Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Kiến trúc Khám phá kiểu nhà bát dần của giới trung lưu Nam Bộ xưa

Khám phá kiểu nhà bát dần của giới trung lưu Nam Bộ xưa

Viết email In

Bát dần là kiến trúc nhà sàn đặc sản của tầng lớp trung lưu Nam Bộ xưa, vừa đảm bảo khô ráo mùa mưa, vừa thông khí, thoáng gió vào mùa nắng.

Bát dần là một trong những kiến trúc nhà ở được giới trung lưu vùng đầu nguồn sông Cửu Long thời xưa ưa thích. Nhà được xây dựng theo kiểu sàn, vật liệu chính là gỗ danh mộc, mái lợp ngói.


Nhà Bát dần trong di tích làng Hoa An xưa. Ảnh: LT

Bát dần là danh xưng về kiến trúc nhà ở được gọi theo kết cấu kỹ thuật đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trên cơ sở cách tân, hợp lý hóa kết cấu kỹ thuật nhà rường ở Bắc, Trung bộ vào điều kiện địa lý, khí hậu đặc thù. Vì thế, bên cạnh những điểm tương đồng, nhà Bát dần có những điểm dị biệt. Nổi bật nhất là yếu tố kết cấu nhà có “8 đấm, 8 quyết”, tức 8 cột đấm và 8 kèo quyết.


Sàn thấp, thang dẫn lên được thiết kế bên hông để tránh chạm vào điều kỵ “xuyên tâm“. Ảnh: LT

Vì thế, nhìn bên ngoài vào, nhà rất quy mô, việc xây dựng rất tốn kém, cho dù về mặt bằng, nó cũng chỉ là loại nhà ba gian hai chái hoặc năm gian hai chái...

Khác với nhà sàn cao chân của giới bình dân, được cất vội trên nền đất thấp, với mục đích tránh ngập vào mùa nước nổi, Bát dần được xây cất trên nền đất đã được tôn cao nên hệ thống trụ sàn chỉ thiết kế độ cao đủ đảm bảo khô ráo vào mùa mưa và thông khí, thoáng gió vào mùa nắng, như một chỉ báo gia thế “có của ăn, của để” của chủ nhà.


Hàng ba thoáng rộng với bộ bàn tiếp khách. Ảnh: LT


Mặt tiền nhà được gia chủ quan tâm đầu tư nhiều họa tiết... Ảnh: LT

Tùy theo nhu cầu thực tế cũng như ý thích của gia chủ mà nhà Bát Dần được thiết kế theo mô hình một hoặc ba gian, nhưng nhất thiết hệ thống cột, trụ phải bằng danh mộc, to, chắc, tương xứng với quy mô mái ngói bên trên. Nhà phải có khoảng sân rộng để tạo khoảng bình yên cho ngôi nhà với con lộ công cộng phía trước.


Bàn thờ thông tiên trước sân nhà. Ảnh: LT

Ở gần cuối sân, nơi tiếp giáp với đường đi, có bàn thờ thông thiên và chùm cây cho hoa dùng vào việc thờ cúng, thường là bông trang. Bên hông nhà có mái chái, dùng làm nơi che mưa, tránh nắng tạt vào và cũng là lối vô nhà từ hai bên hông. Giữa hàng ba ngôi nhà, là một bàn tròn để gia chủ ngồi uống trà, tiếp khách thông thường.


Trên mái ngói, chân tượng cũng được cách điệu với những hình khối tạo cho ngôi nhà nét riêng. Ảnh: LT

Gian giữa phía trong là bàn thờ ông bà, phía ngoài là bộ trường kỷ hoặc bàn dài tiếp khách quý, hoặc để tiếp sui gia ngày rước dâu, đón rể...

Hai cửa buồng thông vô hai gian bên là nơi ngủ của gia đình. Gian bếp thường được cất bằng cây tạp, lợp lá, tách biệt với gian nhà chính, để đảm bảo không ảnh hưởng mùi nấu nướng cho mọi thành viên trong gia đình...


Nhà bếp được cất tách biệt với gian chính. Ảnh: LT

Những căn nhà xưa đang thu hẹp bởi sự tàn phá của thời gian, những căn nhà mới rất khó được mọc lên bởi sự bất tiện và tốn kém của vật liệu gỗ... kiến trúc nhà Bát dần đang hiếm dần trên vùng đất khai sinh ra nó.

Để giúp giới trẻ nhận diện và thấu hiểu kiến trúc tiền nhân, tỉnh Đồng Tháp đã cho phục dựng nhà Bát dần ngay tại khu di tích làng Hòa An xưa nằm trong khuôn viên Di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP. Cao Lãnh).

Lục Tùng

(Lao Động)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo