Nương vào thiên nhiên

Thứ bảy, 18 Tháng 4 2020 09:16 Kiến trúc & Đời sống
In

Với một địa điểm, với môi trường, cảnh quan và không gian chứa đựng nó. Nương vào thiên nhiên, gắn kết với thiên nhiên, giao hòa cùng thiên nhiên không chỉ làm tăng giá trị cho công trình kiến trúc về mặt thẩm mỹ mà còn tạo nên những giá trị công năng bền vững lâu dài.


 
1. Hà Nội có Hồ Gươm, giữa hồ có một kiến trúc nhỏ nằm trên một cái cồn nhỏ. Kiến trúc ấy xưa nay vẫn được gọi là Tháp Rùa. Cho đến bây giờ người ta vẫn tranh luận với nhau về nguồn gốc sự ra đời của Tháp Rùa, và tranh luận cả chuyện Tháp Rùa xấu hay đẹp. Những kiến giải phù hợp về lịch sử và khoa học nhất lại hình như không nằm trong mong đợi của số đông, bởi nó ít tính văn hóa, văn hiến tương xứng với tầm vóc của Hồ Gươm nói riêng và thủ đô nói chung. Thế nhưng bao nhiêu năm nay, chính Tháp Rùa lại là hình ảnh quen thuộc và tiêu biểu nhất gắn liền với Hồ Gươm và thủ đô Hà Nội. Tháp Rùa là một điểm nhấn xinh xắn, là một cái gì đó không thể thiếu của Hồ Gươm. Thậm chí sau khi biết nguồn gốc của Tháp Rùa, có những ý kiến cực đoan cho rằng cần phải… phá Tháp Rùa; thì cũng không mấy ai hưởng ứng, đồng tình. Chả cần biện luận, hay biện chứng gì cao siêu, có người chỉ nói đơn giản rằng: thử tưởng tượng một buổi sáng đẹp trời, ra Hồ Gươm mà không thấy Tháp Rùa ở vị trí đó, thì Hồ Gươm sẽ ra sao?
Trong cuốn Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (NXB Hà Nội, 2009), tác giả - nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, đã viết trong chương 3, về Tháp Rùa như sau: “Ngọn tháp này không có lịch sử vẻ vang, không có giá trị kiến trúc song đã thành một biểu trưng của Hồ Gươm, và hơn thế, của cả Hà Nội…”. Quả vậy, thực sự rất ít người có thể mô tả (tương đối) chính xác kiến trúc Tháp Rùa như thế nào, cao mấy tầng, có mấy cửa. Nhưng chỉ nhìn trên tranh, trên ảnh, dù lại lẩn khuất trong sương hay run rẩy dưới bóng nước, một em bé cũng nhận ra được Tháp Rùa. Tháp Rùa đẹp vì gần gũi, mà lại xa vời; thực mà ảo. Tháp Rùa đẹp cùng Hồ Gươm bởi một lý do cụ thể về mặt chuyên môn quy hoạch - kiến trúc - cảnh quan: đó là vị trí, hình dáng kiến trúc và kích thước hợp lý, tạo nên một tỷ lệ tương quan hài hòa của ngọn tháp với Hồ Gươm và cảnh quan xung quanh hồ. Lý do này là đúng và có lẽ là duy nhất để ngọn tháp có thể tồn tại và in sâu vào tâm hồn Hà Nội hơn một thế kỷ qua.
Tháp Rùa và Hồ Gươm, chỉ là một ví dụ nhỏ khởi đầu rất ngẫu nhiên của người viết, có thể là cảm tính xuất phát từ tình yêu Hà Nội. Nhưng chắc chắn rằng sự giao hòa giữa kiến trúc và tự nhiên, thiên nhiên không phải, không thể là điều ngẫu nhiên để tạo nên những giá trị tuyệt vời đến vậy.

 
2. Thuở còn ngồi trên ghế giảng đường trường kiến trúc, những kiến trúc sư tương lai khi vỡ vạc về kiến thức và lịch sử kiến trúc thế giới cũng đều biết tới một công trình - tuy nhỏ nhưng được coi là một kiệt tác của kiến trúc nhân loại trong thế kỷ 20. Đó là công trình “Biệt thự trên thác” (còn gọi là biệt thự Kaufman) của kiến trúc sư người Mỹ Frank Lloyd Wright. Đã có quá nhiều lời ca ngợi, tôn vinh công trình đặc sắc có một không hai này. Giá trị đó không được tạo nên bởi đường nét kiến trúc ấn tượng, cũng không phải là những trang trí tinh xảo, vật liệu đặc biệt; lại càng không phải ở kích thước, quy mô kỳ vĩ lớn lao. Có thể nói đơn giản và ngắn gọn về công trình này là: giá trị kiến trúc và giá trị thiên nhiên hòa làm một. Công trình là một bản hòa ca với thiên nhiên trong một điều kiện địa hình đặc biệt. Ở đó dường như giới hạn, sự ngăn cách không gian bị xóa nhòa. “Tòa nhà rất giàu chất thơ và chất trữ tình, đã thu được cả tiếng suối reo và tiếng lá rừng vào trong nội thất…” (Theo Nhận diện kiến trúc đương đại phương Tây - PGS.KTS Đặng Thái Hoàng, NXB Khoa học kỹ thuật, 2001). Nếu như câu chuyện Tháp Rùa có màu sắc của huyền sử và mang tính dân gian thì công trình “Biệt thự trên thác” lại là những đường nét rõ ràng, khúc chiết của thời hiện đại, của khoa học kỹ thuật và tôn vinh giá trị sáng tạo của kiến trúc sư. Đó cũng là một sự chủ đích đầy tính nhân văn chứ không phải là một chuyện có tính ngẫu nhiên hay do hoàn cảnh lịch sử.
Cho đến bây giờ, công trình “Biệt thự trên thác” vẫn là một kiến trúc hoàn mỹ mà con người đã tạo nên cùng thiên nhiên; là sự trân trọng, ngưỡng mộ, khao khát của cả những sinh viên kiến trúc tới cả những kiến trúc sư đã hành nghề. Có lẽ, trong tâm tưởng và mơ ước của bao kiến trúc sư đã thiết kế cả trăm công trình, cả chục cao ốc “to lớn” trong đô thị; họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để có cơ hội được làm và làm được một kiến trúc nhỏ như “Biệt thự trên thác”. Cho dù chỉ là một ngôi nhà, một công trình nhỏ nhưng “Biệt thự trên thác” đã góp phần làm nên tên tuổi của Frank Lloyd Wright, đưa ông tới vị trí bậc thầy của kiến trúc hiện đại thế giới, một kiến trúc sư vĩ đại của thế kỷ 20.


3.
Khi bắt đầu triển khai lập một dự án, hay thiết kế công trình, công việc đầu tiên bao giờ cũng là khảo sát hiện trạng, đánh giá các điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường… Đó là một việc làm bắt buộc vừa có tính chuyên môn vừa có tính pháp lý. Một công trình kiến trúc đơn lẻ, một cụm công trình, một quần thể công trình hay cả một đô thị cũng phải được làm trên cơ sở ấy. Kiến trúc không tách rời được thiên nhiên và các điều kiện tự nhiên. Có những điều kiện tự nhiên có thể tận dụng hay cải tạo, nhưng cũng có những thứ mà kiến trúc phải nương theo. Xin được nói rằng kiến trúc “gần gũi với thiên nhiên”, “giao hòa với thiên nhiên”… không phải chỉ là xung quanh công trình… trồng nhiều cây xanh. Thiên nhiên to lớn, vĩ đại hơn nhiều. Kiến trúc giao hòa cùng thiên nhiên không chỉ đơn thuần ở góc độ cảnh quan, cái đẹp cảm nhận về thị giác; mà còn là sự thích ứng để tồn tại. Bởi thiên nhiên đẹp, hào phóng nhưng cũng khắc nghiệt, dữ dội. Thiên nhiên không chỉ có mỗi cây xanh; thiên nhiên còn là rừng, núi đồi, là sông suối, là biển… Thiên nhiên là nắng, là gió, mưa, là nhiệt độ, độ ẩm, là nền địa chất dưới công trình… Thiên nhiên là những thứ có thể nhìn thấy và không nhìn thấy. Giao hòa với thiên nhiên là nghệ thuật sống của con người mà kiến trúc là một phương tiện, phương thức giao tiếp, ứng xử.
Lịch sử kiến trúc có nhiều minh chứng cho những giá trị kiến trúc - thiên nhiên ấy. Kinh thành Phú Xuân (kinh thành Huế) được khởi dựng từ đầu thế kỷ 19 được coi là một tuyệt tác kiến trúc đô thị của thời phong kiến. Các nhà quy hoạch xây dựng thời Nguyễn đã dựa vào những điều kiện tự nhiên đắc địa, đặc biệt là dòng sông Hương để dựng nên một quần thể công trình độc đáo, bền vững. Sau này người Pháp tiếp tục xây dựng ở nơi đây họ đã lùi về bờ nam để phát triển thành phố mới, tôn trọng kinh thành phía bắc, và quy hoạch hiện đại cũng vẫn “nương” theo dòng sông Hương, lấy dòng sông làm yếu tố chủ đạo của một bố cục nhằm đạt tới sự giao hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, giữa mới và cũ. Nhiều đô thị khác có thể dù nhỏ nhưng lại có giá trị cao về cảnh quan nhờ biết ứng xử với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên và nương vào thiên nhiên, như Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa…
Cần phải nương vào thiên nhiên để giao hòa cùng thiên nhiên; đó là việc khai thác các yếu tố tự nhiên thuận lợi, tránh cái bất lợi. Ở quy mô đô thị, thì điều này cực kỳ quan trọng và có thể quyết định tới sự phát triển trong tương lai, sự bền vững và cả số phận của đô thị đó. Thiên nhiên không chỉ là chuyện nắng nhẹ, gió mát, cây xanh. Thiên nhiên còn có cả bão, lũ, triều cường, sóng thần… Đô thị không chỉ là tập hợp các công trình kiến trúc, mà còn có cả giao thông, thoát nước, môi trường… Trong những năm đầu của thế kỷ 21 này, chúng ta đang nói rất nhiều về việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến con người, và thấy rất rõ rằng chúng ta đã không tôn trọng thiên nhiên…


Đà Lạt


4.
Tại Diễn đàn kiến trúc sư châu Á lần thứ 16 (ARCASIA Forum 16) được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, một diễn giả - nhà phê bình mỹ thuật đã dũng cảm đưa ra nhận định: “Có dịp đi đường bộ qua một loạt đô thị mới ở miền Bắc, miền Trung cũng như miền Nam ai cũng thấy là không thể phân biệt được nữa…Các đô thị phát triển bất chấp các đặc trưng và truyền thống làm tiêu tán nhiều giá trị địa – văn hoá địa phương…”. Đó là thực trạng phát triển các đô thị Việt Nam hiện nay, cả những đô thị mới xây dựng và những đô thị cũ được phát triển - mở rộng: phi bản sắc. Bản sắc ấy là gì nếu không phải là các giá trị địa - văn hóa và các yếu tố tự nhiên? Không thể quy hoạch na ná như nhau, đặt các công trình theo mẫu có sẵn vào những vùng đất khác nhau có địa hình khác nhau, khí hậu khác nhau và văn hóa cũng khác nhau nốt. Và nếu xét một cách sâu xa, những đặc thù văn hóa cũng được khởi tạo từ những điều kiện tự nhiên. Nhưng việc các đô thị phi bản sắc tràn lan đang là một thực tại không thể phủ nhận. Tất nhiên trong một bối cảnh lớn đó, các công trình nhỏ lẻ cũng không ngoại lệ. Hà Nội là thành phố của ao hồ, Sài Gòn thì kênh rạch chằng chịt, Đà Lạt là thành phố cao nguyên với núi đồi và những con đường dốc, Nha Trang là thành phố biển…. Địa hình, địa chất, thủy văn…; không gian, cảnh quan thiên nhiên miền bắc - trung - nam cũng khác nhau, không ở đâu giống ở đâu, không chỗ nào giống chỗ nào…
Những giá trị thiên nhiên, tự nhiên có thể hiện hữu rất dễ nhận ra, nhưng cũng có thể ẩn giấu. Dường như trong công cuộc ào ạt xây dựng đô thị và công trình bây giờ, người ta không thèm để ý đến; không tìm kiếm và khơi gợi những giá trị tiềm ẩn của thiên nhiên, để nương vào đó mà xây dựng và phát triển; còn những giá trị hiện hữu thì liên tục bị hủy hoại - để đạt được những thứ phù phiếm rẻ tiền trước mắt. Người ta sẵn sàng đốn thông ở Đà Lạt, sẵn sàng cạp bờ lấn đất, làm tổn thương những dòng sông, sẵn sàng san lấp kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng, đất tự nhiên; sẵn sàng làm tất cả - kể cả xẻ núi, bạt đồi… để tạo ra cái gọi là “mặt bằng xây dựng” theo những quy hoạch kỳ lạ nào đó. Trở lại câu chuyện ban đầu: nếu một buổi sáng ra Hồ Gươm không nhìn thấy Tháp Rùa? Đó là chuyện có thể buồn nhưng chưa nghiêm trọng lắm! Nhưng nếu dòng sông Hương nổi giận, hoặc… chết (vì ô nhiễm) thì Huế cũng không còn là Huế; nếu thông Đà Lạt bị đốn hết thì Đà Lạt sẽ còn gì? Đó là bi kịch không ngoài sức tưởng tượng, thậm chí cần phải có kịch bản để mà ứng xử, đối phó.

Một kiến trúc sư đã cho rằng: “Một thành phố không tiếng chim, không sông hồ, không có những công viên cây xanh yên tĩnh là thành phố bi kịch. Cho nên, mỗi khi chúng ta san lấp để sa mạc hoá đô thị là lúc chúng ta đang “sa mạc hoá” tâm hồn của con người…”
Chúng ta đang hủy hoại thiên nhiên - những thứ vô giá, rồi có chăng ngày nào đó chúng ta lại hò nhau đào sông, đào hồ, đắp núi… để làm thiên nhiên… nhân tạo?
Có thể, chuyện này nói ra ai cũng biết, nhưng tôi vẫn cứ nghĩ rằng nói nữa cũng không thừa!

KTS Nguyễn Trần Đức Anh / ảnh: Ashui.com
 
(Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 99)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: