Việc thành phố Hà Nội dành 80-90% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đã khiến ngân sách không còn kinh phí để thực hiện các nội dung quản lý môi trường khác theo quy định của pháp luật, theo báo cáo kết quả Kiểm toán Nhà nước mới đây.
Xe rác nối đuôi chờ đổ tác tại bãi rác Nam Sơn, nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)
Lãng phí gần 400 tỉ đồng vì thành phố chậm điều chỉnh
Thông tin từ cơ quan Kiểm toán Nhà nước khu vực I – đơn vị thực hiện kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2018 – cho thấy, thành phố đã chậm trễ trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, từ đó làm chậm khả năng tiết kiệm kinh phí cho ngân sách.
Theo đó, việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn để ban hành Quyết định số 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 còn chậm so với kế hoạch.
Cụ thể, quy trình, định mức, đơn giá duy trì vệ sinh môi trường ban hành trên địa bàn Hà Nội năm 2016 - gồm 9 quy trình, 10 định mức và 13 mã đơn giá - chỉ điều chỉnh, rà soát việc đưa vào sử dụng máy móc trang thiết bị mới, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, giảm nhân công thủ công và đảm bảo an toàn lao động của một số công việc.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng các quy trình, thiết bị này có thể áp dụng từ các năm trước. Dựa trên khối lượng công việc thường xuyên được thành phố Hà Nội thực hiện trong ba năm 2014, 2015, 2016, cơ quan kiểm toán phân tích: “Nếu áp dụng đơn giá mới sẽ giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm khoảng 391 tỉ đồng so với đơn giá cũ”.
Với công tác quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường, cơ quan kiểm toán đã chỉ ra việc lập, đăng ký nhu cầu đấu thầu tập trung dịch vụ vệ sinh môi trường của các quận, huyện, thị xã chưa sát thực tế. Ngoài ra, việc theo dõi, kiểm tra, giám sát nghiệm thu khối lượng thanh quyết toán với một số chủ đầu tư thiếu chặt chẽ nên còn tình trạng nghiệm thu chưa đúng khối lượng hoặc áp sai đơn giá thanh toán.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chủ trương tiết giảm kinh phí theo chủ trương của thành phố Hà Nội chưa nhất quán, quản lý giá xử lý nước rác chưa thống nhất và giá đốt rác chưa theo nguyên tắc của Bộ Xây dựng. Công tác thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường tại một số đơn vị chưa được đảm bảo so với kế hoạch, ảnh hưởng đến cân đối nguồn kinh phí chi trả cho công tác duy trì vệ sinh ngõ xóm.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2014-2018, trung bình thành phố đã bố trí 3,29% tổng chi ngân sách địa phương mỗi năm cho kinh phí sự nghiệp môi trường. Nhưng mức phân bổ chưa ổn định và có xu hướng giảm.
Năm 2014, thành phố bố trí dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường là 3,89%. Sang năm 2015, tỷ lệ này tăng lên 4,08%. Tuy nhiên, đến các năm 2016, 2017 và 2018 tỷ lệ tiếp tục giảm với mức tương ứng 3,97%, 3,1% và 2,18%.
“Điều này là không hợp lý khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đang ổn định và có xu hướng tăng”, cơ quan kiểm toán nhận xét.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng thành phố Hà Nội đang sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường chưa hiệu quả khi dành đến 80-90% tổng chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt - dẫn tới không còn kinh phí để thực hiện các nội dung quản lý môi trường khác theo quy định của pháp luật.
“Việc bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường như đã nêu dẫn đến hiệu quả sử dụng kinh phí chưa tốt, thậm chí lãng phí”, cơ quan kiểm toán chia sẻ.
Nguy cơ mất an ninh trong xử lý rác
Với hoạt động đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đánh giá tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, chưa thu hút đầu tư. Ngoài ra, các nhà máy đã xây dựng chưa đáp ứng được công suất theo kế hoạch.
Cụ thể, sáu nhà máy đã hoàn thành có tổng công suất 276.300 mét khối mỗi ngày đêm, tương ứng 27,08% kế hoạch của Thành phố đề ra với các dự án xử lý nước thải đến năm 2020 là 1.020.300 mét khối mỗi ngày đêm.
Bên cạnh đó, các dự án xử lý rác thải nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo quy hoạch đến năm 2020 chưa thực hiện đúng tiến độ. Việc thành phố quan tâm đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác hiện đại là phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên việc đầu tư một nhà máy công suất lớn 4.000 tấn mỗi ngày tại một địa điểm là khu xử lý tại Sóc Sơn, thay vì đầu tư một số nhà máy phân bố ở các vùng khác nhau, sẽ làm tăng chi phí vận chuyển rác ở các huyện xa. Hơn thế, nếu nhà máy có sự cố sẽ dẫn đến ùn ứ rác, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trong xử lý rác cho thành phố.
Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị các đơn vị được kiểm toán xử lý tài chính, nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán các khoản thu về thuế, các khoản chi sai chế độ trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải.
Đồng thời, chấn chỉnh các hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; công tác lập dự toán, quyết toán nguồn kinh phí; công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thêm vào đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã rà soát, bổ sung nội dung điều khoản hợp đồng kinh tế để kiểm soát trách nhiệm của các nhà thầu.
Đồng thời, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn và quy định cụ thể các nội dung công việc cần thực hiện cho các tuyến đường nhằm quản lý chất lượng và làm cơ sở xây dựng khối lượng đấu thầu công việc duy trì vệ sinh môi trường.
Hoàng Thắng
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
- Chống chịu các cú sốc thiên tai
- Từ lũ lụt lịch sử ở miền Trung: Thủy điện nhỏ và những vấn đề cần nhìn lại
- Phát triển công nghệ và năng lượng Việt Nam: Đối mặt với nhiều thách thức
- [Infographic] Sáng kiến chống rác thải nhựa trên thế giới
- Tầm nhìn đến năm 2030: Năng lượng hạt nhân và những quốc gia chủ chốt
- Đua lắp điện mặt trời mái nhà
- Ô nhiễm kim loại nặng trong không khí: Khi rêu trở thành “chứng nhân”
- Tìm "siêu vật liệu" từ... rác thải
- Úc tham vọng trở thành cường quốc xuất khẩu năng lượng tái tạo
- Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, giai đoạn 2020 - 2030