Cần chiến lược tổng thể ứng phó ô nhiễm không khí

Thứ năm, 03 Tháng 10 2019 09:55 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Công bố báo cáo chính thức về ô nhiễm không khí, lắp đặt thêm các trạm quan trắc tự động để đo lường chính xác hơn, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường là những giải pháp mà cơ quan chức năng hiện đang thực hiện để ứng phó với tình trạng bụi mịn tăng cao đột biến trong những ngày qua. Tuy nhiên, người dân trông chờ vào việc chính quyền cần có chiến lược tổng thể về chất lượng không khí trong tương lai.


Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy "Sương mù" dày đặc trong nhiều ngày qua.
(Ảnh: VNE)

Ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng

Từ đầu tháng 9 đến nay, tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng khi người dân, bằng mắt thường của chính mình, cũng có thể nhận ra được tầng lớp bụi mù bao phủ xung quanh thành phố, đặc biệt là vào thời điểm buổi sáng sớm.

Ngày 1-10 vừa qua, Tổng cục Môi trường chính thức công bố báo cáo chất lượng không khí tại Hà Nội và TPHCM trong tháng 9. Nhìn chung, báo cáo cho thấy chỉ số bụi PM2.5 (loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) tăng vọt trong nhiều ngày và liên tục cao hơn 50 µg/m3.năm, là ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013.

Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ 13 trạm quan trắc tự động trên Hà Nội (trong đó 1 trạm của Tổng cục môi trường, 10 trạm của TP. Hà Nội, 01 trạm của Đại sứ quán Pháp và 01 trạm của Đại sứ quán Mỹ), nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng đáng kể.

Theo đó, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí, đo lường nhiều loại bụi và tạp chất trong không khí) có những ngày vượt quá mức 200, tức rất xấu và nguy hại cho sức khỏe, và thường xuyên trên mức 100 (mức kém, có khả năng nguy hại sức khỏe).

Tại TPHCM, số liệu được tính toán trung bình từ kết quả của 7 điểm đo trong thành phố, cho thấy có một vài ngày mà toàn bộ trạm đo đều có giá trị PM2.5 trung bình vượt tiêu chuẩn quy định của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Môi trường cho rằng nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Theo đại diện của Tổng cục Môi trường, các nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí tăng cao tại Hà Nội chủ yếu là do thời tiết khí hậu và hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành, góp phần gia tăng nồng độ bụi trong khống khí. Thêm một lý do nữa là vì lượng mưa thấp trong nhiều ngày khiến các loại bụi không được “gột rửa” nên tập trung nhiều hơn.

Tương tự, tại TPHCM, điều kiện thời tiết bất lợi cũng dẫn đến hiện tượng “nghịch nhiệt” và phát tán các chất ô nhiễm. Hiện tượng “mùa quang hóa” xảy ra mang tính chu kỳ trong khoảng 6 - 7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm.

Báo cáo chính thức của cơ quan chức năng công bố trong bối cảnh các tranh cãi về số liệu chất lượng không khí mà các đơn vị thứ 3 công bố ngày càng trở nên gay gắt hơn.  Rất nhiều các  ứng dụng di động, hay websiste cung cấp các số liệu như IQ Airvisual, OpenAir, Purple Air, hay PAM Air, đều nói rằng số liệu này được trích từ các trạm đo liên kết.


Nồng độ bụi tháng 9 tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.
(Nguồn: Tổng cục Môi trường)

Theo nhận định của đại diện cơ quan chức năng, số liệu tại một số điểm đo mang tính thời điểm và địa phương, chứ không mang tính đại diện cho cả thành phố. Dù vậy, báo cáo chính thức cũng cho thấy rằng rằng tình hình ô nhiễm trong tháng 9 năm nay đã tệ hơn cùng kỳ so với những năm trước (trừ 2 năm 2013 – 2014).

Thậm chí người dân rất hoang mang với những thông tin về Hà Nội là nơi ô nhiễm nhất trên thế giới, theo một số thống kê của đơn vị thứ 3. Theo đại diện cơ quan chức năng, số liệu tại một số điểm đo mang tính thời điểm và địa phương, chứ không mang tính đại diện cho cả thành phố. Dù vậy, báo cáo chính thức cũng cho thấy rằng rằng tình hình ô nhiễm trong tháng 9 năm nay đã tệ hơn cùng kỳ so với những năm trước (trừ 2 năm 2013 – 2014).

Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), cho biết từ dữ liệu mà tổ chức này thu thập trong Báo cáo Chất lượng Không khí 2018, cho thấy nồng độ PM2.5 trung bình năm của Hà Nội năm 2018 ở mức cao (40,1 µg/m3), vượt quá giới hạn cho phép trong Quy chuẩn Việt Nam (25 µg/m3.năm).

“Dữ liệu tại 10 trạm quan trắc của UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra rằng khu vực nội thành Hà Nội đang bị ô nhiễm bụi và thông số bụi PM2.5 vẫn là thông số có mức độ ô nhiễm cao nhất. Ở TPHCM, hiện trạng chất lượng không khí có dấu hiệu tích cực hơn, tuy nhiên theo số liệu của Lãnh sự quán Mỹ thì nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vẫn vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia”, đại diện GreenID đánh giá.

Cần giải pháp tổng thể và dài hạn

Trước diễn biến ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố kéo dài liên tục trong những ngày qua, thậm chí chất lượng không khí đã suy giảm xuống ngưỡng xấu, Tổng cục Môi trường nhận định tình trạng ô nhiễm sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Nếu buộc phải ra ngoài thì cần phải đeo khẩu trang loại có khả năng ngăn được bụi mịn và kính mát.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị người dân chủ động theo dõi chỉ số chất lượng không khí được công bố rộng rãi hơn, hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt giúp giảm thiểu phát thải vào môi trường không khí.

Tổ chức GreenID cho biết trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí thường có xu hướng xấu hơn vào quí 4 và quí 1 hàng năm. Nhưng câu hỏi tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động như hiện nay còn kéo dài đến bao giờ thì chưa ai có thể trả lời được.

Không chỉ có người dân phải ứng phó, bản thân chính quyền và các nhà khoa học cũng cần phải vào cuộc, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường.

"Các nhà khoa học cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu ô nhiễm không khí, làm rõ nguyên nhận chủ yếu, tăng khả năng dự báo ô nhiễm và có bằng chứng đầu vào cho việc hoạch định chính sách", đại diện GreenID nói. Còn với chính quyền, tổ chức này cho rằng cần xây dựng luật Không khí sạch, đưa ra khung pháp lý và hướng dẫn cụ thể về quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam.

Cẩn trọng với bụi mịn

Bụi PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet), hay còn gọi là bụi mịn, là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người, có khả năng xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ, ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguồn phát thải bụi mịn là các ngành công nghiệp sản xuất, xe hơi và xe tải, hộ gia đình. Hầu hết các hạt vật chất mịn đến từ quá trình đốt cháy nhiên liệu, cả từ các nguồn di động như xe cộ và từ các nguồn ổn định như nhà máy điện, công nghiệp, hộ gia đình, nông nghiệp hoặc đốt sinh khối.

Nồng độ bụi mịn PM2.5 có thể vẫn ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là buổi đêm và sáng sớm.

Dũng Nguyễn

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: