Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Chuyên mục Kiến trúc Toà án thành phố Manchester

Toà án thành phố Manchester

Viết email In

Toà án thành phố Manchester là công trình tư pháp quan trọng và có ý nghĩa nhất của nước Anh kể từ sau toà án tư pháp Hoàng Gia ở thủ đô London được xây dựng ở thế kỷ 19. một bước đột phá về hình dáng cũng như tổ chức không gian chức năng và đặc biệt là một chuỗi những giải pháp tinh tế nhằm tiết kiệm chi phí, năng lượng đã giúp cho công trình được đánh giá cao tại Châu Âu và giành được nhiều giải thưởng danh giá.



Năm 2002, một cuộc thi kiến trúc quốc tế đã được tổ chức nhằm chọn ra phương án xây dựng công trình tư pháp hiện đại này. Vượt qua hơn 50 đơn vị tham dự, trong đó có cả những kiến trúc sư hàng đầu của nước Anh như Normal Foster hay Richard Rogers, văn phòng kiến trúc sư Denton Corker Marshall (đến từ nước Úc) đã giành được chiến thắng với một bản thiết kế hoàn hảo từ hình thức, cấu trúc không gian vận hành của toà án cũng như sự tác động, ảnh hưởng tối thiểu của công trình vào môi trường và sử dụng năng lượng ở mức thấp. Công trình ngập tràn ánh sáng ban ngày và thông gió tự nhiên, phòng hội ý và xử án đạt được sự riêng tư về âm thanh...



Là một trong những trụ sở toà án lớn nhất trên thế giới với chiều cao khoảng 90m, công trình gồm có tổng cộng 47 phòng xử án có diện tích thay đổi từ 60 đến 190m2 nằm trên 13 tầng khác nhau, hai dãy phòng cho các luật sư, 76 phòng tư vấn, sáu dãy phòng dành cho nhân chứng và nhiều phòng làm việc, nghiên cứu hồ sơ thông tin khác. Về mặt bố cục kiến trúc, công trình được tạo thành từ ba lớp gắn kết với nhau, mỗi lớp là một không gian chức năng riêng: phía bên trái là dãy phòng xử án và các phòng làm việc, ở giữa là không gian giao thông, hành lang và phía bên phải là các không gian công cộng chung, các phòng đợi.

Các phòng xử án và làm việc được thiết kế liên tiếp theo trục dọc chính của toà nhà, nằm trong một tổ hợp những chiếc hộp không cùng chiều dài, xếp chồng lên nhau trong một bố cục tự do không đồng nhất. Cấu trúc này mang đến đặc tính năng động và độc đáo cho công trình, chúng tạo nên một sự giao thoa mang tính hình tượng mạnh mẽ giữa sự tinh tế của các khối, ánh sáng và bóng đổ, nhằm diễn đạt hình ảnh sâu xa “những bậc thang của công lý”.



Toàn bộ toà nhà được bao phủ bằng các lớp kính trong suốt, từ đó kiến trúc sư mong muốn truyền đến thông điệp rằng toà án không phải là một nơi ghê sợ và đáng che giấu, mà thực sự đó là một không gian mở, có thể đến được như những công trình công cộng khác trong thành phố. Chủ đề về “những chiếc hộp” tiếp tục được khai thác trong nội thất công trình, không gian đợi ở các tầng được thiết kế như những chiếc hộp treo lơ lửng (đỡ bởi các đường dầm kéo dài từ hệ kết cấu chính) trong không gian công cộng chung – một không gian thông 13 tầng sát với mặt tường kính. 

Từ trong khu vực này, trong lúc chờ đợi chúng ta có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan xung quanh thành phố Manchester ở những độ cao khác nhau, tạo thêm cảm giác mở rộng và kết nối không gian trong và ngoài nhà chứ không khép kín và tách biệt như những công trình tư pháp truyền thống khác. 



Về mặt kết cấu, các dãy phòng xử án tạo nên bộ khung chính của toà nhà. Hệ kết cấu của những khối hộp không đối xứng thẳng hàng (các khối dài nhô ra đến 15m) được tính toán nhằm cân bằng các lực phức hợp phân bố đều thông qua các mặt sàn bằng thép hỗn hợp và các hệ khung thép chạy theo toàn bộ chiều dài của mỗi hộp.

Các hợp lực cân bằng cũng được gia cố thêm bởi các lõi bê - tông trung tâm và được tính toán nhằm tránh sự sụp đổ luỹ tiến. Vì vậy, nếu một hộp bị hư hỏng hoặc gãy, hệ khung đó bị biến dạng nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các hộp còn lại khác. Không gian hành lang và các hộp không gian đợi được đỡ bằng một hệ thống dầm colson bằng thép đưa ra từ hệ kết cấu chính. 


Hành lang kỹ thuật giữa hai lớp kính của mặt đứng / Chi tiết hệ thống che chắn bằng thép ở mặt đứng 

Các mặt đứng của công trình được bao phủ bằng hai lớp kính, lớp kính trong suốt bên ngoài tạo nên hình dáng chung của công trình, trong khi lớp bên trong xác định không gian nội thất, được làm mềm mại đi bằng những bố cục sắp đặt tinh tế của màu sắc, chất liệu và kính dựa trên ý tưởng từ những tác phẩm nghệ thuật của cố hoạ sĩ người Hà Lan Piet Mondrian.

Mặt đứng phía đông tạo nên một dấu ấn không thể quên, nó giúp cho công trình tách biệt với những toà nhà khác trong thành phố. Một hệ thống chắn bằng thép được thiết lập dành cho nhiều chức năng: tạo sự riêng tư về mặt thị giác cho các dãy phòng xử án, là hệ thống thông gió tự nhiên và cho phép một phần ánh sáng mặt trời đủ chiếu sáng không gian nội thất công trình. Toà nhà tận dụng hàng loạt các sự trợ giúp từ phía môi trường để bổ sung cho các hệ thống làm mát và sưởi ấm thông thường.

Nước ngầm được bơm lên từ hai giếng khoan trong lòng đất sâu dưới công trình, dẫn tới các bộ phận truyền nhiệt và làm mát thông qua các đường ống kỹ thuật gắn dưới sàn từng tầng. Điều này đã giúp cho công trình chỉ phải lắp đặt một hệ thống làm mát có công suất 1,2kW thay vì một hệ thống 3,2kW. 


Khu vực thông tin / Không gian café 

Một khoản tiết kiệm khác cũng được kiến trúc sư khai thác thông qua việc sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, đặc biệt cho tất cả các phòng xử án. Không khí di chuyển từ hướng tây sang hướng đông (hướng gió thổi chủ đạo), thông qua hệ thống hút gió đặt ở mặt phía tây của toà nhà. Hệ thống xác định thời tiết, nhiệt độ và các bộ phận cảm biến trong phòng điều khiển việc thông gió tự nhiên thông qua hệ thống điều hành trung tâm. Điều này làm giảm 25% việc sử dụng điều hoà không khí của toà nhà.

Tất cả đường ống dẫn không khí được giấu trên lớp trần giả, không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của các không gian. Ánh sáng tự nhiên được lấy từ các đường cửa sổ hai bên dọc theo chiều dài của phòng xử án, nên thay vì phải sử dụng hệ thống đèn 500 lux, công trình chỉ phải sử dụng hệ thống 350 lux. Một số giải pháp khác cũng giúp cho công trình giảm bớt khí thải CO2 một lượng khoảng 505 tấn một năm, giảm mức tiêu thụ năng lượng khoảng 20% cho toà nhà, tiết kiệm cho chủ đầu tư gần hai triệu bảng Anh về chi phí năng lượng trong vòng 20 năm.



Toà án thành phố Manchester được hoàn thành vào tháng 6.2007 sau hơn hai năm rưỡi thi công và được chính nữ hoàng Anh cắt băng khánh thành mở cửa hoạt động vào ngày 24.10.2007. Công trình là một phần quan trọng trong dự án phát triển khu vực Spinningfields, một khu thương mại nhộn nhịp mới của Manchester, gồm có các công trình văn hoá giáo dục, tổ hợp văn phòng, trung tâm mua sắm, giải trí và khách sạn.

Dự án này có quy mô lớn và quan trọng của cả Manchester lẫn vùng tây bắc nước Anh, nó được so sánh ngang với tầm cỡ của những khu vực phát triển trên thế giới như Broadgate của London hay La Defense ở Paris.

- Diện tích công trình 34.000m2
- Chi phí xây dựng 150 triệu bảng Anh
- Hoàn thành năm 2007
- Thể loại công trình trung tâm toà án thành phố
- Địa điểm quận Spinningfields, thành phố Manchester, nước Anh
- Kiến trúc sư Denton Corker Marshall
- Kỹ sư kết cấu Mott MacDonald
- Giải thưởng giải nhất cuộc thi quốc tế năm 2002  

Ths.KTS Vũ Hoàng Hà (MA BFH/HES-SO)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo