Môi trường suy thoái không thể có thành phố sống tốt

Thứ hai, 02 Tháng 1 2017 19:56 Sài Gòn Giải Phóng
In

Một thành phố sống tốt phụ thuộc nhiều vào môi trường sống. Có lẽ ai cũng biết như vậy nhưng do ý thức, trách nhiệm cũng như hành động phối hợp trong thực tế còn thiếu, yếu nên môi trường sống đang ngày càng bị hủy hoại...  

Phá hủy môi trường là phá hủy bản thân


Không khí ô nhiễm, người dân phải thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường.
(Ảnh: Việt Dũng) 

Môi trường tự nhiên trong lành là một trong những hệ tiêu chí cơ bản quan trọng nhất của một thành phố (TP) sống tốt. Nếu không có môi trường sống tốt không thể có một cộng đồng hay một TP sống tốt. Nhà cao cửa rộng, tiện nghi đầy đủ, ăn no mặc đẹp mà xung quanh môi trường không khí, nước thải, ô nhiễm, bụi bặm, ồn ào quá mức và thực phẩm nhiễm chất độc, nguy hại… liệu có sống nổi, sống tốt? 

Hiện nay, xung quanh ta đang báo động đỏ về suy thoái môi trường sống, phá hủy sự cần bằng sinh thái tự nhiên và môi trường bị ô nhiễm quá mức; nhất là rác thải, nước thải, khí thải, chất độc… đã ảnh hưởng rất xấu đến không chỉ sản xuất mà cả đời sống dân sinh, sức khỏe và sự sinh tồn giống loài cả ở cấp độ quốc gia và địa phương. 

Nguyên nhân xét về chủ quan, vừa từ trách nhiệm của cơ quan công quyền, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội và cũng chính từ mỗi công dân. Họ hoặc không ý thức hết, hoặc thiếu trách nhiệm và năng lực, nguồn lực hạn chế… Cho nên, chỉ bằng cách khắc phục từng bước, nhưng nhanh chóng, triệt để, tận gốc các nguyên nhân này mới có được sự cải thiện về môi trường sống ngày càng tốt hơn.

Kinh nghiệm các nước thành công về bảo vệ môi trường mà họ đã trải qua, có lúc cũng như ta hiện nay, đã cho ta nhiều kinh nghiệm quý. Nhưng đây là một hệ vấn đề lớn, phức tạp không thể nói cụ thể trong một bài viết ngắn. Từ góc nhìn chủ thể, cần chung tay bảo vệ môi trường sống để có môi trường lành mạnh - xanh sạch đẹp như tiêu chí đã đề ra. 

Trước hết, mỗi người dân phải tự ý thức cho mình rằng, phá hủy môi trường tự nhiên, môi trường sống đô thị là phá hủy chính bản thân cơ thể tự nhiên và sinh mệnh mình. Không thể sống vô trách nhiệm để rác hôi thối sang nhà bên cạnh hay ra kênh rạch để cuối cùng mình, đồng bào, anh em mình, láng giềng mình phải chịu hậu quả. Cùng với ý thức, trách nhiệm, phải tự trang bị năng lực và sức mạnh để bảo vệ môi trường. Thế nhưng, cả ý thức năng lực và nguồn lực của công dân còn phân tán và rất yếu. Làm sao để hoạt động làm sạch môi trường, bảo vệ môi trường thành sức mạnh tổng hợp với ý thức và hành động thường xuyên, thành thói quen trong đời sống hàng ngày của mỗi người dân và tổ chức.

Quần chúng nhân dân phải có tổ chức mới có sức mạnh lớn. Không chỉ các tổ chức xã hội nói chung mà phải có Hội bảo vệ môi trường ở tất cả các cấp, các ngành. Ở các nước, từ lâu đã có hội này, đông đảo, rộng khắp và hoạt động rất mạnh, rất có hiệu quả. Còn ở ta có Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường ở cấp Trung ương và tỉnh - thành nhưng quận - huyện, xã - phương- thị trấn hầu như không có, ngay cấp tỉnh - thành hoạt động còn yếu, kém hiệu quả, hầu như chỉ dừng lại tham gia tư vấn hay một số phản biện, thẩm định dự án. Tiếng nói, sức mạnh trong đấu tranh thường trực bảo vệ hàng ngày cũng như trong tư vấn, phản biện, giám sát bảo vệ môi trường của họ hầu như quá yếu và hụt hẫng. Hoạt động của hội này ở các nước rất mạnh và có hiệu quả. Chúng tôi nghĩ rằng, TPHCM cần củng cố và mở rộng hội này đến tận cơ sở, tập hợp những người tâm huyết nhất, tự nguyện để tham vấn và nhất là tham gia đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, đặc biệt là đấu tranh đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm, những dự án nguy cơ gây ô nhiễm, những hành vi vô trách nhiệm với môi trường, kể cả trong cuộc sống cộng đồng hàng ngày. Từ đó, phải xây dựng, củng cố và phát huy cao độ hội này trong thực tiễn một cách rộng khắp, làm trung tâm phối hợp với các tổ chức xã hội khác với những hình thức hợp pháp, có lý có tình, có tổ chức và bài bản.

Các doanh nghiệp không được trốn tránh bảo vệ môi trường từ nguồn

Những năm gần đây, cùng với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa đã gia tăng ô nhiễm môi trường, thậm chí sự cố môi trường ngày càng nhiều. Doanh nghiệp có trách nhiệm trước tiên trong những sự cố xấu ấy. Họ không những lừa dối cơ quan quản lý, không giữ cam kết (về công nghệ, về đánh giá tác động môi trường) để bảo vệ môi trường mà thậm chí còn mua chuộc cá nhân, cơ quan quản lý, “đi đêm” với họ gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng, có khi kéo dài nhiều năm.

Trong các nguồn phát sinh ô nhiễm, đa dạng nhưng đáng sợ nhất là ô nhiễm từ hoạt động của các doanh nghiệp. Do mức giá giải quyết ô nhiễm khá cao khi tính vào giá thành sản phẩm, nên nhiều doanh nghiệp trốn tránh. Nếu các doanh nghiệp thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm cộng đồng, thì họ có trăm phương ngàn kế để lẫn tránh.

Các doanh nghiệp phải có tâm, có tầm, có ý thức, phải thượng tôn pháp luật, đừng lợi mình hại người, đừng thuần túy chạy theo lợi nhuận, coi thường bảo vệ môi trường từ nguồn phát sinh, thì sự nghiệp làm ăn suôn sẻ và tránh được hậu quả xấu. Trong thực tế, không ít những doanh nghiệp thực dụng, ích kỷ, đã lách luật, trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường, gây hậu quả rất nghiêm trọng và cuối cùng chạy trời không khỏi nắng! 

Hiện nay, có một số doanh nghiệp gian dối thoát được mạng lưới pháp luật, dù vậy trên thực tế đã có những doanh nghiệp phải trả giá không chỉ về tiền bạc, sức lực và cả uy tín thương hiệu. Bài học nhãn tiền như vậy đã cảnh báo, thức tỉnh không chỉ đối với công dân, cơ quan công quyền mà cả không ít những cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn cân bằng lợi nhuận và bảo vệ môi trường cần thay đổi ý thức từ “lợi nhuận đen” sang “lợi nhuận xanh”, ý tưởng đen sang ý tưởng xanh, dự án đen sang dự án xanh, công nghệ đen sang công nghệ xanh, tăng trưởng đen sang tăng trưởng xanh, quản trị đen sang quản trị xanh… Vấn đề là phải biết kiểm soát và xử lý nguồn ô nhiễm từ nguồn phát sinh, để từ đó đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên doanh nghiệp và cộng xã hội - quốc gia cho phù hợp.

TPHCM với các vấn nạn tắc đường, ngập nước, ô nhiễm ở khu công nghiệp… dù không nổi lên như sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua ở một số tỉnh miền Trung, nhưng cũng đã đến giới hạn báo động. Ô nhiễm đang gây nên bệnh tật, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống đô thị. Trong lĩnh vực này, nếu không có sự đồng thuận, hợp tác từ các doanh nghiệp thì sẽ khó thành công.

Cơ quan công quyền phải thật sự vào cuộc

Đồng thời với các chủ thể nói trên, các cơ quan công quyền, các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, nhất là cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyên trách, phải nâng cao quyết tâm, trách nhiệm, năng lực, nguồn lực, giải pháp hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường. Phải sớm khắc phục những yếu kém như: buông lỏng hoặc lơ là về trách nhiệm, yếu về năng lực, thiếu về nguồn lực, chung chung về giải pháp và không quyết liệt, thậm chí vụ lợi, trục lợi trong việc bảo vệ môi trường khi xét duyệt các dự án, lựa chọn công nghệ, các chương trình kinh tế - xã hội, xử lý những sự cố môi trường… đã gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng.

Ở các nước tiên tiến, họ rất quan tâm đến thể chế, nhân lực và công nghệ tiên tiến về bảo vệ môi trường. Ngành kinh tế môi trường, ngành kinh tế tái chế chất thải và ngành công nghệ bảo vệ môi trường của họ được ưu tiên và rất phát triển, trong khi đó ở nước ta lại chưa quan tâm đúng mức, nên còn thô sơ, nhiều yếu kém, bất cập.

Việc kiểm soát, kiểm tra ô nhiễm hàng ngày ở khu dân cư, hay khu công vực công cộng thì hầu như chưa có hay chưa thấy, chưa có cảnh sát (hay lực lượng tương tự) bảo vệ môi trường xuất hiện như lĩnh vực giao thông.

Từ những yếu kém và khoảng trống nói, nhiều trường hợp vi phạm về Luật Bảo môi trường bị bỏ qua, thiếu nhắc nhở và xử phạt. Không phạt nghiêm khi có người, tổ chức vi phạm thì luật pháp mất thiêng, bị lờn luật rất nguy hiểm. Đồng thời, cần khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân, những điển hình tiên tiến đã có nhiều hình thức bảo vệ tốt, có hiệu quả môi trường sống, tạo động lực mạnh cho phong trào.

Bảo vệ môi trường vừa cần cả lực lượng, bộ máy chuyên sâu vừa cần lực lượng quần chúng không chuyên. Chúng ta cần xây dựng những lực lượng chuyên trách chuyên sâu có trình độ và nghiệp vụ để bảo vệ môi trường phù hợp với những lĩnh vực tương xứng. Nhưng cũng rất cần lực lượng quần chúng đông đảo, hội đoàn có tổ chức hùng mạnh, để không những tự thực hiện trong đời sống hàng ngày mà còn đấu tranh mạnh mẽ với những cá nhân và tổ chức làm hủy hoại, làm suy thoái môi trường, gây nên các sự cố môi trường nghiêm trọng.

Để có môi trường sống - xanh sạch đẹp, một môi trường cho TP sống tốt như trường hợp TPHCM, thì cần có một quyết tâm chính trị lớn, một sự đoàn kết các chủ thể, sự hợp lực nhiều tổ chức và cá nhân, một ý chí kiên trì, kiên quyết, tạo nên những năng lực, nguồn lực và lực lượng, giải pháp khả thi để biến khả năng thành hiện thực trong xây dựng TP sống tốt. Đã đến lúc cần thay đổi và chuyển biến thật sự! Không sợ thiếu giải pháp, chỉ sợ thiếu quyết tâm, thiếu trách nhiệm và thiếu sự phối hợp, chung tay bảo vệ môi trường sống, môi trường đô thị nhạy cảm của chúng ta! 

TS Hồ Bá Thâm 
(SGGP) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: