Phát triển nhà ở dân tộc Thái phục vụ du lịch cộng đồng làm cơ sở cho các nghiên cứu về giải pháp cụ thể ở giai đoạn tiếp theo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các bản người Thái ở vùng Tây Bắc.
1. Đặt vấn đề
Vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, là nơi có địa hình cao nhất, bị chia cắt và hiểm trở nhất ở Việt Nam. Các dạng địa hình phổ biến ở đây là các dãy núi cao, thung lũng sâu hay hẻm vực, các cao nguyên đá vôi có độ cao trung bình.
Cấu trúc địa chất đặc biệt của vùng Tây Bắc tạo nên nhiều cảnh quan đẹp và di tích tự nhiên bao gồm các thác nước, các thung lũng và vực sâu. Tây Bắc là khu vực có tiềm năng và thế mạnh về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch.
Sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và đặc trựng văn hóa các dân tộc nơi đây là tiền đề cho việc phát triển du lịch cộng đồng [1]. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 xác định các vùng du lịch tại Việt Nam, trong đó có vùng Tây Bắc [2].
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó đặc biệt chú trọng hình thức du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay), nghiên cứu và trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số và ưu tiên phát triển mô hình lưu trú tại nhà dân tại các điểm du lịch cộng đồng [3].
Dân tộc Thái là một trong 53 dân tộc thiểu số có dân số đông thứ 3 tại Việt Nam, dân số theo thống kê năm 2019 là 1.820.950 người, chiếm khoảng 1,74% dân số cả nước. Người Thái cư trú tập trung tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình thuộc vùng Tây Bắc, ngoài ra còn có Nghệ An và Thanh Hóa thuộc miền Bắc Trung Bộ [4].
Dân tộc Thái được phân chia thành nhiều nhóm: Thái Trắng, Thái Đen, Thái Đỏ, Thái Mường Vạt, Thái Do, Thái Thanh, Thái Lự và Thái Đà Bắc, trong đó nhóm người Thái Trắng và Thái Đen chiếm đại đa số nên thường chỉ kể đến 2 nhóm là Thái Trắng và Thái Đen.
Người Thái có nền văn hóa mang tính riêng biệt được được thể hiện qua nhiều mặt như lối sống, phong tục, tập quán, trang phục, ẩm thực và các sinh hoạt cộng đồng... Trong đó không thể bỏ qua cấu trúc bản và kiến trúc các ngôi nhà ở truyền thống mang tính đặc trưng dân tộc, nơi diễn ra cuộc sống hàng ngày thể hiện lối sống và các đặc trưng văn hóa khác.
Từ việc phân tích đặc điểm về điều kiện tự nhiên và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói chung, dân tộc Thái nói riêng và chiến lược phát triển du lịch của Chính phủ
Việt Nam cho thấy việc đề xuất các cơ sở nguyên tắc và định hướng phát triển nhà ở dân tộc Thái phục vụ phát triển du lịch cộng đồng là cần thiết.
Bài báo sử dụng các phương pháp nghiên cứu: 1) Sưu tầm, tổng hợp, thống kê tài liệu có liên quan để tổng quan nghiên cứu, từ đó phân tích các kết quả nghiên cứu đã công bố để tìm ra khoảng trống cho nghiên cứu cũng như đặt ra những câu hỏi cho nghiên cứu; 2) Khảo sát thực địa: Quan sát, vẽ ghi, chụp ảnh các ngôi nhà ở truyền thống dân tộc Thái tại một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; 3) Phân tích, đánh giá sử dụng trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình thực tiễn cũng như các kết quả nghiên cứu đã công bố để đưa ra các đề xuất cho nghiên cứu mang tính khách quan, tránh trùng lặp.
2. Tổng quan các nghiên cứu về nhà ở truyền thống và du lịch cộng đồng
Kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc Việt Nam, trong đó có dân tộc Thái là chủ đề nghiên cứu của nhiều tác giả trong thời gian gần đây. Nguyễn Khắc Tụng trong hai cuốn sách Nhà cửa các dân tộc ở trung du Bắc bộ Việt Nam và Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam đã nghiên cứu về kiến trúc nhà ở truyền thống của 52 dân tộc, trong đó có dân tộc Thái.
Trong phần nghiên cứu về kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc Thái, tác giả đã phân tích các đặc điểm về vật liệu xây dựng, cấu trúc bộ sườn (khung chịu lực), kết cấu bao che (tường và mái nhà), kỹ thuật xây dựng, cấu trúc mặt bằng khuôn viên và ngôi nhà truyền thống của các dân tộc [5,6]. Năm 2003, Chu Quang Trứ đã nghiên cứu, phân tích đặc điểm kiến trúc nhà ở truyền thống của các dân tộc thiểu số Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Chăm, Ê đê.
Các dân tộc mà được nghiên cứu phân bố trên địa bàn rất rộng ở Việt Nam, từ vùng núi phía Bắc Việt Nam đến cao nguyên Tây Nguyên, nên tác giả đã nhấn mạnh tới sự khác biệt của kiến trúc ngôi nhà ở truyền thống của các dân tộc, trong đó có nhà sàn của dân tộc Thái, để đáp ứng với cảnh quan, khí hậu, môi trường của mỗi vùng [7].
Đề tài Ðiều tra khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên do Viện Kiến trúc Quốc gia tiến hành năm 2009 nghiên cứu về kiến trúc nhà ở truyền thống, đề xuất các giải pháp bảo tồn và kế thừa phát huy các giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống trong phát triển nhà ở các dân tộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trong phần nghiên cứu về kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc miền núi phía Bắc có đề cập tới nhà ở truyền thống dân tộc Thái [8].
Nhà sàn Vàng Pheo.
Cuốn sách Nhà sàn cổ người Thái Việt Nam của tác giả Vương Trung đề cập tới ngôi nhà cổ truyền của người Thái từ trước năm 1954, thời kỳ các ngôi nhà chủ yếu vẫn còn sử dụng các vật liệu đơn giản như gỗ, nứa, tre, gianh, bao gồm cấu trúc, vật liệu và cách xây dựng ngôi nhà, cùng các sinh hoạt trong nhà [9].
Năm 2015, Phạm Hùng Cường đã tiến hành nghiên cứu về tình trạng biến đổi kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái ở tỉnh Yên Bái, đánh giá các yếu tố tích cực, tiêu cực của các xu hướng biến đổi và kiến nghị các giải pháp nhằm giữ gìn và kế thừa giá trị kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái [10].
Trong cuốn sách “Tìm hiểu văn hóa cổ truyền của người Thái, Mai Châu”, tác giả Đặng Nghiêm Vạn đã giới thiệu về bố cục không gian và hình thức kiến trúc nhà ở cổ truyền người Thái tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình [11].
Năm 1978, Cẩm Trọng trong cuốn sách Người Thái Tây Bắc Việt Nam đã giới thiệu về cấu trúc không gian nhà ở người Thái Đen và Thái Trắng, nêu rõ sự giống nhau và khác nhau giữa kiến trúc nhà ở truyền thống của người Thái Đen và Thái Trắng [12].
Vấn đề nhà ở truyền thống và du lịch cộng đồng đang được quan tâm nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Trong nghiên cứu về nhà ở truyền thống và cơ sở lưu trú tại nhà (homestay), tác giả N. D. Andiani và cộng sự đã xác định các cơ hội phát triển nhà truyền thống thành homestay và các điểm tham quan mà không phá hủy các yếu tố trí tuệ địa phương của cộng đồng.
Tác giả cho rằng những ngôi nhà truyền thống có thể được phát triển thành các điểm thu hút và phát triển du lịch, homestay có thể được thực hiện bằng cách nhân bản các ngôi nhà truyền thống, như vậy du lịch có thể duy trì những ngôi nhà truyền thống và phát triển kiến trúc nhà ở theo hướng truyền thống [13].
Trong bài viết về phục hồi du lịch văn hóa ở Indonesia, tác giả A. D. Putra và cộng sự cho rằng khi đã trở thành một địa điểm du lịch, làng và nhà truyền thống không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư bản địa mà còn là cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch. Để duy trì điểm đến du lịch, điều quan trọng là phải chú ý đến quy hoạch và chuyển đổi ngôi nhà truyền thống để việc phát triển du lịch tại làng có thể đáp ứng nhu cầu của du khách mà không làm hỏng các giá trị truyền thống [14].
Bài báo Vốn văn hóa xã hội và vai trò của nó trong bảo tồn nhà ở di sản truyền thống của tác giả L. A. Rudwiarti và cộng sự đề cập tới vai trò quan trọng của hệ thống xã hội và vốn văn hóa của cộng đồng trong cách con người sử dụng môi trường xung quanh, trong đó có ngôi nhà của mình.
Bài viết đánh giá cao vai trò của lối sống văn hóa và xã hội trong đời sống cộng đồng của Làng du lịch Brayut, Yogyakarta, Indonesia; trong việc thử nghiệm các kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa của những ngôi nhà truyền thống địa phương như tài sản du lịch [15].
Nghiên cứu về nhà ở truyền thống và du lịch cộng đồng đang rất được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới, các nghiên cứu đều cho thấy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc nhà ở truyền thống đóng vai trò quan trọng đối với du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, sự phát triển không kiểm soát của du lịch cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới không gian bản làng và di sản kiến trúc nhà ở truyền thống. Do vậy, để phát triển du lịch cộng đồng tại các bản làng truyền thống một cách bền vững, cần có các giải pháp quy hoạch không gian bản, bảo tồn và nhân bản các ngôi nhà truyền thống đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mà không phá hỏng các giá trị văn hóa truyền thống.
3. Đặc điểm và giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Thái tại vùng Tây Bắc
3.1. Đặc điểm cấu trúc bản:
Bản người Thái là nơi cư trú của một hay nhiều dòng họ cùng sinh sống lâu đời, các bản thường có vị trí gần nguồn nước, mỗi bản có từ vài chục đến hơn trăm nóc nhà. Hệ thống đường giao thông trong bản tổ chức mềm dẻo, bám theo địa hình tự nhiên.
Các ngôi nhà trong bản đều theo hướng nhìn xuống thung lũng nơi có sông suối và cảnh quan thoáng đãng và tựa lưng vào rừng núi. Không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng sau vụ mùa hoặc ngày lễ, tết thường được tổ chức trong khu đất rộng ở bản hoặc khu đất bằng phẳng nơi chăn thả gia súc hoặc ruộng nương sau khi thu hoạch vụ mùa. Không gian nương rẫy bao quanh bản là không gian kết nối giữa bản với núi và thung lũng.
Bản là không gian kết nối giữa gia đình và cộng đồng, kết nối nhà ở với không gian sản xuất, kết nối không gian khuôn viên ngôi nhà với không gian cảnh quan tự nhiên của rừng núi, sông suối để hình thành môi trường sống mang tính sinh thái đặc trưng của dân tộc Thái ở vùng miền núi phía Bắc (hình 1).
Hình 1. Cấu trúc không gian bản Vàng Pheo, tỉnh Lai Châu (các ngôi nhà có đánh số thứ tự là nhà ở truyền thống còn giữ được).
3.2. Đặc điểm kiến trúc nhà ở truyền thống:
Dân tộc Thái ở Việt Nam có truyền thống ở nhà sàn. Nhà sàn dân tộc Thái ở các vùng đều giống nhau về những nét cơ bản, nhưng do hoàn cảnh địa lý khác nhau và sự tiếp thu ảnh hưởng về kiến trúc nhà ở của các dân tộc anh em sống xen kẽ nên nhà sàn của Thái ở từng vùng cũng có sự khác biệt ở một số chi tiết kiến trúc.
Nhà sàn dân tộc Thái ở vùng miền núi phía Bắc có các loại: Nhà cột chôn gọi là Hươn Phăng Đin, nhà cột kê được gọi là Hươn Tó Ký; nhà hai hàng cột gọi là Hươn Tháng Khứ, nhà bốn hàng cột gọi là Hươn Khay Liên hay Hươn Hoa; nhà mái hồi thẳng gọi là Hươn Tụp Lặt, nhà mái hồi cong gọi là Hươn Tụp Cống.
Cấu trúc ngôi nhà ở truyền thống dân tộc Thái về cơ bản giống nhau trong cách tổ chức và bố cục không gian. Tuy nhiên từ năm 1955 trở về trước, kiến trúc nhà ở truyền thống của người Thái Trắng và Thái Đen được phân biệt bởi cách thức tổ chức mặt bằng và hình thức mái: Mặt bằng nhà ở người Thái Trắng hình chữ nhật (hình 2), còn người Thái Đen hình cong; hình thức mái ngôi nhà người Thái Trắng có mái hồi thẳng, mái nhà người Thái Đen có mái hồi cong, trên hai đầu nóc mái có Khau Bẻ hoặc Khau Cút, vừa làm đẹp thẩm mỹ cho ngôi nhà vừa có chức năng chống gió làm tốc mái.
Hiện nay, nhà ở hai nhóm dân tộc này đã gần giống nhau, người Thái Đen cũng làm mặt bằng nhà hình chữ nhật, mái tranh hầu như không còn nên hình thức mái cũng giống mái nhà người Thái Trắng (hình 3), còn một số rất ít nhà người Thái Đen có Khau Bẻ (Khau Cút dưới chế độ phong kiến được phân định sử dụng cho các tầng lớp xã hội, nhà của người dân thường không được dùng nên không còn tồn tại từ khi chế độ phong kiến sụp đổ). [3, 6, 9]
Hình 2. Nhà ở truyền thống dân tộc Thái Trắng tại bản Vàng Pheo, tỉnh Lai Châu.
Hình 3. Nhà ở truyền thống dân tộc Thái Đen tại bản Mển, tỉnh Điện Biên.
3.3. Giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống:
Trên cơ sở phân tích các tài liệu viết về nhà ở truyền thống dân tộc Thái ở Việt Nam và kết quả khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống của người Thái tại bản Ngoang (xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) trong 03 đợt khảo sát vào tháng 4/2022, tháng 7/2022 và tháng 3/2023, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhà ở truyền thống dân tộc Thái có 04 giá trị cơ bản là giá trị về tính nguyên bản kiến trúc, giá trị thẩm mỹ, giá trị về kỹ thuật và vật liệu xây dựng, giá trị đáp ứng cuộc sống hiện nay. Nội hàm của các giá trị nêu trên được thể hiện ở bảng 1.
Bảng 1: Giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Thái
4. Định hướng phát triển nhà ở dân tộc Thái phục vụ du lịch cộng đồng
4.1. Xu hướng phát triển nhà ở dân tộc Thái tại vùng Tây Bắc:
Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở vùng Tây Bắc trong những năm gần đây, ngôi nhà truyền thống của người Thái đang có những biến đổi rõ rệt, sự biến đổi mang tính quy luật nhằm phù hợp với cuộc sống mới trong điều kiện kinh tế và xã hội mới.
Ngoài những biến đổi mang tính tích cực, kế thừa và phát huy giá trị nhà ở truyền thống còn có những biến đổi mang tính tiêu cực có nguy cơ làm mai một giá trị di sản truyền thống và gián tiếp làm mai một các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái liên quan tới môi trường cư trú.
Thông qua khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống của người Thái tại bản Ngoang, bản Vàng Pheo và bản Mển thuộc vùng Tây Bắc, nhóm nghiên cứu nhận thấy đã có rất nhiều biến đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực các ngôi nhà ở người Thái hiện nay.
Các xu hướng biến đổi được đánh giá dựa trên việc còn giữ được hay không giữ được các giá trị của nhà ở truyền thống dân tộc Thái nêu ở mục 2.3 và được phân thành 05 nhóm nhà được đánh giá từ tích cực tới rất tiêu cực. Các xu hướng và nội dung biến đổi chính thể hiện ở bảng 2.
Bảng 2: Phân nhóm theo xu hướng biến đổi nhà ở người Thái vùng Tây Bắc
Tỷ lệ các ngôi nhà thuộc nhóm 1 và nhóm 2 chiếm dưới 1/3 số nhà trong các bản được khảo sát và đang có xu hướng giảm dần do giá gỗ để làm khung nhà (cột và vì kèo) rất cao, nguồn gỗ khai thác tại chỗ suy giảm do diện tích rừng ngày càng thu hẹp.
Cũng vì lý do trên nên các ngôi nhà thuộc nhóm 4 và nhóm 5 có xu hướng tăng dần. Điều này ảnh hưởng đến không gian và môi trường ở cũng như các giá trị văn hóa của kiến trúc nhà ở truyền thống, làm biến dạng và mai một những giá trị truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc Thái.
Tuy nhiên, tại các bản đang phát triển du lịch thì các nhà nhóm 3 chiếm tỷ lệ đáng kể nhằm phục vụ khách du lịch và có xu hướng tăng lên, các nhà nhóm 5 chiếm tỷ lệ không lớn.
4.2. Định hướng phát triển nhà ở dân tộc Thái phục vụ du lịch cộng đồng:
Trên cơ sở các đặc điểm về đặc điểm cấu trúc bản người Thái, đặc điểm kiến trúc và các giá trị nhà ở truyền thống dân tộc Thái, thực trạng nhà ở dân tộc Thái vùng Tây Bắc, nghiên cứu đề xuất 05 định hướng phát triển nhà ở dân tộc Thái, bao gồm cả không gian bản, nhằm phục vụ du lịch cộng đồng:
- Bảo tồn kiến trúc truyền thống: Kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Thái là một di sản văn hóa vật thể cần được bảo tồn. Việc bảo tồn được ưu tiên cho những ngôi nhà còn giữ được hình dáng, tỷ lệ, không gian nội thất, vật liệu xây dựng truyền thống thuộc nhóm 1 và 2. Những ngôi nhà đã xuống cấp cần được sửa chữa các bộ phận đã hư hỏng theo đúng nguyên bản. Các ngôi nhà truyền thống mong muốn đón du khách đến trải nghiệm cần được tôn tạo, nâng cấp tiện nghi để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
- Chỉnh trang cấu trúc không gian bản: Cấu trúc bản thể hiện văn hóa cư trú người Thái nên cần được bảo tồn. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng cần tiến hành các hoạt động chỉnh trang không gian bản bao gồm việc cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông trong bản và liên bản, tổ chức các không gian đón tiếp khách du lịch, nâng cấp hoặc tổ chức mới các không gian lễ hội truyền thống, tổ chức các không gian trải nghiệm dành cho du khách, xây dựng hệ thống sử lý và thoát nước thải, tổ chức phân loại và thu gom chất thải rắn.
- Chỉnh trang cấu trúc khuôn viên: Khuôn viên nhà ở truyền thống dân tộc Thái vùng Tây Bắc thường rất rộng, theo điều tra của nhóm nghiên cứu tại 03 bản thuộc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên, đa phần khuôn viên các ngôi nhà nơi đây đều có diện tích trên 500 m2, nhiều nhà có khuôn viên diện tích tới hàng ngìn m2. Trên diện tích các khuôn viên được trồng cây, lát lại bề mặt, làm các công trình phụ, thậm chí xây thêm nhà mới theo kiểu nhà người Kinh một cách tự phát. Chỉnh trang cấu trúc khuôn viên nhà ở nên tập trung vào quy hoạch lại diện tích trồng cây xanh, đa dạng các loại cây trong khu vườn bao gồm cây bóng mát, cây ăn quả, cây cảnh, rau xanh, tạo sự cân bằng sinh thái và tính đa dạng sinh học, góp phần tạo vẻ đẹp hài hòa với ngôi nhà và hấp dẫn khách du lịch; giảm bớt diện tích các bề mặt cứng, trong trường hợp cần xây thêm nhà phụ, nhà mới thì hình thức kiến trúc của ngôi nhà cần phù hợp với ngôi nhà truyền thống đã có.
- Phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng nhà ở mới: Do sự phát triển về nhân khẩu, do nhu cầu đón tiếp khách du lịch trải nghiệm và lưu trú, nhu cầu xây dựng những ngôi nhà mới là chính đáng. Tuy vậy những ngôi nhà xây mới cần có hình thức kiến trúc của ngôi nhà cần phù hợp với ngôi nhà ở truyền thống, cụ thể là nên xây theo hình thức nhà sàn, mái dốc bốn phía, giữ được tỷ lệ giữa các bộ phận chính của ngôi nhà (mái, thân nhà, các hàng cột) so với tỷ lệ ngôi nhà truyền thống được xây dựng từ kích thước đơn vị cơ bản xuất phát từ số đo cánh tay và thân của người Thái tầm vóc trung bình. Các bộ phận như cửa sổ, cửa đi, lan can, bàn thờ, rèm che trang trí theo phong cách dân tộc Thái.
- Vật liệu xây dựng nhà ở mới: Hiện nay những vật liệu xây dựng truyền thống của người Thái như gỗ, đá, cỏ tranh đã trở nên khan hiếm và có giá thành cao, vì vậy việc sử dụng các vật liệu mới để xây dựng nhà ở là cần thiết. Tuy nhiên việc lựa chọn các vật liệu thích hợp cho việc xây dựng những ngôi nhà sàn kiểu mới cũng cần đặt ra.
Các vật liệu nên sử dụng là bê tông cốt thép, gạch, ngói thủ công: hàng cột tròn có thể sử dụng bê tông cốt thép, tường xây gạch, mái lợp ngói thủ công. Không nên sử dụng vật liệu thép để làm nhà, tôn hay fibro xi măng để lợp mái, vì đây là những vật liệu có thể làm biến dạng hình thức so với nhà truyền thống và không thích hợp với khí hậu, môi trường.
Các định hướng đề xuất được tóm tắt trong bảng 4.
Bảng 4: Định hướng phát triển nhà ở dân tộc Thái phục vụ du lịch cộng đồng
5. Kết luận
Mặc dù có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng nhờ vẻ đẹp của thiên nhiên và đặc biệt là giá trị văn hóa gắn với dân tộc như không gian bản làng, kiến trúc nhà ở, tập quán sản xuất và các thiết chế văn hóa truyền thống, nhưng hiệu quả kinh tế từ du lịch tại các bản người Thái ở vùng miền núi phía Bắc còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Do vậy việc nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc nhà ở dân tộc Thái, một trong những nét hấp dẫn khách du lịch, nhằm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng có vai trò quan trọng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các bản người Thái ở vùng miền núi phía Bắc.
Bài báo tập trung nghiên cứu các đặc điểm cấu trúc bản người Thái, đặc điểm kiến trúc nhà ở và nhận diện các giá trị của nhà ở truyền thống dân tộc Thái; đánh giá thực trạng nhà ở dân tộc Thái tại vùng Tây Bắc, trong đó nhấn mạnh các xu hướng biến đổi nhà ở người Thái nhằm phù hợp với lối sống mới trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất định hướng phát triển nhà ở dân tộc Thái phục vụ du lịch cộng đồng, bao gồm 05 nội dung chính là bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, chỉnh trang cấu trúc không gian bản, chỉnh trang cấu trúc khuôn viên ngôi nhà, phát huy giá trị truyền thống và sử dụng vật liệu hợp lý khi xây dựng nhà ở mới.
Các định hướng phát triển nhà ở dân tộc Thái phục vụ du lịch cộng đồng là cơ sở giúp cho các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp cụ thể về phát triển nhà ở dân tộc Thái trong thời gian tới nhằm đáp ứng các hoạt động du lịch đang diễn ra mạnh mẽ ở vùng Tây Bắc.
TS Trần Quốc Bảo - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Danh Ngà, Lê Thanh Hà (2022), Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc theo hướng bền vững và xanh,
2. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2473/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
3. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc (2019), Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. NXB Thống kê, Hà Nội.
5. Nguyễn Khắc Tụng (1978), Nhà cửa các dân tộc ở trung du Bắc Bộ Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Nguyễn Khắc Tụng (1996), Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam, NXB Xây dựng, Hà Nội.
7. Chu Quang Trứ (2003), Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
8. Viện Kiến trúc Quốc gia (2009), Ðiều tra khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Hà Nội.
9. Vương Trung (2018), Nhà sàn cổ người Thái Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
10. Phạm Hùng Cường (2015), Giữ gìn và kế thừa kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái, Tạp chí Khoa học Công nghệ, số 11/2015.
11. Đặng Nghiêm Vạn (1988), Tìm hiểu văn hóa cổ truyền của người Thái Mai Châu, Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, Sở Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình.
12. Cẩm Trọng (1978), Người Thái Tây Bắc Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
13. N. D. Andiani et al (2020), Homestay and Traditional House, Case Study of Thematic Tourism Development in Pedawa Village, North Bali, Atlantis Press.
14. A. D. Putra et al (2021), Reviving Cultural Tourism in Kendran Bali Indonesia: Maintaining Traditional Architecture and Developing Community-based Tourism, Civil Engineering and Architecture 9(2): 328-338, 2021.
15. L. A. Rudwiarti et al (2019), Sociocultural Capital and Its Roles in Traditional Heritage Housing Conservation Scheme: A Case Study of Brayut Tourism Village (Yogyakarta, Indonesia), Cultural Sustainable Tourism, April 2019, pp 131–137.
(Tạp chí Xây dựng)
- Bảo tàng Nghệ nhân 926: Tri ân và tôn vinh nghề thủ công Hàng Châu
- Grand Ring - Biểu tượng cho một thế giới đoàn kết tại EXPO 2025
- Little Island: “Ốc đảo đô thị” bên sông Hudson
- Kiến trúc bản địa mới tại Việt Nam: Xu hướng nào phát triển phù hợp trong tương lai?
- Nhà ống phố Cổ - Định dạng và bảo tồn bền vững