Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Kiến trúc Biệt thự Pháp cổ giữa lòng Hà Nội: Giá trị và bảo tồn

Biệt thự Pháp cổ giữa lòng Hà Nội: Giá trị và bảo tồn

Viết email In

Thủ đô nghìn năm văn hiến đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, chứng kiến bao sự đổi thay của xã hội. Góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của nó, không thể không nhắc đến kiến trúc Pháp của những căn biệt thự cổ giữa lòng Hà Nội. Tuy nhiên, với sự “bào mòn” của thời gian cũng như những tác động ngoại cảnh khác, để bảo tồn giá trị cốt lõi của những căn biệt thự Pháp là một vấn đề không hề dễ dàng.


Nhà Bát giác thuộc khuôn viên trường THPT Chu Văn An – Hà Nội gần như được giữ gìn nguyên vẹn từng chi tiết ngoại cũng như nội thất và đang được dùng làm thư viện của trường.

Kiến trúc Pháp ở Hà Nội có thể dễ dàng bắt gặp ở mọi con phố Thủ đô với nhiều dáng vẻ, phong cách kiến trúc khác nhau. Sự hiện diện đầu tiên của kiến trúc Pháp ở Hà Nội là từ năm 1803, khi vua Gia Long cho xây lại Thành Hà Nội theo kiểu Vauban dưới sự chỉ đạo của bốn kỹ sư công binh Pháp. Tuy nhiên, phải đến khi người Pháp thành lập khu Nhượng địa năm 1875 ở đoạn từ phố Phạm Ngũ Lão tới Bệnh viện Quân y 108 ngày nay cùng nhiều khu Nhượng địa nữa thì những công trình mang phong cách kiến trúc Pháp mới bắt đầu thực sự có dấu ấn tại Hà Nội. Nhiều công trình kiến trúc lớn được xây dựng trong thời kỳ này nằm rải rác ở một diện tích khá rộng của Hà Nội cho đến giờ gần như vẫn còn nguyên vẹn đường nét nghệ thuật, kết cấu kỹ thuật, vật liệu xây dựng truyền thống.


Không cảnh Hà Nội năm 1930 (Ảnh tư liệu).

Nói như vậy để thấy được rằng, kiến trúc Pháp nói chung và biệt thự Pháp nói riêng ở Hà Nội mang một giá trị văn hóa, kiến trúc, là những chứng nhân lịch sử của một thời đã qua. Mang nhiều gánh vác to lớn là thế, nhưng ngày nay, khó có thể nhận ra những hình xưa bóng cũ của những “di tích lịch sử” này khi đi dọc các con phố Hà Nội.


Ngôi biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo xuống cấp nghiêm trọng đang được triển khai bảo tồn chưa lâu.


Căn biệt thự không còn giữ được nguyên vẹn sau nhiều thập kỷ.


Nhiều biệt thự ở Hà Nội ngày nay đã bị cải tạo để phù hợp với đời sống sinh hoạt của người dân nhưng lại dần lùi sâu và lọt thỏm giữa những con phố.


Các căn biệt thự ngày nay mất đi những nét kiến trúc vốn có.


Nhiều biệt thự đã lùi sâu, nhường mặt tiền cho nhiều cửa hàng, chỉ thấp thoáng vài nét cổ kính.


Một số biệt thự bị chia nhỏ, sửa đổi kiến trúc.


Một số thì bị “đeo balo” nhiều chuồng cọp và để hoang hóa nghiêm trọng.


Căn biệt thự của vua Bảo Đại tại ngõ 186 Ngọc Hà này không còn giữ được quần thể mà bị chia nhỏ thành nhiều hộ dân.

Để có cái nhìn khách quan hơn về những “di sản” này, ta hãy nhìn nhận vào giá trị của chúng. Trước hết, biệt thự Pháp ở Hà Nội mang một giá trị lịch sử to lớn nhuốm màu thời gian. Những kiến trúc Pháp xuất hiện ở Hà Nội đã gần 150 năm từ những ngày đầu thực dân Pháp chiếm Thành Hà Nội và quy hoạch cũng như xây dựng cho mục đích lâu dài của thuộc địa. Biệt thự Pháp xuất hiện muộn hơn mốc thời gian đó một chút nhưng những “di sản” này đều đã có tuổi đời trên dưới một thế kỷ.


Bản đồ các khu phố Tây tại Hà Nội năm 1932 (Ảnh: tư liệu)

Ngoài ra, những căn biệt thự Pháp ở Hà Nội mang đậm dấu ấn của những phong cách kiến trúc phương Tây mang nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa. Những căn biệt thự mang đậm dấu ấn kiến trúc vùng miền của Pháp đặc trưng với những bộ mái, kiểu dáng cửa sổ, dầm cột, console cùng với các phong cách kiến trúc cổ điển Đông – Tây giao hòa tạo nên một màu văn hóa rất riêng chỉ có ở Việt Nam. Chính sự kết hợp này đã hiện đại hóa kiến trúc Việt Nam và tạo nên dòng kiến trúc Đông Dương.

Không chỉ vậy, kiến trúc Đông Dương của các biệt thự cổ là phong cách kiến trúc hài hòa với khung cảnh đô thị vốn có của Việt Nam nhất là ở Hà Nội thanh bình. Xét về sự tương đồng về quy mô và tỷ lệ của kiến trúc, các biệt thự tạo ấn tượng gần gũi thân thiện với người dân Hà Nội bởi các yếu tố văn hóa kiến trúc truyền thống đã được vận dụng trong công trình. Đồng thời, kiến trúc biệt thự mang đậm chất Việt Nam là cơ sở khẳng định cho lòng tự tôn dân tộc, hội nhập học hỏi chứ không hòa tan. Có thể khẳng định tư tưởng sáng tạo kiến trúc trên cơ sở kết hợp văn hóa Đông – Tây với phong cách kiến trúc Đông Dương là thành tựu đỉnh cao nhất của kiến trúc Pháp ở Đông Dương, có ảnh hưởng sâu sắc đến những thế hệ kiến trúc sư đầu tiên và sau này ở nước ta từ những khóa đầu tại trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sự đa dạng về phong cách kiến trúc biệt thự Pháp ở Hà Nội thể hiện đúng quy luật tiếp biến văn hóa trong phát triển của kiến trúc, đi từ nhập khẩu đến kết hợp và sau cùng là sáng tạo phong cách kiến trúc phù hợp với địa phương.

Bên cạnh giá trị cốt lõi của những ngôi biệt thự, sự thống nhất về giá trị tổng thể của khu phố Pháp chính là di sản kiến trúc đô thị lịch sử – một thành phần quan trọng góp phần tạo nên cấu trúc không gian đô thị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội ảnh hưởng trực tiếp đến quản lý cũng như quy hoạch đô thị hiện nay và cả sau này.

Về phương diện văn hóa, xã hội: Lối sống nhà biệt thự góp phần khẳng định vị thế, vai trò của tầng lớp thị dân mới ở Hà Nội. Đưa Hà Nội trở thành một trong những đô thị đẹp nhất châu Á lúc bấy giờ. Đánh dấu và định hướng đến cả các bước phát triển mới của đô thị Việt Nam.


Mái nhà và ống khói theo kiến trúc Pháp.


Kiến trúc Pháp đan xen với console và trang trí theo văn hóa Việt Nam.


Kiến trúc vùng miền của Pháp được thể hiện rõ ở những nét đặc trưng.


Kiến trúc trang trí của Nhà Bát giác – THPT Chu Văn An – Hà Nội chưa có nhiều nét giao thoa với văn hóa Việt Nam vì ra đời khá sớm từ năm 1898 trước khi xây dựng trường Trung học Bảo hộ (THPT Chu Văn An ngày nay) nhưng lại mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống phương Tây.


Ngôi biệt thự của vua Bảo Đại trên phố Ngọc Hà là điển hình của sự kết hợp các nét kiến trúc phương Tây và Việt Nam.


Mặt sau biệt thự của vua Bảo Đại với nhiều nét độc đáo.

Tuy vậy, hiện nay, ở Hà Nội, một số ít căn biệt thự cũng đang được chú ý quan tâm và bảo tồn để giữ được nguyên vẹn giá trị cốt lõi vốn có của nó.


Ngôi biệt thự số 28D Điện Biên Phủ được giữ gìn khá nguyên vẹn.


Hai căn biệt thự sinh đôi trên phố Ngô Quyền đã được trùng tu một phần.


Nhiều căn biệt thự trở thành cơ quan Nhà nước cũng được gìn giữ khá nguyên vẹn.


Ngôi biệt thự số 51 Trần Hưng Đạo vẫn được sử dụng làm trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.


Một số biệt thự cũng đang được quây tôn để trùng tu, sửa chữa.

Nghịch lý ở chỗ, nhiều chuyên gia đánh giá: Việc bảo tồn các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội chính là bảo tồn lịch sử. Kiến trúc Pháp thể hiện sự đa dạng của văn hóa và sự phát triển mối giao thoa văn hóa Đông – Tây chính là di sản không phải Thủ đô nào cũng có được trên thế giới. Dẫu vậy, những di sản trân quý này đang bị xem nhẹ, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Không chỉ có những công trình lớn như Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, khách sạn Metropole… mà còn có hàng trăm căn biệt thự là nơi sinh sống và làm việc của người dân. Tất cả đều được coi là di sản kiến trúc đặc biệt cần được gìn giữ, bảo tồn. Nhưng việc bảo tồn này ngày càng trở nên khó khăn trước dòng chảy cuồn cuộn của đời sống đô thị hiện đại.

Diệu Anh – Vũ Trung

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo