Bảo tàng ZKM: Hiện đại, công nghệ, quy mô... và chốn yên bình

Thứ ba, 22 Tháng 3 2011 13:06 KT&ĐS
In

Đã năm năm kể từ chuyến du ngoạn khó quên của tôi đến châu Âu. Lần ấy, tôi được mời tham dự một triển lãm nghệ thuật đương đại Á châu quy mô lớn diễn ra tại Bảo tàng ZKM (Trung tâm Nghệ thuật và Công nghệ Đa phương tiện) tại Karlsruhe, một thành phố nhỏ ở vùng tây nam nước Đức.

Cảm nhận về ZKM thật là khác biệt… dẫu tôi từng có may mắn đến thăm nhiều bảo tàng nghệ thuật lớn ở Mỹ, Nhật Bản và Đông Nam Á… dẫu rằng Karlsruhe là điểm dừng chân sau ba tuần rong ruổi qua những đô thị tấp nập Venice, Milan, Frankfurt, Kassel…


Mặt tiền nhìn từ lối vào khối nhà kính xanh


Giếng trời số 1 nơi lối vào với một bên là khu vực lễ tân và museum shop, một bên là nhà hàng cà-phê

Bảo tàng ZKM 

Thể loại: Trung tâm văn hoá, bảo tàng nghệ thuật đương đại và media

Phong cách kiến trúc: Cải tạo từ một nhà máy sản xuất vũ khí cũ chịu trách nhiệm cải tạo Schweger và cộng sự

Hệ thống kết cấu: Khung cột bêtông cốt thép

Địa điểm: Lorenzstraße 19, 76135 Karlsruhe, Đức

Thời gian thi công: Năm 1994 – 2000 khánh thành Năm 1997 

Sự khác biệt của ZKM nằm trong nếp sống yên ả tại Karlsruhe, in hằn trong tâm trí tôi như một quãng lặng đáng nhớ. Cũng bởi, ZKM hoàn toàn tương phản với nếp sống êm đềm xinh xắn tại đây, bằng quy mô, chất lượng của các triển lãm, cùng bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của bảo tàng. Và nét khác biệt khiến tôi thực sự thích thú chính là phương châm tiếp cận, vượt trước tương lai của nơi này. Đó hẳn là điều đã giúp bảo tàng nghệ thuật của một thành phố chỉ ngót 300.000 dân, đã trở thành một viện văn hoá uy tín ở châu Âu chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương vào năm 1997.

Vốn là một nhà máy sản xuất vũ khí cũ xây dựng từ năm 1918, đây là một trong những công trình công nghiệp đầu tiên có kết cấu xương bêtông. Mười “giếng trời” khổng lồ xếp thẳng hàng tạo nên một không gian chung cực lớn dọc theo chiều dài 312m của toà nhà, hài hoà cùng các lối dạo bộ – cầu nối giữa chúng, tạo nên những phối cảnh thú vị bên trong toà nhà.

Các không gian chức năng được bố trí hai bên không gian “đệm” tuyến tính này. Kết cấu cũng như chức năng của cả hai khu vực đều được thiết kế rất đơn giản: các phòng hệt như nhau và đều có kết cấu bêtông cốt thép thông thường. Sự đơn giản và nhã nhặn của toà nhà cho thấy điểm nhấn chính ở ZKM chính là sự phát triển của công nghệ truyền thông, hay cấu trúc của công nghệ thay vì công nghệ kiến trúc.


Khối cầu thang lắp ghép bằng thép trong không gian sảnh giếng trời nối liền các tầng của không gian triển lãm. 


Cầu thang bộ lộ thiên liên kết các không gian triển lãm. Đa phần cầu thang được thiết kế mở, tạo cảm nhận không gian và mở rộng tầm quan sát cho người xem.
 
Một khối nhà kính mới được dựng ngay mặt trước của toà nhà cũ, chính là Media Theater, một studio âm nhạc lớn và hiện đại. Đây là một giải pháp kiến trúc khôn ngoan, bởi khối nhà kính lập phương xanh dương này không chỉ giải quyết mọi rắc rối về mặt kỹ thuật có thể xảy ra nếu dựng phòng thu âm trong toà nhà cũ mà nó còn trở thành biểu tượng của bảo tàng ZKM. Mặt phía nam của toà nhà được bọc bằng một loại vật liệu đặc biệt có khả năng tương tác với sự biến đổi của ánh sáng và âm thanh bên ngoài. Ở mặt phía bắc, toà nhà trông như một bức tường thép bị đục thủng lỗ chỗ. Ngoài chức năng bao bọc bảo vệ, mặt tiền của toà nhà với các loại vật liệu đặc biệt và bố cục của chúng còn góp phần tạo cảnh quan. Sự biến chuyển không ngừng của nó khiến tôi nghĩ đến những cảm nhận khác biệt về kiến trúc: nếu như trước đây nó từng tạo ra hình ảnh về sự chắc chắc hay bền vững, nhưng ngày nay đó có thể là sự nhất thời của nhiều hình ảnh liên tục biến đổi.


Đường liên kết giữa các sảnh giếng trời với một bên là các phòng hội thảo.


Một số tác phẩm sắp đặt video tương tác được trưng bày giữa sảnh và các không gian mở bao quanh sảnh giếng trời. 

Thế nhưng, toà nhà chỉ là một phần trong ấn tượng mạnh mẽ của tôi về ZKM. Tôi thực sự muốn viết về sự cam kết mà nó dành cho nghệ thuật, cho dù đó là nghệ thuật đương đại, media art, sound art, nghệ thuật thị giác hay âm nhạc đương đại. Với khuôn viên cỡ 17.000m2, ZKM là viện nghệ thuật truyền thông lớn nhất trên thế giới, bao gồm một trường nghệ thuật và thiết kế, hai bảo tàng: bảo tàng media art và bảo tàng nghệ thuật đương đại, hai học viện nghiên cứu chuyên về visual media và âm nhạc cùng một thư viện media. Và cho dù ZKM là một bảo tàng nghệ thuật, nó vẫn luôn là một cơ sở nghiên cứu về mỹ học, văn hoá, media và đặc biệt là công nghệ hàng đầu ở châu Âu. Hoàn toàn khác ở Mỹ, ZKM hầu như hoạt động bằng ngân sách liên bang, đồng nghĩa với việc các hoạt động diễn ra ở đây là thuần tuý nghệ thuật.

Bên cạnh không gian dành cho các triển lãm đặc biệt, bộ sưu tập nghệ thuật của ZKM ở hai bảo tàng cực kỳ ấn tượng, đủ cả tranh, tượng, nhiếp ảnh và media art dù có vẻ hơi thiên vị trào lưu tối giản và nghệ thuật hiện đại. Những tác phẩm media art được bày kế bên tranh và tượng, chẳng hạn như vài tác phẩm của Nam June Paik, Bill Viola, hay tác phẩm bao gồm 30 màn hình kỹ thuật số của Gary Hill, một tác phẩm chiếu hình ảnh lên đầu búp bê của Tony Oursler, và một sắp đặt video thực hiện bởi Bruce Nauman. Một số tác phẩm có chủ đề cụ thể về lằn ranh mỏng manh giữa thực và ảo, đáng chú ý nhất là tác phẩm của Fabrizio Plessi: một bể nước bằng sắt gỉ dài 18m, một guồng quay lớn (chuyển động trong bể) bao quanh bởi 21 màn hình chìm nổi nhịp nhàng cùng luồng nước chảy.

Trong bảo tàng Media trưng bày đủ các thể loại “media”, từ media art đến media games (video games). Ngoài ra, còn có media thân thể, media không gian, media viễn cảnh, và media trải nghiệm, cùng một không gian dành cho triển lãm ngắn hạn. Chẳng hạn như ở khu media thân thể trưng bày tác phẩm Touch Me của Alba d’Urbano: một màn hình cảm biến ban đầu hiển thị chân dung của nghệ sĩ. Khi người xem chạm vào màn hình, khuôn mặt của người đó sẽ hiện lên màn hình (nhờ một camera bí mật) tạo nên hiệu ứng đầy ám ảnh. Tác phẩm Những kẻ tiên phong không tưởng của Jill Scott tại khu vực media viễn cảnh là một sắp đặt video tương tác, nơi người xem có thể “gặp” tám phụ nữ đại diện cho bốn thế hệ khác nhau. Khu media arts trưng bày các tác phẩm quan trọng hơn, như tác phẩm video Lorna của Lynn Hershman hay tác phẩm Cây tương tác của Christa Sommerer và Laurent Mignonneau với những cái cây thực sự đóng vai “hạt giống” để mọc lên các thực thể do máy tính tạo ra.


Bản đồ với bảng cảm ứng điều khiển cho phép khán giả nghe âm thanh đặc trưng cho mỗi vùng miền trên thế giới (thổ âm, tiếng loài vật tiêu biểu…)

Qua cách thức tổ chức hoạt động hay trưng bày, ZKM cùng lúc thách thức khái niệm về nghệ thuật và media của chúng ta. Chắc hẳn câu trả lời hay kết luận vẫn thuộc về phần chúng ta. Cá nhân tôi cho rằng, ZKM chắc chắn đã đưa được media art vào bản đồ nghệ thuật đương đại thế giới. 

Hoàng Dương Cầm - ảnh: Tường Huy 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: