Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Chất lượng không khí đô thị diễn biến xấu, Hà Nội đáng lo nhất

Chất lượng không khí đô thị diễn biến xấu, Hà Nội đáng lo nhất

Viết email In

Trong hai tháng đầu năm 2020, chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam tiếp tục có những diễn biến xấu. Thậm chí có những thời điểm, các hệ thống quan trắc còn đưa ra ngưỡng ô nhiễm “màu nâu,” cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, hạn chế đi ra ngoài đường.

Nằm trong nhóm các đô thị ô nhiễm nhất nước, Hà Nội vẫn tiếp tục là đô thị có giá trị thông số bụi PM2.5 cao nhất với giá trị quan trắc trung bình 24 giờ tại các trạm quan trắc trong nhiều ngày vượt quá giới hạn cho phép từ 2-3 lần. Tên Hà Nội cũng liên tiếp xuất hiện trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Airvisual quan trắc theo thời gian thực.


Sương mù dày đặc bao phủ khắp thành phố Hà Nội vào sáng ngày 6/2/2020.
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ô nhiễm không khí lan rộng

Số liệu quan trắc vừa được Tổng cục Môi trường công bố cho thấy tại một số đô thị ở khu vực miền Bắc (Việt Trì, Hà Nội, Hạ Long), giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất.

Tại Hà Nội, giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tại các trạm quan trắc cho thấy tháng Một, có 9 ngày vượt giới hạn cho phép tại Quy chuẩn Việt Nam. Từ ngày 1-20/2, có 11 ngày vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam.

Ngay cả thành phố biển Hạ Long, giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tại trạm quan trắc thành phố Hạ Long trong thời gian 2 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy có 4 ngày vượt quá giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam.


Diễn biến chỉ số chất lượng không khí ngày tại Hà Nội từ ngày 1/1 đến ngày 18/2/2020.
(Ảnh chụp màn hình)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường cũng ghi nhận một số ngày (nhất là các ngày 6/1 và 16/1) có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 vượt giới hạn cho phép tại Quy chuẩn Việt Nam.

Riêng các thành phố ở khu vực miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa), giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 về cơ bản đạt Quy chuẩn Việt Nam cho phép.

Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy từ ngày 1/1 đến ngày 20/2 tại một số đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỷ lệ khá cao.

Riêng tại Thủ đô Hà Nội, chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt (AQI<50), 6 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI>150), những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém.

Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ngày có chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 30%, ở mức trung bình chiếm 64% và ở mức kém chiếm 6%. Còn các đô thị ở khu vực miền Trung, chất lượng không khí phổ biến ở mức tốt và trung bình.


Diễn biến chỉ số chất lượng không khí ngày tại các trạm quan trắc từ ngày 1/1 đến ngày 20/2/2020.
(Ảnh chụp màn hình)

Bụi PM2.5 tăng rất cao tại Hà Nội

Theo ghi nhận của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2020, kết quả quan trắc cho thấy có một số khoảng thời gian, giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tăng rất cao (vượt từ 2-3 lần giới hạn cho phép tại Quy chuẩn Việt Nam), như các ngày 1/1, 13/1, 14/1, 2/2 và 20/2.

Riêng trong khoảng thời gian từ 23/1 đến 29/1 (thời gian Tết Âm lịch, lượng phương tiện tham gia giao thông rất ít, các hoạt động sản xuất hạn chế), giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 thấp hơn giới hạn Quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần, chất lượng không khí cơ bản ở mức tốt, chất lượng không khí có sự cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó, từ ngày 14/2 đến 21/2, kết quả quan trắc lại cho thấy giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong ngày 20/2 và 21/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 ngày 20/2 vượt quá gần 3 lần giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam.

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm tại Hà Nội từ 1/1 đến 18/2 cho thấy có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100), riêng ngày 13/1 là ngày chất lượng không khí kém nhất.

Kết quả tính toán AQI giờ trong thời gian gần đây (từ ngày 18/2 đến 21/2) cho thấy chất lượng không khí đang có xu hướng bị suy giảm. Trong hai ngày 20/2 và 21/2, chỉ số AQI giờ ở mức rất xấu (AQI >200) ở nhiều trạm.

Đặc biệt tại trạm Mỹ Đình, chất lượng không khí đã ở mức “nguy hại” vào 2 giờ sáng ngày 21/2. Chỉ khi thời tiết có sự thay đổi (có mưa hoặc tốc độ gió tăng, giảm tình trạng sương mù…) thì chất lượng không khí mới có thể cải thiện.

Trước diễn biến chất lượng không khí nêu trên, Tổng cục Môi trường lưu ý những ngày gần đây (từ ngày 18/2- 21/2), chất lượng không khí có xu hướng bị suy giảm đồng nghĩa với mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Vì thế người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin về chất lượng không khí, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, ở nhà thì nên hạn chế mở cửa./.

Hùng Võ

(Vietnam+)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo