Suất đầu tư mỗi kWp điện mặt trời mái nhà hiện giảm một nửa so với cách đây vài năm khiến loại hình năng lượng này phát triển mạnh thời gian qua.
Bốn năm trước, ông Lê Anh Tuấn - giảng viên Đại học Cần Thơ quyết định bỏ 130 triệu đồng để lắp đặt 3,9 kWp điện mặt trời mái nhà tại hộ gia đình. Ông Tuấn nói quyết định của mình ở thời điểm đó là táo bạo vì lúc ấy chưa mấy người quan tâm tới điện mặt trời mái nhà".
"Nhiều người còn nói tôi lãng phí vì nếu dùng số tiền đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đem gửi ngân hàng lấy lãi sẽ lời hơn", ông chia sẻ. Nhưng quan điểm của ông Tuấn thì ngược lại. Sau khoảng 4 năm đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, ông tính toán mỗi tháng trung bình có thể tiết kiệm 1-1,2 triệu đồng tiền điện.
"Sau thời gian sử dụng kết hợp điện mặt trời mái nhà, hoá đơn tiền điện gia đình những tháng gần đây thậm chí giảm hơn 3 lần, từ 3 triệu đồng mỗi tháng xuống còn hơn 900.000 đồng. Khoản lợi này còn hơn tiền lãi gửi ngân hàng", ông nói và cho rằng, ngoài tiết kiệm tiền điện phải trả mỗi tháng, khoản lời lớn nhất là "lãi môi trường".
Công nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP HCM. (Ảnh: EVNHCM)
Tương tự, ông Thái Minh Bảo - đại diện văn phòng WWF tại Thừa Thiên Huế cho biết, văn phòng này lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà 5,2 kWp từ năm 2017 với giá trị đầu tư 155 triệu đồng. Đơn giá đầu tư tại thời điểm đó là 29,7 triệu đồng một kWp.
Nhưng hiện suất đầu tư mỗi kWp giảm còn 14-18 triệu đồng một kWp thì đầu tư điện mặt trời mái nhà dễ dàng hơn nhiều so với trước. Chưa kể, mức giá bán điện lên lưới với loại năng lượng tái tạo này cũng đang ở mức tốt 8,38 cent (tương đương 1.943 đồng) một kWh.
Theo tính toán của ông Bảo, sau hơn 2 năm văn phòng WWF tại Huế lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã tiết kiệm được khoảng 12 triệu đồng tiền điện một năm.
Ông Tuấn và ông Bảo là 2 trong số hàng nghìn hộ dân, đơn vị đã lắp điện mặt trời mái nhà trong thời gian gần đây. Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho thấy, luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng 7 đã có gần 42.200 dự án điện mặt trời mái nhà đưa vào vận hành, tổng công suất xấp xỉ 926 MW. EVN đã thanh toán hơn 374 tỷ đồng cho các khách hàng lắp đặt loại năng lượng này.
Cơ chế giá khuyến khích hấp dẫn, hiện là 8,38 cent một kWh đã giúp Việt Nam đạt được 1.000 MW cho điện mặt trời mái nhà trong 2 năm qua. Đồng thời, điều này đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường nghiên cứu, đầu tư loại năng lượng tái tạo này.
Tuy nhiên, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, kết quả trên còn khiêm tốn so với tiềm năng vô cùng lớn của điện mặt trời mái nhà.
Số liệu của GreenID, điện mặt trời mái nhà có thể đạt tới tổng công suất 48.000 MW, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra con số 13.000-15.000 MW. Còn theo các chuyên gia, tổng công suất điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam có thể đạt 5.000-6.000 MW là hoàn toàn khả thi.
Điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay, theo bà Nguỵ Thị Khanh, là chính sách hỗ trợ ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm... dẫn đến tâm lý lo ngại và chần chừ.
Chưa kể, sự phát triển quá nóng các dự án điện mặt trời trang trại vừa qua đã dẫn tới sự xung đột về sử dụng đất đai. Tại một số địa phương, đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng để làm trang trại điện mặt trời.
"Điều này dẫn tới mâu thuẫn và xung đột giữa chủ đầu tư và người dân địa phương. Phát triển ồ ạt các trang trại mặt trời đơn mục tiêu sẽ không còn phù hợp trong điều kiện mới của Việt Nam", bà Khanh nêu.
Ở góc độ nhà mua điện từ các dự án điện mặt trời, ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban Kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chỉ ra những vướng mắc khiến điện mặt trời mái nhà chưa đạt tổng công suất như kỳ vọng. Theo đó, ngoài chuyện giá đầu tư ban đầu, việc chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống điện mặt trời mái nhà và quy định xin giấy phép xây dựng chi tiết... cũng khiến các hộ gia đình, nhà đầu tư e ngại.
"Nhà đầu tư phát triển dự án tập trung tại một khu vực, dẫn tới khả năng đấu nối và giải tỏa công suất hệ thống bị hạn chế", ông Nguyên nêu thực tế.
Do vậy, đại diện EVN kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Ngoài ra, sau thời điểm 31/12/2020 cơ chế giá khuyến khích với điện mặt trời mái nhà 8,38 cent một kWh sẽ không còn. Ông Nguyên đề nghị Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế giá "gối đầu", để việc phát triển điện mặt trời mái nhà không bị gián đoạn.
Anh Minh
(VnExpress)
- Từ lũ lụt lịch sử ở miền Trung: Thủy điện nhỏ và những vấn đề cần nhìn lại
- Phát triển công nghệ và năng lượng Việt Nam: Đối mặt với nhiều thách thức
- [Infographic] Sáng kiến chống rác thải nhựa trên thế giới
- Tầm nhìn đến năm 2030: Năng lượng hạt nhân và những quốc gia chủ chốt
- Hà Nội lãng phí hàng trăm tỉ đồng kinh phí bảo vệ môi trường
- Ô nhiễm kim loại nặng trong không khí: Khi rêu trở thành “chứng nhân”
- Tìm "siêu vật liệu" từ... rác thải
- Úc tham vọng trở thành cường quốc xuất khẩu năng lượng tái tạo
- Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, giai đoạn 2020 - 2030
- Ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn phía Nam