Ashui.com

Wednesday
Oct 09th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Thuỷ điện đang chống môi trường

Thuỷ điện đang chống môi trường

Viết email In

Việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện trong hàng chục năm qua, đã mang lại những lợi ích về kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương. Trong hệ thống cung ứng điện năng, thuỷ điện là nguồn cung ứng linh hoạt nhất, nhờ khả năng tăng, giảm công suất rất nhanh, trong khi các nhà máy nhiệt điện, nhất là các tổ máy công suất lớn không có khả năng này.


Hồ Dăk Mil

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh về thuỷ điện, trên thực tế, đang gây hậu quả lớn về môi trường, môi sinh. Một ví dụ nóng hổi nhất là tình trạng tính toán, quy hoạch bất hợp lý về các công trình thuỷ điện, tính toán sai về dòng chảy, lưu lượng nước… trên hệ thống sông Vu Gia tại miền Trung, đã làm cho khoảng 40 vạn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, và hàng chục vạn hécta đất ở vùng hạ du sông Vu Gia tại hai tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng lâm vào hạn hán. Một cuộc họp khẩn cấp giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, bộ Công thương, bộ Tài nguyên và môi trường diễn ra tuần trước tại Hà Nội đã kết luận rằng, “đây là sự cố ngoài ý muốn”. Đã có một số giải pháp đưa ra nhằm trả lại nước cho con sông này (qua cống điều tiết của thân đập chính công trình thủy điện Dăk Mil), đảm bảo ít nhất trả lại 90% lưu lượng nước mùa kiệt cho hạ du Vu Gia; xây dựng thêm ba – bốn hồ chứa thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp… Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng, chính sự phát triển ồ ạt các công trình thuỷ điện (theo quy hoạch có tới bảy công trình lớn, nhỏ trên sông Vu Gia), mà thiếu sự quan tâm đến môi trường, đến dân sinh, thậm chí không cần lấy ý kiến phản biện từ chính quyền địa phương – nơi xây dựng công trình, đã dẫn đến hậu quả tệ hại này. Cho dù có đưa ra giải pháp chữa cháy trên đây, người dân vẫn lo ngại bởi chủ đầu tư, vì lợi ích của họ, đã chắc gì làm theo yêu cầu của các bộ ngành. Thực tế, nếu các giải pháp trên được áp dụng, một vùng đất rộng lớn miền hạ du của con sông trên có khả năng vẫn khát nước, bởi lượng nước được điều hoà, trả lại cho dòng sông, sẽ không còn được như trước khi có các công trình thuỷ điện.

Sự phát triển thái quá các công trình thuỷ điện gây hạn hán vùng hạ du vào mùa khô (do các nhà máy phải tích nước để đảm bảo sản lượng phát điện), gây ngập nước, làm biến đổi dòng chảy, và nó còn gây nên nguy cơ tàn phá trên diện tích lớn các khu rừng phòng hộ đầu nguồn – tạo ra nguy cơ về thiên tai, lũ lụt rất lớn do các công trình thuỷ điện thường được đặt ở đầu nguồn nước. Như tại Bình Định, đến hết năm 2008, đã có bảy công trình thuỷ điện được cấp phép, có khoảng hai mươi dự án thuỷ điện lớn, nhỏ khác đang chờ phê duyệt. Theo như hồ sơ các dự án, công trình thuỷ điện Trà Xom sẽ làm mất 633,7ha rừng đầu nguồn huyện Vĩnh Thạnh; để làm các công trình Vĩnh Sơn 2, Vĩnh Sơn 3, người ta sẽ phải phá 669ha rừng của huyện An Lão, Vĩnh Thạnh. Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5; thuỷ điện Nước Lương sẽ “ăn mất” 380ha, cũng là rừng phòng hộ đầu nguồn…

  • Ảnh bên : San lấp mặt bằng khu tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Trà Xom (nguồn: báo Bình Định)

Theo quy hoạch của ngành điện, từ nay đến năm 2020, có 60 dự án lớn (từ trên 54MW đến 2.400MW) sẽ được đầu tư. Nhưng số dự án thuỷ điện vừa và nhỏ (30MW trở xuống) dường như đang phát triển rất mạnh. Kon Tum có khoảng 80 dự án, Quảng Nam có khoảng 57, Dăk Nông có 64… Có nhiều công trình có quy mô chỉ 5 – 10MW. Nhưng việc đầu tư, triển khai quá nhanh các dự án thuỷ điện này, đã gây nguy cơ to lớn về môi trường, môi sinh, trong khi nhiều chính quyền địa phương không đủ khả năng thẩm định, đánh giá để cấp phép. Hiện nay, các nhà máy thuỷ điện đã chiếm khoảng 40% tổng công suất nguồn điện của Việt Nam. Theo quy hoạch ngành điện, tới năm 2010, với tổng công suất nguồn khoảng 16.500 – 17.000MW, thuỷ điện chiếm tới 42,4%, nhiệt điện than chiếm 18,2% và điện khí chiếm 39,4%; đến năm 2020, thuỷ điện sẽ chiếm 62%. Đây là cơ cấu bất hợp lý cho hệ thống cung ứng điện của Việt Nam. Theo khuyến cáo của tổ chức quốc tế, các tổ chức hoạt động về môi trường, Việt Nam nên hạn chế tỷ lệ thuỷ điện dưới 30%, không chỉ vì vấn đề môi trường, mà chính vì Việt Nam cũng như các nước Campuchia, Lào không kiểm soát được lưu lượng nước ở thượng nguồn.

Tờ Saigon Times mới đưa tin: bộ trưởng Môi trường của Trung Quốc vừa quyết định đình chỉ xây dựng hai công trình thuỷ điện lớn trên sông Dương Tử của nước này, do các công trình này không đủ đánh giá cần thiết về tác động môi trường.

Ở Việt Nam, đã có nhiều công trình gây tác động xấu về môi trường, nhưng chưa có công trình nào bị đình chỉ. Thiếu tính khoa học, vô cảm với vấn đề môi trường, môi sinh trong việc lập quy hoạch hệ thống điện, rồi đây sẽ còn gây những mối hoạ lớn ở nhiều địa phương, cho hàng triệu người dân ở những nơi có quá nhiều công trình thuỷ điện.

Mạnh Quân

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo