SECO tài trợ 5 triệu euro chống ngập cho đô thị Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 31 Tháng 3 2017 08:30 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ 5 triệu euro để giúp chống ngập úng cho ba đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là An Giang, Kiên Giang và Cà Mau giai đoạn 2017-2019. 

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo “Khởi động chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị ĐBSCL” diễn ra ngày 30/3 tại thành phố Cần Thơ, bà Lê Thị Thanh Huyền, cán bộ chương trình này thuộc SECO, cho biết khoản tiền 5 triệu euro được Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ không hoàn lại thông qua SECO.  


SECO tài trợ 5 triệu euro giúp ĐBSCL chống ngập đô thị. Trong ảnh là một đô thị bị ngập úng nặng do mưa và triều cường.
(Ảnh: Trung Chánh) 

Theo bà Huyền, ngoài khoản viện trợ trên, để thực hiện chương trình này, phía Việt Nam phải cung cấp một khoản vốn đối ứng khoảng 500.000 euro từ ngân sách của Trung ương và ba địa phương nằm trong dự án. “Như vậy, tổng số vốn để thực hiện dự án vào khoảng 5,5 triệu euro cho giai đoạn 2017-2019”, bà Huyền cho biết. 

Trình bày tại hội thảo, bà Trần Thị Thảo Hương, Trưởng phòng thoát nước và xử lý nước thải của Cục Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, cho biết trước khi quyết định chọn An Giang, Kiên Giang và Cà Mau để thực hiện dự án, các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ), Cục Hạ tầng Kỹ thuật và SECO đã tiến hành phân tích sơ bộ tại 13 tỉnh thành ĐBSCL về các chỉ số như: loại đô thị, dân số, tỷ lệ hộ nghèo, tình hình thoát nước, ngập úng, quy hoạch thoát nước hiện tại cũng như các tác động của biến đổi khí hậu và mức độ hỗ trợ của các nhà tài trợ trong lĩnh vực quản lý ngập úng.

Theo đó, chương trình được thực hiện với ba hợp phần chính. 

Thứ nhất là quy hoạch đô thị tích hợp và quy hoạch thoát nước. Hợp phần này sẽ hỗ trợ xây dựng quy định nhằm ứng phó ngập úng, biến đổi khí hậu và lồng ghép quản lý rủi ro ngập úng trong quy hoạch đô thị và các kế hoạch thực hiện tại địa phương.

Thứ hai, phân tích rủi ro ngập úng và hỗ trợ quy hoạch. Hợp phần này sẽ hỗ trợ lập mô hình, đánh giá rủi ro ngập úng, rà soát và điều chỉnh quy hoạch đô thị hiện có.

Thứ ba là quản lý rủi ro thiên tai. Hợp phần này sẽ hỗ trợ thiết lập hệ thống cảnh báo lũ sớm, đo mực nước nhằm thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, cập nhật kế hoạch kiểm soát ngập úng đô thị.

Theo đánh giá của các đại biểu tại hội thảo, việc thực hiện chương trình nêu trên là cần thiết nhằm giúp các địa phương rà soát hiện trạng hệ thống thoát nước cũng như đề ra các biện pháp ứng phó tốt với tình trạng ngập úng tại các đô thị đang ngày càng gia tăng như hiện nay.

Chỉ vào bản đồ minh họa trình bày tại hội thảo, ông Lê Quốc Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, cho biết tình trạng ngập úng tại thành phố Rạch Giá, địa phương nằm trong dự án, ngày càng phức tạp. “Tổng số điểm ngập chúng tôi thống kê được ít nhất là khoảng 25 điểm”, ông cho biết.

Về nguyên nhân gây ngập úng, theo đánh giá của ông Lê Quốc Anh, thứ nhất là do hệ thống cống đang sử dụng được xây dựng cách nay đã lâu, có nhiều đường kính khác nhau và không được đấu nối đồng bộ nên gây ngập úng khi có trời mưa hay triều cường. Thứ hai, bùn thải lắng trong các cống nhiều, chiếm khoảng 50% đường kính cống cũng làm việc thoát nước rất khó khăn. “Nhìn chung, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, manh mún ở từng khu vực, từng dự án và có nhiều giai đoạn phát triển…, đó là những nguyên nhân gây ngập”, ông Lê Quốc Anh cho biết. 

Theo bà Hương, mục tiêu của chương trình là tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài sản và nguồn thu nhập của người dân trước tác động của ngập úng tại các đô thị ĐBSCL, mà cụ thể là tại ba địa phương trong dự án.

Thông tin tại hội thảo, cho biết từ năm 2013 đến năm 2017, chương trình này cũng đã được triển khai tại năm địa phương trong cả nước, gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Sóc Trăng với kinh phí do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ. 

Trung Chánh 
(TBKTSG Online)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: