Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Môi trường xuống cấp dẫn đến biến đổi xã hội

Môi trường xuống cấp dẫn đến biến đổi xã hội

Viết email In

Có lẽ chưa bao giờ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối diện với những vấn nề nan giải của môi trường như bây giờ. Chuyện biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên đang tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều người dân bởi nước ta vẫn là nước nông nghiệp mà hoạt động nông nghiệp luôn gắn với môi trường tự nhiên. 

Điều đáng nói là phần lớn những vấn đề về môi trường đều do hoạt động của con người gây ra, mặc dù giới chức lãnh đạo thường xuyên đổ lỗi cho ông trời và hình như họ cũng chưa tính đến những hệ quả to lớn về mặt xã hội do các vấn đề về môi trường sẽ gây ra cho xã hội.  


Hạn hán ở ĐBSCL năm nay rất khốc liệt. 

Tác động trước mắt mà ai cũng nhìn thấy là những vấn đề của môi trường sẽ tác động trực tiếp đến sinh kế hàng ngày của người dân. Chúng ta thấy rõ điều này khi hạn hán khiến cho hoạt động nông nghiệp bị đình trệ, ô nhiễm nguồn nước khiến cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn... Những khó khăn này làm cho đời sống người dân trở nên bất trắc hơn và chính điều này có thể dẫn đến những hệ quả xã hội quan trọng hơn. 

Khi kế sinh nhai tại nơi ngụ cư của mình bị đe dọa bởi các vấn đề về môi trường, điều chắc chắn sẽ diễn ra đó là sẽ có những làn sóng di dân đến các vùng đất mới để tìm kế sinh nhai mới. Các làn sóng di dân này sẽ làm cho những nơi tiếp nhận bị quá tải về dân số và kèm theo đó là những quá tải về giáo dục, y tế, và có thể sẽ là nguồn dẫn đến tình trạng tội phạm cao tại những nơi đón nhận làn sóng di dân.

Những vấn đề về môi trường còn có thể là nguồn dẫn đến sự xung đột xã hội. Trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội học môi trường, các nhà nghiên cứu nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường được phân bố không đồng đều mà họ gọi là “sự phân biệt đối xử về môi trường” (environmental discrimination). Có nghĩa là những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, như các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng chẳng hạn, thường được đặt tại những vùng cư dân nghèo.

Vì thế, những vấn đề về ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất gây ra, trước hết, sẽ gây tác động trực tiếp đến cư dân tại các vùng nghèo khó ấy. Tức là có sự bất bình đẳng về mặt môi trường khi các nhóm yếu thế phải gánh nhiều hậu quả nặng nề hơn những nhóm khác khi môi trường tự nhiên bị xuống cấp. Khi tình trạng này vượt quá ngưỡng chịu đựng thì sẽ dẫn đến những xung đột xã hội có thể làm tan vỡ trật tự xã hội.

Mặt khác, biến đổi môi trường diễn ra sẽ làm thu hẹp những khu vực có thể duy trì sự sống. Khi đó, có thể dẫn đến những xung đột lớn để tranh giành không gian sống, bởi đấu tranh sinh tồn là một trong những bản năng của con người. Mà cuộc đấu tranh sinh tồn thì không lúc nào là hòa nhã cả, tức có thể là nguy cơ của bạo lực và giết chóc.

Một nghiên cứu về những tác động xã hội của tình trạng xuống cấp về môi trường tại vùng châu thổ Niger của Nigeria vào năm 2003, trên một mẫu gồm 500 người dân, cho thấy những hệ quả xã hội nghiêm trọng khi môi trường bị suy thoái. Có 95,8% số người được hỏi cho biết việc môi trường xuống cấp dẫn đến thất nghiệp và mất các nguồn sinh kế, 87% cho biết môi trường xuống cấp sẽ gây ra nghèo đói và 60,2% cho biết suy thoái môi trường sẽ gây ra bạo lực (xem bảng).

Thế nên, những vấn đề xã hội nảy sinh từ những biến đổi trong môi trường tự nhiên là không thể xem thường. Những ý kiến mang tính trấn an không bao giờ là đủ vì chúng không giải quyết được những vấn đề căn bản về môi trường lẫn xã hội. 

Lê Minh Tiến, Đại học Mở TPHCM 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo