Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Năng lượng mặt trời và tham vọng của Trung Quốc

Năng lượng mặt trời và tham vọng của Trung Quốc

Viết email In

Trung Quốc đặt tham vọng trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm tiên tiến nhất trên thế giới, từ năng lượng mặt trời tới các sản phẩm như ô tô tự lái, tàu cao tốc... Kế hoạch này được cho là thủ phạm tiếp tục lấy đi việc làm của người Mỹ và châu Âu.  


Công nhân đang lắp tấm pin năng lượng mặt trời tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Ảnh: NYT 

Từ nuôi cá tới... sản xuất pin mặt trời

Gao Song từng là một tay buôn trái cây tại Vũ Hán, Trung Quốc. Sau khi lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái nhà của mình cách đây bốn năm, Gao Song nhận thấy đây là một lĩnh vực kinh doanh béo bở nên đã chuyển hẳn sang lĩnh vực lắp đặt tấm pin mặt trời cho các hộ dân khác. Vào mùa hè năm ngoái, ông và đội ngũ 50 nhân viên của công ty đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho gần 100 mái nhà mỗi tháng. 

Giống như Gao Song, Liu Hanyuan, trước khi trở thành lãnh đạo một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Trung Quốc, đã khởi nghiệp bằng nghề nuôi cá. Là con trai của một gia đình nông dân nghèo, Liu Hanyuan đi lên từ nghề nuôi heo, tới nuôi cá, sau đó chuyển sang lĩnh vực màu mỡ hơn là sản xuất thức ăn cho cá. Thành công trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng Liu luôn ao ước được thử sức trong lĩnh vực công nghệ, vì vậy năm 2006, Liu đã chuyển hoạt động sang lĩnh vực năng lượng mặt trời sau khi thất bại trong lĩnh vực sản xuất chip máy tính. Liu thừa nhận yếu tố thôi thúc ông có bước đi quyết định này là vào thời điểm đó, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu dồn sức để biến Trung Quốc thành cường quốc của ngành năng lượng mặt trời.

Ở phía bên kia trái đất, Russell Abney, kỹ sư công nghệ 49 tuổi tốt nghiệp trường đại học danh tiếng Georgia Tech, đã làm việc hơn mười năm cho First Solar, một công ty chuyên sản xuất tấm pin mặt trời tại Perrysburg, bang Ohio, Mỹ và tự hào có mức lương khá cao. Nhưng nay Russell Abney đã bị sa thải. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp Trung Quốc như của Gao Song hay Liu Hanyuan đã khiến các công ty năng lượng mặt trời của Mỹ, châu Âu không thể cạnh tranh được và buộc phải cắt giảm lao động. Tình trạng này diễn ra từ Đức tới Mỹ, từ Michigan tới Ohio, nơi ông Abney và khoảng 450 nhân viên bỗng dưng... mất việc. “Chỉ trong vài tháng, tất cả đều đổ vỡ”, ông Abney nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida tuần trước, đã liên tục tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh không công bằng của Trung Quốc. Phần lớn những cáo buộc của ông Trump liên quan đến các ngành công nghiệp kiểu cũ như ngành sắt thép - những ngành mà việc làm đã biến mất từ trước khi Trung Quốc trỗi dậy. Nhưng các nhà kinh tế và giới doanh nhân cảnh báo rằng, tham vọng của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghiệp đã chuyển sang một giai đoạn mới, sâu rộng hơn rất nhiều. Với ngân sách dồi dào của chính phủ, trình độ công nghệ ngày càng cao và một kế hoạch toàn diện nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài, Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu trở thành người thống trị trong những ngành công nghiệp của tương lai như năng lượng tái tạo, dữ liệu lớn và xe hơi tự lái. Nền kinh tế quy mô lớn và tăng trưởng nhanh, cùng với tham vọng thống trị của chính phủ, cho phép Bắc Kinh định hình lại các ngành công nghiệp và thách thức trực tiếp các nhà lãnh đạo - ông Trump hay bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào - vốn thường để cho doanh nghiệp tự quyết định hoạt động kinh doanh của mình. 

Bàn tay của chính phủ

Lấy ngành năng lượng mặt trời làm ví dụ. Trung Quốc hiện thời sản xuất ra hai phần ba lượng tấm pin mặt trời của thế giới và tỷ suất biến ánh sáng thành điện năng của các tấm pin Trung Quốc đã tiến gần với sản phẩm của Mỹ, Đức và Hàn Quốc. Thị trường pin mặt trời hiện gần như do Trung Quốc kiểm soát đến mức ông Frank Haugwitz, nhà tư vấn lâu năm về năng lượng mặt trời ở Bắc Kinh, nhận xét: “Một rung động nhỏ ở Trung Quốc cũng có thể gây bão giá khắp thế giới”.

Để làm được điều đó, trong sáu năm qua, Bắc Kinh đã chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh cung cấp ít nhất 18 tỉ đô la Mỹ với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, đồng thời khuyến khích chính quyền các địa phương ưu đãi về đất đai cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Với sự trợ giúp của chính quyền, năng lực sản xuất điện mặt trời của Trung Quốc đã tăng 10 lần trong giai đoạn từ 2007-2012.

Hiện 6 trong số 10 công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, trong đó có 2 công ty đầu bảng, thuộc về Trung Quốc trong khi cách đây 10 năm, không công ty nào của Trung Quốc lọt vào danh sách này.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ và EU phải thoái lui, hơn 20 công ty Mỹ đã phá sản hoặc cắt giảm hoạt động trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama. Ocean Yuan, Giám đốc điều hành của Grape Solar, một nhà phân phối các tấm pin năng lượng mặt trời có trụ sở tại Eugene, Oregon, Mỹ cho hay, các nhà sản xuất Trung Quốc có vốn, công nghệ, và quy mô. “Họ sẽ đánh bại đối thủ cạnh tranh”, Ocean Yuan nói.

Trong năm 2012 và 2013, Mỹ và Liên hiệp châu Âu đưa ra kết luận các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc được chính phủ trợ cấp để bán phá giá và quyết định áp đặt hạn ngạch nhập khẩu. Một số doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng cửa nhưng các công ty phương Tây nói rằng, ngân hàng vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp còn lại vay vốn ưu đãi dù tỷ lệ thu hồi vốn rất thấp sau các vụ vỡ nợ của các công ty Suntech, Chaori và LDK Solar.

Đứng ở góc độ môi trường, việc Trung Quốc đẩy mạnh năng lượng mặt trời là tín hiệu tốt cho thế giới và giá các tấm pin mặt trời đã giảm gần 90% trong 10 năm qua. Nhiều tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái các căn nhà hay cả các nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc.

Nhưng đối với ngành năng lượng mặt trời, việc xuất hiện đối thủ nặng ký Trung Quốc đồng nghĩa với việc kéo dài thời kỳ giảm giá và thu hẹp hoạt động. “Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang phải đối mặt với một mùa đông mới”, Patrick Pouyanné, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Total, một tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực dầu khí của Pháp, đồng thời sở hữu cổ phần kiểm soát của Sunpower, công ty sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ.

Và tham vọng Made in China

Trung Quốc hiện đã là nhà sản xuất lớn nhất, và tiêu thụ nhiều nhất thế giới các mặt hàng sắt thép, xe hơi và điện thoại di động. Nhưng Trung Quốc không nhất thiết phải thống trị các ngành này, mà chính quyền Bắc Kinh muốn lặp lại thành công của ngành năng lượng mặt trời trong các lĩnh vực tiên tiến như robot, chip điện tử và phần mềm. 

Theo kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đặt mục tiêu trong vòng bảy năm sẽ tự sản xuất và cung cấp được một danh sách dài các ngành công nghiệp như máy bay, tàu cao tốc, chip máy tính và robot. Để thực hiện kế hoạch này, chính phủ Trung Quốc cần khoảng 300 tỉ đô la Mỹ để các ngân hàng quốc doanh cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp. Số tiền này cũng dùng để thâu tóm các công ty công nghệ nước ngoài và để hỗ trợ nghiên cứu mở rộng.

Nếu thành công, kế hoạch Made in China 2025 sẽ là bước chuyển biến căn bản trong cách Trung Quốc ứng xử với thế giới. Lúc đầu, hầu hết các ngành giày dép, quần áo đã chuyển hoạt động từ Mỹ sang Trung Quốc, các ngành công nghiệp nặng như sắt thép theo sau. Các nhà kinh tế ước tính, có khoảng 2,4 triệu công việc của người dân Mỹ đã mất vào tay Trung Quốc kể từ năm 1999-2011. Nhưng giới doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cảnh báo rằng, kế hoạch của Trung Quốc tới năm 2025 đồng nghĩa sẽ có tác động rộng lớn hơn: hàng loạt doanh nghiệp EU và Mỹ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, được hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc như chuyện đang xảy ra trong ngành năng lượng mặt trời. “Những chính sách bắt đầu ở ngành năng lượng mặt trời đang được vận dụng với mức độ cao hơn cho kế hoạch Made in China 2025”, ông Jeremy Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thuộc Phòng Thương mại Mỹ ở thủ đô Washington, cho biết.

Tại Perrysburg, ông Abney đã mất việc ở First Solar, nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất nước Mỹ và mới kiếm được việc làm tại một công ty vật liệu xây dựng ở Pennsylvania. Công ty First Solar đang chật vật cạnh tranh với các nhà sản xuất từ Trung Quốc nhưng rồi sau nhiều biện pháp, họ vẫn phải sa thải 1.600 nhân viên và dừng một dự án đầu tư tại TPHCM, Việt Nam. First Solar đang kỳ vọng đợt sản phẩm mới, tấm pin mặt trời thế hệ thứ 6 (series 6) sẽ ra đời trong năm 2018, có giá thành rẻ hơn và hiệu năng cao hơn, sẽ giúp công ty cạnh tranh hữu hiệu hơn với các đối thủ Trung Quốc. 

Trúc Diễm 
(TBKTSG /Theo The New York Times


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo