Cộng đồng môi trường ASEAN: Những thách thức ở tuổi 50

Thứ ba, 31 Tháng 10 2017 11:17 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt với nhiều lựa chọn liên quan đến tương lai phát triển năng lượng của mình. Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo bàn về các vấn đề phát triển bền vững cho ASEAN tuần qua tại Yangon (Myanmar). 

Trong thập kỷ tới, ASEAN sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đột biến về kinh tế. Các nước này cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhu cầu sử dụng năng lượng 4% mỗi năm từ đây đến năm 2025 (tăng thêm 50% so với mức sử dụng năm 2014).  


Mạng lưới phát triển năng lượng không carbon ở một số nước ASEAN sẽ hỗ trợ các nước khác trong những nỗ lực giảm phụ thuộc vào than. Trong ảnh: một dự án điện gió tại Bình Thuận.
(Ảnh: Thành Hoa) 

Phát triển năng lượng: Bài toán cung - cầu

Các quốc gia ASEAN hiện không có đủ nguồn năng lượng hóa thạch bản địa để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng. Vì thế nhu cầu chia sẻ năng lượng hóa thạch nhập khẩu sẽ tăng. Còn theo đánh giá của tổ chức GreenID, năm 2016 chứng kiến mức giá thấp kỷ lục của quang điện và năng lượng gió trên đất liền, chỉ còn 0,05 đô la Mỹ trên 1 kWh. Ngày càng nhiều nước cho thấy sự chia sẻ các nguồn năng lượng thay thế có thể tích hợp vào mạng lưới hiện có. 

Mạng lưới phát triển năng lượng không carbon ở một số nước ASEAN sẽ hỗ trợ các nước khác trong những nỗ lực giảm phụ thuộc vào than. Đã có những cam kết để làm chậm các nguồn vốn đầu tư vào than và đảm bảo nhu cầu năng lượng cho các nước bằng nguồn năng lượng sạch và bền vững. Điều này có liên quan mật thiết đến việc đảm bảo sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (2016), 4/10 nước ASEAN phải nhập khẩu năng lượng, bao gồm Singapore (98%), Philippines (46%), Thái Lan (42%) và Campuchia (33%). Singapore là một trong tám nền kinh tế không có nguồn năng lượng nội địa trên thế giới, và hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng. Campuchia phải nhập khẩu dầu diesel để sản xuất đến 90% lượng điện nội địa. Nhìn chung, các nước này phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu, vì vậy, họ nhạy cảm với những ảnh hưởng của giá cả nguyên liệu thô và dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung hơn các quốc gia khác. 

Năng lượng tái tạo: Có dễ làm?

Theo một báo cáo từ Trung tâm Năng lượng ASEAN năm 2016, ASEAN có nhiều tiềm năng về nguồn năng lượng thay thế đa dạng như năng lượng sinh học ở Thái Lan, địa nhiệt ở Indonesia và Philippines. Hơn thế nữa, ở vị trí gần xích đạo, lượng ánh sáng mặt trời mà các nước nhận được cũng mang đến tiềm năng tuyệt vời về năng lượng mặt trời. Tiềm năng gió cũng là một điểm được tập trung trong những năm gần đây.

Tiềm năng gió được nhận thấy rõ ràng nhất ở Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Indonesia. Trong sự tăng trưởng vượt bậc về công nghệ năng lượng thay thế và sự giảm mạnh của giá năng lượng thay thế, các nước có thể hoàn toàn thoát khỏi phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống và tập trung hơn khai thác các mô hình cung cấp năng lượng thay thế.

Nguồn năng lượng của Lào đa phần là nhiên liệu truyền thống, bao gồm gỗ và than củi. Theo một báo cáo từ chính phủ Lào, trong năm 2011, năng lượng sinh học chiếm hơn 69% tổng lượng tiêu thụ, năng lượng hóa thạch chiếm 17%, điện chiếm 12% và than khoảng 2%. Tiềm năng sinh khối, ga sinh học và rác thải sinh học được tính toán là nguồn năng lượng quan trọng nhất.

Đặc biệt đối với các nước ASEAN, có khoảng 4.100 MW năng lượng tiềm năng bao gồm xấp xỉ 1.450 MW từ ga sinh học, sinh khối và rác thải rắn, và 500MW từ mặt trời. Trong khi đó, năng lượng sinh học cũng là nguồn năng lượng thay thế dầu diesel cho Campuchia. Năng lượng gió được tính toán sẽ cung cấp 3,665 GWh một năm, và năng lượng mặt trời được ước tính là 65 GWh một năm với tiềm năng kỹ thuật của quốc gia này.

Với cương vị là những nước đi đầu ủng hộ năng lượng thay thế, Indonesia đã hoàn thành quy trình sử dụng năng lượng sinh học, khí ga sinh học, thủy điện quy mô nhỏ. Myanmar cũng đã thông báo quy trình của họ. Malaysia đã hoàn thành quy trình cho thủy điện nhỏ cũng như lắp đặt hệ thống pin mặt trời, trong khi Philippines và Việt Nam đang ở những bước cuối cùng trong việc đề ra quy trình sử dụng năng lượng mặt trời.

Mặc dù mỗi nước khác nhau ở việc sử dụng loại năng lượng thay thế, nhưng cơ hội hợp tác giữa các nước ASEAN đang là một trọng tâm trong thời gian tới. Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận là các nước đã thống nhất mục tiêu và lộ trình chung được mang tên “Những sự lựa chọn được tái định hướng vì một tương lai sạch, bền vững và phồn vinh”.

Lộ trình này chỉ ra những tiềm năng năng lượng thay thế theo ngành và nguồn, và thiết lập một lộ trình để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Dù còn lắm gian nan, nhưng đây sẽ là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng môi trường ASEAN. 

Trần Thắng 
(Từ Yangon, Myanmar / TBKTSG


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: