Ai thay đổi hình thức nhà thờ Giatô giáo?

Thứ năm, 16 Tháng 10 2008 01:34 PGS.TS.KTS Tôn Đại / T/c KTVN
In

Nên chăng cần có sự thay đổi hoàn toàn phong cách cổ truyền trong loại hình kiến trúc chùa? Hình ảnh ngôi chùa đã gắn chặt với hệ thống kiến trúc cổ truyền nhiều thế kỷ khó lòng tách ra, điều đó có thể mang lại sự ngỡ ngàng cho quần chúng và phật tử, nhưng biết đâu lại có tác dụng rất tốt cho đạo và cho nghệ thuật kiến trúc như trường hợp đạo Giatô đã làm.



Mỗi tôn giáo có công trình kiến trúc riêng của mình. Đạo Phật có chùa. Chùa của đạo Phật nước nào thì mang hình thức kiến trúc truyền thống của dân tộc đó. Các chùa giữ hình thức kiến trúc lâu dài và rất ít thay đổi. Đạo Hồi, đạo Do thái có những nhà thờ kiểu kiến trúc truyền thống ả Rập.

Đạo Giatô suốt hai ngàn năm nay có những hình thức kiến trúc chủ yếu là phong cách Rômăng, Gôtích và cổ điển. Mặt bằng nhà thờ Gia tô giáo thoạt đầu xuất phát từ kiểu mặt bằng bazilica thời cổ La Mã, sau đó thêm một cánh ngang thành kiểu mặt bằng chữ thập Latinh. Lối vào chính là đầu hồi hướng tây. Tại giao điểm của hai cánh chữ thập là nơi đặt tháp đèn lồng, điểm cao nhất của nhà thờ.


Nhà thờ Roman - Thụy Điển

Phong cách Rômăng: Từ thế kỷ thứ V nhà thờ Giatô mang phong cách Rômăng với những vòm cuốn bán nguyệt, tường dày, cửa sổ mở rất ít và rất hẹp, kết cấu chịu lực chính là tường gạch, đá. Độ cao của sống mái gian thờ thường chỉ đạt từ 8m đến 12m. Muốn nâng cao lên mình thì tường càng phải dày và cửa sổ càng phải mở ít để tường đủ sức chịu lực nén của mái và tường phía trên. Cho nên nhà thờ phong cách Rômăng có nội thất tăm tối, nặng nề - người đầu tư cho việc xây dựng nhà thờ là các tu viện, về kỹ thuật xây dựng thì các phường thợ đảm nhiệm làm theo kinh nghiệm lâu đời của mình.


Nhà thờ Gôtích - Paris - Pháp

Phong cách Gôtích: Khoảng thế kỷ thứ XII, nhà thờ Giatô giáo được làm theo phong cách Gôtích. Kiến trúc Gôtích là một bước tiến vượt bậc, là đỉnh cao khoa học kỹ thuật xây dựng đương thời. Các nhà thờ phong cách Gôtích được sinh ra từ nhiệt tâm tín ngưỡng và sự giàu có của các thành thị. Do đó kiến trúc Gôtích mang tính nhân dân hơn. Ngoài việc thờ Phụng chúa, nhà thờ còn là nơi hội họp, tranh luận về nghệ thuật, về các hợp đồng thương mại và biểu diễn văn nghệ. Vì vậy, bàn trong nhà thờ cần nhiều ánh sáng. Kỹ thuật xây dựng mới đã giúp nhà thờ Gôtích vươn cao lên và mở được nhiều cửa sổ. Đó là phát minh ra hệ thống cuốn bay và cột trống bố trí bên ngoài nhà thờ, khiến tường nhà thờ ít chịu lực, có thể xây cao lên và trổ nhiều cửa sổ. Người ta bảo rằng kiến trúc Rômăng do thợ làm theo kinh nghiệm và kiến trúc Gôtích do kỹ sư làm theo tính toán khoa học.


Nhà thờ Sagrada Faunilia ở Barcelona (Tây Ban Nha)

Phong cách Phục hưng: đến thế kỷ thứ XVI, một số nhà thờ Giatô giáo được xây dựng theo phong cách Phục hưng Italia. Điển hình là nhà thờ thánh Pierre ở thủ đô Rôma. Phong cách kiến trúc Phục hưng sử dụng ngôn ngữ kiến trúc HyLạp – LaMã với những chi tiết thức cột phong phú và tổ hợp hình khối đồ sộ - phức tạp. Rất nhiều nhà thờ Giatô giáo làm theo phong cách này.

Đạo Giatô phát triển mạnh mẽ khắp thế giới và khắp mọi nơi đều xây dựng nhà thờ chủ yếu theo ba phong cách trên. Phổ biến nhất là phong cách Gôtích, sau đến Rômăng và cuối cùng là phong cách cổ điển HiLạp – LaMã và Phục hưng. ở một số nước người ta cũng làm nhà thờ Giatô theo phong cách kiến trúc địa phương nhưng không nhiều như ở Istanbul, nhà thờ Haghia Sophia được xây dựng theo phong cách Byzantin, ở Việt Nam có nhà thờ Phát Diệm xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Hình thức của ngôi nhà thờ có ảnh hưởng lớn đến uy tín của xứ Đạo, ngôi nhà thờ đẹp hoặc to lớn là niềm tự hào của giáo dân và của địa phương nói chung. Các nhà thờ Gôtích có ưu thế là rất cao, nhất là tháp đèn lồng ở trung tâm nhà thờ. Các địa phương ở nước Pháp thi nhau làm tháp đèn lồng cao hơn các nhà thờ tỉnh bạn. Trong cuộc đua ấy, nhà thờ Beauvais đã chiếm vị trí thứ nhất với tháp đèn lồng cao 153m, một độ cao chóng mặt tại thế kỷ chưa có kết cấu bê tông cốt thép và kết cấu thép. Nhưng đầu năm 1572 tháp bị sụp đổ, chấm dứt cuộc chạy đua điên cuồng lên trời.



Xây dựng nhà thờ cao lên, tháp chuông và tháp đèn lồng cao lên là một biện pháp gây uy tín cho tôn giáo. Nhưng chính thức kiến trúc thì không đổi, mặt bằng luôn luôn là kiểu bazilica, mặt đứng và hình khối thì hoặc Rômăng, hoặc Gôtích hay cổ điển – Phục hưng. Nó khá nhàm chán và không phản ánh được sự phát triển, sức sống của Đạo trong bối cảnh của sự phát triển chung của xã hội, của khoa học kỹ thuật. Với những vật liệu mới, kỹ thuật xây dựng mới mà cứ phải xây dựng những nhà thờ theo phong cách nghệ thuật kiến trúc thế kỷ thứ X, XII, XV,…thì bất hợp lý quá.

Giáo hoàng Foann 23 ở Vantican lo ngại sự suy tàn của nhà thờ nên khuyến khích những thực nghiệm táo bạo nhất về kiến trúc, để biểu hiện sức sống mới của đạo Chúa, để ngôi nhà thờ luôn luôn là một điểm tựa đặc biệt hấp dẫn trong vùng dân cư, có lợi cho việc truyền bá đạo và nâng cao uy tín của các vị linh mục.


Nhà thờ cách tân - An Giang

Từ cuối thế kỷ XIX, kiến trúc sư Antonio Gaudi đã xây dựng ngôi nhà thờ Sagrada Faunilia ở Barcelona (Tây Ban Nha) theo xu hướng chủ nghĩa “biểu hiện”. Công trình được khởi công vào năm 1884 đến 1926 bị bỏ dở vì cái chết đột ngột của tác giả, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đây là ngôi nhà thờ hoành tráng và lạ lùng nhất, theo chủ trương “thiên nhiên hóa” kiến trúc của Gaudi và nó mang tính chất tạo hình. Về đại thể, Sagrada Faunilia vẫn là một nhà thờ Gôtích nhưng đã được tạo hình như được “nặn” từ vật liệu thiên nhiên. Nó là một mắt xích trung gian giữa Gôtích và nghệ thuật điêu khắc, nó mang đậm tính chất của chủ nghĩa biểu hiện Chủ trương của Vantican đã cho phép ra đời nhiều kiệt tác kiến trúc, góp phần đẩy nghệ thuật kiến trúc tiến lên. Những sáng tạo nhà thờ theo chủ nghĩa “biểu hiện” nhiều hơn cả. Sau Sagrada Faunilia của Gaudi, năm 1955 Le Coibusier làm ngôi nhà thờ Ronchamp ở Pháp, rồi nhà thờ Firmini cũng ở Pháp. Năm 1960 Oscar Niemcyer làm ngôi nhà thờ ở Brasilia, 1964 Kenzo Tange xây dựng nhà thờ Đức bà ở Tokyo, Mỹ và Ba Lan. Nhiều ngôi nhà thờ theo xu hướng chủ nghĩa “biểu hiện” được xây dựng rất đa dạng và phong phú.

Bên cạnh đó, theo xu hướng kiến trúc “hữu cơ” có ngôi nhà thờ Tin lành ở Brug Pennsylvania (Hoa Kỳ) do Frank Lloyd Wringt xây dựng năm 1956, nhà thờ Vuokseniska do Alvar Aalto xây dựng năm 1958 tại Imatra (Phần Lan).

Theo xu hướng kiến trúc hiện đại mới có nhà thờ ánh sáng của Tadao Ando…


Nhà thờ Ánh sáng - Osaka, Nhật Bản

Những ngôi nhà thờ nên trên đều là những kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc và ta nhận ra rằng mảng kiến trúc nhà thờ đạo Giatô là một “sân chơi” rộng rãi dành cho sự sáng tạo thoải mái cho kiến trúc sư.

ở Việt Nam, nhà thờ Giatô giáo thường theo phong cách Rômăng hay Gôtích và thường là nhỏ bé hơn các nhà thờ ở phương Tây, do đó kiến trúc đã được giảm nhiều. Chẳng hạn rất hiếm nhà thờ Gôtích có hệ thống cuốn bay bộc lộ ra ngoài, hệ thống tượng thánh cũng không nhiều. Những ngôi nhà thờ mang phong cách mới mẻ cũng hiếm. ở Đà Lạt, ngôi nhà thờ Liên Khương do kiến trúc sư Đặng Việt Nga thiết kế có hình thức mới mẻ thoát khỏi những phong cách Rômăng, Gôtích hay Phục hưng, lấy cảm hứng từ những đồi núi trùng điệp của cao nguyên. Rất tiếc ngôi nhà thờ này đã bị rỡ bỏ vì ảnh hưởng đến sân bay Liên Khương.


Chùa Vĩnh Nghiêm - TPHCM (Ngôi chùa nhiều tầng nhất ở Việt Nam hiện nay)

Nhà thờ Giatô giáo đã vậy, còn chùa thì Phật ở nước ta có gì đáng nói không? Ngôi chùa truyền thống có bố cục điển hình dường như không thay đổi trong suốt nhiều thế kỷ. Trên trục đối xứng Nam – Bắc lần lượt xuất hiện các hạng mục Tam quan – Gác chuông – Tiền đường – Thiên hương – Thượng điện – Nhà tổ. Còn phong cách nghệ thuật kiến trúc thì luôn luôn là theo truyền thống với Cột – Xà – Kẻ - Bẩy theo các hệ thống kẻ Truyền – Giá chiêng hoặc chồng giường…Hệ thống này thay đổi đôi chút theo địa phương nhưng vẫn giữ hình ảnh truyền  thống, dường như không có ai thay đổi gì đáng kể. Lần đầu tiên có một ngôi chùa hai tầng, đó là chùa Quán Sứ ở Hà Nội do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn thiết kế. Lúc đó, sư tổ Vĩnh Nghiêm phản đối vì ban thờ phật phải tiếp với đất. Do đó tại chỗ đặt tượng phật phải đổ đất cao một tầng để tượng phật được tiếp xúc với đất. Nhưng sau này chính chùa Vĩnh Nghiêm mang tên ngài cũng xây dựng hai tầng do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế và không cần có chi tiết ban thờ tiếp đất.

Ngày nay những ngôi chùa đồ sộ nhiều tầng mọc lên chính nhờ bước đi táo bạo ban đầu của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn. Tuy nhiên về phong cách nghệ thuật dù trong thế kỷ XX và gần đây rất nhiều ngôi chùa lộng lẫy được xây dựng lên nhưng không có sự sáng tạo mới về phong cách nghệ thuật. Vẫn mái cong truyền thống mặc dầu được làm bằng kết cấu bêtông cốt thép, các cột chùa to lớn vài người ôm cũng bằng bêtông cốt thép ốp gồ bên ngoài…Vậy, nên chăng có sự thay đổi hoàn toàn phong cách cổ truyền trong loại hình kiến trúc chùa?


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: