Ashui.com

Friday
Nov 08th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Úc tham vọng trở thành cường quốc xuất khẩu năng lượng tái tạo

Úc tham vọng trở thành cường quốc xuất khẩu năng lượng tái tạo

Viết email In

Trong nhiều thập niên qua, Úc đã bán lượng than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) khổng lồ sang các nước ở châu Á để đáp ứng cơn khát năng lượng ở khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới này. Trước  những mối lo ngại về biến đổi khí hậu, giới đầu tư và chính phủ Úc giờ đây ủng hộ các kế hoạch xây dựng ngành xuất khẩu năng lượng tái tạo nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.


Dự án kết nối năng lượng Úc-ASEAN (AAPL) để xuất khẩu 2 tỉ đô la Úc năng lượng xanh mỗi năm đến Singapore vào năm 2027. (Ảnh: Financial Times)

Dự án xuất khẩu năng lượng mặt trời sang Singapore

Tháng trước, chính phủ Úc đồng ý xếp loại "dự án quan trọng" (major project status) cho dự án kết nối năng lượng Úc - ASEAN (AAPL) của Công ty Sun Cable (Singapore), có tổng vốn đầu tư 22 tỉ đô la Úc (16 tỉ đô la Mỹ) ở lãnh thổ Bắc Úc.

Mục đích của việc xếp loại này là nhằm giúp thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng của dự án AAPL bao gồm một hệ thống pin trữ điện lớn nhất thế giới 30 GWh, một trang trại điện mặt trời cũng lớn nhất thế giới, rộng 12.000 hecta, có công suất 10 GW và một tuyến cáp điện dài 3.700 km để xuất khẩu 2 tỉ đô la Úc năng lượng xanh mỗi năm đến Singapore vào năm 2027.

“Chúng tôi đang tạo ra một ngành xuất khẩu mới bằng cách xây dựng mạng lưới cáp ngầm dưới biển, hỗ trợ sự phát triển năng lưới tái tạo với quy mô lớn. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một mạng lưới truyền tải điện bắt đầu từ Ấn Độ trải dài sang New Zealand”, David Griffin, Giám đốc điều hành Sun Cable, nói.

Dù các cuộc tranh cãi chính trị gay gắt trong nhiều thập niên qua về tương lai của nhiên liệu hóa thạch ở Úc vẫn chưa dứt, chính phủ liên minh giữa đảng Tự do (LPA) và đảng Quốc gia Úc (NPA) ở Úc đang dọn đường cho một nền kinh tế không có sự góp mặt của ngành công nghiệp than trị giá 55 tỉ đô la Úc mỗi năm.

Dự án AAPL của Sun Cable chỉ là một trong nhiều dự án xuất khẩu năng lượng xanh đang được lên lên kế hoạch triển khai ở Úc, giúp công suất lắp đặt điện gió và điện mặt trời của nước này được tăng với tốc độ gấp 4-5 lần so với ở Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc nếu tính bình quân trên đầu người, theo một báo cáo của Đại quốc Quốc gia Úc.

Ngân hàng Macquarie và các tập đoàn năng lượng Vestas, CWP Energy, InterContinental Energy đang đầu tư cho dự án Trung tâm năng lượng tái tạo châu Á (AREH) ở sa mạc Pilbara, bang Tây Úc để sản xuất các sản phẩm khí hydro (H2) sang các thị trường châu Á.  Dự án AREH tọa lạc ở một khu vực rộng 6.500 km2 bao gồm các trang trại điện gió và điện mặt trời có tổng công suất 15 GW.

Tại bang Victoria, đông nam Úc, chính quyền đang hợp tác với các công ty tư nhân để đầu tư một dự án thử nghiệm trị giá 500 triệu đô la Úc nhằm sản xuất khí H2 từ than. Khí carbon phát thải ra trong quá trình sản xuất H2 sẽ được ‘chôn’ dưới lòng chảo đáy biển.

“Khi công nghệ phát triển, chúng tôi có thể khai thác sức mạnh của chúng tôi ở lĩnh vực năng lượng tái tạo để tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu năng lượng”, Bộ trưởng Năng lượng Úc, Angus Taylor, nói khi thông báo rằng Canberra sẽ hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo của Sun Cable ở Úc.

Những nhà đầu tư đang hậu thuẫn tài chính cho Sun Cable bao gồm hai tỉ phú giàu nhất nước Úc là Mike Cannon-Brookes, người đồng sáng lập công ty phần mềm  Atlassian và Andrew Forrest, người sáng lập tập đoàn khai khoáng Fortescue.

Sun Cable đặt mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc quá lớn của châu Á vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách cung cấp lượng năng lượng tái tạo khổng được sản xuất ở Úc với chi phí hợp lý.


Dự án Trung tâm năng lượng tái tạo châu Á (AREH) ở sa mạc Pilbara. (Ảnh: Thewest.com.au)

Các thách thức về công nghệ và tài chính

Các ý tưởng xuất khẩu năng lượng tái tạo khắp các khu vực rộng lớn được đưa ra cách đây ít nhất một thế kỷ khi kiến trúc sư người Đức Herman Sörgel đề xuất xây dựng một đập thủy điện ở eo biển hẹp Gibraltar, điểm kết nối Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Cho đến thời điểm hiện nay, chi phí đầu tư điện gió và điện mặt trời giảm mạnh cùng các tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực lắp đặt cáp đã biến tầm nhìn này thành hiện thực.

Chẳng hạn, hồi tháng 7, Anh chính thức khởi công xây dựng tuyến cáp điện ngầm dưới biển dài nhất thế giới hiện nay (765 km) kết nối với Đan Mạch, có tên gọi Viking Link, với tổng vốn đầu tư 2 tỉ euro và có công suất truyền tải 1,4 GW dưới điện áp 525 KV. Tuyến cáp điện này sẽ chạy qua các vùng biển của Anh, Đức, Hà Lan và Đan Mạch để truyền dẫn năng lượng tái tạo từ Anh đến Đan Mạch.

Tuyến cáp điện theo thiết kế trong dự án AAPL của Sun Cable có tổng chiều dài gấp năm lần và có công suất truyền tải gấp đôi so với dự án Viking Link, có thể cung cấp đủ 20% nhu cầu điện của Singapore. Tuyến cáp điện này được đặt ở độ sâu 1.700 mét dưới mực nước biển, sâu gấp tám lần so với tuyến cáp điện trong dự án Viking Link, do vậy, việc lắp đặt nó sẽ gặp phải các thách thức về công nghệ và tài chính.

Trong khi đó, dự án AREH ban đầu dự kiến lắp đặt một tuyến cáp ngầm dưới biển để xuất khẩu năng lượng xanh từ các trang trại điện gió và điện mặt trời ở sa mạc Pibara cho Indonesia. Tuy nhiên, các chủ đầu tư dự án này đã thay đổi cách tiếp cận cách đây hai năm do chi phí đầu tư ước tính cho dự án lên đến hơn 20 tỉ đô la Úc nhưng lượng khách hàng sẽ bị hạn chế.

Giờ đây, họ đang lên kế hoạch sử dụng năng lượng tái tạo giá rẻ để sản xuất khí H2 và khí ammonia (NH3) bằng phương pháp điện phân nước, rồi hóa lỏng chúng để xuất khẩu các thị trường đang khát năng lượng như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Andrew Dickson, Giám đốc phát triển dự án AREH, cho biết khí NH3 có thể sử dụng ở các nhà máy nhiệt điện than để giảm 20% khí thải carbon và có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm sử dụng để làm nhiên liệu trong ngành vận tải biển.

Dự án AREH cũng sẽ bán năng lượng tái tạo cho các mỏ quặng sắt và các nhà máy chế biến LNG ở Pibara.
Cụ thể, dự án AREH dự kiến bán 3 GW năng lượng tái tạo cho các khách hàng lớn ở vùng Pilbara. Phần lớn năng lượng tái tạo còn lại (12 GW) sẽ được sử dụng để sản xuất các sản phẩm khí H2 và NH3 để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, cả dự án AAPL lẫn AREH phải chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng chúng có tính khả thi kinh tế và có thể vượt qua các thách thức công nghệ.

Những nhà đầu tư ủng hộ các dự án này tin rằng nguồn tài nguyên năng lượng gió và mặt trời dồi dào của Úc cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ đặt đất nước vào vào vị thế thuận lớn nhất để xây dựng ngành xuất khẩu năng lượng tái tạo thành công. Tỉ phú Cannon-Brookes nói: “Chúng tôi nắm công nghệ trong tay. Chúng tôi có kiến thức kinh tế. Và chúng tôi có cơ hội để trở thành siêu cường năng lượng tái tạo”.

Khánh Lan

(TBKTSG / Theo Financial Times)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo