Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng

Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng

Viết email In

Đây là vấn đề được đề cập trong chương trình hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (EECB) vừa được tổ chức. Dự án có kinh phí 3,198 triệu USD, do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), được triển khai bởi Bộ Xây dựng.  


(ảnh minh họa) 

Hành lang pháp lý

Theo TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng), những năm gần đây trung bình tổng diện tích sàn xây dựng mới của Việt Nam khoảng 80 - 90 triệu m2/năm; cùng với sự tăng trưởng đó thì tiêu thụ năng lượng trong khu vực này cũng gia tăng đáng kể. Nếu năm 2003, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực dân dụng của Việt Nam chiếm 22,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc, thì năm 2014 tỷ lệ này ước đạt khoảng 37 - 38%. 

Hành lang pháp lý liên quan đến việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm (NLTK) và hiệu quả (HQ) đã tương đối đầy đủ như Luật Sử dụng NLTK và HQ; các nghị định hướng dẫn, các quy chuẩn Việt Nam... xây dựng các tài liệu về TKNL để đưa vào giảng dạy trong các trường đại học; khảo sát, kiểm toán năng lượng các công trình xây dựng theo loại hình; nghiên cứu xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho một số loại công trình; lựa chọn các công trình để áp dụng thử nghiệm việc tính toán năng lượng; thiết kế công trình đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn… Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế thúc đẩy sử dụng NLTK và HQ. Cụ thể, đã triển khai thành công Dự án trình diễn quy chuẩn kỹ thuật về TKNL trong tòa nhà tại Việt Nam (hợp tác với IFC - WB trong các năm 2013 - 2017); Dự án thực thi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình sử dụng NLHQ (hợp tác với Danida - Đan Mạch các năm 2013 - 2016) và “Chương trình năng lượng sạch: Tăng cường sử dụng NLTK và HQ trong ngành Xây dựng” (hợp tác với USAID các năm 2014 - 2017)… 

Hạn chế

Theo nhận định của ông Poul E.Kristensen - chuyên gia quốc tế của dự án EECB, qua các dự án trên Bộ Xây dựng hình thành được cơ sở dữ liệu về VLXD TKNL tại Việt Nam cũng như hoàn thành điều tra khảo sát về tiêu thụ năng lượng của 280 tòa nhà ở Việt Nam. Thông qua đó đã đúc rút một số vấn đề thực tế cũng như bài học kinh nghiệm. Theo đó, số công trình thực hiện quy chuẩn TKNL còn thấp; một số chủ đầu tư chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích từ việc áp dụng và tuân thủ quy chuẩn. Trong khi đó, cũng chưa có chế tài rằng buộc nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các chủ đầu tư các công trình TKNL, chưa có cơ chế ưu đãi cụ thể về kinh tế để khuyến khích các chủ đầu tư đầu tư các công trình TKNL.

Một số cơ quan quản lý về xây dựng, đơn vị tư vấn thẩm tra chưa quan tâm đúng mức và kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy chuẩn TKNL. Nhận thức, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về TKNL trong các đối tượng có liên quan đến các khâu lập dự án đầu tư, thiết kế, thi công, nghiệm thu, quản lý vận hành công trình… còn hạn chế. Mặc dù đã có chế tài xử lý nhưng việc xử phạt các hành vi vi phạm về sử dụng NLTK và HQ trong lĩnh vực xây dựng chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về sử dụng NLTK và HQ trong giai đoạn thi công, xây dựng, nghiệm thu, bàn giao và quản lý hoạt động của công trình chưa thực hiện nghiêm ngặt. Do vậy, rất cần có hướng dẫn cụ thể và tiếp cận về TKNL trong tòa nhà.

Hỗ trợ thực thi Quy chuẩn quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả

Dự án EECB được coi là công trình tiếp nối 3 dự án nói trên. Dự án EECB được thực hiện trong vòng 4 năm 2016 - 2019, với mục tiêu hỗ trợ dỡ bỏ rào cản trong việc thực hiện HQ và thực thi nghiêm ngặt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng NLHQ.

Dự án EECB gồm 3 hợp phần. Hợp phần thứ nhất là sửa đổi, bổ sung và tăng cường năng lực thực thi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng NLHQ. Hợp phần 2, đề xuất các sáng kiến hỗ trợ và phát triển thị trường xây dựng sử dụng NLTK và HQ. Hợp phần 3, xây dựng và thực hiện trình diễn một số mô hình mẫu đối với chung cư và tòa nhà thương mại sử dụng công nghệ TKNL. 

Dự án EECB sẽ tạo cơ sở nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp khoảng 230 nghìn tấn CO2, góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Kết quả của dự án cũng sẽ góp phần vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam để giảm khí thải nhà kính 25% tính đến năm 2030 (với sự hỗ trợ của quốc tế). 

Quý Anh 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo