Biển để làm gì?

Thứ ba, 04 Tháng 9 2018 10:49 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Hồi trước, nếu hỏi câu này người dân Đà Nẵng sẽ trả lời ngay: “Biển để tắm chứ làm gì!”.

Trước năm 2000, người dân địa phương này đi tắm biển tại các bãi Thanh Bình hoặc Xuân Thiều ở khu vực trung tâm thành phố. Cuối tuần, có thời gian nhiều hơn, mọi người vượt sông Hàn, đi tắm tại các bãi biển Mỹ Khê, T20, Bắc Mỹ An hay xa hơn là Non Nước. Vào thời điểm đó, muốn băng qua sông Hàn, chỉ có thể đi qua cầu Nguyễn Văn Trỗi hoặc đi phà.

Năm 2000, cầu quay sông Hàn được khánh thành, mở đầu cho giai đoạn xây dựng nhiều cây cầu bắc qua sông này như cầu Tuyên Sơn (2004), cầu Thuận Phước (2009), cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng (cùng năm 2013). Đó là lý do, Đà Nẵng có tên gọi “Thành phố của những cây cầu”. Cầu Nguyễn Văn Trỗi trở thành cầu đi bộ và những chuyến phà đã dừng hoạt động.  


Rác tại vùng ven biển qua xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
(Ảnh: Lekima Hùng) 

Nhờ những cây cầu mà người dân đi qua sông Hàn để tắm biển gần hơn. Kinh tế của khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn cũng phát triển mạnh, chủ yếu là lĩnh vực du lịch-khách sạn. Thậm chí hiện nay đã mọc lên “con đường khách sạn” chạy dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa thuộc hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn với hàng trăm khách sạn. Thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy chỉ riêng quận Sơn Trà đã có gần 200 khách sạn với gần 7.000 phòng và 100 nhà nghỉ, trong đó phần lớn là khách sạn từ 1-3 sao. 

Tuy nhiên, sự phát triển các khách sạn đã dẫn đến hệ lụy, trong đó có vấn đề làm quá tải hệ thống xử lý nước thải và nước thải đổ ra biển chưa qua xử lý là hậu quả tất yếu. Vì vậy, hiện nay khi hỏi lại người dân Đà Nẵng: “Biển để làm gì?”, sẽ nhận được những cái lắc đầu ngán ngẩm và không còn khẳng định chắc nịch như lúc xưa được nữa. Biển Đà Nẵng hiện nay không còn là nơi “độc quyền” để người dân tắm nữa mà là nơi để các doanh nghiệp ngang nhiên xả nước thải ra biển, bất chấp những răn đe và xử phạt của chính quyền.

Nếu chịu khó tra Google, sẽ dễ nhận ra rằng trong vòng hai năm trở lại đây hầu như tháng nào cũng có tin tức nói về việc các khách sạn xả thải ra các bãi biển Đà Nẵng với những cụm từ quen thuộc “lén lút xả thải trộm”, “lợi dụng trời mưa xả nước thải ra biển”… Trường hợp mới nhất bị phát hiện là một công trình tổ hợp khách sạn-condotel ở quận Sơn Trà lén xả thải ra biển Mỹ Khê vào giữa tháng 8. Chủ đầu tư của dự án này bị đề nghị mức phạt 700 triệu đồng (cao nhất từ trước đến nay) vì một phần nguyên nhân là nước thải chảy ngay ra khu vực biển Mỹ Khê - nơi tập trung người dân địa phương và khách du lịch đi tắm biển nhiều nhất hiện nay.

Trong một lần đi tìm hiểu thực tế trưa ngày 30/7 vừa qua, người viết bài ghi nhận các cửa xả ở các đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa dọc biển có tình trạng nước thải đen ngòm đổ trực tiếp ra biển. Tại một cửa xả trên đường Trường Sa, một nhân viên của bãi tắm công cộng đang chuyển dòng chảy từ một cửa xả của một khu nghĩ dưỡng 5 sao để nước bẩn không chảy vào khu vực bãi tắm. Điều đáng nói là người nhân viên này chỉ nghĩ đơn giản: Đừng để nước thải chảy vào khu vực mình là được rồi!

Những tình trạng trên dự báo sẽ còn xảy ra thường xuyên trong tương lai khi hiện nay có khoảng hơn 10 dự án bất động sản du lịch trên tuyến đường ven biển này đang được xây dựng, bên cạnh các khách sạn hoạt động lâu nay.

Tại cuộc họp báo chí sáu tháng đầu năm vừa qua, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết thành phố sẽ đầu tư tuyến cống thu gom nước thải ven biển và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để đối phó với tình trạng nước thải đổ ra biển, đặc biệt là những lúc trời mưa. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành quy hoạch lại hệ thống khách sạn và khu nghĩ dưỡng ven biển chạy dài hơn 15 cây số từ chân núi Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn để hạn chế tình trạng những nơi này lợi dụng trời mưa xả thẳng nước thải ra biển.

Thiết nghĩ, bên cạnh những động thái nói trên của lãnh đạo Đà Nẵng, cần phải có những biện pháp vừa tuyên truyền vừa chế tài mạnh mẽ để nâng cao ý thức của doanh nghiệp, để không còn tình trạng xả nước thải ra biển chưa qua xử lý, để người dân và du khách vẫn tự tin nói rằng: “Biển để tắm chứ để làm gì!”. 

Nhân Tâm 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: