Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) ra tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi giữ nhiên liệu hoá thạch dưới lòng đất hay nói cách khác chấm dứt khai thác nguyên liệu hoá thạch của 101 nhà khoa học đạt giải Nobel gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - đại diện cho VSEA (là đơn vị gồm có 25 tổ chức và cá nhân thành viên) vào hôm 22/4, đã ra tuyên bố nhấn mạnh, ủng hộ lời kêu gọi của 101 nhà khoa học đạt giải Nobel gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu.
Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than thường gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. (Ảnh: Trung Chánh)
Theo đó, tuyên bố kêu gọi các quốc gia giữ nhiên liệu hoá thạch dưới lòng đất hay nói cách khác là chấm dứt khai thác nhiên liệu hoá thạch.
Cụ thể, việc giữ nhiên liệu hoá thạch dưới lòng đất thông qua ba hành động cụ thể, bao gồm thứ nhất, chấm dứt mở rộng sản xuất dầu, khí đốt và than mới dựa trên cơ sở khoa học tốt nhất hiện có; thứ hai, loại bỏ dần các hoạt động sản xuất dầu, khí đốt và than hiện có một cách công bằng và xem xét tới trách nhiệm cũng như khả năng của từng quốc gia; cuối cùng là đầu tư vào kế hoạch chuyển đổi để đảm bảo tiếp cận 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
VSEA ủng hộ tuyệt đối lời kêu gọi của 101 nhà khoa học đạt giải Nobel, bởi đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu - một thách thức lớn của toàn cầu, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động lớn nhất.
Biến đổi khí hậu gây hạn mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Trung Chánh)
“Mưa lũ ở miền Trung, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc là chưa đủ để khái quát hết tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam”, tuyên bố của VSEA viết.
Trước đó, vào ngày 21/4, 101 nhà khoa học đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực hòa bình, văn học, y học, vật lý, hóa học và khoa học kinh tế đã đưa ra tuyên bố chung gửi tới các nguyên thủ quốc gia nhân sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu và ngày Trái đất 2021.
Trung Chánh
(TBKTSG)
- Đôi bạn Indonesia biến rác thải nhựa thành gạch lát đường
- Luật bảo vệ môi trường - trở ngại với người này, điều cổ vũ với người khác
- "Tài chính xanh" lên ngôi, hàng ngàn tỉ đô la sẵn sàng thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu
- Đà Nẵng: Tiêu thụ năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 10% trong 10 năm tới
- IEA: Cơ hội để đạt mức phát thải ròng bằng 0 ngày càng nhỏ
- Phát triển đô thị Việt Nam thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu
- Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở Mỹ trước thách thức về sinh kế
- Vì sao đầu tư dự án điện mặt trời ngày càng đắt đỏ?
- Cần khuyến khích đầu tư công nghệ lưu trữ điện mặt trời
- Rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long trị giá bao nhiêu?