhập khẩu vật liệu sản xuất tấm quang năng từ Công ty Hoshine Silicon Industry Co. của Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương và tiếp tục duy trì các biện pháp áp thuế trừng phạt lên các vật liệu điện mặt trời được áp dụng từ thời Tổng thống Donald Trump.

Các chủ đất ở những khu vực có nhiều nắng và gió ở Mỹ đang phản đối triển khai các dự án năng lượng sạch quy mô lớn trên đất của họ.

Chi phí tấm quang năng giảm cộng với chính sách trợ cấp của chính phủ đã thúc đẩy ngành điện mặt trời tăng trưởng ở Mỹ lẫn nước ngoài. Theo DOE, 25% công suất điện mặt trời ở Mỹ được lắp đặt trong năm 2020.

Năm nay, Mỹ có thể lắp đặt thêm 26 GW công suất điện mặt trời và con số này được dự báo sẽ đạt 33 GW vào năm 2023, theo báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie và Hiệp hội ngành năng lượng mặt trời Mỹ (SEIA).

Michelle Davis, nhà phân tích của Wood Mackenzie, nói: “Ngành điện mặt trời của Mỹ rõ ràng đang tăng trưởng với tốc độ nhanh. Câu hỏi đặt ra là liệu tốc độ đó đã đủ để giúp Mỹ đạt mục tiêu phi carbon hóa trong ngành điện vào năm 2035 không?”,

Bà cho rằng giá cả đang đắt đỏ của vật liệu như thép, nhôm cùng với tình trạng khan hiếm bán dẫn và các biện pháp áp thuế trừng phạt Trung Quốc đang gây khó khăn cho chuỗi cung ứng điện mặt trời. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất pin toàn cầu đang không theo kịp nhu cầu trữ điện trong ngành nặng lượng sạch.

Hôm 8/9, 748 công ty điện mặt trời đã gửi thư cho Quốc hội Mỹ để kêu gọi gia hạn và tăng tín dụng thuế đầu tư cho ngành điện mặt trời.

Abigail Ross Hopper, Giám đốc điều hành SEIA, cho biết tăng mạnh công suất lắp đặt điện mặt trời là điều có thể đạt được nhưng đòi hỏi phải có sự tiến triển lớn về chính sách.

Khánh Lan

(KTSG Online /Theo Wall Street Journal)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo