Ngôi nhà - “mảnh vá” của đô thị

Thứ tư, 06 Tháng 7 2011 08:43 Kiến trúc & Đời sống
In

Nhà ở tư nhân được xây dựng như thế nào trong những khu đô thị dày đặc của thế kỷ 21? Những mảnh đất duy nhất còn sót lại của thành phố phải được xử lý ra sao? Kiến trúc sư “ngoại thất” thiết kế kiểu dáng ngôi nhà để rồi sau đó kiến trúc sư “nội thất” sẽ làm những công việc còn lại hay đơn thuần chỉ là một người thiết kế?

Lúc đó người làm công tác sáng tạo phải có cái nhìn tổng thể với mọi tỷ lệ, từ tỷ lệ của thành phố tới tỷ lệ của những con vít nhỏ nhất cấu tạo nên những đồ vật trong nhà. Điều quan trọng là mối liên hệ nào sẽ phải thành lập giữa các tỷ lệ đó?


Phố Ofila, không ai có thể ngờ rằng sau tấm cửa gỗ 70m tồn tại một ngôi nhà có hình thái kiến trúc hoàn toàn đối lập với khu vực / Ngôi nhà như một vật thể kỳ lạ chèn vào giữa khu vực xây dựng dày đặc

Từ lâu kiến trúc Pháp đã trở thành “tiêu chuẩn” cho người Việt, vậy thì ngôi nhà nào dành cho người Pháp, những người có tư tưởng và cuộc sống hiện đại? Đó là những câu hỏi phải nên được đặt ra đầu tiên cho người thiết kế.

Hai bài "Thế giới đằng sau những bộ mặt" và "Sức sống của một đô thị" đã giới thiệu cho chúng ta một số ví dụ về sự liên hệ giữa nhà ở tư nhân với đô thị. Lần này chúng ta quay trở lại thành phố Paris với cùng một chủ đề đó khi đến thăm nhà hai vợ chồng kiến trúc sư và họa sĩ Emmanuel Thirard và Virginie Artaud.

Ngôi nhà nằm ở quận 20 giữa một khu vực có mật độ xây dựng rất dày đặc. Với cái nhìn đầu tiên tạo cho chúng ta cảm giác rất ngạc nhiên là ngôi nhà có một mảnh vườn rất rộng lọt thỏm giữa những công trình xây dựng san sát xung quanh. Không ai không tự đặt ra câu hỏi tại sao mảnh đất chỉ được xây dựng rất ít so với sự dày đặc của khu vực. Thực ra khoảng 20 năm về trước, một nhà máy ba tầng xây trên cả khu đất đã bị cháy. Sau đó khu đất này bị bỏ hoang, dần dần trở thành khoảng trống tạo thông thoáng và ánh sáng cho các nhà xung quanh. Vì khu đất nằm trong một vị trí có rất nhiều trở ngại nên từ lâu không ai muốn mua cả. Nó được nằm giữa hai con phố Orfila và Gambetta nhưng phải đi qua rất nhiều ngõ ngách mới tới nơi (xem mặt bằng tổng thể cuối bài). Hai đầu ngõ cách nhau tới 150m và đặc biệt hai lối vào nhà có độ cao chênh lệch nhau 4m. Để có được ngôi nhà ở Paris đã là động lực thúc đẩy duy nhất khiến đôi vợ chồng mua mảnh đất này. Lúc đó họ cũng không dám chắc là mình có thể thành công khi xây dựng ngôi nhà hay không. Ngoài các trở ngại về địa thế, ngôi nhà xây mới còn phải phụ thuộc rất nhiều các điều luật về không gian đô thị ảnh hưởng từ các ngôi nhà xung quanh.


Ảnh trái: Mặt cắt theo chiều dọc của thửa đất qua phòng khách ở tầng một và xưởng vẽ ở tầng hai. Điểm nhìn xuyên suốt trong không gian theo chiều dọc cũng như chiều đứng. Ngôi nhà không được xây cao qua tầm nhìn của nhà đối diện / Ảnh phải: Mặt cắt theo chiều dọc của thửa đất qua cầu thang. Độ cao chênh nhau 4m giữa hai lối vào nhà từ hai đầu thửa đất. Ngôi nhà như nhịp cầu nối giữa hai khu vực.



Sau khi đi qua ngõ phải đi xuyên qua lối hẹp của khu nhà đối diện mới tới khoảng sân trước của ngôi nhà / Sự thắt và nở, cũ và mới tạo cho chúng ta cảm giác thoải mái khi tiếp cận ngôi nhà.

Với diện tích xây dựng tổng thể không được vượt quá 143m2, cộng với sự chênh lệch độ cao 4m giữa hai lối vào cũng như hướng ánh sáng đã quyết định hình khối và vị trí của ngôi nhà trên thửa đất. Ngôi nhà như một khối lập phương treo trong không gian và được đặt về hướng bắc của thửa đất thẳng hàng với nhà bên cạnh, để lại mảnh vườn rộng hướng nam tràn ngập ánh sáng.

Ý tưởng chính của đồ án được kiến trúc sư Emmanuel Thirard thành lập ngay từ đầu là biến ngôi nhà trở thành cầu nối giữa hai khu vực, giữa hai con phố, tạo nên sự liên tục khi di chuyển từ đầu nọ sang đầu kia. Ý tưởng đó được thể hiện như một “cuộc hành trình kiến trúc” được xử lý rất tài tình khi đi qua các không gian kiến trúc khác nhau.

Ta có thể bắt đầu cuộc hành trình từ phố Gambetta. Sau khi đi qua ngõ ta còn phải đi xuyên qua một khu nhà ở đầu thửa đất bởi một lối đi nhỏ. Thoát qua khoảng không rất hẹp của lối đi này dẫn ta tới khoảng sân đầu tiên của ngôi nhà. Sự “co thắt” và “dãn nở” của không gian tạo cho chúng ta cảm giác thoải mái khi tiếp cận ngôi nhà. Cây cầu bằng thép được treo trong không gian là phần tử “nối” đưa ta vào thẳng tầng hai. Tại đây ta có thể lựa chọn, hoặc vào xưởng vẽ hay phòng ngủ của bố mẹ, hoặc lên tầng ba có hai phòng ngủ của hai cô con gái, hoặc xuống tầng một là không gian sinh hoạt chung của gia đình.


Âm hưởng nửa trong nhà nửa đô thị của không gian xưởng vẽ. Điểm nhìn được mở theo hai phía chiều dọc của thửa đất cũng như chiều đứng của ngôi nhà. Một phần mái bằng kính lấy ánh sáng trên trời xuống đồng thời cũng là phần tử giao liên với nhà bên cạnh.


Ngõ vào nhà từ phố Gambetta. Sự di chuyển khó khăn trong khu vực đã quyết định kết cấu cũng như vật liệu của ngôi nhà chủ yếu là gỗ công nghiệp, sản xuất tại nhà máy và lắp ráp nhanh trên công trường.

Không gian của xưởng vẽ là một trong những không gian quan trọng, nó là không gian trung chuyển giữa đô thị và ngôi nhà. Kiến trúc sư Emmanuel Thirard đã tìm âm hưởng nửa trong nửa ngoài khi đặt không gian này như một khớp nối mà ở đó sự xuyên suốt theo chiều dọc cũng như chiều ngang của ngôi nhà được xảy ra nơi đây. Ở không gian này hướng nhìn được mở ra cả sân trước lẫn sân sau cũng như toàn bộ các tầng trong nhà. Hơn nữa một phần mái của không gian này được làm bằng kính để vừa lấy ánh sáng từ trên trời vào xưởng vẽ và cũng vừa là phần tử giao liên với khu nhà bên cạnh.

Không gian gây nhiều cảm xúc nhất là khu sinh hoạt chung của gia đình ở tầng một. Nó được mở hoàn toàn thông thẳng ra sân trước cũng như sân sau của ngôi nhà. Ở đây giới hạn giữa trong và ngoài hầu như bị xoá bỏ. Cấu trúc của không gian được cấu tạo rất khéo léo bởi sự tổ hợp giữa khối và màu sắc cũng như sự chênh lệch độ cao của sàn nhà.

Theo sự di chuyển của “cuộc hành trình kiến trúc” thì không gian tầng một được hiểu như không gian của đô thị, nó nối liền với khu vườn để từ đó cuộc hành trình kết thúc khi đi về phía phố Orfila. Ngôi nhà như một trạm dừng chân khi ta đi từ phố nọ sang phố kia.


Cầu thang được định nghĩa như một “cỗ máy tỷ lệ”, tỷ lệ của thành phố khi sử dụng mảng gỗ vàng (vừa là tường mặt tiền, vừa là tay vịn cầu thang), tỷ lệ của ngôi nhà (vừa là thang, vừa là tủ tivi) và tỷ lệ với cơ thể con người (cầu thang được tính toán rất chuẩn cho việc di chuyển lên xuống).

Sự nghiên cứu các phần tử và chi tiết kiến trúc ở tầng một được tính toán một cách kỹ càng tạo thuận lợi cho việc đánh mất đi giới hạn giữa trong và ngoài. Hệ cửa kính theo kiểu accordeon khi mở được xếp gọn vào một phía, nền sân và nền nhà cùng độ cao và cùng một vật liệu bêtông. Tủ tường, tủ bếp và tủ tivi được cấu tạo bởi những khối đặt tự do trong không gian. Những khối này vừa mang ý nghĩa chức năng nhưng đồng thời định vị không gian của chức năng đó. Sự tổ hợp đơn lẻ và riêng rẽ của chúng tạo nên sự linh hoạt và thông thoáng ở tầng này.

Phần tử kiến trúc trọng tâm của ngôi nhà chính là cầu thang. Nó được coi như “cột sống” của ngôi nhà. Về nghĩa đen nó là phần tử nối liền các tầng nhưng về nghĩa bóng nó là cầu nối giữa ngôi nhà với đô thị. Một lần nữa ta lại thấy được sự nhạy cảm về thiết kế chi tiết kiến trúc của tác giả khi tạo dựng khối cầu thang này. Anh gọi nó là “cỗ máy tỷ lệ”, tỷ lệ của thành phố khi sử dụng mảng gỗ vàng (vừa là tường mặt tiền, vừa là tay vịn cầu thang), tỷ lệ của ngôi nhà (vừa là thang, vừa là tủ tivi) và tỷ lệ với cơ thể con người (cầu thang được tính toán rất chuẩn cho việc di chuyển lên xuống). Cầu thang được chia làm hai phần, phần dưới bằng bêtông ở tầng một mang tính đô thị, phần trên bằng thép treo trong không gian thuộc về ngôi nhà.

Vì sự di chuyển rất khó khăn trong khu vực đã quyết định việc sử dụng vật liệu xây dựng cũng như kết cấu của ngôi nhà. Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ công nghiệp, các chi tiết sau khi thiết kế đã được chế tạo tại nhà máy sau đó lắp ráp rất nhanh trên công trường.


Sự xuyên suốt theo chiều dọc ở không gian phòng khách tầng một, tầng của đô thị. Những tác phẩm graffiti xung quanh khu vườn củng cố thêm âm hưởng đường phố ở tầng này.

Một sự rất thành công của ngôi nhà nữa là sự bố trí màu sắc trong không gian tầng một. Các phần tử kiến trúc như sàn, trần nhà cũng như các tủ nội thất được sơn hoặc thể hiện màu tự nhiên của chính vật liệu sử dụng. Tất cả tạo nên một bức tranh không gian ba chiều được thay đổi liên tục tuỳ theo các điểm nhìn khác nhau cũng như tuỳ theo sự thay đổi ánh sáng của thời gian trong ngày. Bức tranh ba chiều này không chỉ giới hạn bên trong không gian của tầng một mà còn tiếp tục phát triển lên các tầng trên và mặt tiền của ngôi nhà, cái sẽ củng cố sự liên hệ giữa trong và ngoài. Sự xử lý màu sắc này làm cho chúng ta liên tưởng tới nhóm hoạ sĩ và kiến trúc sư De Stijl của Hà Lan đầu thế kỷ 20.

Ngoài ra những bức tường bao quanh khu vườn được thể hiện bởi những tác phẩm graffiti (nghệ thuật đường phố) mang lại âm hưởng đô thị đúng ý nghĩa của không gian tầng một.

Ngôi nhà của Emmanuel Thirard và Virginie Artaud cho chúng ta thấy được vai trò của người kiến trúc sư trong công việc đi tìm những âm hưởng mới trong không gian và hơn thế nữa đã đưa ra một ví dụ về giải pháp cho vấn đề lớn của thế kỷ 21: “đô thị”. Ngôi nhà đã trở thành một nhịp cầu nối giữa hai khu vực hay nói đúng hơn nó như một “mảnh vá” của đô thị, nơi đã bị khiếm khuyết từ rất lâu.


Sự thể hiện màu sắc và khối đồng đều ở cả trong nhà và trên mặt tiền tạo ra sự liên tục trong không gian. Tất cả tạo nên một bức tranh không gian ba chiều được thay đổi liên tục tuỳ theo các điểm nhìn khác nhau cũng như tuỳ theo sự thay đổi ánh sáng của thời gian trong ngày. Các tủ nội thất vừa mang chức năng sử dụng đồng thời định vị không gian của từng chức năng đó.


    

Giới hạn không gian giữa trong và ngoài hầu như bị xoá bỏ. Kiến trúc mất đi sự quan trọng của mình, chỉ còn con người với thiên nhiên. 


Công trình được cảm nhận rất khác giữa buổi sáng và buổi tối. Ánh sáng nhân tạo cũng là một đề tài đáng được quan tâm. 

Ngôi nhà đã nêu ra cho chúng ta một bài học bổ ích về phương pháp tư duy kiến trúc, kiến trúc được định nghĩa bởi những phạm trù “thực” chứ không có gì là trừu tượng bay bổng cả. Người kiến trúc sư nắm vững sự hiểu biết khoa học kỹ thuật, nhận ra đúng đắn những vấn đề bức xúc của xã hội, thấm nhuần truyền thống văn hoá và với sự nhạy cảm về nghệ thuật của mình sẽ mang lại những giải pháp tối ưu nhất. Kiến trúc không phải là những hình tượng hay biểu tượng “mờ ảo” áp đặt từ trước, lúc đó người kiến trúc sư trở thành tay sai của một quyền lực “thần bí” nào đó mà đánh mất đi bản lĩnh của chính mình.

Ngôi nhà còn cho chúng ta một bài học về cách xử lý cấu tạo chi tiết kiến trúc. Tất cả đều được thiết kế và vẽ bởi tay của người kiến trúc sư chứ không lấy sẵn từ một catalog nào cả. Các chi tiết được tạo ra bởi hệ quả của những ý tưởng liên hệ gắn bó cấu thành nên ngôi nhà. Lúc đó chúng trở thành độc đáo và duy nhất.

Chung quy lại, kiến trúc vẫn phải lấy con người làm trọng tâm, phải mang lại được các giá trị về thể chất và tinh thần bởi tính tiện nghi thuận tiện trong sử dụng cũng như những “cảm xúc mới” trong những “không gian mới”.

KTS Vũ Hoàng Sơn - ảnh: Nicolas Fussler


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: